Bản tin thời sự sáng 12/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng được giữ nguyên, dầu giảm mạnh; Hà Nội thông xe vành đai 2 trên cao; năm 2022, tiền thuế thu từ nhà, đất cao kỷ lục; 88 mã chứng khoán trên HNX không đủ điều kiện vay margin trong quý I/2023; Tập đoàn Than và Khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD…

Giá xăng được giữ nguyên, dầu giảm mạnh

Giá xăng E5 RON 92, xăng RON 95 tiếp tục ở mức 21.350 - 22.150 đồng/lít. Dầu diesel đã giảm về vùng giá thấp hơn giá xăng.

Ngày 11/1, giá xăng được giữ nguyên, dầu giảm mạnh

Ngày 11/1, giá xăng được giữ nguyên, dầu giảm mạnh

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h ngày 11/1.

Tại đợt điều chỉnh này, cơ quan điều hành quyết định giữ nguyên giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Mức giá bán lẻ với xăng E5 RON 92 tiếp tục là 21.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.

Trong khi đó, giá các loại dầu giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 520 đồng/lít, còn 21.630 đồng/lít và đã thấp hơn giá xăng trong nước. Dầu hỏa giảm 960 đồng/lít còn 21.800 đồng/lít; dầu mazut giảm 380 đồng/kg còn 13.740 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, Liên bộ không trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 và xăng RON 95, tuy nhiên, trích quỹ với dầu diesel 605 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít và dầu mazut 300 đồng/kg.

Năm 2022 là năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu, có thời điểm giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít, cũng có lúc xuống dưới 20.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu đã trải qua 34 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng, 16 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Hà Nội thông xe Vành đai 2 trên cao

Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở dài hơn 5 km với 4 làn ô tô bắt đầu thông xe từ sáng 11/1, tốc độ tối đa 80 km/h, đoạn cầu nhánh 60 km/h.

Các phương tiện được lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao từ 11/1

Các phương tiện được lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao từ 11/1

Theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ô tô chỉ ra, vào Vành đai 2 ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Vĩnh Tuy, không được quay đầu ở đường trên cao. Chỉ dẫn xe chạy đường trên cao là hệ thống sơn phân làn và biển báo.

Người đi bộ, xe thô sơ, môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự... không được đi trên Vành đai 2 trên cao.

Dự án Vành đai 2 gồm hai hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong đó, đường dưới thấp có quy mô 8 - 10 làn xe, vỉa hè rộng 4 - 6 m mỗi bên, đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đường trên cao dài hơn 5 km, rộng 19 m, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến Vành đai 2 có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên xuống ở Ngã Tư Sở.

Năm 2022, tiền thuế thu từ nhà, đất cao kỷ lục

Theo Tổng cục Thuế, hầu hết khoản thu liên quan nhà, đất năm 2022 đều tăng cao so với dự toán, như thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vượt 74%; tiền sử dụng đất vượt 54%.

Các khoản thu, sắc thuế liên quan nhà, đất là nhóm tăng mạnh nhất trong năm 2022

Các khoản thu, sắc thuế liên quan nhà, đất là nhóm tăng mạnh nhất trong năm 2022

Cụ thể, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã đạt trên 1,515 triệu tỷ đồng, vượt 29% so với dự toán và tăng 13% so với năm 2021. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 78.030 tỷ đồng, vượt 177% dự toán và tăng 175% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nội địa cả năm ước đạt 1,437 triệu tỷ, vượt 25% dự toán pháp lệnh và tăng gần 11% so với năm liền trước.

Theo cơ quan thuế, so với dự toán Quốc hội giao, đã có tới 18/19 khoản thu, sắc thuế năm vừa qua hoàn thành và vượt chỉ tiêu.

Trong đó, một số khoản thu lớn đến từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước vượt 14% dự toán; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 18%; thu từ hoạt động xổ số vượt 18%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh vượt 22%; thuế thu nhập cá nhân vượt 39%; thu lệ phí trước bạ vượt 44%...

Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Thuế cho biết, các khoản thu liên quan nhà, đất năm vừa qua chính là nhóm tăng mạnh nhất với tiền thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vượt 74% dự toán; thu từ cho thuế đất, mặt nước vượt 65% và thu tiền sử dụng đất vượt 54%.

Năm 2022, tổng các khoản thu từ nhà, đất dự toán đạt 162.610 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức tăng mạnh của các khoản thu từ nhà, đất kể trên, tính riêng ba khoản thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền cho thuê đất, mặt nước và tiền sử dụng đất đã đạt 251.954 tỷ đồng.

So với mức ước thu năm 2021, số tiền thuế từ các khoản thu liên quan nhà, đất kể trên cũng tăng tới 47% và là mức thu cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan thuế vào khoảng 1,373 triệu tỷ đồng. Trong đó thu từ dầu thô là 42.000 tỷ và thu nội địa là 1,331 triệu tỷ đồng.

88 mã chứng khoán trên HNX không đủ điều kiện vay margin trong quý I/2023

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách 88 mã chứng khoán không được giao dịch ký quỹ (margin) trong quý I/2023.

HNX vừa công bố danh sách 88 mã chứng khoán không được giao dịch ký quỹ

HNX vừa công bố danh sách 88 mã chứng khoán không được giao dịch ký quỹ

Việc không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ đồng nghĩa với việc nhà đầu tư mua cổ phiếu sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 88 mã chứng khoán này.

Theo HNX, đây là các mã chứng khoán thuộc các trường hợp bị đình chỉ giao dịch, chứng khoán bị kiểm soát (TTZ, TC6, SRA, SP1…), chứng khoán bị cảnh báo (VTL, VKC, VGP, VEI, VC9, TFC, SSM, SGH, SFN, SDU…), chứng khoán bị hạn chế giao dịch (VMC, SD4..).

Đáng chú ý, có 3 mã chứng khoán có khả năng bị huỷ bỏ niêm yết là cổ phiếu CKV của Công ty CP COKYVINA; cổ phiếu HGM của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; cổ phiếu PVL của Công ty CP Đầu tư Nhà đất Việt.

Họ “Sông Đà” cũng góp mặt tới 5 mã chứng khoán trong danh sách không được vay margin trong quý I này gồm: SDU, SDT, SDA, SD6, SD4.

Ngoài ra, trong danh sách này còn có các mã chứng khoán mà lợi nhuận sau thuế 6 tháng tại báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022 là số âm (TXM, UNI, VDL..); chứng khoán mà lợi nhuận sau thuế 6 tháng của công ty mẹ tại báo cáo tài chính bán niên hợp nhất soát xét 2022 là số âm (TFC, SPI, SGD…).

Tập đoàn Than và Khoáng sản đạt doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD

Chi phí sản xuất tăng do biến động đầu vào nhưng nhờ giá than cao, TKV vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập, gần 166.000 tỷ đồng và lợi nhuận 8.100 tỷ đồng.

Khai thác than tại Quảng Ninh

Khai thác than tại Quảng Ninh

Theo lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá nhiên, vật liệu đầu vào như xăng dầu, sắt thép, một số loại vật tư phải nhập khẩu... tăng cao trong năm ngoái khiến chi phí sản xuất của Tập đoàn tăng khoảng 3.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, nhờ sản lượng than tiêu thụ tăng hơn 3 triệu tấn, đạt 46,5 triệu tấn so với 2021 và giá than tăng... giúp TKV ghi nhận doanh thu 165.900 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, hơn 61% là doanh thu từ than, với 101.600 tỷ đồng; khoáng sản 24.700 tỷ đồng; sản xuất và bán điện 10.200 tỷ đồng; còn lại là khoản thu từ cơ khí, vật liệu nổ và các lĩnh vực khác khoảng 29.300 tỷ đồng.

Lợi nhuận năm 2022 của "ông lớn" ngành than đạt 8.100 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ so với kế hoạch và nộp ngân sách 21.350 tỷ đồng. Các hệ số tài chính được cải thiện, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu 1,58 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 17,2%...

Năm 2023, TKV đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ đồng, tăng 2% so với 2022; lợi nhuận 5.000 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu doanh thu từ sản xuất than 105.640 tỷ đồng, khoáng sản hơn 23.600 tỷ đồng; điện gần 11.500 tỷ đồng, còn lại là cơ khí, vật liệu nổ và lĩnh vực khác.

Hơn 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 tuyến quốc lộ ở An Giang

Tỉnh An Giang được bố trí hơn 1.600 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư xây dựng 2 tuyến quốc lộ.

Một đoạn Quốc lộ 91C qua tỉnh An Giang.

Một đoạn Quốc lộ 91C qua tỉnh An Giang.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh An Giang về kiến nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91C thuộc địa phận tỉnh này.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 91C có điểm đầu tại TP. Châu Đốc, điểm cuối tại Cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang. Tuyến đường có chiều dài tuyến khoảng 36 km, quy mô 2 - 4 làn xe. Hiện trạng tuyến đã được đầu tư cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân và đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã cân đối 1.671 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Cựu lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Lắk bị kỷ luật vì liên quan 1.000 m3 gỗ mục nát

Bà Lê Thị Oanh, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính, bị cảnh cáo do "tham mưu không đúng" phương án xử lý, bảo quản hơn 1.000 m3 gỗ vớt dưới lòng hồ.

Hơn 1.000 m3 gỗ đang được để ở bãi đất ngoài trời.

Hơn 1.000 m3 gỗ đang được để ở bãi đất ngoài trời.

Quyết định thi hành kỷ luật bà Oanh được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố ngày 11/1. Khi làm Phó Giám đốc Sở Tài chính, bà Oanh bị cho đã tham mưu UBND Tỉnh phê duyệt phương án xử lý số gỗ trục vớt ở tỉnh không đúng quy định, làm thất thoát tài sản nhà nước. Hiện, bà Oanh đã nghỉ hưu.

Theo hồ sơ, năm 2011, UBND huyện Ea Súp cho doanh nghiệp vớt hơn 1.000 m3 gỗ (thuộc nhóm lâu năm) dưới lòng hồ Ea Súp Hạ, giá trị khoảng 1,9 tỷ đồng. Do doanh nghiệp không còn kinh phí trông coi, năm 2014, chính quyền huyện tiếp nhận số gỗ để làm thủ tục bán, song không có người mua.

UBND huyện Ea Súp đã mời Sở Tài chính Đăk Lăk định giá lại số gỗ nói trên và được UBND tỉnh phê duyệt giá gần một tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó gặp vướng mắc thủ tục, toàn bộ số gỗ đã mục nát do không được bảo quản, để ngoài trời

Chuyên đề