Bản tin thời sự sáng 12/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cựu Bí thư Đồng Nai bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ; giá xăng tăng lần thứ 4 liên tiếp lên sát 24.000 đồng/lít; chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh được cấp phép thi trở lại; hơn 240.000 công nhân thiếu việc làm cuối năm; thanh tra quản lý quỹ phát triển nhà, đất tại Hà Nội và TP.HCM…

Cựu Bí thư Đồng Nai bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ

Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bị đề nghị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng trong vụ sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, liên quan Công ty AIC.

Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Ngày 11/11, ông Thành và ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Cùng vụ án, C03 cũng đề nghị truy tố nhiều bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai), Trịnh Huy Cường (Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai), bà Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) và nhiều người khác.

Bà Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị truy tố với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhà chức trách cáo buộc, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn 2013 - 2015 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã có nhiều sai phạm.

Các cán bộ thuộc chủ đầu tư, AIC cùng một số đơn vị đã "thông đồng, nâng khống giá" để AIC trúng 12 gói thầu với tổng giá trị 476 tỷ đồng. Hành vi này khiến Nhà nước thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Giá xăng tăng lần thứ 4 liên tiếp lên sát 24.000 đồng/lít

Ngoại trừ dầu diesel giảm 90 đồng, các mặt hàng khác đều tăng giá, trong đó, xăng đắt thêm 840 - 1.110 đồng/lít.

Từ 15h ngày 11/11, giá xăng RON 95-III tăng lên 23.860 đồng/lít

Từ 15h ngày 11/11, giá xăng RON 95-III tăng lên 23.860 đồng/lít

Theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h ngày 11/11, giá xăng RON 95-III tăng lên 23.860 đồng/lít; E5 RON 92 là 22.710 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng, trừ dầu diesel giảm 90 đồng về còn 24.980 đồng/lít. Dầu hoả có mức giá mới là 24.740 đồng/lít; dầu mazut là 14.760 đồng/kg.

Cùng với điều chỉnh giá, nhà điều hành cũng trích lập mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 là 200 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/lít. Dầu hoả và diesel không trích lập vào quỹ ở kỳ điều hành này. Mức chi quỹ về 0 đồng/lít với các mặt hàng xăng, dầu.

Tại kỳ điều hành ngày 11/11, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong giá cơ sở đã được cập nhật, với mức tăng 160 - 660 đồng/lít tuỳ loại. Theo Bộ Tài chính, việc tăng chi phí này làm tăng giá cơ sở xăng E5 RON 92 và dầu diesel dưới 50 đồng/lít; xăng RON 95 gần 150 đồng mỗi lít và dầu hỏa trên 720 đồng/lít.

Sau thời gian tạm ổn định, hơn một tuần qua, tại Hà Nội, TP.HCM vẫn ghi nhận tình trạng cây xăng treo biển hết xăng, bán cầm chừng.

Chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh được cấp phép thi trở lại

Chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp phép cho thi trở lại, hai ngày sau khi tổ chức này thông báo hoãn các kỳ thi IELTS và Aptis.

Chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho thi trở lại

Chứng chỉ tiếng Anh Aptis của Hội đồng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho thi trở lại

Sáng 11/11, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt cho 5 công ty liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis với Hội đồng Anh trong 5 năm. Năm công ty gồm Công ty TNHH Bristish Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển giáo dục Việt Nam, Công ty CP Truyền thông Giáo dục và Thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại. Địa điểm tổ chức thi là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Chứng chỉ được cấp là Aptis ESOL International Certificate.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các bên tuân thủ quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Bộ GD&ĐT cho biết, đang đốc thúc Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS. Việc cấp phép cho các chứng chỉ khác cũng đang được khẩn trương thực hiện.

Cùng với IELTS, Aptis là chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh của Hội đồng Anh, đã được thông báo dừng thi trên toàn quốc từ tối 9/11. Chứng chỉ này do Hội đồng Anh cấp từ năm 2012, được công nhận tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, nhiều trường đại học dùng Aptis để xét đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân.

Hơn 240.000 công nhân thiếu việc làm cuối năm

Thống kê ban đầu của công đoàn cơ sở cho thấy, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng.

Lao động thiếu việc làm chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ

Lao động thiếu việc làm chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ

Ngày 11/11, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thống kê trên chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm đang diễn ra trên diện rộng. Lao động thiếu việc làm chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ. Để giữ chân công nhân, nhiều nhà máy dùng hết phép năm nay và ứng phép năm 2023 để bù đắp.

Lo ngại tình trạng thiếu việc làm diễn ra mạnh vào cuối năm, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đôn đốc công đoàn cơ sở có giải pháp bảo vệ người lao động, tránh dẫn đến tranh chấp, ngừng việc tập thể.

Lý giải nguyên nhân công nhân thiếu việc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhiều thị trường nước ngoài dự báo sức mua lớn, năng lực chi trả cao, nhưng nay không được như kỳ vọng dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.

Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam thống kê, trong quý IV, doanh nghiệp trong ngành giảm 30% lượng đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu giảm từ tháng 9.

Thanh tra quản lý quỹ phát triển nhà, đất tại Hà Nội và TP.HCM

Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra trong 60 ngày về việc quản lý quỹ phát triển đất và nhà ở TP.HCM và Hà Nội.

Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra việc quản lý, sử dụng một số quỹ phát triển nhà, đất tại Hà Nội và TP.HCM

Thanh tra Chính phủ bắt đầu thanh tra việc quản lý, sử dụng một số quỹ phát triển nhà, đất tại Hà Nội và TP.HCM

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam vừa công bố quyết định thanh tra về việc quản lý, sử dụng một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại 3 bộ cùng với TP.HCM và Hà Nội.

Các quỹ thuộc diện thanh tra là: Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội, Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM, Quỹ Phát triển đất TP. Hà Nội và Quỹ Phát triển đất TP.HCM, thời kỳ từ 1/1/2017 đến 31/12/2021. Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời gian trên.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Tại buổi công bố quyết định, ông Liêm đề nghị các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị phối hợp với đoàn thanh tra trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ để phục vụ công tác thanh tra.

460 tỷ đồng xây cống ngăn mặn ở Tiền Giang

Cống rộng 40 m, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng được xây trên kênh Nguyễn Tấn Thành giúp ngăn mặn, triều cường và trữ ngọt, cấp nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân.

Phối cảnh cống ngăn mặn 460 tỷ đồng trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Phối cảnh cống ngăn mặn 460 tỷ đồng trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Cống ngăn mặn được khởi công sáng 11/11 ở đầu kênh Nguyễn Tấn Thành, cách sông Tiền 420 m, thuộc địa bàn hai xã Song Thuận, Bình Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Đây là cống ngăn mặn có quy mô lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) kinh phí 3.300 tỷ đồng khánh thành hồi đầu tháng 3.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chủ đầu tư), công trình có hạng mục chính là cống rộng 40 m bằng bê tông, cửa van bằng thép, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Phần âu thuyền có chiều rộng thông nước 12 m, cao trình 5,5 m. Một số hạng mục phụ của công trình gồm: nhà, đường quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát tự động.

Công trình dự kiến hoàn thành sau hai năm xây dựng, giúp ngăn mặn, triều cường và trữ ngọt, cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Tiền Giang, Long An.

Giám đốc doanh nghiệp tại Bình Phước bị cáo buộc buôn lậu hơn 800 tấn hạt điều

Hoàng Văn Phi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Phượng Phi, bị cáo buộc buôn lậu 834 tấn hạt điều.

Hoàng Văn Phi (phải) nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Hoàng Văn Phi (phải) nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Ngày 11/11, Công an tỉnh Bình Phước bắt tạm giam ông Phi để điều tra về tội Buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Lực lượng chức năng cũng đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của Phi tại phường Phước Bình, thị xã Phước Long.

Theo điều tra, từ tháng 6 đến 9/2020, Phi sử dụng tư cách pháp nhân của công ty mình mở 8 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, theo loại hình nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu để nhập hơn 1.000 tấn hạt điều khô nguyên vỏ (xuất xứ từ châu Phi) với tổng giá trị hơn 25,4 tỷ đồng.

Khi được Chi cục Hải quan Chơn Thành cho thông quan, Phi vận chuyển toàn bộ số hàng về kho của Công ty tại khu phố Phước Sơn, phường Phước Bình, thị xã Phước Long. Tính đến tháng 11/2020, công ty của Phi đã chế biến 265 tấn hạt điều được 53 tấn hạt điều nhân xuất khẩu đi các nước.

Đối với số hạt điều còn lại (hơn 834 tấn, trị giá 19 tỷ đồng), Phi không tiếp tục sản xuất hạt điều nhân xuất khẩu nữa mà bán cho khách hàng trong nước, không khai báo với hải quan theo quy định.

Chuyên đề