Bản tin thời sự sáng 12/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 12/12 có thể về mức thấp nhất năm; liên tiếp xảy ra 4 động đất tại Kon Plông; hơn 160.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trong 11 tháng đầu năm; loạt công ty chứng khoán liên tiếp bị “tuýt còi”; Việt Nam nhập khẩu kỷ lục gần 23.000 ô tô trong một tháng…

Giá xăng ngày 12/12 có thể về mức thấp nhất năm

Mỗi lít xăng trong kỳ điều hành ngày 12/12 có thể giảm 1.200 - 1.500 đồng, về mức thấp nhất từ đầu năm, nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn.

Mỗi lít xăng trong kỳ điều hành ngày 12/12 có thể giảm 1.200-1.500 đồng

Mỗi lít xăng trong kỳ điều hành ngày 12/12 có thể giảm 1.200-1.500 đồng

Do kỳ điều hành ngày 11/12 trùng vào Chủ nhật nên thời gian điều hành được Liên bộ Tài chính - Công Thương lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức 15h thứ Hai (12/12).

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 7/12 của một thùng xăng RON 92 là 84,5 USD, RON 95 là 89 USD một thùng, giảm mạnh so với chu kỳ trước. Còn dầu lao dốc về 103 USD một thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho biết, giá dầu thế giới nhiều ngày qua liên tục về mức thấp nhất một năm. Do đó, kỳ điều hành ngày 12/12, giá xăng, dầu sẽ giảm mạnh. Mỗi lít xăng có thể giảm 1.200 - 1.500 đồng, còn dầu hạ 900 - 1.900 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn.

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Bắc cho rằng, giá xăng có thể về mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nếu cơ quan quản lý không tác động. Trường hợp nhà chức trách sử dụng hoặc trích Quỹ bình ổn, mức giảm của xăng sẽ quanh 600 - 1.000 đồng một lít, còn dầu là 400 - 1.500 đồng.

Tại kỳ điều hành trước, giá xăng RON 95-III giảm 1.080 đồng, về 22.700 đồng một lít; E5 RON 92 là 21.670 đồng một lít. Dầu diesel giảm nhiều nhất (1.590 đồng) về 23.210 đồng một lít; dầu hỏa có mức giá mới là 23.560 đồng, hạ 1.080 đồng.

Liên tiếp xảy ra 4 động đất tại Kon Plông

Ngày 11/12, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra liên tiếp 4 trận động đất - trong đó trận động đất cường độ 3,4 độ richter gần khu vực thủy điện Thượng Kon Tum.

Vị trí chấn tâm ở huyện Kon Plông.

Vị trí chấn tâm ở huyện Kon Plông.

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, vào hồi 5h40 sáng cùng ngày xảy ra một trận động đất có độ lớn 3,4 độ richter, tại vị trí có tọa độ 14.851 độ vĩ Bắc, 108.246 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.0 km. Động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trước đó vài giờ cùng ngày cũng đã xảy ra các trận động đất liên tiếp khác gồm: trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 00h41 tại tọa độ 14.738 độ vĩ Bắc, 108.412 độ kinh Đông, mạnh 2,8 độ richter.

Trận động đất thứ 2 xảy ra lúc 00h45 tại vị trí có tọa độ 14.738 độ vĩ Bắc, 108.412 độ kinh Đông, mạnh 3,3 độ richter.

Trận động đất thứ 3 xảy ra lúc 2h28 tại tọa độ 14.733 độ vĩ Bắc, 108.398 độ kinh Đông, mạnh 2,9 độ richter

Sau khi thủy điện Thượng Kon Tum (thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên có vốn đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng) đi vào hoạt động, từ năm 2021 đến nay xảy ra hàng trăm trận động đất lớn nhỏ, ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Hơn 160.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trong 11 tháng đầu năm

Trong 11 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng giảm 56%.

Ngân hàng, bất động sản vẫn dẫn đầu phát hành trái phiếu.

Ngân hàng, bất động sản vẫn dẫn đầu phát hành trái phiếu.

Trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày 1/12/2022, Công ty CP Tập đoàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong tháng 11 với 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 4 đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Đức Trung và Công ty CP City Auto.

Tính chung trong 11 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng giảm mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng giảm 56%.

Về cơ cấu, nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng trái phiếu, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Loạt công ty chứng khoán liên tiếp bị “tuýt còi”

Tuần qua, liên tiếp nhiều công ty chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) phạt, kiển trách vì các lỗi vi phạm. Mới nhất, Chứng khoán SSI bị phạt 200 triệu đồng vì cho vay sai quy định.

Loạt công ty chứng khoán liên tiếp bị UBCKNN xử phạt.

Loạt công ty chứng khoán liên tiếp bị UBCKNN xử phạt.

UBCKNN vừa công bố quyết định xử phạt Công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) do công bố không đúng thời hạn, không đầy đủ về danh sách người có liên quan của công ty và giao dịch giữa Đồng Tâm Group với người có liên quan của công ty tại Báo cáo tình hình quản trị năm 2021. Theo đó, công ty này đã bị phạt hành chính với tổng số tiền là 120 triệu đồng.

Tuần qua, Chứng khoán APG bị UBCKNN xử phạt gần 1 tỷ đồng vì nhiều lỗi vi phạm, đặc biệt trong mảng trái phiếu doanh nghiệp. APG vi phạm về lập hồ sơ chứng khoán, cho khách hàng vay tiền, tài liệu phát hành trái phiếu.

Trong đó, vi phạm bị xử phạt nặng nhất là 350 triệu đồng, do APG sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Từ đầu tháng 12 đến nay, UBCKNN đã ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm về chứng khoán. Công ty CP Chứng khoán SSI (mã: SSI) cũng bị phạt 200 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay.

VNX cũng khiển trách các công ty chứng khoán: Tân Việt, Guotai Junan Việt Nam vì để xảy ra lỗi công nghệ thông tin trong phiên giao dịch.

Việt Nam nhập khẩu kỷ lục gần 23.000 ô tô trong một tháng

Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 11 đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, đạt 22.736 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch 468 triệu USD.

Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong tháng 11 đạt kỷ lục gần 23.000 chiếc.

Lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong tháng 11 đạt kỷ lục gần 23.000 chiếc.

Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 11, cả nước nhập khẩu tới 22.736 ô tô nguyên chiếc, tổng kim ngạch 468 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 46,7% về kim ngạch so với tháng 10.

Tính chung 11 tháng cả nước nhập khẩu 151.590 ôtô nguyên chiếc, tổng kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 5,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, kết quả nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng qua gần bằng con số kỷ lục của cả năm ngoái (năm 2021 cả nước nhập khẩu gần 160.000 xe, tổng kim ngạch 3,65 tỷ USD).

Về thị trường nhập khẩu ô tô, Indonesia vượt Thái Lan trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam với 63.987 xe, kim ngạch 934,4 triệu USD. Dù mất vị thế số một về lượng nhưng Thái Lan vẫn dẫn đầu về kim ngạch với 61.101 xe, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD. Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc với 16.240 xe, kim ngạch 670 triệu USD.

Vietravel mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam - Vietravel vừa công bố thông tin về đợt mua lại trái phiếu trước hạn.

Kinh doanh du lịch và hàng không của Vietravel khởi sắc trong năm 2022.

Kinh doanh du lịch và hàng không của Vietravel khởi sắc trong năm 2022.

Theo đó, Vietravel sẽ mua lại toàn bộ lô trái phiếu (mã trái phiếu: VTRH2123001) trị giá 500 tỷ đồng, phát hành vào ngày 21/12/2021 với kỳ hạn 24 tháng, ngày đáo hạn 21/12/2023.

Trong đó, lãi suất áp dụng cho 2 kỳ 6 tháng đầu tiên là 8,2%/năm. Các kỳ sau được tính bằng 2,5% cộng với lãi suất trung bình tiền gửi tiết kiệm trả sau thông thường, kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân được công bố trên website của 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank hoặc mức 8,2%/năm, tùy thuộc vào mức lãi suất nào cao hơn.

Như vậy, Vietravel trả nợ cho trái chủ trước hạn một năm. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy Vietravel đã có thể cân đối dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trước hạn, nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam.

Trước đó, Vietravel là đơn vị lữ hành chịu sự tác động nặng nề của Covid-19. Do vậy vào cuối tháng 12/2021, công ty này đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn tài chính, chuẩn bị khôi phục lại hoạt động kinh doanh của Công ty.

Sau khi hoàn tất mua lại trái phiếu 500 tỷ đồng trước hạn, khoản vay của Vietravel giảm xuống còn 60% so với số liệu Báo cáo tài chính quý I (kết thúc 30/9) và chỉ bằng 63% so với thời điểm Báo cáo tài chính năm 2021, kết thúc vào ngày 31/12/2021.

Các hãng hàng không tăng tải phục vụ cao điểm Tết

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán từ ngày 6/1 - 5/2/2023, các hãng hàng không đã tăng tải phục vụ phù hợp với nhu cầu thị trường.

Các hãng hàng không tăng tải phục vụ cao điểm Tết. Ảnh minh họa

Các hãng hàng không tăng tải phục vụ cao điểm Tết. Ảnh minh họa

Bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm, Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, hãng đã tăng tải trên 26% so với Tết năm 2020. Đối với mạng đường bay quốc tế, hãng cũng tập trung tăng tải mạnh vào các tuyến đường giữa Việt Nam và Đông Nam Á, Đông Bắc Á. Riêng với khu vực đường dài, Vietnam Airlines hiện duy trì mạng bay với châu Âu, Australia và Mỹ.

Đại diện Vietnam Airlines đánh giá, nhu cầu hành khách đi lại bằng đường hàng không vào dịp Tết năm nay tăng trưởng khoảng 25% so với thời điểm Tết 2020.

Về phía Hãng Hàng không Bamboo Airways, từ ngày 6/1 - 5/2/2023, hãng dự kiến tăng từ 15 - 20% tải, cung ứng hơn khoảng 1 triệu chỗ trên toàn mạng bay, đồng thời tiếp tục tăng số lượng theo điều kiện cho phép.

Đối với mạng bay nội địa, hãng sẽ tăng cường khai thác kết nối từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ với các tỉnh thành, địa danh khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Điện Biên, Kiên Giang, Pleiku, Buôn Mê Thuột, cũng như các điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn…

Trên mạng bay quốc tế, hãng tăng cường khai thác các tuyến bay đi Đức, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan.

Trước đó, từ tháng 8/2022, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines đã mở bán vé Tết. Muộn nhất là Vietravel Airlines mở bán vào tháng 10, song tính đến hết ngày 30/11 đã bán hết 100% số chỗ được mở cho chặng TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn, các chặng bay chính còn lại đã bán được 50%.

Dự kiến khởi công dự án nâng cấp Quốc lộ 8C qua Hà Tĩnh gần 1.100 tỷ đồng vào năm 2023

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài 27,7 km với tổng mức đầu tư dự kiến 1.076 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào năm 2023...

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài 27,7 km với tổng mức đầu tư dự kiến 1.076 tỷ đồng

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có chiều dài 27,7 km với tổng mức đầu tư dự kiến 1.076 tỷ đồng

Sở GTVT Hà Tĩnh vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C ở Hà Tĩnh.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C gồm 2 đoạn, bao gồm đoạn từ Thiên Cầm - Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 - đường Hồ Chí Minh, có tổng chiều dài 27,7 km, được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 268/QĐ-BGTVT ngày 3/3/2022 và giao Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C có tổng mức đầu tư dự kiến 1.076 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, gồm nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh. Dự kiến, Dự án sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.

Long An lần đầu thu ngân sách vượt 20.000 tỷ đồng

Năm 2022, Long An thu ngân sách đạt gần 22.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên địa phương thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Trong đó, phần thu nội địa đạt 17.500 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Long An thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng

Lần đầu tiên Long An thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Long An Nguyễn Văn Thủy cho biết, năm 2022, Long An vẫn thu ngân sách đạt con số kỷ lục, gần 22.000 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên Long An thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 126% dự toán Trung ương giao, tăng 12,1% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa do Cục Thuế tỉnh Long An quản lý là 17.500 tỷ đồng, đạt 130,5% so với dự toán Trung ương giao, tăng 21,1% so với năm 2021.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Long An đã tăng cường quản lý kê khai, chống thất thu về đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, chống chuyển giá, quản lý nợ; tăng cường quản lý thương mại điện tử.

Do đó, công tác chống thất thu kinh doanh bất động sản được thực hiện đạt kết quả cao, nổi bật, tăng gần 3 lần so với năm 2021, tương ứng tăng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Đến ngày 30/6/2022, toàn Tỉnh đã thực hiện 100% chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả các doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác thu thuế tại địa phương.

Chuyên đề