Bản tin thời sự sáng 12/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch; TP.HCM dự kiến điều kiện người được cấp “thẻ xanh Covid”; Đà Nẵng gia hạn giấy đi đường cho người dân đến ngày 18/9; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng chống dịch Covid-19; thu thêm 62 tỷ đồng chuyển từ nước ngoài của Phan Sào Nam; Quận 7 thí điểm “mở cửa” từ ngày 15/9…

Mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch

Người dân có thể cài bất cứ ứng dụng chống dịch nào và nhận được một mã QR giống nhau nên không cần cài nhiều app cùng lúc.

Mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch

Mỗi người dân sẽ có một mã QR cho mọi ứng dụng chống dịch

Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông ra hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc. Cách thức cấp và sử dụng mã QR cá nhân đã được gửi đến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19. Mã QR mới là phiên bản 1.1.

Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Đỗ Lập Hiển, việc xây dựng nền tảng QR quốc gia đã hoàn thành và sẵn sàng sử dụng. Giờ cần có thời gian cho các ứng dụng kết nối và đồng bộ. Việc này dự kiến hoàn thành trong một tuần.

Khi hoàn thành, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR cá nhân. Mã này hiển thị thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều nền tảng, công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19 như nền tảng khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm, Bluezone, VHD... hay mới đây là VNEID. Ngoài ra, một số địa phương cũng tạo các ứng dụng riêng. Mỗi ứng dụng lại sinh ra một mã QR khác nhau sau khi người dùng khai báo, gây nên tình trạng người dùng khi di chuyển có thể phải cài hàng loạt ứng dụng khác nhau.

Với việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất, người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng phù hợp với nhu cầu, không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Mỗi mã QR phiên bản 1.1 mới sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm...

TP.HCM dự kiến điều kiện người được cấp “thẻ xanh Covid”

Dự thảo kế hoạch của TP.HCM, người tiêm đủ 2 mũi vaccine, người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh được cấp thẻ xanh Covid tham gia các hoạt động xã hội.

Người dân nhận được chứng nhận màu xanh trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, thể hiện đã tiêm 2 mũi vaccine

Người dân nhận được chứng nhận màu xanh trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, thể hiện đã tiêm 2 mũi vaccine

Theo dự thảo Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM sau ngày 15/9, khi mở cửa, "thẻ xanh, thẻ vàng Covid" là điều kiện người dân tham gia các hoạt động sản xuất, sinh hoạt theo mức độ kiểm soát dịch của Thành phố.

Trong đó, thẻ xanh Covid được cấp cho những người đã tiêm đủ 2 mũi đối với các loại vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi (Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...), mũi thứ 2 đã tiêm hơn 14 ngày.

Ngoài ra, thẻ xanh còn được cấp cho người tiêm loại vaccine chỉ cần một mũi (Johnson & Johnson's Janssen) sau 14 ngày; người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh; người nhiễm Covid-19, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.

Thẻ vàng Covid được cấp cho người đáp ứng các điều kiện: tiêm một mũi đối với các loại vaccine có yêu cầu 2 mũi (Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... ) và đã qua 14 ngày; có kết quả xét nghiệm định kỳ (3 ngày một lần) âm tính.

Theo kế hoạch của TP.HCM, việc phục hồi kinh tế trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10), người có thẻ xanh được tham gia tất cả hoạt động (trừ một số lĩnh vực). Người có thẻ vàng Covid cộng xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 chỉ được tham gia một số lĩnh vực.

Riêng tổ chức có 100% lao động thẻ xanh Covid được tham gia tất cả lĩnh vực (trừ một số lĩnh vực). Bộ phận có tiếp xúc người ngoài phải sử dụng 100% lao động thẻ xanh.

Trong giai đoạn 2 (dự kiến 31/10/2021 đến 15/1/2022), Thành phố sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho người có thẻ xanh Covid, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao….

Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), Thành phố lên kế hoạch mở cửa tất cả hoạt động nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có thẻ xanh Covid.

Đà Nẵng gia hạn giấy đi đường cho người dân đến ngày 18/9

Giấy đi đường có mã QR do các sở, ngành ở Đà Nẵng cấp trước đây sẽ được gia hạn đến ngày 18/9.

Đà Nẵng tiếp tục gia hạn giấy đi đường cho người dân

Đà Nẵng tiếp tục gia hạn giấy đi đường cho người dân

Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo thành phố đã đồng ý tiếp tục triển khai giấy đi đường cho người dân đến ngày 18/9.

Theo đó, các giấy đi đường đã cấp trước đây (hiệu lực đến ngày 11/9) sẽ được tự động gia hạn đến ngày 18/9. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nếu không thay đổi thông tin thì đăng nhập vào ứng dụng tại giaydiduong.danang.gov.vn để in giấy đi đường mới sử dụng.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thay đổi thông tin nhân viên thì đăng nhập ứng dụng để thu hồi giấy đi đường cũ. Khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận hủy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cập nhật lại danh sách rồi in giấy đi đường mới để sử dụng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong vài ngày tới, nếu quận Ngũ Hành Sơn không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng thì Thành phố sẽ cho phép người dân đi lại trong Quận mà không bị hạn chế. Thành phố sẽ cho chủ trương nếu xét thấy tình hình dịch bệnh ở các quận được khống chế. Tại những vùng xanh, dần dần các hoạt động trở lại bình thường.

Thu thêm 62 tỷ đồng chuyển từ nước ngoài của Phan Sào Nam

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ thu thêm 62 tỷ đồng nộp khắc phục của Phan Sào Nam - chủ mưu vụ án đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng.

Phan Sào Nam trong phiên tòa tại TAND tỉnh Phú Thọ

Phan Sào Nam trong phiên tòa tại TAND tỉnh Phú Thọ

Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ đã nhận 2,65 triệu USD và hơn 126.000 đô la Singapore, tổng cộng hơn 62 tỷ đồng. Số tiền này do Phan Sào Nam chuyển về từ Ngân hàng DBS tại Singapore.

Trước đó, khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra trong lúc đang chấp hành bản án 5 năm tù, Nam bị đánh giá "không hợp tác để phong tỏa tài khoản này". Lúc làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ vào năm 2020, Nam không đồng ý khấu trừ 5,3 triệu USD để thi hành nốt nghĩa vụ còn lại theo quyết định của bản án (hơn 155 tỷ đồng).

Tổng các khoản phải thi hành án của Nam là hơn 1.475 tỷ đồng. Đến tháng 10/2019, Nam đã thi hành 1.346 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ sau đó bán 5 ôtô bị kê biên, thu thêm hơn 5 tỷ đồng nên Nam bị xác định phải nộp hơn 155 tỷ đồng. Trong số này, nhà chức trách xác định 79 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành án. Bởi vậy sau khi khắc phục thêm số tiền chuyển từ ngân hàng ở Singapore, Nam còn phải nộp tiếp hơn 13 tỷ đồng.

Theo bản án hình sự phúc thẩm tháng 3/2019, Nam bị TAND Cấp cao tại Hà Nội phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; tính từ tháng 10/2017. Khi chấp hành án tại Trại giam Quảng Ninh, Nam hai lần được giảm án và ra tù ngày 6/2 - sớm hơn 22 tháng.

Hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh cùng bị VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng "không đủ điều kiện và không có căn cứ".

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng chống dịch Covid-19

Hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng chống dịch Covid-19

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng chống dịch Covid-19

Ngày 11/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố ban hành văn bản phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa nêu trên theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Hàng hóa nhập khẩu tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, được Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, được áp dụng chính sách thuế quy định nêu trên.

Chính sách thuế ưu đãi đối với đối tượng nêu trên được áp dụng cho đến khi có văn bản công bố hết dịch Covid-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Quận 7 thí điểm “mở cửa” từ ngày 15/9

Khoảng 150 loại hình sản xuất, kinh doanh hoạt động lại từ ngày 15/9, người dân có thẻ xanh Covid có thể tự do đi lại trong Quận, theo lãnh đạo Quận ủy Quận 7.

Nhân viên quán phở giao hàng cho shipper trong ngày đầu tiên TP.HCM cho phép quán ăn bán hàng mang đi

Nhân viên quán phở giao hàng cho shipper trong ngày đầu tiên TP.HCM cho phép quán ăn bán hàng mang đi

Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái cho biết thông tin như trên khi đề cập đến kế hoạch "mở cửa" của Quận sắp tới, sau khi địa phương này công bố kiểm soát được dịch cách đây hơn một tuần.

Theo ông Thái, địa phương đang ráo riết tập trung cao hơn so với kế hoạch dự kiến của Thành phố vì địa bàn được chọn thí điểm "mở cửa". Bước đi đầu tiên của Quận phải phục hồi sản xuất, các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men...).

Lãnh đạo Quận 7 cho biết điều kiện cơ bản nhất để các cửa hàng dịch vụ hay cơ sở sản xuất được hoạt động lại là phải "xanh". Để được mở cửa lại, cửa hàng phải đảm bảo các tiêu chí: không có F0; tất cả nhân viên đã tiêm vaccine mũi 1, 30% mũi 2 theo tiến độ chung của Quận; địa phương đó là "vùng xanh".

Cũng theo ông Thái, Quận sẽ dùng giải pháp công nghệ để kiểm soát từng người khi "mở cửa", trong đó thẻ xanh Covid là giải pháp đầu tiên. Quận đã xây dựng các tiêu chí cụ thể với người dân được cấp thẻ xanh. Hiện Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông cũng như một số doanh nghiệp về công nghệ đang hỗ trợ Quận làm việc này, dự kiến vận hành thử từ ngày 13/9.

Khi bắt đầu "mở cửa", người dân ở Quận 7 có thẻ xanh Covid có thể đi lại ở những "vùng xanh" trên địa bàn Quận.

Hôm 2/9, Quận 7 công bố kiểm soát được dịch. Sau đó, Thành phố đã chọn địa phương cùng với Củ Chi làm hai mũi đột phá để thí điểm việc chuẩn bị kịch bản bình thường mới cho Thành phố sau ngày 15/9.

Đèo Bảo Lộc sạt lở do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5

Mưa lớn kéo dài, hàng tấn đất đá, cây rừng trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) sạt lở xuống đường khiến giao thông qua lại khó khăn.

Đèo Bảo Lộc sạt lở do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5

Đèo Bảo Lộc sạt lở do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5

Chiều 11/9, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 5, phía nam tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn nhiều giờ. Một khối đất đá lớn sạt xuống chắn gần hết mặt Quốc lộ 20 trên đèo Bảo Lộc qua thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai. Rất may khi đó không có xe qua lại.

Cảnh sát giao thông trạm Madagui đến điều tiết đảm bảo an toàn giao thông trên đèo, đồng thời phối hợp cùng Cục Quản lý Đường bộ IV.1 (đơn vị quản lý đèo Bảo Lộc) huy động nhiều máy múc khẩn trương dọn khối đất đá khỏi mặt đường.

Một cán bộ cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường cho biết, các lượng lực chức năng gặp nhiều khó khăn do mưa vẫn chưa ngớt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đang điều tiết hai hướng đèo cho xe qua lại chậm để giải phóng ùn ứ xe hàng. Ngoài điểm trên, hiện trên đèo có nhiều đoạn nguy cơ sạt lở cao.

Đèo Bảo Lộc dài 10 km, là tuyến huyết mạch nối các tỉnh Đông Nam Bộ với Đà Lạt. Đèo có nhiều đoạn taluy dương cao, thường xuyên sạt lở mỗi mùa mưa bão, gây kẹt xe kéo dài. Để chia sẻ cho tuyến đường này, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng số vốn hơn 19.500 tỷ đồng.

Chuyên đề