Bản tin thời sự sáng 11/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tòa trả hồ sơ vụ án Chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản; Nhà máy Bia Hà Nội, Công ty Thuốc lá Thăng Long phải di dời khỏi nội đô; cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sắp ra tòa trong vụ án thứ 4; cưỡng chế khoản nợ 869 tỷ đồng từ tài khoản Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình; Đà Lạt đề xuất 10 dự án khẩn cấp chống ngập, sạt lở…

Tòa trả hồ sơ vụ án Chủ tịch Mường Thanh Lê Thanh Thản

Cho rằng có một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên xét xử, tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung sau gần một giờ thẩm vấn ông Lê Thanh Thản và một số bị hại.

Ông Lê Thanh Thản tại phiên tòa

Ông Lê Thanh Thản tại phiên tòa

Trưa 10/8, Chủ tọa Lưu Ngọc Cảnh thông báo quyết định trả hồ sơ. Tòa lưu ý, trong giai đoạn điều tra sắp tới, những người bị hại và liên quan chưa liên hệ với nhà chức trách cần tiếp tục đến làm việc, gửi đơn và nộp các tài liệu để đưa vào hồ sơ. Như vậy sau 4 năm từ khi khởi tố, vụ án lại quay về giai đoạn điều tra.

Ngày 10/8, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản ra toà về tội Lừa dối khách hàng. 6 cựu cán bộ phường Kiến Hưng và quận Hà Đông bị xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: ông Đỗ Văn Hưng, cựu Chủ tịch phường Kiến Hưng và hai cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Uyển và Bùi Văn Bằng; Vương Đăng Quân (cựu Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông) và Nguyễn Văn Năm (cựu Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông).

Theo cáo trạng, năm 2008, Công ty Bemes được UBND Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Dự án CT6 Kiến Hưng tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Giữa năm 2010, Công ty Bemes nhiều lần xin điều chỉnh một số quy hoạch nhưng không được nhà chức trách đồng ý.

VKS cáo buộc, ông Thản sau đó vẫn chỉ đạo thi công sai quy hoạch, xây dựng vào chỉ giới đường đỏ khiến "vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng".

Từ tháng 3/2011, ông Thản bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, "đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của Dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật". Việc này nhằm mục đích để khách hàng tin tưởng ký hợp đồng mua bán căn hộ với Bemes, nộp tiền theo tiến độ thi công.

VKS xác định, ông Thản thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng; thiệt hại gây ra cho 488 khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ đỏ là 53 tỷ đồng.

Nhà máy Bia Hà Nội, Công ty Thuốc lá Thăng Long phải di dời khỏi nội đô

Hà Nội chốt danh mục 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời khỏi nội đô trong 5 năm tới.

Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) phải di dời trong 5 năm

Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) phải di dời trong 5 năm

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký quyết định ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố (đợt 1).

Theo danh mục này, có 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời thuộc thẩm quyền quy định tại Nghị định số 167 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Kế hoạch di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND Thành phố phê duyệt danh mục.

Cụ thể, Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) tại 183 Hoàng Hoa Thám có diện tích hơn 52.000 m2. Theo Quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND Thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, xây trường THPT, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh.

Tại quận Thanh Xuân, phần đất mà Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long tại địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi có diện tích hơn 64.000 m2. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ là đất công cộng của Thành phố và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ tại số 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) có diện tích hơn 200 nghìn m2. Phần đất này được quy hoạch là đất công cộng thành phố.

Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang (Long Biên) có diện tích hơn 159.000 m2, đang là bể chứa xăng dầu. Theo quy hoạch, khu đất này sẽ có chức năng là đất hỗn hợp bao gồm nhà ở, cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.

Bên cạnh đó còn có cơ sở nhà, đất của Công ty In Báo Nhân dân Hà Nội; Công ty TNHH MTV In Báo Hà Nội Mới; Công ty TNHH MTV In và thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung sắp ra tòa trong vụ án thứ 4

Ngày 25/8, Tòa án Nhân dân Hà Nội dự kiến xét xử ông Nguyễn Đức Chung về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Phiên tòa dự kiến kéo dài 5 ngày.

Ông Nguyễn Đức Chung khi đương chức Chủ tịch Hà Nội

Ông Nguyễn Đức Chung khi đương chức Chủ tịch Hà Nội

Đây là vụ án thứ 4 ông Nguyễn Đức Chung bị xử lý. Cựu Chủ tịch Hà Nội đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án.

Theo cáo trạng, trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế cây xanh ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Đến tháng 12/2015, khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Từ chỉ đạo của ông Chung, toàn Thành phố "tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu", chuyển sang đặt hàng từng quý.

Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu Thành phố, từ năm 2016 - 2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu nhưng Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng lại ký hợp đồng đặt hàng. Đơn vị này giao Công ty Cây Xanh (đơn vị trực thuộc UBND Hà Nội) và Công ty Sinh Thái Xanh trồng cây trước rồi mới lập dự toán, thẩm định.

Theo cáo buộc, khi thực hiện 10 hợp đồng với Ban Duy tu, Công ty Cây Xanh đã ký hợp đồng với thương lái trôi nổi trên thị trường để nâng khống giá đầu vào cây chà là, bàng lá nhỏ. Công ty Cây Xanh sau đó cùng cán bộ Ban Duy tu cung cấp báo giá sai quy định, hợp thức chứng thư thẩm định giá để "đẩy giá cây lên cao".

Khi Công ty Sinh Thái Xanh ký 6 hợp đồng với Ban Duy tu, các bị can đã thông đồng, nâng khống giá cây chiêu liêu, keo, long não, sộp,... để thu lợi cá nhân. VKS xác định, 16 hợp đồng với hai công ty trên đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 34 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, Vũ Kiên Trung - Tổng giám đốc Công ty Cây Xanh đã cùng đồng phạm nâng khống giá cây và được thanh toán 17 tỷ đồng tiền chênh lệch. Tổng giám đốc còn khai đã trích từ 17 tỷ đồng này đưa cho ông Chung 2,6 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết năm 2016 - 2018 để cám ơn đã tạo điều kiện và chỉ đạo sở ngành Hà Nội đặt hàng Công ty.

Cưỡng chế khoản nợ 869 tỷ đồng từ tài khoản Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình

Liên quan đến khoản nợ của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm thông báo sẽ cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

Sân vận động Mỹ Đình trước thời điểm tổ chức 2 đêm diễn của Blackpink

Sân vận động Mỹ Đình trước thời điểm tổ chức 2 đêm diễn của Blackpink

Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm đã có văn bản thứ 2 gửi Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế.

Theo đó, lý do bị cưỡng chế là "Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Quản lý thuế và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Số tiền bị cưỡng chế hơn 869,682 tỷ đồng.

Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm yêu cầu Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thực hiện nghiêm quyết định cưỡng chế thuế này; yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của Khu liên hợp để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.

"Trường hợp số tiền trong tài khoản của Khu Liên hợp nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của Khu Liên hợp trong thời gian quyết định có hiệu lực. Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 9/8/2023 đến hết ngày 7/9/2023", văn bản nêu.

Về số tiền nợ hơn 869 tỷ đồng tiền nợ thuế, con số này bao gồm 471,6 tỷ đồng tiền là thuê đất; 345 tỷ đồng là tiền chậm nộp; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỷ đồng; hai khoản tiền chậm nộp hơn 10 tỷ đồng và các khoản khác.

Hiện tại, tất cả các khoản nợ này, Khu Liên hợp không còn khả năng chi trả. Những sai phạm trong quản lý tài sản công thời kỳ 2009 - 2018 đã gây ra thất thu lớn cho Nhà nước.

Đà Lạt đề xuất 10 dự án khẩn cấp chống ngập, sạt lở

Chính quyền thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) kiến nghị triển khai 10 dự án nạo vét, sửa chữa các hồ, suối và xây kè chống sạt lở với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng.

Hiện trường sạt lở taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt làm hai người chết cuối tháng 6

Hiện trường sạt lở taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt làm hai người chết cuối tháng 6

Thông tin nêu trong tờ trình do UBND TP. Đà Lạt vừa gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng. Các dự án được đề xuất nằm ở những khu vực thường xuyên bị ngập, đã gây thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của người dân; các cống ngầm nguy cơ tắc do lòng hồ bị bồi lấp hoàn toàn và không còn khả năng điều tiết lũ.

Theo đó, hồ Vạn Kiếp (ở Phường 7 và 8) sẽ được khôi phục để điều tiết, cắt giảm lũ cho nội ô TP. Đà Lạt, tạo cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và xả rửa môi trường nước cho hệ thống suối Phan Đình Phùng - Cam Ly. Dự án tổng mức đầu tư 282 tỷ đồng, thực hiện trong ba năm.

Công trình gia cố suối Cam Ly dự kiến được đầu tư với kinh phí 171 tỷ đồng để chống ngập úng, chia cắt và cải thiện việc thoát lũ. Song song đó, một con đường sẽ được mở dọc suối nối với các tuyến trung tâm Thành phố.

Các dự án còn lại gồm: nạo vét hồ Mê Linh; kiên cố hóa suối Nghệ Tĩnh, Vạn Kiếp; cải tạo mở rộng suối Phan Đình Phùng; xây kè chống sạt lở đường Vạn Thành, Hà Huy Tập, Đống Đa...

Đà Lạt gần đây thường xảy ra ngập lụt sau những cơn mưa lớn. Đây cũng là nơi có 210 điểm sạt lở, sụt lún, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông, theo thống kê của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản. Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 6, tại Đà Lạt xảy ra 13 vụ sạt lở, trong đó vụ sạt bờ taluy trên đường Hoàng Hoa Thám làm hai người chết, nhiều người bị thương.

Tạm dừng hoạt động nhà máy xảy ra sự cố bùn thải tuyển quặng

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Nhà máy Tuyển quặng đồng Tả Phời tạm dừng hoạt động đến khi khắc phục xong sự cố.

Công nhân Công ty CP Tả Phời dọn bùn thải ở nhà dân

Công nhân Công ty CP Tả Phời dọn bùn thải ở nhà dân

Tỉnh Lào Cai vừa có báo cáo khẩn gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sự cố vỡ đường ống hồ chứa bùn đuôi quặng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng làm rõ nguyên nhân sự cố ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý.

8h30 ngày 8/8, bùn thải tuyển quặng đục ngầu ở hồ của Công ty CP Đồng Tả Phời chảy xối xả xuống khu dân cư. 46 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó nhiều ngôi nhà bị bùn đất ngập hơn một mét; trụ sở UBND xã ngập nửa mét. Các chuyên gia môi trường lo ngại, chất nguy hại sẽ ngấm vào đất, nước, ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và cây trồng.

Hiện nay, quân đội, công an, công nhân Công ty CP đồng Tả Phời và người dân tiếp tục khắc phục sự cố. Một lượng lớn bùn thải tích tụ trong nhà dân đã được đẩy ra đường. Chính quyền xã Tả Phời đã bố trí cho 10 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu sống tại chân hồ chứa, hai bên khe suối ở tạm tại nhà văn hóa trong thời gian chờ bố trí tái định cư để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở.

Cơ quan chức năng bước đầu xác định hai nguyên nhân dẫn đến sự cố. Trước tiên là ngày 7/8, khu vực này có mưa lớn khiến mực nước hồ chứa lên cao trình 192 gây áp lực lên tuyến cống nước mặt D2.000 dài 336 m. Thứ hai là hồ thải quặng đuôi nằm trong khe núi, hệ thống rãnh tách nước mặt xung quanh hồ chưa đảm bảo dẫn đến nước mưa chảy vào hồ gây ra áp lực lớn.

Xây dựng tiêu chí xác định người thu nhập thấp

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định lao động thu nhập thấp để hỗ trợ đào tạo nghề.

Công nhân làm việc trên công trường xây dựng ở Hà Nội

Công nhân làm việc trên công trường xây dựng ở Hà Nội

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ đồng thời giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo có người cao tuổi trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ nghiên cứu trình Chính phủ giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí cho người từ 75 - 80 tuổi. Mức chuẩn trợ cấp xã hội với người cao tuổi sẽ được nâng, đảm bảo tương quan chính sách với các nhóm khác trong xã hội.

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những người hưởng an sinh xã hội đã có tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mobile money... sẽ được chi trả qua đó. Những việc này cần hoàn trong tháng 9.

Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xác định lao động thu nhập thấp. Những năm qua, Chính phủ thường xuyên cập nhật chuẩn hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn và thành thị.

Từ năm 2021, hộ nghèo nông thôn có thu nhập bình quân đầu người 1,5 triệu đồng mỗi tháng trở xuống và thiếu 3 chỉ số đo lường dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo thành thị có thu nhập bình quân đầu người 2 triệu đồng mỗi tháng trở xuống và thiếu 3 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản.

Hộ có mức sống trung bình nông thôn từ 1,5 - 2,25 triệu đồng mỗi tháng; khu vực thành thị từ 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng.

Các dịch vụ xã hội cơ bản dùng để đo lường chuẩn nghèo đa chiều gồm: Việc làm; người phụ thuộc trong gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người...

Đề xuất vé Metro Bến Thành - Suối Tiên 12.000 - 18.000 đồng mỗi lượt

Giá vé đi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đề xuất 12.000 - 18.000 đồng mỗi lượt, vé tháng 260.000 đồng, thay đổi nhiều so với các phương án trước.

Đoàn tàu thuộc Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao

Đoàn tàu thuộc Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao

Thông tin nêu trong dự thảo phương án giá vận hành Metro số 1, đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình UBND Thành phố.

So với khung giá được Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư) xây dựng mới đây, giá vé lần này lượt được đề xuất tăng 3.000 đồng nếu khách đi cự ly ngắn, nhưng sẽ giảm 6.000 đồng khi đi toàn tuyến. Giá vé mua theo tháng cũng thấp hơn 70.000 đồng so với phương án trước.

Theo đó, giá vé lượt sẽ áp dụng theo cự ly chuyến đi. Thấp nhất 12.000 đồng nếu khách đi từ 5 km trở xuống, 14.000 đồng với lộ trình từ 5 - 10 km; 16.000 đồng cho 10 - 15 km và 18.000 đồng với cự ly 15 km trở lên...

Theo Sở Giao thông vận tải, phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên nguyên tắc về khả năng chi trả của phần lớn người dân, phù hợp giá xe buýt; tăng khả năng cạnh tranh với xe cá nhân nhằm thu hút khách đi metro... Việc đa dạng chủng loại vé sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm hành khách khác nhau. Các khung giá này được đề xuất áp dụng ít nhất trong 3 - 5 năm, khi Metro Bến Thành - Suối Tiên bắt đầu vận hành.

Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, kéo dài từ depot Long Bình, TP. Thủ Đức đến Bến Thành, Quận 1. Dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng, đang thi công các hạng mục cuối song song với việc chạy thử tàu. Tuyến dự kiến khai thác thương mại trong năm tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư