Bản tin thời sự sáng 12/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội bỏ quy định hành khách phải cách ly tập trung; giá xăng, dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít; TP.HCM hoàn chỉnh phương án đi lại với 4 tỉnh lân cận; Đà Nẵng đóng cửa Bệnh viện dã chiến 1.700 giường điều trị Covid-19; hành khách đi đến Hải Phòng không phải cách ly tập trung…

Hà Nội bỏ quy định hành khách phải cách ly tập trung

Hành khách từ TP.HCM đi chuyến bay nội địa đến Hà Nội sẽ theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú, không phải cách ly y tế tập trung.

Tiếp viên hành không hướng dẫn hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài

Tiếp viên hành không hướng dẫn hành khách khai báo y tế tại sân bay Nội Bài

Chiều 11/10, UBND TP. Hà Nội ra văn bản thống nhất với Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức đường bay giữa Hà Nội với TP.HCM, Đà Nẵng tần suất một chuyến mỗi ngày (chở khách hai chiều) từ ngày 10 - 20/10; ngồi giãn cách 50% công suất.

Hành khách theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú. Các cơ quan chức năng Hà Nội sẽ kiểm soát dịch tễ hành khách tại Nội Bài để sàng lọc, phân loại và thông báo cho các quận, huyện, xã, phường... để áp dụng biện pháp phòng dịch.

Sở Y tế Hà Nội tiếp nhận thông tin hành khách nhằm phối hợp quản lý, theo dõi sức khỏe hành khách tại nhà, nơi lưu trú.

Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, hành khách đi chuyến bay nội địa phải được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.

Sau chuyến bay, khi di chuyển về nơi cư trú, hành khách không tiếp xúc nơi đông người; tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày; riêng người từ vùng dịch phải xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi ở.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít

Từ 15h ngày 11/10, mỗi lít xăng tăng 930 - 970 đồng và dầu tăng 510 - 980 đồng.

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng mỗi lít

Chiều 11/10, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 967 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 934 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.683 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.879 đồng/lít.

Ngoài ra, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh. Sau khi điều chỉnh, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 17.545 đồng/lít; dầu hỏa là 16.622 đồng/lít và dầu mazut là 17.097 đồng/kg.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng, tuy nhiên, trích quỹ cho dầu mazut 100 đồng/kg.

Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 950 đồng/lít, với dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.

Như vậy, với lần tăng giá thứ ba từ giữa tháng 8 này, mỗi lít xăng RON 95 đã sát ngưỡng 23.000 đồng một lít. Sau 3 lần tăng giá, xăng RON 95 đắt thêm 1.740 đồng mỗi lít, còn xăng E5 RON 92 là 1.790 đồng một lít.

TP.HCM hoàn chỉnh phương án đi lại với 4 tỉnh lân cận

Người lao động dự kiến được đi xe cá nhân qua lại giữa TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Bình Dương khi đáp ứng điều kiện phòng dịch, riêng Đồng Nai chưa cho phép.

Người dân xuất trình giấy tờ để kiểm tra tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình, giáp TP. Thủ Đức và tỉnh Bình Dương

Người dân xuất trình giấy tờ để kiểm tra tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình, giáp TP. Thủ Đức và tỉnh Bình Dương

Phương án tổ chức đi lại cho người lao động giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận gồm: Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Đồng Nai vừa được Sở Giao thông vận tải hoàn chỉnh gửi UBND Thành phố xem xét, sau 10 ngày lấy ý kiến các địa phương trong việc triển khai.

Với tỉnh Long An, người lao động muốn chạy ôtô, xe máy cá nhân từ TP.HCM cần đáp ứng điều kiện đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Họ cũng phải có xác nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hiệu lực 7 ngày.

Từ TP.HCM qua Bình Dương, người lao động khi chạy ôtô cá nhân ngoài đáp ứng các yêu cầu tương tự như trên cần giấy xác nhận đi lại, có địa điểm, cung đường cụ thể. Nếu đi xe máy, họ chỉ được đi giữa TP. Thủ Đức (TP.HCM) với TP. Thuận An, Dĩ An (Bình Dương). Khi di chuyển, người dân phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng; xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 định kỳ 7 ngày cùng giấy xác nhận đi lại...

Với Tây Ninh, người lao động từ TP.HCM được đi bằng xe cá nhân, nhưng cần đáp ứng đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc khỏi Covid-19 không qua 6 tháng. Đồng thời, thời gian xác nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 sẽ áp dụng trong 3 ngày.

Riêng Đồng Nai chưa cho phép người lao động chạy xe cá nhân qua lại TP.HCM.

Theo Sở Giao thông vận tải, hướng ngược lại từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP.HCM, người lao động muốn chạy xe cá nhân phải đáp ứng các điều kiện tương tự như tiêm vaccine hoặc khỏi Covid-19 dưới 6 tháng; xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 7 ngày.

Với hình thức đưa đón bằng ôtô giữa TP.HCM và 4 tỉnh, nhóm người được đi lại là công nhân, chuyên gia do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức vận chuyển. Các đơn vị này sẽ xây dựng phương án và thông qua cơ quan đầu mối đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động...

Đà Nẵng đóng cửa Bệnh viện dã chiến 1.700 giường điều trị Covid-19

Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía Tây Đà Nẵng chuyển những bệnh nhân Covid-19 cuối cùng về Bệnh viện Phổi điều trị, sáng 11/10.

Xe cứu thương chở bệnh nhân rời Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng

Xe cứu thương chở bệnh nhân rời Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng

Khu ký túc xá phía Tây là Bệnh viện dã chiến duy nhất của Đà Nẵng trong đợt dịch này, hoạt động từ ngày 23/7. Đây là cơ sở 2 của Bệnh viện Đà Nẵng, có quy mô 1.700 giường, cộng dồn đến nay đã thu dung, điều trị cho 3.809 bệnh nhân mắc Covid-19.

Bệnh viện có đầy đủ các phân khu chức năng cần thiết, trong đó có một khu cấp cứu hoàn chỉnh để xử lý trường hợp bệnh nhân chuyển năng, với trang thiết bị đầy đủ từ khí nén, oxy trung tâm và có thể thực hiện ECMO (tim, phổi nhân tạo).

Sau khi 42 bệnh nhân cuối cùng và 3 F1 là trẻ em (con nhỏ của các bệnh nhân), được chuyển về Bệnh viện Phổi, bệnh viện dã chiến tạm thời dừng hoạt động.

Bác sĩ Nguyễn Duy Thành, Bệnh viện Đà Nẵng, người quản lý Bệnh viện dã chiến cho biết, thời gian tới cơ sở này duy trì ở chế độ niêm phong; nếu dịch Covid-19 bùng trở lại thì tiếp tục sử dụng điều trị bệnh nhân.

Theo chiến lược chống dịch "tháp 3 tầng" của ngành y tế, Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía Tây là bệnh viện tầng 3, tiếp nhận các bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng để sàng lọc, điều trị và chuyển viện với các bệnh nhân nặng. Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang là bệnh viện tầng hai; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tầng một.

Hiện Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang đã hết bệnh nhân Covid-19, được làm sạch và quay trở lại hoạt động khám chữa bệnh bình thường. Với việc chuyển bệnh nhân này, Bệnh viện Phổi sẽ là nơi duy nhất ở Đà Nẵng thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, với quy mô 50 giường bệnh.

Hành khách đi đến Hải Phòng không phải cách ly tập trung

Hành khách đi chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Cát Bi và lưu trú tại Hải Phòng không phải cách ly y tế tập trung.

Hành khách đến sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Hành khách đến sân bay Cát Bi, Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng ban hành quy định trên ngày 11/10. Như vậy, Hải Phòng đã nới lỏng điều kiện kiểm soát, sau 2 ngày yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách đi chuyến bay nội địa từ TP.HCM đến lưu trú trên địa bàn.

Theo quy định mới, Hải Phòng vẫn yêu cầu người đến từ vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được công bố trên trang thông tin điện tử Bộ Y tế cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR ngày thứ 2 và ngày thứ 7.

Người trở về từ các địa phương nguy cơ hoặc bình thường mới tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7; nếu có triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở... phải thông báo ngay đến cơ quan y tế.

Các quận, huyện tiếp nhận danh sách hành khách về theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà/nơi lưu trú trên địa bàn; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, phối hợp với ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Toàn bộ chi phí vận chuyển hành khách về địa phương, xét nghiệm do hành khách tự chi trả.

Trước đó, UBND thành phố Hải Phòng đồng ý mở đường bay nội địa đến sân bay Cát Bi; yêu cầu hành khách bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) về lưu trú trên địa bàn sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và xét nghiệm.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bàn giao trong tháng 10

Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự kiến trong tháng 10 này, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công trình xây dựng sẽ họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nếu được Hội đồng chấp thuận, Bộ sẽ bàn giao tuyến đường sắt đô thị này cho Hà Nội khai thác thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bàn giao trong tháng 10

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ bàn giao trong tháng 10

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử từ tháng 12/2020, Bộ đã hoàn thành nghiệm thu. Hồ sơ nghiệm thu đã được Bộ gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước để kiểm tra, đánh giá và cho ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu Dự án.

Tuy nhiên, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Tới nay, Hội đồng kiểm tra nhà nước đã kiểm tra thực tế, rà soát hồ sơ Dự án, dự kiến họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10 này.

Tuy nhiên, hiện Dự án vẫn còn vướng mắc liên quan tới công tác thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (thực hiện năm 2018). Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán…

TP.HCM chưa cho phép dịch vụ ăn uống tại chỗ mở lại

Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, ăn uống tại chỗ là dịch vụ tập trung đông người, do đó Thành phố chưa có chủ trương mở lại.

Hiện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Quận 7 vẫn phải hoạt động theo hình thức bán hàng mang đi theo quy định của UBND thành phố

Hiện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Quận 7 vẫn phải hoạt động theo hình thức bán hàng mang đi theo quy định của UBND thành phố

Trên tinh thần các sở ban ngành đã tham mưu cho UBND TP.HCM các loại hình kinh doanh, dịch vụ có đủ điều kiện để tổ chức hoạt động trong an toàn thì được mở lại theo Chỉ thị 18, những loại hình có khả năng gây nhiều rủi ro sẽ phải cân nhắc, tính toán.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, ăn uống tại chỗ là dịch vụ tập trung đông người, do đó tới thời điểm hiện nay Thành phố chưa có chủ trương mở lại. Không chỉ riêng Quận 7 mà các địa phương khác cũng có đủ điều kiện nếu xét mức độ kiểm soát an toàn, nhưng trên bình diện chung Thành phố xét thấy chưa cần thiết cho loại hình dịch vụ này hoạt động và cần có tính toán thêm.

Theo ông Phương, hiện nay các loại hình dịch vụ sẽ do sở ngành chuyên môn phụ trách, dịch vụ vui chơi giải trí do Sở Văn hóa thông tin phụ trách, dịch vụ tư vấn làm đẹp do Sở Y tế phụ trách và dịch vụ ăn uống hiện nay do Ban Quản lý an toàn thực phẩm phụ trách. Khi tham mưu cho UBND Thành phố, Sở Công Thương không chịu trách nhiệm tham mưu lĩnh vực này.

Trước đó, ngày 7/10, trong văn bản gửi UBND Thành phố, Quận 7 đề xuất quy mô hoạt động của cơ sở kinh doanh ăn uống tối đa 30% công suất nhưng không quá 20 người trong cùng một thời điểm. Diện tích kinh doanh tối thiểu phải từ 100 m2 trở lên, ưu tiên khu vực ngoài trời, thoáng khí, không sử dụng máy lạnh…

Tàu khách Bắc - Nam chạy lại từ 13/10

Bộ Giao thông vận tải khai thác lại tàu khách tuyến Bắc Nam và chặng Hà Nội - Hải Phòng từ 13/10.

Tàu khách Bắc Nam chạy lại từ 13/10

Tàu khách Bắc Nam chạy lại từ 13/10

Hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt được thí điểm đến hết ngày 20/10. Theo đó, tàu khách Bắc - Nam sẽ dừng đón trả khách tại 23 ga chính trên tuyến, trong đó có ga Hà Nội.

Tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 6h sáng ngày 13/10; tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 6h sáng ngày 15/10.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng tổ chức chạy lại đôi tàu LP5/6 dừng đón trả khách tại 7 ga trên tuyến.

Ngành đường sắt mở bán vé tàu các đôi tàu trên từ sáng 12/10. Hành khách từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến nơi có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh trong vòng 72 giờ.

Trường hợp hành khách (trẻ em) chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế (khi đi cùng người thân) thì phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc cao hơn, phải xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước khi lên tàu…

Trong công điện gửi đến các địa phương ngày 10/10, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định mở lại vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư