Bản tin thời sự sáng 11/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng ngày 12/9 có thể giảm 800 đồng một lít; ngày 10/9, liên tiếp xảy ra 5 trận động đất chỉ trong vài giờ ở Kon Tum; cải tạo nâng cấp chợ Hàn thành điểm du lịch; hơn 16.700 tỷ đồng xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng chăn nuôi…

Giá xăng ngày 12/9 có thể giảm 800 đồng một lít

Theo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, mỗi lít xăng ngày 12/9 có thể giảm 800 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ.

Mỗi lít xăng ngày 12/9 có thể giảm 800 đồng. Ảnh minh họa

Mỗi lít xăng ngày 12/9 có thể giảm 800 đồng. Ảnh minh họa

Kỳ điều hành tới dự kiến vào thứ 2 thay vì rơi vào 11/9 do là ngày nghỉ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 8/9 giảm so với kỳ điều hành trước đó với RON 92 là 96,76 USD một thùng, RON 95 là 101,5 USD. Giá dầu cũng giảm về quanh mốc 129 USD một thùng.

Theo Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM, kỳ này giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước. Nếu không trích và sử dụng Quỹ, giá xăng sẽ giảm khoảng 800 đồng còn dầu hạ 900 - 1.000 đồng một lít. Nếu cơ quan quản lý trích Quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu sẽ giảm ít hơn.

Đồng quan điểm, giám đốc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Hà Nội cho rằng, giá xăng có thể giảm gần về mốc 22.000 đồng một lít. Hiện giá xăng và dầu thế giới vẫn trong xu hướng đi xuống.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 9 lần giảm và một lần giữ nguyên. Nếu kỳ điều hành này xăng giảm mạnh, đây sẽ là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Ngày 10/9, liên tiếp xảy ra 5 trận động đất chỉ trong vài giờ ở Kon Tum

Trong ngày 10/9, liên tiếp xảy ra 5 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum).

Động đất thường xảy ra ở các xã miền núi của huyện Kon Plông

Động đất thường xảy ra ở các xã miền núi của huyện Kon Plông

Cụ thể, theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, 5 trận động đất liên tiếp xảy ra trong khoảng 5h55 - 11h35 với độ lớn 2,5 - 3,5 richter. Độ sâu chấn tiêu từ 8,1 km đến 10 km. Cấp độ rủi ro thiên tai là 0.

Trước việc liên tục ghi nhận động đất, Thủy điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành lắp đặt mới thêm 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất.

Theo đó, tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này tăng lên 6 trạm. Tổng kinh phí để lắp đặt, vận hành hệ thống khoảng 4,9 tỷ đồng.

Trong 3 trạm quan trắc mới lắp đặt ở đập Thủy điện Thượng Kon Tum có 2 trạm đặt ở xã Măng Bút, huyện Kon Plông và xã Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông. 3 trạm quan trắc được lắp trước đó nằm ở nhà máy Thượng Kon Tum, trung tâm huyện Tu Mơ Rông và trung tâm huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).

Cải tạo nâng cấp chợ Hàn thành điểm du lịch

Sau khi cải tạo và nâng cấp, chợ Hàn (TP. Đà Nẵng) sẽ trở thành địa điểm mua sắm, phục vụ du lịch theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Sau khi cải tạo và nâng cấp, chợ Hàn sẽ trở thành địa điểm mua sắm, phục vụ du lịch theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Sau khi cải tạo và nâng cấp, chợ Hàn sẽ trở thành địa điểm mua sắm, phục vụ du lịch theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, sẽ cải tạo, nâng cấp chợ Hàn (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), với kinh phí khoảng 8,1 tỷ đồng. Chợ Hàn được xây dựng lại vào năm 1989, đến nay đã hơn 30 năm sử dụng nên có nhiều hạng mục xuống cấp, cần được sửa chữa.

Đây là công trình nằm ở trung tâm quận Hải Châu, có 4 mặt tiền gồm các đường: Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Hùng Vương.

Chợ Hàn đã phát huy tốt vai trò là mắt xích trong hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn Đà Nẵng. Đây vừa là chợ truyền thống phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa thường xuyên đón khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Theo Ban Quản lý chợ, công trình “Cải tạo, nâng cấp chợ Hàn” sẽ được thực hiện với 6 hạng mục: tháo dỡ; cải tạo nhà lồng chính; xây mới nhà Ban Quản lý; hệ thống điện; xây mới nhà hàng cá, nhà lồng phụ, cổng chào; hệ thống cấp thoát nước.

Ông Nguyễn Văn Trừ (Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng) cho biết, việc cải tạo nâng cấp và sắp xếp lại trật tự kinh doanh theo hướng văn minh thương mại là rất cần thiết. Sau khi cải tạo và nâng cấp, chợ Hàn sẽ trở thành địa điểm mua sắm, phục vụ du lịch theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Những năm qua, chợ này hiện đã quá tải, chật chội và xuống cấp. Toàn bộ không gian trong chợ đã chật kín, các quầy hàng của tiểu thương sát nhau.

Hơn 16.700 tỷ đồng xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Tuyến cao tốc dài 50 km nối TP.HCM đến Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, được tính toán cần 16.729 tỷ đồng đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe, vận tốc 120 km/h.

Hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo nghiên cứu năm 2020

Hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo nghiên cứu năm 2020

Nội dung vừa được UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc nêu trên. Mức này tăng hơn 800 tỷ đồng so với tổng vốn dự tính (15.900 tỷ đồng) hồi tháng 5/2021 và hơn 6.000 tỷ đồng so với lần công bố hồi năm 2019 (10.700 tỷ đồng).

Tuyến đường sẽ thực hiện theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong tổng vốn thực hiện, nhà đầu tư dự kiến huy động gần 9.300 tỷ đồng, khi hoàn thành thu phí hoàn vốn 18 năm 1 tháng. Phần còn lại ngân sách hai địa phương dùng để chi trả giải phóng mặt bằng.

Theo nghiên cứu tiền khả thi, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu giao giữa Tỉnh lộ 15 với Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM); điểm cuối kết nối quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Toàn tuyến dài khoảng 50 km (giảm khoảng 3 km so với tính toán lúc trước), trong đó đoạn qua TP.HCM dài gần 24 km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua hai địa phương, nhưng TP.HCM được giao chủ trì thực hiện.

Dự án cao tốc sẽ được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu với tổng diện tích hơn 435 ha, hơn 570 hộ dân bị ảnh hưởng. Toàn tuyến được xây dựng trước 4 làn xe trong giai đoạn một, sau đó sẽ mở rộng lên 6 - 8 làn khi hoàn thiện theo quy hoạch.

TP.HCM dự kiến các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành vào quý 3/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý 2/2024. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện từ quý 4/2023 đến quý 3/2025. Công trình được thi công hoàn thành trong ba năm, từ 2024 đến 2027.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng chăn nuôi

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng chăn nuôi, nhất là nuôi heo khi quy mô thị trường này được dự báo lên đến 15 tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng chăn nuôi

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào mảng chăn nuôi

Báo cáo tài chính mới đây của Công ty CP Thaiholdings (THD) cho biết, thông qua công ty con - Thaigroup, doanh nghiệp này đã đầu tư 600 tỷ đồng hợp tác kinh doanh với bên thứ ba để chăn nuôi heo và sản xuất heo giống qua dự án chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa. THD sẽ nhận 60% lợi nhuận từ dự án.

Như vậy, Thaiholdings đang nối dài danh sách những doanh nghiệp lớn tích cực tham gia vào ngành chăn nuôi heo khi thị trường trong nước được dự báo có quy mô khoảng 15 tỷ USD (báo cáo thường niên 2021 của Masan MeatLife).

Trước đây, thị trường này đã điểm danh nhiều "ông lớn" đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng vào chăn nuôi heo như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG), Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN), Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco)...

Ngoài các đại gia có tiềm lực tài chính mạnh, ngành này cũng ghi nhận nhiều tên tuổi trong và ngoài nước đang cạnh tranh nhau khốc liệt ở mảng thịt như Tập đoàn C.P, GreenFeed, CJ Vina Agri, Tập đoàn Mavin... Ngoài trực tiếp sản xuất và kinh doanh, các tổ chức nước ngoài như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) còn đặt cược lớn khi chi đậm để đầu tư cho các đơn vị trong ngành.

Trong năm nay, IFC đã rót tổng cộng 2.800 tỷ đồng vào ba đơn vị chăn nuôi heo gồm GreenFeed, Tập đoàn Mavin và BaF Việt Nam. Nhận vốn lớn, các công ty kể trên đều đề ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. GreenFeed muốn cung ứng hơn 125.000 tấn thịt heo cho 385.000 người tiêu dùng mỗi năm, trong khi Mavin đề mục tiêu đạt năng lực cung cấp cho thị trường 900.000 tấn thịt heo mỗi năm.

Khôi phục tuyến buýt từ trung tâm đi Tân Sơn Nhất

Tuyến buýt 109, lộ trình từ khu trung tâm đến sân bay Tân Sơn Nhất chạy từ ngày 13/9, giúp khách hành thêm lựa chọn đi lại.

Xe hoạt động trên tuyến buýt 109

Xe hoạt động trên tuyến buýt 109

Tuyến buýt có cự ly hơn 9 km, điểm đầu tại bến xe buýt Sài Gòn, Quận 1, điểm cuối ở sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình (TP.HCM). Đây là tuyến buýt không trợ giá do Công ty CP xe khách Phương Trang khai thác.

Lượt đi: Bến xe buýt Sài Gòn - Phạm Ngũ Lão - Yersin - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Pasteur - Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót - Trường Sơn - cầu vượt - ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Lượt về: ga quốc tế - làn B ga quốc nội - Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Lê Lai - Bến xe buýt Sài Gòn.

Tuyến buýt 109 vận hành từ năm 2016, nhưng do ảnh hưởng Covid-19 nên đã dừng hai năm nay. Như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có ba tuyến buýt kết nối trực tiếp. Hai tuyến khác là 152 chạy đến Khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh và 72-1 chạy đến Vũng Tàu.

Cách khu trung tâm khoảng 8 km, sân bay Tân Sơn Nhất rộng 1.500 ha là đầu mối giao thông quan trọng của TP.HCM. Với lượng khách khoảng 120.000 lượt mỗi ngày, số lượng taxi, ô tô công nghệ được cho chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đây là một trong nguyên nhân gây tình trạng ùn ứ, lộn xộn xảy ra ở khu vực đón trả khách trước ga quốc nội sân bay.

Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Thành bị bắt

Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Thành Nguyễn Xuân Châu bị cáo buộc vẽ dự án "ma" Oriana Residences chuyển nhượng cho nhiều người lấy 41 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Châu bị cơ quan điều tra bắt tạm giam

Ông Nguyễn Xuân Châu bị cơ quan điều tra bắt tạm giam

Ngày 10/9, ông Nguyễn Xuân Châu, bị Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2020 đến nay, ông Châu với tư cách Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Thành đã thuê tư vấn marketing, làm sa bàn dự án, thiết kế... dự án tại Khu đô thị hỗn hợp DL-2, xã An Phú, TP Tuy Hòa.

Doanh nghiệp này tự đặt tên dự án "trên giấy" là Oriana Residences, quảng cáo ở Facebook và một số báo với nội dung gian dối như: pháp lý an toàn; sổ đỏ lâu dài; khu đô thị hỗn hợp đa dạng loại hình bất động sản gồm nhà phố liền kề, biệt thự, shophouse... Từ đó, Công ty CP Việt Thành huy động được 59 người góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư), chiếm đoạt hơn 41 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty CP Việt Thành không phải là chủ đầu tư cũng như chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập dự án Oriana Residences. Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Cháy trong lúc chạy thử nghiệm tại Dự án Hoá dầu Long Sơn

Trong lúc nhà thầu chạy thử nghiệm Dự án Hoá dầu Long Sơn, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã gặp sự cố, gây cháy vào chiều ngày 10/9.

Đám cháy bốc cột khói cao hàng chục mét

Đám cháy bốc cột khói cao hàng chục mét

Khoảng 14h30, đám cháy tạo cột khói đen bốc cao hàng chục mét bên trong Dự án Hoá dầu Long Sơn (xã Long Sơn). Xe cứu hoả cùng hàng chục nhân sự phòng cháy chữa cháy tại chỗ được huy động, dập tắt đám cháy sau hơn 40 phút.

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, vụ cháy xảy ra khi nhà thầu vận hành thử nghiệm Dự án. Hỏa hoạn không gây thương vong. Nguyên nhân đang được điều tra.

Dự án Hoá dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 5 tỷ USD. Dự án đang trong quá trình chạy thử nghiệm một số hạng mục để vận hành thương mại cuối năm nay, chậm 3 năm so với kế hoạch ban đầu.

Chuyên đề