Hai khu du lịch ở Bắc Vân Phong được duyệt quy hoạch 1/2000
Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn và Khu du lịch núi Khải Lương rộng hơn 14.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vừa được duyệt quy hoạch 1/2.000.
Một góc Khu kinh tế Vân Phong |
Hai nghị quyết phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng của Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn (phân khu 1) và Khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2) vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua.
Cả hai phân khu nằm ở Bắc Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Trong đó, Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn, xã Vạn Thạnh, diện tích 10.000 ha được quy hoạch là khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp, công viên cây xanh chuyên đề, vui chơi giải trí. Diện tích đất liền gần 5.000 ha, còn lại là vùng mặt nước biển. Hơn 1.400 ha được quy hoạch xây các khu chức năng. 3.460 ha đất dành cho nông nghiệp và chức năng khác. Dân số dự kiến khoảng 8.000 người.
Khu du lịch núi Khải Lương, xã Vạn Thạnh, diện tích hơn 4.000 ha. Trong đó, đất liền 1.865 ha (có 408 ha xây dựng các khu chức năng), còn lại là vùng mặt nước biển. Khu vực này được quy hoạch là khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, dân số dự kiến 5.000 người.
Hiện, Khu kinh tế Vân Phong đã có 4/19 phân khu được phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000. Ngoài ra, còn có Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn (phân khu 3) và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (phân khu 8).
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực Bắc Vân Phong sẽ gồm khu du lịch cao cấp biệt lập trên núi và ven biển kết hợp tham quan, trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, các tuyến cáp treo liên kết với đảo Hòn Lớn và đường hầm qua núi liên kết với phía Nam núi Khải Lương. Đặc biệt, đây sẽ là khu vực có hoạt động vui chơi giải trí có thưởng (casino).
Các nghị quyết về phê duyệt đồ án quy hoạch trên tại Khu kinh tế Vân Phong tạo tiền đề để UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn tất các thủ tục pháp lý, để tiến hành thu hút các dự án lớn, tạo động lực phát triển cho địa phương và khu vực liên vùng.
Vietcombank bán vàng online
Từ 12/6, khách hàng mua vàng miếng SJC tại Vietcombank đăng ký mua trực tuyến, sau đó tới Ngân hàng nhận vàng, thay vì tới điểm bán xếp hàng chờ lấy số.
Khách hàng ngồi chờ tới lượt mua vàng tại Vietcombank Láng Hạ (Hà Nội) |
Dịch vụ bán vàng online được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai từ ngày 12/6, nhằm giải quyết tình trạng khách phải xếp hàng chờ lấy số, mua vàng tại các điểm bán của nhà băng này.
Theo thông báo của Vietcombank, thời gian để khách hàng đăng ký mua vàng miếng qua website từ 9h sáng hàng ngày. Người mua sẽ thanh toán, nhận vàng tại các điểm bán từ 13h30 - 16h.
Đến nay, Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong số 4 ngân hàng quốc doanh bán vàng bình ổn, triển khai dịch vụ bán trực tuyến này. Các ngân hàng còn lại hiện vẫn áp dụng biện pháp lấy số trực tiếp mỗi ngày vào buổi sáng và giao dịch từ 13h30.
Từ ngày 3/6 - thời điểm các ngân hàng quốc doanh và SJC bán vàng cho người dân, tình trạng hàng dài người xếp hàng chờ lấy số diễn ra. Điều này là do mỗi điểm bán vàng của các nhà băng chỉ nhận từ 20 - 40 khách mua một ngày, trong khi thời gian giao dịch ít, quy trình xác minh với những khách mua số lượng lớn mất nhiều thời gian. Vì thế, không ít khách hàng túc trực từ 4 - 5h sáng để chờ lấy số.
Vietcombank cho rằng, dịch vụ đặt mua trực tuyến, khách hàng không mất thời gian xếp hàng chờ lấy số, Ngân hàng sử dụng thông tin đăng ký để giao dịch, nên tiết kiệm thời gian. Ngân hàng cũng cam kết bảo mật toàn bộ thông tin khách hàng và chỉ sử dụng cho giao dịch mua vàng miếng.
Đồng Nai làm dự án du lịch dưới tán rừng đầu tiên
Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng đầu tiên ở Đồng Nai sẽ được thực hiện bên sông La Ngà với kinh phí 2.800 tỷ đồng.
Khu vực thác Mai trên sông La Ngà và rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn ở huyện Định Quán, Đồng Nai |
Ngày 12/6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Đồng Nai, ký hợp đồng cho thuê 480 ha môi trường rừng tại huyện Định Quán cho Công ty CP The Coi Đồng Nai để thực hiện Dự án du lịch dưới tán rừng trong giai đoạn 2024 - 2030.
Dự án sẽ được thực hiện tại 10 vị trí rừng trên tổng diện tích khoảng 42 ha, với điểm nhấn là khu vực Bàu nước sôi (nóng từ 50 đến 600 độ C), quần thể đá tại khu vực thác Mai, thác Chín Chì, Hang Dơi và nhiều điểm thác, sông, suối. Các hạng mục được triển khai phục vụ du lịch gồm nhà nghỉ, khu vực tắm nước nóng, nhà hàng, đường nội bộ, bãi giữ xe... với tổng kinh phí 2.800 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đây là đề án du lịch sinh thái dưới tán rừng (thuê môi trường rừng, đất trống, trảng cỏ làm du lịch, không tác động đến hệ sinh thái) đầu tiên của Đồng Nai được phê duyệt, có nhà đầu tư, nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên rừng.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong năm đầu tiên hoạt động vào 2025, Dự án dự kiến thu hút 330.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng. Đến năm 2030, Dự án thu hút 730.000 lượt khách, doanh thu đạt 460 tỷ đồng. Đề án cũng được kỳ vọng tạo việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương khi hoàn thiện vào năm 2030.
Rừng phòng hộ Tân Phú rộng 18.000 ha nằm ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán với nhiều sinh thái như rừng kín thường xanh cây lá rộng, rừng tre nứa, rừng thứ sinh hỗn giao tre nứa với cây lá rộng, trảng cỏ, cây bụi. Khu vực rừng phòng hộ Tân Phú còn có hệ thống sông La Ngà chảy gấp khúc, quanh co với nhiều ghềnh đá tạo nên cảnh quan kỳ vỹ.
Đến nay, đã giải ngân 1.144 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Qua tổng hợp, Bộ Xây dựng cho biết, các ngân hàng thương mại đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà xã hội số tiền là 1.144 tỷ đồng, gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án…
Các ngân hàng thương mại đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà xã hội số tiền là 1.144 tỷ đồng |
Báo cáo tình hình triển khai, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng thông tin, đến nay cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 418 nghìn căn hộ (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm tháng 3/2024). Trong đó, ghi nhận 75 dự án đã hoàn thành với số lượng gần 40 nghìn căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với khoảng hơn 115 nghìn căn; còn lại 300 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô hơn 263 nghìn căn.
Ngoài ra, về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), thì tới nay, thêm TPbank và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng…
Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp, các ngân hàng thương mại đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà xã hội số tiền là 1.144 tỷ đồng, bao gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.
Lâm Đồng cần 8.600 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư 2 dự án cao tốc
Để thực hiện 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng cần khoảng 8.600 tỷ đồng để bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ nối vào cao tốc Liên Khương - Prenn |
Ngày 12/6, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua tính toán, dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư của 2 dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương khoảng 2.821 tỷ đồng.
Với Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án) phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất dự kiến thu hồi đất khoảng 1.758 hộ, tương ứng với khoảng 5.043 người sử dụng đất bị ảnh hưởng; trong đó có 301 hộ phải di dời.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc tái định cư của Dự án, 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai cũng đã dự kiến các quỹ đất và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư tại các địa phương.
Tổng diện tích cần thu hồi tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai 500,6 ha (gồm 5,6 ha diện tích đất ở, 434,7 ha diện tích đất nông nghiệp, 0,1 ha diện tích đất giáo dục và diện tích đất phi nông nghiệp khác là 60,2 ha).
Với Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Công ty CP đầu tư Tập đoàn Phương Trang (đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án) đã và đang phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan thống kê tổng diện tích cần thu hồi khoảng 618,9 ha. Trong đó, TP. Bảo Lộc khoảng 66,73 ha; huyện Bảo Lâm khoảng 44,04 ha; huyện Di Linh khoảng 292,54 ha; huyện Đức Trọng khoảng 215,59 ha. Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khoảng 5.779 tỷ đồng. Kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Kiến nghị nhà riêng lẻ ở TP.HCM được xây tầng hầm
Nhà của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng tối đa một tầng hầm nhưng không dùng làm phòng ở, theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.
Căn hộ chung cư, nhà phố ở TP. Thủ Đức |
Nội dung được Sở Quy hoạch - Kiến trúc gửi UBND TP.HCM để báo cáo Bộ Xây dựng về quản lý quy hoạch không gian xây dựng ngầm trên địa bàn.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh Bộ Xây dựng đã "tuýt còi" hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ trên địa bàn Thành phố. Điều này khiến quận, huyện dừng cấp phép công trình nhà ở có tầng hầm.
Tại báo cáo này, Sở đề nghị bổ sung nội dung quản lý xây dựng công trình có tầng hầm trong quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM và quản lý quy hoạch không gian ngầm cho các đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000). Việc này nhằm làm cơ sở giải quyết cấp giấy phép xây dựng công trình có tầng hầm hoặc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch tổng mặt bằng.
Theo đó, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân sẽ được phép xây tối đa một tầng hầm để xe hoặc kỹ thuật tức không bố trí phòng để ở và chức năng khác.
Công trình xây dựng thuộc trường hợp phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được xây tối đa một tầng hầm trên cơ sở có ý kiến thống nhất của các sở ngành liên quan.
Với dự án có từ hai tầng hầm trở lên, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng phải phù hợp với quy định quản lý quy hoạch không gian ngầm của đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 hoặc đồ án quy hoạch chung xây dựng không gian ngầm TP.HCM, phù hợp Nghị định 39 về quản lý không gian ngầm đô thị…
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, ngoài nhu cầu xây dựng tầng hầm tại các khu trung tâm thương mại, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật..., người dân trên địa bàn có nhu cầu xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ có tầng hầm là rất lớn, đặc biệt các quận trung tâm Thành phố. Từ 2004 đến quý 1 năm nay, Thành phố đã cấp giấy phép 1.600 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ có tầng hầm.
Khánh Hoà cho lặn biển tại 4 khu vực trong vịnh Nha Trang
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho thí điểm lặn biển thể thao giải trí tại bốn khu vực ở vịnh Nha Trang trong một năm để phục vụ người dân, du khách.
Người dân lặn biển ở khu bảo tồn Hòn Mun trước thời điểm cấm lặn |
Phương án cho tổ chức lặn biển trong vịnh Nha Trang vừa được UBND tỉnh Khánh Hoà đồng ý sau cuộc họp với các sở ngành liên quan, ngày 12/6. Việc thí điểm lặn biển thực hiện trong một năm (kể từ khi cấp phép cho các doanh nghiệp), sau đó, địa phương sẽ đánh giá và có phương án tiếp theo.
Bốn khu vực cho tổ chức lặn biển là phía Bắc đảo Hòn Rùa, phường Vĩnh Hòa; khu vực thả rạn nhân tạo tại phường Vĩnh Hòa; phía Đông Bắc đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên; và vùng nước giáp ranh giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi (phía Đông đảo Trí Nguyên).
Theo Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, các rạn san hô, hệ sinh thái tại những nơi này khá phong phú, đa dạng. Việc khai thác điểm lặn được cho sẽ không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và thuận lợi cho việc vận chuyển du khách khi đưa vào khai thác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu đề nghị, thành phố Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn chỉnh phương án, sau đó trình Tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó, nghiên cứu kỹ công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các tiêu chí chọn doanh nghiệp tổ chức lặn biển; xử nghiêm đơn vị tổ chức hoạt động lặn biển chưa được cấp phép; tiếp tục kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang.
Vịnh Nha Trang rộng gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển, xem đáy đại dương.
Tuy nhiên, gần đây san hô tại một số khu vực ở vịnh suy giảm nghiêm trọng, bị tẩy trắng. Do đó, từ tháng 6/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại khu vực Hòn Mun, để bảo vệ, phục hồi các rạn san hô và hệ sinh thái biển.