Bản tin thời sự sáng 12/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng yêu cầu liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư; 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn năm 2024; nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đồng loạt mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết; phương tiện đăng kiểm có thể ùn ứ sau Tết…

Thủ tướng yêu cầu liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các địa phương sớm kết nối, tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư để vận hành năm 2025.

Bất động sản tại Hà Nội

Bất động sản tại Hà Nội

Tại Chỉ thị ngày 11/2, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kết nối chia sẻ giữa hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 5.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm nhiều thành phần dữ liệu như tổng hợp về địa chính, không gian, thửa đất, biểu số liệu; hiện trạng sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; khung giá đất, giá đất giáp ranh, bảng giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai như chất lượng, tiềm năng, thoái hóa, ô nhiễm đất. Dữ liệu về thửa đất sẽ gồm loại đất, diện tích sử dụng, số tờ, số thửa, người sử dụng, tình trạng pháp lý, tài sản gắn liền với đất...

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất. Đầu tháng 2, Chính phủ giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm ban hành kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…

120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn năm 2024

Theo FiinGroup, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn là mức cao nhất 5 năm và sẽ tạo áp lực về thanh khoản với các doanh nghiệp bất động sản dân cư năm nay.

120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn năm 2024

120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn năm 2024

Đánh giá triển vọng 2024, FiinRatings, bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu, phân tích ngành và xếp hạng tín nhiệm) cho rằng, các nhà phát triển bất động sản dân cư vẫn tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế.

Trong đó, ước tính có khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn năm nay, mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự phân hóa trong khả năng duy trì hoạt động của từng doanh nghiệp trong ngành, trước các diễn biến khó khăn chung của thị trường đã kéo dài từ năm 2022 tới nay.

"Các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, chất lượng dự án được đảm bảo, cùng quỹ đất sạch, đi kèm khả năng triển khai và thực thi được kỳ vọng có thể tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn và có sức chống chịu tốt hơn", báo cáo về triển vọng thị trường vốn năm 2024 viết.

Ở khía cạnh tích cực, FiinRatings cho rằng, các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới được thông qua sẽ tạo tiền đề cho sự hồi phục. Tuy nhiên, các chính sách mới thường có độ trễ nhất định và cần thời gian để phát huy hiệu quả.

Thị trường địa ốc đã xuất hiện những khó khăn từ cuối năm 2022, nhưng sang năm 2023 mới thực sự "ngấm đòn" vì ách tắc pháp lý, nguồn vốn. Nguồn cung lẫn thanh khoản trên thị trường giảm mạnh, thậm chí "đóng băng" ở nhiều phân khúc. Nhóm phân tích cho rằng, những thay đổi về khung pháp lý chưa được thông qua, cũng như các sự kiện thanh tra, điều tra là một phần trở ngại cho sự hồi phục.

Phần lớn các nhà phát triển đối mặt với áp lực huy động vốn để triển khai dự án tại các khu đất đã tích lũy từ trước khi đại dịch bùng phát. Đồng thời, việc phải tìm các phương án tái tài trợ các khoản nợ cũ làm gia tăng rủi ro liên quan đến cơ cấu nguồn vốn và tình trạng thanh khoản.

Nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đồng loạt mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết

Ngày 11/2 (Mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), nhiều điểm bán lẻ tại TP.HCM đồng loạt mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ngay sau Tết của người dân.

Nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đồng loạt mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết

Nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đồng loạt mở cửa phục vụ vào Mùng 2 Tết

Các đơn vị kinh doanh chủ yếu bán hàng trong khung giờ buổi sáng, đồng thời đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào và đa dạng chủng loại sản phẩm.

Cụ thể, hệ thống bán lẻ Satra như các Satramart siêu thị Sài Gòn, Phạm Hùng và Củ Chi, TP.HCM, không chỉ mở cửa vào Mùng 2 Tết mà còn duy trì hoạt động bình thường từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ.

Còn chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA (Satrafoods) phục vụ người tiêu dùng Thành phố mua sắm từ 6-13 giờ trong Mùng 2 và 3 Tết, riêng Mùng 4 Tết hoạt động bình thường từ 6-21 giờ.

Tương tự, vào Mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra... tại TP.HCM cũng đồng loạt mở cửa trong buổi sáng và chuẩn bị những mặt hàng tươi sống như gà, hoa tươi, trái cây… để phục vụ nhu cầu mua sắm sau Tết của người dân, cũng như những ngày lễ đầu năm của các gia đình.

Tại hệ thống LOTTE Mart trên địa bàn TP.HCM, gồm: Quận 7, Gò Vấp, Tân Bình... cũng đã mở cửa kinh doanh trở lại vào 10 giờ sáng Mùng 2 Tết và kéo dài khung giờ hoạt động đến 21 giờ.

Trong khi đó, do đặc thù nằm tại vị trí trung tâm Quận 1, TP.HCM và đối tượng phục vụ chủ yếu là du khách nên chuỗi cửa hàng Thương xá Tax hoạt động từ 8 giờ 30 phút đến 22 giờ, kể từ Mùng 2 Tết.

Hòa trong không khí bán buôn trở lại sau Tết, tại mạng lưới chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Thị Nghè, Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Hưng, Thạnh Đông Tây... cũng đông đảo quầy, sạp khai trương đầu Năm mới.

Ngoài ra, khách hàng tập trung đông ở những khu vực kinh doanh thực phẩm, đồ uống chế biến sẵn; hoa tươi, trái cây... và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác trong kỳ nghỉ Tết.

Phương tiện đăng kiểm có thể ùn ứ sau Tết

Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo, lượng phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm sẽ gia tăng mạnh sau dịp Tết, nhất là vào các tháng 4, 5, 6, 7.

Đăng kiểm tại Trung tâm xe cơ giới 29.03V, Hà Nội

Đăng kiểm tại Trung tâm xe cơ giới 29.03V, Hà Nội

Theo báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá lượng phương tiện cần kiểm định trong thời gian tới gia tăng mạnh do nhóm xe được kéo dài chu kỳ kiểm định từ tháng 3/2023, cùng với các xe tạm dừng hoạt động trước đây sẽ kiểm định trở lại.

Hiện có 277 trung tâm đăng kiểm với 519 dây chuyền đang hoạt động trong số 293 trung tâm với 545 dây chuyền trên cả nước, đủ đáp ứng nhu cầu kiểm định. Tuy nhiên, các trung tâm phân bố không đồng đều nên có nơi quá tải, nơi vắng xe kiểm định.

Bên cạnh đó, nguy cơ ùn tắc còn do trong các tháng tới, việc xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc. Nguyên nhân là một trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong vòng 12 tháng liên tục thì sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Dự kiến, 70 trung tâm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tính toán, có 31 địa phương nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định gồm Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.

Trong đó, có nơi sẽ phải đóng cửa trung tâm đăng kiểm như Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình.

Để phòng tránh tình trạng ùn tắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã liên hệ với những địa phương có trung tâm dư thừa năng lực kiểm định để bổ sung tạm thời đăng kiểm viên cho các nơi bị thiếu hụt. Cục khuyến cáo chủ xe đưa phương tiện sắp đến hạn đi kiểm định sớm, tại các địa điểm phù hợp khi về quê, đi công tác, du lịch, giao hàng...

Các công trình trọng điểm ở Đồng Nai vẫn thi công xuyên Tết

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, trên công trường nhiều công trình hạ tầng giao thông tại tỉnh Đồng Nai, hoạt động thi công xuyên Tết vẫn diễn ra để bảo đảm tiến độ các dự án.

Công nhân ở lại làm việc được hưởng đầy đủ chế độ, đãi ngộ và chăm lo dịp Tết

Công nhân ở lại làm việc được hưởng đầy đủ chế độ, đãi ngộ và chăm lo dịp Tết

Số nhân lực ở lại bám trụ công trường thi công xuyên Tết được Ban Quản lý dự án 85 và các nhà thầu quan tâm chăm lo, tổ chức một số hoạt động đón Tết ngay tại lán trại.

Theo Ban Quản lý dự án 85, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dịp Tết có gần 100 nhân lực và một số máy móc, trang thiết bị được huy động để thi công tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do diện tích mặt bằng được bàn giao còn hạn chế, nên tại Dự án thành phần 2, hiện nay liên danh nhà thầu mới chỉ thi công tại một số vị trí, sản lượng đạt khoảng 140 tỷ đồng, tương đương gần 3,3% giá trị hợp đồng.

Còn tại Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, trong những ngày nghỉ Tết, các nhà thầu huy động khoảng 1.100 nhân lực cùng máy móc, thiết bị thi công.

Ngày Tết, mỗi ngày công nhân làm việc 8 giờ vào ban ngày, không làm việc ban đêm. Tất cả người lao động ở lại làm việc được lì xì, tặng quà, tổ chức các hoạt động vui Xuân.

Hàng trăm nhân sự công ty chứng khoán mất việc năm 2023

Trong khi có nhiều công ty chứng khoán mạnh tay cắt giảm hàng trăm nhân sự thì có một số doanh nghiệp lại tuyển thêm.

Nhiều công ty chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm nhân sự trong năm 2023

Nhiều công ty chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm nhân sự trong năm 2023

Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2023 mới công bố của các công ty chứng khoán cho thấy năm vừa qua số lượng nhân sự của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận biến động lớn.

Tính đến hết năm 2023, Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) là một trong các công ty có quy mô nhân sự lớn đạt 1.174 người. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, doanh nghiệp này đã cắt giảm 361 nhân sự so với đầu năm.

Không chỉ VNDirect, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã mạnh tay cắt giảm nhân sự trong năm 2023.

Trong đó, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cũng là một trong những công ty sa thải hàng trăm nhân viên năm ngoái. Tính đến hết năm, công ty chứng khoán này chỉ còn 264 nhân sự, trong khi đầu năm là 409 người, tương đương cắt giảm 145 người.

Chứng khoán MB (HNX: MBS) cũng cắt giảm 34 nhân viên trong năm ngoái, chỉ còn 615 nhân viên. Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng giảm 18 người trong tổng số 501 nhân viên hồi đầu năm.

Ngược lại với nhóm công ty kể trên, nhiều công ty chứng khoán lại tuyển thêm nhân sự trong năm vừa qua.

Chẳng hạn, Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) ghi nhận tăng thêm 34 nhân sự, lên 1.673 người; Chứng khoán Mirae Asset đến hết năm 2023 có 580 nhân viên, tăng 49 người so với đầu năm; hay Chứng khoán Thiên Việt cũng tuyển thêm 16 nhân sự trong năm.

Trong năm ngoái, các công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Các ông lớn như Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán VNDirect (VND) tiếp tục báo lãi hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, TCBS dẫn đầu nhóm với lợi nhuận gần 2.400 tỷ đồng năm vừa qua. Trong khi SSI và VND cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận lần lượt 28% và 65%, đạt 2.170 tỷ đồng và hơn 2.000 tỷ đồng.

Kẹt xe nghiêm trọng cầu Rạch Miễu, trạm thu phí BOT nhiều lần xả trạm

Trong buổi sáng 11/2, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải 4 lần xả trạm hướng Tiền Giang - Bến Tre theo yêu cầu của Cảnh sát giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Người đi xe gắn máy và ô tô qua khu vực cầu Rạch Miễu rất khó khăn

Người đi xe gắn máy và ô tô qua khu vực cầu Rạch Miễu rất khó khăn

Ngày mùng 2 Tết, người dân đi du Xuân qua cầu Rạch Miễu tăng cao đã dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng tại hai đầu cầu phía tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải nhiều lần xả trạm không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Từ 7h30 sáng 11/2, tại chân cầu Rạch Miễu thuộc phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra ùn ứ giao thông nghiêm trọng.

Ô tô các loại phải dừng đậu theo hàng dài trên quốc lộ 60 chờ hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông mới được lăn bánh qua cầu. Phía tỉnh Bến Tre, phương tiện các loại phải nhiều lần dừng lại khoảng 15 phút để ưu tiên cho phương tiện từ hướng Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu nên cũng xảy ra ùn ứ tại quốc lộ 60 thuộc địa bàn xã An Khánh, huyện Châu Thành; có thời điểm xe gắn máy phải đậu trên lề đường quốc lộ 60.

Chỉ trong buổi sáng, trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải 4 lần xả trạm hướng Tiền Giang - Bến Tre theo yêu cầu của Cảnh sát giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Chiều 11/2, mật độ phương tiện qua cầu Rạch Miễu vẫn ở mức cao, lực lượng làm nhiệm vụ tích cực điều tiết cho phương tiện đi theo từng hướng và xả trạm thu phí khi cần thiết.

Gần 5.500 lao động các khu công nghiệp Bắc Giang đi làm xuyên Tết

Từ 30 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết, có gần 5.500 lao động của 27 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang vẫn làm việc để kịp tiến độ sản xuất.

Gần 5.500 lao động ở Bắc Giang làm việc xuyên Tết

Gần 5.500 lao động ở Bắc Giang làm việc xuyên Tết

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang vẫn có gần 30 doanh nghiệp với hàng nghìn lao động đăng ký làm việc xuyên Tết nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất các đơn hàng.

Cụ thể, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, có 27 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp: Quang Châu, Việt Hàn, Vân Trung, Đình Trám (Việt Yên); Hòa Phú (Hiệp Hòa) và Song Khê - Nội Hoàng (TP Bắc Giang) với tổng số gần 5.500 lao động làm việc xuyên Tết.

Trong đó, có 395 lao động là người nước ngoài làm việc trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thời gian từ ngày 9/2 đến hết ngày 14/2 (tức từ ngày 30 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết).

Nhiều doanh nghiệp có lượng lao động đi làm lớn như: Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) 950 lao động; Công ty TNHH Hana Micron Vina (Khu công nghiệp Vân Trung) 867 lao động; Công ty TNHH Vina Cell Technology (Khu công nghiệp Vân Trung) 500 lao động...

Các doanh nghiệp có lao động đi làm xuyên Tết Nguyên đán là do có nhiều đơn hàng phải thực hiện gấp và duy trì máy móc hoạt động thường xuyên. Ngoài tiền lương, các chế độ bảo hiểm, người lao động làm việc trong dịp Tết còn được nhận "lì xì" đầu năm và tiền thưởng lao động chuyên cần.

Chuyên đề