Bản tin thời sự sáng 12/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiều hối về TP.HCM hơn 5,5 tỷ USD; hoàn thành sửa chữa đoạn Quốc lộ 51 dày đặc hư hỏng; BIDV mở thêm 6 điểm bán vàng miếng tại Hà Nội, TP.HCM; hàng trăm nghìn thuê bao sẽ bị khóa hai chiều trong vài ngày tới; kiến nghị chuyển công an việc Công ty Cà phê Gia Lai gây thất thoát hơn 26 tỷ đồng…

Kiều hối về TP.HCM hơn 5,5 tỷ USD

9 tháng đầu năm, kiều hối về TP.HCM đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị triển khai Đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố, ngày 11/10.

Con số này chưa bao gồm lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng. Nếu tính thêm kênh này, ông Lệnh cho biết, kiều hối về Thành phố còn cao hơn.

Tại Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty cho biết, doanh số chi trả qua VCBR đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2023 và tương đương con số cả năm ngoái.

Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện của doanh nghiệp này cho biết, thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp chủ yếu cho lượng kiều hối về nước. Doanh nghiệp này ghi nhận xu hướng kiều hối tăng mạnh từ lực lượng xuất khẩu lao động, cả về số lượng và giá trị chuyển về trên mỗi món. Trong khi đó, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu lại có xu hướng giảm cả về số lượng và doanh số.

Tuy nhiên, Giám đốc VCBR nhận định, vẫn còn thực trạng lượng lớn kiều hối chuyển về nước thông qua kênh tiểu ngạch.

Hàng năm, TP.HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về Thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Hoàn thành sửa chữa đoạn Quốc lộ 51 dày đặc hư hỏng

Sau 3 ngày đóng một phần đường để tu sửa, đoạn Quốc lộ 51 qua TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã hoàn thành cải tạo, thông xe trở lại.

Sau 3 ngày đóng một phần đường để tu sửa, đoạn Quốc lộ 51 qua TP. Biên Hòa đã hoàn thành cải tạo

Sau 3 ngày đóng một phần đường để tu sửa, đoạn Quốc lộ 51 qua TP. Biên Hòa đã hoàn thành cải tạo

Ngày 11/10, Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Quốc lộ 51 qua phường An Hòa thông xe tối 10/10 sau khi nhà thầu sửa xong đoạn dài gần 700 m trước Khu du lịch Sơn Tiên. Mặt đường được bóc tách và thảm lớp nhựa mới, hàng trăm ổ gà, ổ trâu được san phẳng để xe thuận tiện đi qua.

Sau khi hoàn thành sửa đoạn đường trên, đơn vị thi công sửa chữa một số vị trí thuộc phường Long Bình Tân, phường An Hòa (TP. Biên Hòa); thị trấn Long Thành, xã Long An (huyện Long Thành) và đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Quá trình thi công, lực lượng chức năng sẽ phân bố người điều tiết giao thông, hạn chế xảy ra ùn tắc.

Quốc lộ 51 dài 72 km là tuyến huyết mạch kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đường có 8 làn, công suất thiết kế 12.000 lượt xe một ngày đêm nhưng tăng lên 32.000 - 48.000 lượt mỗi ngày. Điều này dẫn tới một số đoạn xuống cấp trầm trọng, hay xảy ra tai nạn. 9 tháng đầu năm, trên tuyến qua địa bàn Đồng Nai xảy ra 56 vụ tai nạn, làm 42 người chết.

Khu Quản lý đường bộ IV thống kê trên quốc lộ này hiện có khoảng 186.000 m2 mặt đường hư hỏng và 6.900 m2 vạch sơn bị mờ. Đơn vị này đã lập dự án sửa chữa công trình nền, mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trên tuyến với kinh phí 28,6 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu tháng 1/2025.

BIDV mở thêm 6 điểm bán vàng miếng tại Hà Nội, TP.HCM

Nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố sẽ triển khai thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM, bắt đầu hoạt động từ ngày 14/10.

Nhiều người dân phản ánh khó mua vàng miếng SJC tại các điểm giao dịch của ngân hàng quốc doanh

Nhiều người dân phản ánh khó mua vàng miếng SJC tại các điểm giao dịch của ngân hàng quốc doanh

Tại Hà Nội, BIDV mở thêm 4 điểm bán tại Chi nhánh Sở Giao dịch 1, tháp A Vincom, 191 Bà Triệu; Chi nhánh Hà Thành, số 74 Thợ Nhuộm; Chi nhánh Ngọc Khánh, tòa Thái Nam Building, lô E2 đường Dương Đình Nghệ và Chi nhánh Quang Trung, tòa nhà Prime Center, số 53 phố Quang Trung.

2 điểm bán vàng được mở thêm tại TP.HCM bao gồm số 134 Nguyễn Công Trứ, Quận 1 và tòa nhà SkyGate, 36 - 38 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, quận Phú Nhuận.

Ngoài BIDV, hiện nay, đối với hình thức đăng ký mua vàng miếng online, khách hàng cần đăng ký qua website hoặc ứng dụng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và 3 ngân hàng thương mại quốc doanh còn lại gồm Vietcombank, Agribank và VietinBank.

Để đăng ký mua vàng miếng SJC online tại 4 ngân hàng quốc doanh này, khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và số tiền tối thiểu trong tài khoản tại thời điểm đăng ký phải đủ mua 1 lượng vàng miếng SJC.

Hiện giá vàng miếng SJC trong nước được giao dịch ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi so với giá chốt phiên giao dịch liền trước.

Thời gian gần đây, vẫn có nhiều người dân phản ánh về tình trạng khó mua vàng tại các điểm giao dịch của ngân hàng quốc doanh cũng như tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng. Thêm vào đó, số điểm bán vàng miếng SJC của các ngân hàng còn khá ít, điều này càng khiến người dân chật vật hơn trong việc giao dịch.

Trong khi đó, nếu tìm kiếm trên mạng, không thiếu những người rao bán suất mua vàng miếng SJC với giá chênh 500.000 - 800.000 đồng/suất.

Hàng trăm nghìn thuê bao sẽ bị khóa hai chiều trong vài ngày tới

Hiện số thuê bao sử dụng thiết bị 2G only chỉ còn khoảng 1% tổng thuê bao di động. Nhóm này sẽ bị khóa hai chiều sau ngày 15/10, sau khi nhà mạng dừng công nghệ 2G.

Những thuê bao vẫn đang sử dụng thiết bị 2G only sẽ bị khóa hai chiều sau ngày 15/10

Những thuê bao vẫn đang sử dụng thiết bị 2G only sẽ bị khóa hai chiều sau ngày 15/10

Đến hết ngày 15/10, các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G, theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only (chỉ hỗ trợ băng tần 2G) sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.

Trong khoảng thời gian nước rút trước "giờ G", các nhà mạng vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp để những thuê bao cuối cùng chuyển đổi sang sử dụng thiết bị hỗ trợ 4G. Với mỗi khách hàng cá nhân, mỗi thuê bao nhận được ít nhất 5 cuộc gọi thông báo về việc dừng công nghệ 2G. Số lần nhắn tin cho khách hàng cũng được tăng lên 2 ngày/lần trong giai đoạn gần đây, theo chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ngoài ra, đối với thuê bao chưa chuyển đổi lên 4G, khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong ngày sẽ có âm thông báo để khách hàng biết cần chuyển đổi sang máy 4G. Nhà mạng cũng hỗ trợ cú pháp nhắn tin miễn phí để khách hàng biết máy của mình có thuộc diện cần chuyển đổi từ 2G lên 4G hay không, vì không phải người dân nào cũng hiểu các khái niệm viễn thông.

Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp, vẫn còn một lượng nhỏ khách hàng chưa chuyển đổi lên thiết bị 4G. Trong buổi tọa đàm được tổ chức chiều 11/10, đại diện các nhà mạng cho biết, còn khoảng 600.000, tương đương gần 1% tổng số thuê bao di động, đang sử dụng thiết bị 2G. Trong đó, con số của các nhà mạng lớn là Viettel với 360.000 thuê bao, Vinaphone 150.000, MobiFone 47.000, Vietnamobile 17.000, tính đến sáng 11/10.

Đại diện Cục Viễn thông đánh giá, con số này là kết quả rất ấn tượng, bởi vào tháng 1 năm nay vẫn có tới hơn 18 triệu thuê bao 2G.

Theo ước tính của các nhà mạng, đến hạn 15/10, sẽ có hơn 200.000 thuê bao chưa chuyển đổi sang thiết bị 4G. Đại diện các nhà mạng đều đồng ý rằng khi chính thức bị khóa hai chiều sau ngày 15/10, nhiều khách hàng còn dùng thiết bị 2G sẽ chủ động đổi thiết bị. Việc này cũng dễ hơn với các chương trình hỗ trợ tặng máy của nhà mạng.

Kiến nghị chuyển công an việc Công ty Cà phê Gia Lai gây thất thoát hơn 26 tỷ đồng

Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND Tỉnh cung cấp thông tin và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Công an tỉnh Gia Lai liên quan việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai dính nhiều sai phạm, gây thiệt hại hơn 26 tỷ đồng.

Công ty Cà phê Gia Lai, nơi xảy ra nhiều sai phạm

Công ty Cà phê Gia Lai, nơi xảy ra nhiều sai phạm

Ngày 11/10, Thanh tra tỉnh Gia Lai có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai.

Căn cứ các quy định, Thanh tra Tỉnh chỉ rõ, trình tự, thủ tục thực hiện quyết toán cổ phần hóa và điều chỉnh phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp kéo dài hơn từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2024 là không đúng thời gian quy định, dẫn đến việc thực hiện các bước về chuyển giao công ty, các thủ tục về đất đai chưa đúng trình tự theo pháp luật về cổ phần hóa.

Đặc biệt, việc xác định sai giá trị phần vốn nhà nước đối với vườn cây của Công ty Cà phê Gia Lai dẫn đến xác định sai giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Cụ thể, ngày 2/12/2017, Công ty có Văn bản số 73 gửi Sở NN&PTNT về việc xin thẩm định, phê duyệt hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa. Trên cơ sở báo cáo của Công ty và Công ty CP Thẩm định giá Đông Á, từ ngày 19 - 20/12/2017, Sở NN&PTNT Tỉnh kiểm tra vườn cây tại các vị trí đất đưa vào cổ phần hóa.

Đến ngày 22/12/2017, Sở NN&PTNT có văn bản thông báo kết quả thẩm định chất lượng vườn cây cà phê và giá trị vườn cây của Công ty, xác định giá trị vườn cây đơn vị tư vấn tính là 92,4 tỷ đồng, nhưng kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT là 99,9 tỷ đồng (chênh lệch 7,5 tỷ đồng).

Căn cứ bảng tính giá trị vườn cây trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, Thanh tra Tỉnh tạm tính lại tỷ lệ 100% giá trị vườn cây là 126,8 tỷ đồng. Bởi vậy, việc xác định giá trị vườn cây sai quy định để đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa làm thất thoát vốn nhà nước 26,8 tỷ đồng (126,8 tỷ đồng trừ 99,9 tỷ đồng).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Thanh tra Tỉnh kiến nghị UBND Tỉnh cung cấp thông tin và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Gia Lai)...

Một cá nhân bị phạt vì mua chui hơn 7 triệu cổ phiếu

Bà Nguyễn Thương Huyền đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu SHG và trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty CP Sông Hồng nhưng không đăng ký chào mua công khai.

Ngoài phạt hành chính, bà Nguyễn Thương Huyền còn bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai

Ngoài phạt hành chính, bà Nguyễn Thương Huyền còn bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thương Huyền do có hành vi không đăng ký chào mua cổ phiếu công khai theo đúng quy định.

Trước đó, vào ngày 23/7/2023, bà Huyền đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu SHG của Tổng công ty CP Sông Hồng, tương đương hơn 14 tỷ đồng theo thị giá SHG khi đó, nhưng không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Huyền được nâng từ 0% lên 25,96%, trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Trước hành vi này, UBCKNN phạt bà Huyền 125 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm.

Ngoài ra, bà Huyền bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SHG đang bị hạn chế giao dịch và thường xuyên không có thanh khoản. Kết thúc phiên 11/10, cổ phiếu SHG tạm dừng ở mốc 1.900 đồng/đơn vị.

Bình Định yêu cầu xử lý các bất cập trên Quốc lộ 19

Ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng vào cuộc xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông trên Quốc lộ (QL) 19.

Đoạn Quốc lộ 19 qua đèo An Khê thuộc địa phận xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Đoạn Quốc lộ 19 qua đèo An Khê thuộc địa phận xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn giao Ban An toàn giao thông Tỉnh phối hợp, làm việc với Khu Quản lý đường bộ III, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85, Công ty TNHH BOT 36.71 và các đơn vị liên quan khắc phục các hư hỏng mặt đường, bất cập trên QL19 để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa năm 2024.

Giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định khẩn trương phối hợp làm việc với Khu Quản lý đường bộ III và các đơn vị có liên quan để sớm khắc phục các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Cụ thể, tại khu vực Km38+570 và Km39+482 QL19 qua thôn Phú An (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn).

Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong quá trình tổ chức thi công các dự án. Cần lắp đặt biển báo, rào chắn, cọc tiêu dẫn hướng, cử người canh gác thường trực để chỉ dẫn giao thông vào ban ngày, có đèn nhấp nháy cảnh báo và tăng cường ánh sáng về ban đêm.

Đối với điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông khu vực đoạn đèo An Khê thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19), khẩn trương lắp đặt tường phòng hộ tại các vị trí đường cong, dốc dọc lớn, vực sâu nguy hiểm để cảnh báo phương tiện; sơn kẻ mặt đường để nâng cao an toàn giao thông.

Xây dựng phương án phòng chống thiên tai; chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện để ứng cứu đảm bảo giao thông ngay khi có ách tắc xảy ra, nhất là các đoạn đang thi công móng, nền đường…

Đề xuất mở lại bến xe Thành Bưởi ở Đà Lạt

Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đề xuất cho phép Công ty TNHH Thành Bưởi mở lại bến xe ở nội đô Đà Lạt cho đến khi doanh nghiệp xây xong bến mới.

Bến xe Thành Bưởi ở số 5 Lữ Gia, TP. Đà Lạt

Bến xe Thành Bưởi ở số 5 Lữ Gia, TP. Đà Lạt

Theo đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, bến xe số 5 Lữ Gia sẽ khai thác cho đến khi bến Đarahoa ở huyện Lạc Dương, hoàn thành. Khi mở lại, lượng xe xuất bến không quá 60 chuyến/ngày. Các khung giờ cao điểm buổi sáng, trưa và chiều chỉ cho xuất bến một lượt xe mỗi giờ.

Bến xe số 5 Lữ Gia được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thành lập vào năm 2006 để chở khách và hàng hóa từ Đà Lạt đi TP.HCM và Cần Thơ. Do khu vực này thường ùn tắc, năm 2020, Tỉnh cho Công ty TNHH Thành Bưởi làm bến tạm ở số 54 Hùng Vương để di dời. Thời hạn sử dụng bến là 3 năm.

Đến nay hết thời hạn và thủ tục đầu tư không đúng, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng đề xuất chấm dứt chủ trương cho phép Công ty TNHH Thành Bưởi sử dụng nơi này làm bến xe tạm.

Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi cho biết, chưa có kế hoạch đối với bến số 5 Lữ Gia. Tuy nhiên, nếu được cấp phép, một trong những tuyến chính chở khách cố định hãng có thể chạy là TP.HCM - Đà Lạt. Hiện ở chặng này, hãng chỉ chạy theo dạng hợp đồng chứ chưa chở khách lẻ.

Công ty Thành Bưởi thành lập tháng 3/2000, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa. Hãng chiếm 40 - 50% thị phần vận tải hành khách chặng TP.HCM - Đà Lạt, lớn nhất trong các hãng khai thác chặng này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư