Bản tin thời sự sáng 12/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lập tổ công tác gỡ vướng cho dự án của Novaland; TP.HCM và Hà Nội tụt hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Bình Phước quy hoạch sân bay Hớn Quản dự kiến rộng 350 ha; hơn một triệu thuê bao sắp bị khóa hai chiều…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lập tổ công tác gỡ vướng cho dự án của Novaland

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Liên bộ Xây dựng - Tài nguyên Môi trường lập tổ công tác giải quyết vướng mắc các dự án của Novaland ở Đồng Nai và Bình Thuận.

Một góc tại dự án Aqua City

Một góc tại dự án Aqua City

Yêu cầu trên được nêu trong văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 11/4. Tổ công tác phải báo cáo kết quả cho Phó Thủ tướng trước ngày 15/4.

Việc lập tổ công tác này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) hiện có hai "siêu dự án" tại Đồng Nai và Bình Thuận, lần lượt là Aqua City và NovaWorld Phan Thiet đang gặp nhiều vướng mắc. Cả hai đều có diện tích hơn 1.000 ha.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản giữa tháng 2, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn kiến nghị Thủ tướng chọn Aqua City làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong thời hạn một tháng.

Theo số liệu tài chính gần nhất được công bố, tổng nguồn vốn của Novaland tính đến ngày 31/12/2022 khoảng 257.000 tỷ đồng. Trong số đó, hơn 212.400 tỷ đồng hình thành từ nợ. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 11.130 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 2.300 tỷ đồng.

TP.HCM và Hà Nội tụt hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trong khi Quảng Ninh lần thứ sáu liên tiếp giữ ngôi đầu, Bắc Giang, Huế có nhiều cải thiện, PCI của hai đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội lại giảm.

Thứ hạng PCI của TP.HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27

Thứ hạng PCI của TP.HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố từ năm 2005, được xem là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

Khác với các năm trước, PCI 2022 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất. Sự thay đổi này nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương dẫn đầu.

Quảng Ninh là địa phương lần thứ sáu liên tiếp giữ vững ngôi vương trên bảng xếp hạng PCI với 72,95 điểm, và là năm thứ 10 trong Top cao. Địa phương này từ 2017 đến nay luôn giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính.

Trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng PCI, TP.HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27; Hà Nội tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20, tức rời khỏi Top 10 PCI; Cần Thơ giảm 7 bậc, xếp thứ 19.

Tại TP.HCM, trong cấu phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62. Điểm sáng trong các điểm số thành phần của TP.HCM là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước.

Năm ngoái, GRDP TP.HCM tăng 9,03%, có mức phục hồi so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, sang quý I/2023, đầu tàu kinh tế cả nước chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, các trung tâm kinh tế lớn chịu biến động kinh tế nhiều hơn và các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng cải cách, thay đổi thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nơi khác, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn.

Bình Phước quy hoạch sân bay Hớn Quản dự kiến rộng 350 ha

Sân bay chuyên dùng Hớn Quản được quy hoạch tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với diện tích 350 ha.

Bình Phước quy hoạch sân bay Hớn Quản dự kiến rộng 350 ha

Bình Phước quy hoạch sân bay Hớn Quản dự kiến rộng 350 ha

Ngày 11/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã chủ trì cuộc họp thông qua dự thảo lập quy hoạch vị trí sân bay chuyên dùng Hớn Quản.

Theo dự thảo quy hoạch, sân bay chuyên dùng Hớn Quản đặt tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản với diện tích khoảng 350 ha.

Sân bay bao gồm khu bay và các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo khác. Đối với giao thông dẫn vào sân bay, trong bản dự thảo quy hoạch, Bình Phước chọn hướng tuyến đường ĐT 756 là tuyến tránh sân bay.

Còn đường băng sân bay theo quy hoạch dài 2.510 m. Trong quy hoạch dự kiến sẽ mở rộng sân bay thêm 87,6 ha để đạt tổng diện tích là 350 ha. Đường băng cũng sẽ được kéo dài từ 2.510 m lên 3.310 m.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị Ban Chỉ huy quân sự Tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh các nội dung, đảm bảo tiến độ lập quy hoạch.

Trước đó, vào tháng 11/2022, Bộ Quốc phòng đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Phước nhất trí chủ trương quy hoạch sân bay quân sự Hớn Quản thành sân bay chuyên dùng theo đề nghị của UBND Tỉnh.

Bộ Quốc phòng đề nghị, UBND tỉnh Bình Phước thực hiện quy hoạch vị trí sân bay Hớn Quản vào Quy hoạch Tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, lập hồ sơ gửi Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan thẩm định, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và ra quyết định phê duyệt vị trí quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản.

Đến giữa tháng 1/2023, Bộ GTVT có văn bản trả lời tỉnh Bình Phước và ủng hộ chủ trương quy hoạch sân bay chuyên dùng Hớn Quản nhằm phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

Hớn Quản (sân bay Técnic cũ) là sân bay được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp, sân bay này hiện do quân đội quản lý.

Hơn một triệu thuê bao sắp bị khóa hai chiều

Khoảng 1,2 triệu thuê bao di động, đã bị khóa một chiều từ 31/3, có nguy cơ tiếp tục khóa hai chiều nếu không chuẩn hóa trong bốn ngày tới.

Một người dân làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao

Một người dân làm thủ tục chuẩn hóa thông tin thuê bao

Chiều 11/4, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Viễn thông cho biết đã có thêm 394.000 thuê chuẩn hóa thông tin tính từ 1/4 đến hết 10/4. Những thuê bao này nằm trong số 1,67 triệu sim bị khóa một chiều từ cuối tháng trước do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sim bị khóa một chiều không thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, truy cập Internet di động, nhưng chủ thuê bao vẫn có thể gọi đến tổng đài để được hỗ trợ, hoặc dùng điện thoại đăng nhập ứng dụng qua Wi-Fi để cập nhật và mở khóa.

Khác với hai ngày 30 - 31/3 khi người dân đổ xô đi cập nhật thông tin trước hạn chót, các điểm giao dịch của nhà mạng những ngày qua chỉ lác đác người đến chuẩn hóa.

Tại cuộc họp ngày 6/4 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện một số nhà mạng cho biết, chiến dịch chuẩn hóa nhận được sự hưởng ứng của đa số người dùng. Tuy nhiên, quá trình cũng gặp một số thách thức như thuê bao rải rác ở nhiều nơi, cả ở khu vực vùng sâu vùng xa, chưa tiếp cận được thông tin. Một nhóm người dùng không rành điện thoại nên cũng không nắm được thông báo.

Ngoài ra, có tình trạng người dùng tưởng thông báo của nhà mạng là tin nhắn rác nên bỏ qua. Bên cạnh đó, có thể nhiều sim trong diện bị khóa là sim phụ, không được sử dụng thường xuyên, hoặc chỉ dùng để truy cập Internet nên người dùng không có ý định chuẩn hóa.

Đến thời hạn 15/4, nếu không cập nhật thông tin, những sim này sẽ bị khóa hai chiều, tức không thể nhận cuộc gọi hay tin nhắn. Chủ thuê bao sẽ phải ra điểm giao dịch của nhà mạng để mở khóa. Một tháng sau, đến 15/5, thuê bao chưa chuẩn hóa sẽ bị thu hồi số.

Cơ sở bảo dưỡng có thể được kiểm định ô tô

Dự thảo Nghị định 139 sửa đổi cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô được kiểm định xe nhằm giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm hiện nay.

Kiểm định xe tại một đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội

Kiểm định xe tại một đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến các bộ ngành dự thảo sửa đổi Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Điểm đáng chú ý là dự thảo đã bỏ quy định đơn vị kiểm định phải độc lập về pháp lý và tài chính với đơn vị kinh doanh vận tải, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Theo Ban soạn thảo, thay đổi này nhằm huy động các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải thực hiện kiểm định xe cơ giới, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh áp dụng khoa học trong kiểm định xe.

Hiện nay, một số hãng xe lớn trong nước đã có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. Lực lượng này có thể tham gia lĩnh vực kiểm định.

Dự thảo cũng cho phép nhân lực kiểm định, cơ sở vật chất thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia kiểm định xe cơ giới nếu hệ thống trung tâm đăng kiểm không đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định 139 sửa đổi cho phép số đăng kiểm viên trên mỗi dây chuyền là 2 người; thay vì 3, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều dây chuyền thiết bị hiện không được sử dụng do đơn vị đăng kiểm không có đủ 3 đăng kiểm viên. Quy định mới giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành dây chuyền kiểm định của các trung tâm…

Ban soạn thảo đã phân cấp quản lý lĩnh vực đăng kiểm cho các địa phương. Theo đó, doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm gửi về Sở Giao thông vận tải, không gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay.

Sở Giao thông vận tải cũng là cơ quan quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý.

Nhà máy điện khí LNG lớn nhất miền Tây chậm triển khai

Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD chưa thể khởi công do vướng nhiều vấn đề.

Phối cảnh dự án dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu

Phối cảnh dự án dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Tỉnh đánh giá đây là dự án rất quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển của địa phương trong tương lai. Tuy nhiên, dự án FDI lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long này còn nhiều vấn đề chưa thể tháo gỡ, nên chưa khởi công xây dựng sau hơn ba năm có chủ trương đầu tư.

Dự án này có tổng công suất 3.200 MW, tổng mức đầu tư 93.600 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD) do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Năm 2020, Tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư cho DOE thực hiện Dự án.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó, doanh nghiệp có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tourbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023; đạt đủ công suất 3.200 MW cuối năm 2027.

Dự án đang gặp vướng mắc về việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA). "Thời gian qua, Chủ đầu tư và Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN đã có 9 lần đàm phán nhưng tới nay hai bên chưa thống nhất được giá mua bán điện", người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu nói. Ông cũng cho biết, Dự án còn gặp vấn đề về cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ bảo lãnh tín dụng để huy động vốn. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ nên khó thực hiện theo yêu cầu của họ.

Hà Nội tổ chức giao thông tuyến đường tạm tại dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển

Ngày 11/4, Sở GTVT Hà Nội thông báo tổ chức giao thông tuyến đường tạm tại dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển phục vụ thi công Gói thầu số 2 Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Hà Nội thông báo tổ chức giao thông tuyến đường tạm tại dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển

Hà Nội thông báo tổ chức giao thông tuyến đường tạm tại dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển

Phương án tổ chức giao thông như sau: Trên tuyến đường tạm tại dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển hướng từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển đến ngã tư Nguyễn Xiển - Chu Văn An sẽ tổ chức giao thông một chiều cho ô tô con, xe máy, xe thô sơ được phép lưu thông.

Sở GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố, Công ty Tekken Corporation (nhà thầu) lắp đặt đặt đầy đủ gông hạn chế chiều cao, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển cấm dừng đỗ, đèn chiếu sáng ban đêm, hệ thống phản quang... để bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện.

Ban Quản lý dự án và Nhà thầu bố trí người hướng dẫn giao thông tại các vị trí giao cắt với các nút giao, điểm quay đầu trên đường Nguyễn Xiển và phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương, thanh tra Sở GTVT để hướng dẫn phân luồng bảo đảm an toàn, tránh ùn tắc giao thông. Khi có hiện tượng ùn tắc phải có phương án xử lý kịp thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo đảm giao thông thông suốt.

Bên cạnh đó, các đơn vị có phương án ứng trực, bố trí đầy đủ trang thiết bị, phương tiện máy móc để phối hợp khi có sự cố gây ùn tắc, mất an toàn giao thông, cung cấp đầy đủ số điện thoại liên lạc với các lực lượng chức năng... để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với chủ đầu tư hướng dẫn thực hiện lắp đặt hệ thống an toàn giao thông tại khu vực nút giao bao gồm: Biển báo, vạch sơn, gờ giảm tốc, gông hạn chế chiều cao... theo phương án tổ chức giao thông đã được chấp thuận.

Cổ phiếu Vietravel thoát diện bị hạn chế

29,3 triệu cổ phiếu VTR sẽ được giao dịch bình thường kể từ ngày 12/4 do vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính năm 2022 không còn âm.

Vietravel Airlines - một trong những mảng kinh doanh chủ lực khác của Vietravel

Vietravel Airlines - một trong những mảng kinh doanh chủ lực khác của Vietravel

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel (VTR) ra khỏi diện hạn chế và sẽ được giao dịch bình thường trở lại kể từ ngày 12/4 do vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính năm 2022 không còn âm.

Hiện, Vietravel đang có 29,3 triệu cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.

Kết thúc năm tài chính 2022, vốn chủ sở hữu của Vietravel ghi nhận ở mức 121 tỷ đồng, vượt xa vốn chủ sở hữu đầu kỳ chỉ đạt 7,9 tỷ đồng nhờ vào sự hồi phục nhanh của ngành du lịch. Doanh thu trong năm 2022 của Vietravel đạt 3.800 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021; lợi nhuận gộp theo đó đạt 306 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị âm 275 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 giảm so với năm 2021, điều này đã góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vietravel đạt 104 tỷ đồng.

Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) - một trong những mảng kinh doanh chủ lực khác của Vietravel cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Vietravel Airlines đã thực hiện gần 1.600 chuyến bay, tỷ lệ lấp đầy trung bình luôn đạt trên 91,2%.

Chuyên đề