Bản tin thời sự sáng 13/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Đăk Lăk đề xuất làm đường kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Quảng Nam 2 lần bán đấu giá 1,3 triệu m3 cát nhưng không ai tham gia; Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt một loạt doanh nghiệp…

Đăk Lăk đề xuất làm đường kết nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án đường kết nối đại lộ ở Buôn Ma Thuột với cao tốc từ Khánh Hoà chạy lên, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, được địa phương kiến nghị đầu tư.

Đường Đông - Tây chạy qua TP Buôn Ma Thuột được đề xuất kết nối cao tốc chạy từ Khánh Hoà lên

Đường Đông - Tây chạy qua TP Buôn Ma Thuột được đề xuất kết nối cao tốc chạy từ Khánh Hoà lên

Đây là đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk.

Dự kiến đường này dài 5 km, rộng hơn 20 m, nối cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với đường Đông - Tây, Quốc lộ 27 và đường Đam San. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 789 tỷ đồng...

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117 km nối tỉnh Khánh Hòa - Đăk Lăk. Điểm đầu khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối giao đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Tổng mức đầu tư Dự án gần 22.000 tỷ đồng.

Còn đường Đông - Tây dài gần 7 km, nối sân bay Buôn Ma Thuột đi trung tâm thành phố, vốn hơn 1.200 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm ngoái. Dự án góp phần hình thành khu đô thị mới ở Buôn Ma Thuột, rút ngắn khoảng 7 km từ sân bay đi trung tâm thành phố.

Nếu được triển khai, dự án đường nối giúp liên kết các trung tâm kinh tế, chính trị, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên...

Quảng Nam 2 lần bán đấu giá 1,3 triệu m3 cát nhưng không ai tham gia

Tỉnh Quảng Nam đưa ra đấu giá hơn 1,3 triệu m3 cát 2 lần nhưng không có ai tham gia do giá khởi điểm cao, khối lượng cát đấu giá lớn.

Sau 3 năm triển khai đấu giá, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tiêu thụ được hơn 1,3 triệu m3 cát

Sau 3 năm triển khai đấu giá, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tiêu thụ được hơn 1,3 triệu m3 cát

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa ban hành thông báo kết luận của ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh tại cuộc họp bàn việc bán vật liệu cát sau nạo vét của Dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò - TP. Hội An.

Theo kết luận, ông Hồ Quang Bửu giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (gọi tắt là Ban Giao thông) tỉnh Quảng Nam tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá vật liệu cát sau nạo vét.

Cụ thể, khẩn trương rà soát lại các nội dung chưa phù hợp (nếu có) trong phương án đấu giá đã duyệt; nghiên cứu việc có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi.

Về giá khởi điểm, giao Ban Giao thông làm việc với đơn vị tư vấn khảo sát thị trường, xác định giá và ban hành chứng thư thẩm định giá khởi điểm đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành…

Đồng thời với việc tổ chức bán đấu giá, Ban Giao thông có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn có nhu cầu sử dụng cát sau nạo vét của dự án để phục vụ các công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, báo cáo UBND Tỉnh xem xét, quyết định.

Trước đó, ngày 7/7/2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án quản lý, thu hồi, bán đấu giá nguồn vật liệu sau nạo vét sông Cổ Cò. Trong đó, quy định đấu giá trọn gói toàn bộ khối lượng tập kết tại các bãi chứa sau khi nạo vét lòng sông, với tổng khối lượng hơn 1,39 triệu m3 cát; giá khởi điểm 144.000 đồng/m3.

Ngày 14/12/2022, Ban Giao thông đề nghị Sở Tài chính xem xét tổ chức họp Hội đồng thẩm định và đề xuất giá khởi điểm mới để tổ chức bán đấu giá lại, lý do qua 2 lần tổ chức đấu giá vào tháng 10/2022 và tháng 11/2022 nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia.

Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát sẽ phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng.

Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm vào ngày 25/5.

Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10%. Tức là, mỗi đông sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng thêm gần 6.000 tỷ, từ mức 58.100 tỷ đồng lên gần 64.000 tỷ đồng. Mức này tương đương gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành.

Sau đợt phát hành này, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, chỉ sau VPBank với 7,9 tỷ cổ phiếu.

Năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Hiện, Tập đoàn Hòa Phát đang dồn lực hoàn thành Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Dự án này khi vận hành sẽ nâng năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp lên hơn 14 triệu tấn một năm.

Đầu năm nay, tập đoàn này cũng quyết định đầu tư 3 dự án tại Phú Yên, gồm cảng biển, khu công nghiệp và khu liên hợp gang thép, với tổng vốn 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Riêng Dự án khu liên hợp gang thép khoảng 86.000 tỷ đồng, để sản xuất thép HRC chất lượng cao.

Hòa Phát, doanh nghiệp đứng top đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, mỗi năm sản xuất 8,5 triệu tấn thép thô. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, còn lại là cuộn cán nóng.

Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu và đạt 28% kế hoạch lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của "ông lớn" ngành thép gần 202.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt một loạt doanh nghiệp

Công ty TNHH Saigon Glory bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định, trong khi Công ty CP In Tổng hợp Bình Dương bị phạt 60 triệu đồng.

Công ty TNHH Saigon Glory bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định

Công ty TNHH Saigon Glory bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố thông tin theo quy định

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành một loạt quyết định xử phạt các doanh nghiệp do vi phạm công bố thông tin.

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Saigon Glory. Doanh nghiệp này bị phạt tiền 92,5 triệu đồng vì đã có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty TNHH Saigon Glory không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với các tài liệu: báo cáo tài chính bán niên năm 2023; tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023, tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên 2023.

Bên cạnh đó, Công ty gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho HNX không đúng thời hạn đối với các tài liệu: báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; báo cáo tài chính bán niên 2021; báo cáo tài chính năm 2021; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2021, tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021.

Saigon Glory là công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Bitexco. Công ty từng phát hành 10 lô lẻ trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng cho gần 4.000 trái chủ để thực hiện dự án The Spirit of Saigon.

Mới nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP In Tổng hợp Bình Dương.

Doanh nghiệp bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên trang thông tin điện tử của HNX các tài liệu: báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2022, báo cáo thường niên năm 2022. Công ty cũng bị phạt tiền 15 triệu đồng do không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty.

Ngày 13/5, khai trương tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo, chỉ mất hơn 4 giờ

Tàu cao tốc Thăng Long chở khách từ TP.HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ mất hơn 4 giờ, mỗi chuyến chở được hơn 1.000 khách.

Siêu tàu Thăng Long khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo

Siêu tàu Thăng Long khai thác tuyến TP.HCM - Côn Đảo

Ngày 12/5, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (nhà đầu tư) cho biết, tàu cao tốc Thăng Long có hải trình từ Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 13/5.

Đây là con tàu có sức chứa tới 1.017 hành khách với các trang thiết bị hiện đại. Với vận tốc lên tới 35 hải lý/h, trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì hành trình từ TP.HCM đi Côn Đảo chỉ mất hơn 4 giờ.

Tàu chạy 3 chuyến một tuần, xuất phát lúc 7h sáng từ Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đi Côn Đảo. Chiều từ Côn Đảo về TP.HCM xuất phát lúc 13h từ cảng Bến Đầm.

Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc cho biết, trước mắt sẽ bố trí xe trung chuyển từ Công viên 23 tháng 9 (Quận 1) khởi hành lúc 5h00 - 5h20 đi Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Trước đây, người dân TP.HCM muốn đi du lịch ở Côn Đảo chủ yếu bằng đường hàng không. Tuy nhiên, chỉ có 2 hãng hàng không khai thác đường bay này và chủ yếu là máy bay nhỏ chở được ít khách, giá vé đắt.

Làm hầm đi bộ trăm tỷ đồng kết nối 2 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng phương án làm hầm đi bộ kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3), mức đầu tư dự kiến khoảng 113 tỷ đồng.

Đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác vào tháng 7/2024

Đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác vào tháng 7/2024

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có báo cáo UBND Thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có Dự án xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Dự án Đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Sở GTVT Hà Nội cho biết đang nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình và quận Đống Đa.

Cơ quan này đề xuất thực hiện theo phương án 2: Xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Đi ga Cát Linh (tuyến số 2A): lối lên xuống (thang bộ, thang cuốn và thang máy). Đi ga S10 (tuyến số 3): kết nối với tầng trung chuyển ga S10. Đây là dự án nhóm C, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 113 tỷ đồng.

Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội đi vào hoạt động, bắt đầu từ tháng 11/2021 sau 10 năm xây dựng.

Tuyến đường đi trên cao, dài 13 km, có 12 nhà ga. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác 35 km/h.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến dự kiến là năm 2027, đoạn trên cao tháng 7/2024.

Tiến độ tổng thể toàn tuyến hiện đạt trên 77%, trong đó đoạn trên cao đạt hơn 99%, đoạn ngầm đạt 37%.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam

Trong 3 tháng đầu năm, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc về Việt Nam đạt hơn 5.800 chiếc, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý đầu năm Việt Nam nhập khẩu 32.272 ôtô nguyên chiếc các loại

Trong quý đầu năm Việt Nam nhập khẩu 32.272 ôtô nguyên chiếc các loại

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu gần 32.300 ô tô nguyên chiếc các loại trong quý đầu năm nay, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt hơn 26.600 chiếc, chiếm tới 83% tổng lượng ôtô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam, nhưng giảm 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ô tô nguyên chiếc các loại nhập về Việt Nam trong quý I chủ yếu có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý đầu năm tăng đột biến.

Cụ thể, quý I cả nước nhập khẩu hơn 5.800 ôtô nguyên chiếc từ Trung Quốc, chiếm 18% tổng lượng xe nhập khẩu của cả nước và tăng tới 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt gần 177 triệu USD.

Ngược với đà tăng mạnh từ Trung Quốc, lượng xe nhập khẩu từ 2 thị trường dẫn đầu là Indonesia và Thái Lan lại chứng kiến đà suy giảm. Quý I, Indonesia dẫn đầu với gần 14.800 chiếc, giảm hơn 2% so với cùng kỳ 2023, kim ngạch đạt hơn 213 triệu USD. Thái Lan đứng thứ 2 với 10.420 xe, kim ngạch 204 triệu USD, chiếm 32,3% về lượng và chiếm 30,2% kim ngạch.

Đáng nói, mặc dù bị bỏ xa về số lượng nhưng ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam lại chỉ thấp hơn 13 - 17% về kim ngạch so với ôtô nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan.

Thực tế, thời gian gần đây, thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam đang đón nhận thêm một số thương hiệu ôtô Trung Quốc. BYD - hãng xe xanh lớn nhất thế giới - cũng xác nhận sẽ bắt đầu chinh phục thị trường ô tô Việt Nam từ tháng 6.

Động thái này nhiều khả năng sẽ là sự khởi đầu cho làn sóng ô tô Trung Quốc đổ bộ thị trường xe Việt trong thời gian sắp tới với hàng loạt thương hiệu như Tank (thuộc Great Wall Motors) hay Omoda và Jaecoo của Tập đoàn Chery.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư