Bản tin thời sự sáng 12/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 98% khối lượng; chung cư mini nứt ở Thanh Xuân xây sai phép; biển số 30K-888.88 được đấu giá 20 tỷ đồng; khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường 480 tỷ đồng ở Bình Dương…

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 98% khối lượng

Dự án Metro số 1 đã đạt khoảng 98% tổng khối lượng thi công, dự kiến khai thác miễn vé từ tháng 7 đến tháng 10 và tiến hành khai thác thương mại trong quý IV/2024.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 98% khối lượng

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành 98% khối lượng

Ban Quản lý đường sắt đô thị vừa có báo cáo về tình hình tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, tổng khối lượng thực hiện của Dự án tính đến đầu tháng 4 đã đạt khoảng 98% với 60 triệu giờ lao động.

Trong đó, Gói thầu CP1a đạt 99,99%, Gói thầu CP1b đạt 99,96%, Gói thầu CP2 đạt 98,73% và Gói thầu CP3 đạt 96,17%.

Cơ quan này cho biết đang phối hợp với các nhà thầu của Dự án để hoàn thành công tác thi công.

"Hiện nay công tác thi công của Dự án đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số hạng mục phụ trợ đang trong quá trình hoàn thiện như bộ hành, toà nhà văn phòng Công ty O&M...", Ban Quản lý đường sắt đô thị cho hay.

Bên cạnh đó, Dự án đang tiến hành công tác thử nghiệm liên động toàn tuyến theo các tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật khắt khe của Nhật Bản.

Đồng thời, Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết sẽ tiến hành và kiểm thử phòng cháy chữa cháy (PCCC) từng hạng mục và toàn Dự án. Song song đó, tiến hành công tác đánh giá an toàn hệ thống bởi Tư vấn độc lập - Liên danh Bureau Veritas của Pháp để trình cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận an toàn cho việc vận hành.

"Bước đầu đánh giá sơ bộ, Liên danh Bureau Veritas cho biết đánh giá rất cao sự an toàn và chất lượng Dự án, từ đó tự tin triển khai công tác đánh giá an toàn hệ thống cho dự án tuyến Metro số 1", đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết.

Đồng thời, thực hiện và hoàn thành công tác đào tạo nhân sự cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) để sẵn sàng cho việc đưa Dự án vào vận hành.

Theo kế hoạch, Metro số 1 sẽ hoàn thành công tác thử nghiệm vào cuối tháng 5 và hoàn thành công tác đào tạo trong tháng 7.

Trong mọi điều kiện thuận lợi, Dự án có thể đưa vào giai đoạn khai thác miễn vé từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay và tiến hành khai thác thương mại trong quý IV/2024.

Chung cư mini nứt ở Thanh Xuân xây sai phép

Tòa nhà số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình được cấp hai giấy phép xây dựng, lần lượt 5 và 6 tầng, nhưng hiện trạng là nhà 8 tầng có tum thang.

Phần cột tầng 1 của chung cư mini bị nứt phải gia cố bằng giàn giáo

Phần cột tầng 1 của chung cư mini bị nứt phải gia cố bằng giàn giáo

UBND quận Thanh Xuân vừa có văn bản trả lời về tòa nhà số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình, phường Hạ Đình. Đây chính là chung cư mini bị nứt một số cột chịu lực khiến hàng trăm người phải di dời hôm 24/2.

Công trình được quận Thanh Xuân cấp hai giấy phép xây dựng. Giấy phép thứ nhất cấp ngày 24/6/2016 quy mô 6 tầng có tầng lửng và tum thang kỹ thuật. Giấy phép thứ hai cấp ngày 16/9/2016 quy mô 5 tầng có tầng lửng và tum thang.

Không lý giải vì sao cấp hai giấy phép xây dựng tại một công trình, nhưng quận Thanh Xuân ghi nhận "hiện trạng công trình là nhà 8 tầng có tum thang". Điều đó có nghĩa sử dụng giấy phép xây dựng nào thì công trình cũng sai phép.

Sau khi tòa nhà có dấu hiệu không bảo đảm an toàn, lãnh đạo Quận đã xuống hiện trường chỉ đạo ngừng sử dụng, di chuyển người, tài sản. Trong ngày 24/2, toàn bộ hộ dân đã di dời. Hiện quận Thanh Xuân đã chỉ định tổ chức kiểm định chất lượng công trình để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Chung cư mini số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình cao 8 tầng, mỗi tầng khoảng 7 căn hộ. Tầng 1 làm nơi để xe, lên các tầng có thang máy và thang bộ. Công trình đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ dân. Tòa nhà có 57 hộ dân, 161 nhân khẩu sinh sống.

Biển số 30K-888.88 được đấu giá 20 tỷ đồng

Tại phiên đấu giá sáng 11/4, nhiều biển số được chốt giá hàng tỷ đồng, trong đó biển siêu đẹp Hà Nội 30K-888.88 cao nhất với 20 tỷ đồng.

Biển số 30K-888.88 được chốt hơn 20 tỷ đồng sáng 11/4.

Biển số 30K-888.88 được chốt hơn 20 tỷ đồng sáng 11/4.

Ngay những phút đầu đấu giá, biển 30K-888.88 đã được trả bước giá cao hàng tỷ đồng. Từ 40 triệu giá khởi điểm, người chơi sớm đẩy giá lên 3 tỷ đồng, 6 tỷ đồng, 9 tỷ đồng rồi 16 tỷ đồng. Đến giữa vòng đấu, biển số được trả 20 tỷ đồng và chỉ nhích thêm vài chục triệu để chốt sau 28 lượt.

Những phút cuối người chơi không quá quyết liệt trả giá cao hơn nên không cần thêm các vòng đấu gia hạn.

Sáng 11/4, nhiều biển số đẹp của Hà Nội được chốt giá như: 30K-888.89 với 1,5 tỷ đồng; 30K-799.99 có mức tỷ đồng; 30K-866.88 là 900 triệu đồng. TP HCM có biển 51L-222.22 được trả 3,2 tỷ đồng.

Trước đó ngày 10/4, biển 51K-999.99 (TP HCM) được chốt 21,5 tỷ đồng, khi đấu giá lại, cao hơn ba tháng trước một tỷ đồng. Hồi tháng 1, biển số này được trả 20,5 tỷ đồng nhưng người trúng đã bỏ cọc.

Khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường 480 tỷ đồng ở Bình Dương

Ngày 11/4, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường Tân Long - Lai Uyên dài 8,6 km với tổng vốn đầu tư khoảng 480 tỷ đồng.

Khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường 480 tỷ đồng ở Bình Dương

Khánh thành đưa vào sử dụng tuyến đường 480 tỷ đồng ở Bình Dương

Dự án đường Tân Long - Lai Uyên dài 8,6 km do UBND huyện Bàu Bàng (Bình Dương) làm chủ đầu tư. Công trình này là dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 48 km (có 4 dự án thành phần).

Dự án đường Tân Long - Lai Uyên có vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 405 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 74,4 tỷ đồng. Điểm đầu của đường từ nút giao ngã ba Tam Lập - Tân Hiệp - Tân Long (cách đường ĐT 750 khoảng 200 m), điểm cuối tiếp giáp đường vào Khu dân cư 5F, Khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Công trình khởi công vào tháng 10/2021, có chiều dài 8,6 km, rộng 6 làn xe chạy, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Đoạn Tân Long - Lai Uyên chủ yếu đi qua những vườn cao su bạt ngàn nên việc giải phóng mặt bằng tương đối nhanh, thuận lợi, giúp đơn vị sớm có đất sạch để thi công. Sau hơn 2 năm thi công, tuyến đường đã được xây dựng xong, tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng.

Được biết, 3 dự án thành phần khác thuộc Dự án xây dựng tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 40 km cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến cũng sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ góp phần giảm thời gian, chi phí di chuyển từ các khu công nghiệp của Bàu Bàng đi qua Phú Giáo đến Bắc Tân Uyên rồi sang tỉnh Đồng Nai và ngược lại; thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh sẽ chạy tàu 160 - 200 km/h

Tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh khổ 1.435 mm được quy hoạch với tốc độ thiết kế 160 km/h, tốc độ chạy tàu khách 160 - 200 km/h.

Tàu hàng liên vận quốc tế đến châu Âu, khởi hành ở ga Yên Viên

Tàu hàng liên vận quốc tế đến châu Âu, khởi hành ở ga Yên Viên

Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đang lấy ý kiến báo cáo giữa kỳ quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do liên danh tư vấn trong nước lập. Tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn tốc độ cao là 200 km/h, tuy nhiên tốc độ tàu khách dự kiến 160 - 200 km/h, tàu hàng 80 - 120 km/h.

Hiện hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc, tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h, thời gian di chuyển của ôtô khách khoảng 6 giờ. Vì thế để đảm bảo tính cạnh tranh trong vận chuyển hành khách, thời gian di chuyển của tuyến đường sắt mới sẽ phải rút ngắn so với đường bộ, mục tiêu còn 4 - 5 giờ.

Tuyến đường dài hơn 441 km được quy hoạch đến 2030 và tầm nhìn đến 2050, có điểm đầu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) tại Lào Cai, đi theo hướng đông qua Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đường được xây mới, tách riêng tuyến hiện hành Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, có đường nhánh đến cảng Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện để phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Trong giai đoạn một, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh sẽ được xây dựng đường đơn khổ 1.435 mm và mở rộng đường đôi vào giai đoạn hai.

Trên tuyến có 56 cầu lớn với tổng chiều dài 47,5 km đi qua các sông Hồng, Lô, Bạch Đằng và vượt qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, qua các quốc lộ và một số tỉnh lộ, có 11 hầm.

Đơn vị tư vấn quy hoạch 41 ga trên tuyến, trong đó 10 ga phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương, còn lại chỉ dành cho tàu hàng hoặc tàu khách. 5 ga bố trí tại cảng biển Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, tháng 11/2024 quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được trình Bộ Giao thông vận tải và các cấp có thẩm quyền xem xét. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyến đường sắt giai đoạn một sẽ được khởi công trước năm 2030.

Tín dụng TP.HCM tăng 0,96% trong quý I

Tín dụng quý I tại TP.HCM mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Song, tín dụng đã tăng trưởng cao trở lại trong tháng 3 so với mức âm 0,93% trong tháng 1 và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2.

Tín dụng TP.HCM tăng 0,96% trong quý I

Tín dụng TP.HCM tăng 0,96% trong quý I

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, đến cuối tháng 3, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3,57 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cuối năm 2023.

Theo ông Lệnh, tín dụng quý I mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ 3 năm gần đây, nhưng so với 2 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng trở lại. Tháng 1 tín dụng tăng trưởng âm 0,93%. Tháng 2 tăng 0,01%.

Điều này có ý nghĩa quan trọng và phản ánh xu hướng tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu về hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng quý I không chỉ phản ánh sự phù hợp và yếu tố tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế, từ hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn Thành phố mà còn phản ánh xu hướng tăng trưởng trở lại của tín dụng trên địa bàn trong quý I.

Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, chính lãi suất thấp cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp và hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Trong đó, tín dụng có tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường bất động sản, với nhu cầu và giao dịch mua bán đã tăng trưởng hơn trong những tháng gần đây và tác động hiệu ứng đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn.

Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân, giải ngân từ gói 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi của các công ty tài chính tiêu dùng trên địa bàn đạt gần 259 tỷ đồng, cho 10.554 khách hàng.

Vietravel Airlines lần đầu báo lãi nhờ giá vé tăng

Sau hơn 3 năm hoạt động, hãng bay của Vietravel lần đầu có lãi ròng một quý với hơn 10 tỷ đồng.

Một trong ba tàu bay A321 của Vietravel Airlines

Một trong ba tàu bay A321 của Vietravel Airlines

Trong thông tin công bố, Vietravel Airlines - hãng hàng không của Vietravel - cho biết, riêng tháng 3 đạt doanh thu hơn 172 tỷ đồng, tăng 54% so với kế hoạch. Lũy kế quý I, Công ty thu trên 491 tỷ đồng, tăng 42%.

Nhờ đó, Vietravel Airlines ghi nhận lợi nhuận ròng 10,1 tỷ đồng. Đây là lần đầu sau hơn 3 năm đi vào khai thác, hãng bay này báo lãi 3 tháng liền.

Vietravel Airlines báo lãi lần đầu trong bối cảnh thời gian qua mặt bằng giá vé máy bay nội địa lên cao. Khoảng hai tuần sau Tết, nhiều chặng từ miền Bắc vào Nam vẫn cháy vé hoặc chỉ còn vé hạng thương gia.

Đến nay, giai đoạn cao điểm đã qua nhưng các hãng bay trong nước gần như không tung ra nhiều dải vé giá rẻ như những năm trước. Mặt bằng giá vé máy bay vẫn neo ở mức cao khi các hãng phải dừng hàng chục tàu bay để bảo dưỡng động cơ, cũng như các vấn đề khó khăn khác như chi phí đầu vào tăng.

Hiện, đội bay của Vietravel Airlines chỉ có 3 chiếc thân hẹp A321. Trong khi, vài năm trước, lãnh đạo một hãng hàng không tư nhân từng chia sẻ, một hãng bay rất khó có lãi với quy mô đội bay dưới 30 chiếc.

Đến nay, Vietravel Airlines cũng là hãng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I.

Người Việt mua hơn 600.000 xe máy trong 3 tháng đầu năm 2024

Trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số xe máy tại thị trường Việt Nam ghi nhận kết quả hơn 600.000 đơn vị sản phẩm được bán ra, tương đương mức sụt giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Việt mua hơn 600.000 xe máy trong 3 tháng đầu năm 2024

Người Việt mua hơn 600.000 xe máy trong 3 tháng đầu năm 2024

Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM), doanh số xe máy đạt tổng cộng 603.745 chiếc trong quý I/2024. Kết quả này cho thấy, lượng tiêu thụ đã sụt giảm 4,88% so với 3 tháng đầu năm 2023.

Như thường lệ, doanh nghiệp dẫn đầu thị trường vẫn là "ông lớn" Honda, với thị phần chiếm tương đương khoảng 80%. Trong tháng 1/2024, Honda Việt Nam bán ra 227.560 xe máy và con số này đạt 227.560 chiếc vào tháng 2. Dữ liệu mới nhất của tháng 3 chưa được Honda cập nhật, nhưng chắc chắn có sụt giảm so với hai tháng liền trước.

Các đơn vị còn lại trực thuộc VAMM bao gồm: Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio (thứ tự được xếp theo số lượng dòng sản phẩm đang kinh doanh). Số liệu thống kê sụt giảm phản ánh sức mua của thị trường xe máy Việt Nam vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Cụ thể, theo thống kê của VAMM, thị trường Việt Nam tiêu thụ 3.254.964 xe máy năm 2019. Con số này chỉ đạt 2.712.615 chiếc vào năm 2020, rồi tiếp tục giảm còn 2.492.372 xe trong năm 2021. Đến 2022, đà phục hồi xuất hiện với doanh số đạt 3.003.160 xe; nhưng sau đó lại chỉ còn 2.516.212 sản phẩm vào năm 2023.

Tạm giữ hơn 18.000 hộp thuốc tân dược gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Hơn 18.000 hộp thuốc tân dược các loại chưa qua sử dụng, không dán nhãn, không có hóa đơn chứng từ bị lực lượng liên ngành TP.HCM phát hiện tại khuôn viên khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Lực lượng liên ngành kiểm tra số thuốc tân dược tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh

Lực lượng liên ngành kiểm tra số thuốc tân dược tại khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường, ngày 10/4, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý Thị trường số 3 (Cục Quản lý Thị trường TP.HCM) phối hợp với Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM và Công an Phường 4, quận Tân Bình tiến hành khám xét xe tải tại khuôn viên kho Quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, trên phương tiện vận chuyển tổng số lượng 18.189 hộp thuốc tân dược được chứa trong 36 thùng carton không có hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, một số loại thuốc tân dược có nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Thành phố cho biết, nhu cầu sử dụng thuốc tân dược của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình đó để thực hiện các hành vi kinh doanh mua bán các mặt hàng thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng để trục lợi.

Trước các dấu hiệu vi phạm trên, Đội Quản lý Thị trường số 3 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề