Bản tin thời sự sáng 13/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi động tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; 22 tuyến đón khách cố định ở bến xe Miền Đông mới từ ngày 13/3; tốc độ ôtô trên cầu Thanh Trì giảm còn 60km/h; đề xuất xây dựng sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ…

Khởi động tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Hai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giúp phương tiện di chuyển từ TP.HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Đây là một trong ba dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Dự án Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại km59+594 thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Tuyến đường dài khoảng 59 km, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 6.619 tỷ đồng và được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 1.300 tỷ đồng. Nếu được thông qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn nhà đầu tư từ quý 4 năm nay, khởi công quý 4/2022 và hoàn thành vào quý 1/2025.

Tỉnh Lâm Đồng cũng vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Đây là dự án thứ hai thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Theo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường dài 67 km, đi qua tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng.

Dự án có quy mô nền đường rộng 22 m với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, dải an toàn, dài phân cách. Giai đoạn một đến năm 2025, đầu tư nền đường rộng 13,5 m với 2 làn xe, giai đoạn 2 sẽ mở rộng đường 22 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước và địa phương là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 9.908 tỷ đồng.

22 tuyến đón khách cố định ở bến xe Miền Đông mới từ ngày 13/3

22 tuyến xe đi các tỉnh thành từ Quảng Trị ra Bắc phải đón trả khách cố định ở bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức, sau 5 tháng tạm hoạt động ở bến cũ.

Bến xe Miền Đông mới

Bến xe Miền Đông mới

Những tuyến này nằm trong 71 tuyến xe thuộc diện dời từ bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, qua bến mới đưa vào khai thác hồi tháng 10 năm ngoái. Để bến xe mới phát huy hiệu quả khi có nhiều tuyến đón khách cố định hoạt động, Sở GTVT hiện đề nghị Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải TNHH MTV (Samco - chủ đầu tư) thông tin cho doanh nghiệp vận tải về việc hết thời gian hoạt động ở bến cũ.

Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác sau gần 4 năm thi công. Công trình xây dựng trên diện tích 16 ha thuộc TP. Thủ Đức và một phần TP. Dĩ An, Bình Dương. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Sau khi dời 22 tuyến qua bến xe mới, bến cũ còn hơn 130 tuyến hoạt động chặng ngắn như đi khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Giai đoạn hai, sau khi địa điểm mới ổn định và xây dựng đồng bộ hạ tầng, các tuyến khác sẽ tiếp tục chuyển đến đây hoạt động.

Tốc độ ôtô trên cầu Thanh Trì giảm còn 60km/h

Hà Nội sẽ giảm tốc độ ôtô từ 80km/h xuống 60km/h và giữ nguyên dải phân cách để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì.

Cầu Thanh Trì luôn đông phương tiện qua lại

Cầu Thanh Trì luôn đông phương tiện qua lại

Làn trong cùng phục vụ xe máy, xe đạp và ôtô 9 chỗ trở xuống được giữ nguyên tốc độ 50 km/h. Việc phân luồng và thay đổi tốc độ trên cầu Thanh Trì áp dụng từ ngày 16/3.

Sở GTVT Hà Nội cho biết đơn vị sẽ lắp biển báo hướng dẫn giảm tốc độ với ôtô trên giá long môn tại hai đầu cầu Thanh Trì. Dải phân cách cứng trên cầu giữa làn ôtô và xe máy được giữ nguyên.

Cầu Thanh Trì đã được sửa chữa, thay thế phần lớn các khe co giãn. Mặt cầu cũng được nâng cấp, cải tạo thường xuyên. Tuy nhiên, cầu đang quá tải phương tiện qua lại. Theo công suất thiết kế, cầu phục vụ khoảng 15.000 xe mỗi ngày với tốc độ 80 km/h, đến nay đã tăng tới 123.000 xe (gấp 8 lần).

Ngoài giảm tốc độ, Sở GTVT Hà Nội giao các đơn vị phối hợp với cảnh sát giao thông theo dõi hiện trạng giao thông trên cầu Thanh Trì và các tuyến đường xung quanh để phát hiện các bất cập, đề xuất điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc thủ đô, cầu Thanh Trì dài hơn 3 km, thiết kế ba làn xe mỗi bên, nối quận Hoàng Mai với Long Biên. Trong đó, có một làn rộng 5, 2m dành cho xe ôtô dưới 9 chỗ và xe môtô, xe gắn chạy tốc độ tối đa 50 km/h; 2 làn ngoài cùng 3,75 m mỗi làn dành riêng cho ôtô lưu thông với vận tốc tối đa 80 km/h.

Đề xuất xây dựng sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ

Trong quy hoạch mạng lưới sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 thì cần có một sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ, TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất xây sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ

Sở GTVT TP.HCM đề xuất xây sân bay nhỏ ở khu đô thị Cần Giờ

Đấy là một trong những ý kiến đề xuất của Sở GTVT góp ý về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay vùng TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Sở GTVT kiến nghị đơn vị tư vấn thực hiện đồ án rà soát, xem xét tỉ lệ phân chia các phương thức vận tải để xác định thứ tự ưu tiên, từ đó xây dựng quy hoạch phù hợp.

Về quy hoạch mạng lưới sân bay, đại diện Sở GTVT TP.HCM đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ, sắp tới sẽ là khu đô thị Cần Giờ.

Đây cũng là một trong bốn khu đô thị mới của TP.HCM và có thể khu đô thị này sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội.

Theo TS Lương Hoài Nam, Chuyên gia giao thông, TP.HCM cần tính toán đến việc kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Do đó, việc có tuyến đường sắt kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành là vô cùng quan trọng và chúng ta cần tính toán để việc khai thác, kết nối hai sân bay được hiệu quả, thu hút người dân tham gia. Nếu cần đầu tư cho hệ thống sân bay thì khu đô thị Cần Giờ cũng cần thiết có một sân bay nhỏ để trực thăng, máy bay nhỏ dễ dàng di chuyển tới khu đô thị này trong tương lai.

Cần Thơ cho quán bar, vũ trường hoạt động trở lại

TP. Cần Thơ cho mở lại karaoke, massage, quán bar, vũ trường... từ ngày 13/3, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Một vũ trường ở quận Ninh Kiều đóng cửa nhiều ngày qua để phòng chống Covid-19

Một vũ trường ở quận Ninh Kiều đóng cửa nhiều ngày qua để phòng chống Covid-19

Trong công văn cho mở lại các dịch vụ không thiết yếu ban hành ngày 12/3, UBND TP. Cần Thơ giao Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Trước đó, khi Covid-19 tái bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, để tập trung phòng chống dịch, UBND TP. Cần Thơ yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường, từ ngày 10/2 (29 Tết).

Tại Cần Thơ, hoạt động kinh doanh karaoke, bar, vũ trường... tập trung chủ yếu ở quận trung tâm Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng...

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, toàn quận có hơn 300 cơ sở karaoke, bar, vũ trường. Do dịch bệnh kéo dài, các cơ sở phải đóng cửa nhiều lần, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TP.HCM xét nghiệm hàng tuần nhân viên Tân Sơn Nhất

TP.HCM xét nghiệm giám sát hàng tuần tất cả nhân viên tiếp xúc hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM

Mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hoạt động này nằm trong kế hoạch giám sát chủ động của ngành y tế thành phố. Đến sáng 12/3, nhân viên HCDC đã lấy 1.830 mẫu, trong đó 1.100 mẫu xét nghiệm âm tính, 730 đợi kết quả. Việc lấy mẫu được triển khai hàng tuần. Đây là một trong những chiến lược giám sát nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong nhóm làm việc tại sân bay.

Trước đó, từ ngày 30/1, TP.HCM bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ hoạt động này, thành phố phát hiện ca chỉ điểm tại cụm dịch Tân Sơn Nhất - "bệnh nhân 1979", ngày 5/2. Từ đó xét nghiệm rộng hơn, 8 nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa thuộc của công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay và 26 người nhà của nhóm nhân viên được phát hiện dương tính nCoV. Chuỗi lây nhiễm dừng lại ở con số 35, không ghi nhận ca nhiễm mới suốt 29 ngày qua.

Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, ga tàu, nơi tập trung đông người như chợ, quán ăn, chùa, nhà trọ... đang tiến hành hàng ngày, từ 16/2 đến nay. Đã lấy mẫu 28.964 trường hợp trong đó 28.900 âm tính, 64 đang chờ kết quả.

Chuyên đề