Bản tin thời sự sáng 11/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị kỷ luật Giám đốc Sở y tế Kiên Giang do sai phạm đấu thầu mua hóa chất, sinh phẩm; tỷ giá USD tự do về dưới 24.000 đồng; Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở lại sau 2 năm dừng vì dịch Covid-19; gần 40.000 ô tô bị dán chồng thẻ thu phí không dừng…

Đề nghị kỷ luật Giám đốc Sở y tế Kiên Giang do sai phạm đấu thầu mua hóa chất, sinh phẩm

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang vừa bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo do sai phạm đấu thầu mua hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm liên quan Việt Á.

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang
Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang

Cụ thể, ông Phúc bị Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Kiên Giang kết luận sai phạm do ký một số văn bản không đúng thẩm quyền; chỉ định mua hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm không đúng Luật Đấu thầu; gây lãng phí khi chống dịch; vi phạm quy định những điều Đảng viên không được làm...

Động thái trên được cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy đưa ra sau khi Thanh tra Tỉnh thông qua kết luận liên quan mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19 ở địa bàn. Ngoài ông Phúc, sau đề nghị của Thanh tra Tỉnh, ông Kha Vĩnh Xuyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, tổ trưởng tổ mua sắm của sở bị cảnh cáo.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Cao Thành Nam bị khiển trách; ông Kiều Lộc Thịnh, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng và bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế, đều thuộc CDC, bị cảnh cáo. Những người này bị cho vi phạm khi phê duyệt dự toán, đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Tỉnh chỉ ra sai phạm của Sở Y tế (ký hai hợp đồng trị giá hơn 58 tỷ đồng), CDC Tỉnh (hợp đồng gần 790 triệu đồng) khi mua hàng của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Hai đơn vị khi thực hiện dự toán thầu thay vì dùng giá tham chiếu tự thu thập lại sử dụng giá của Việt Á.

Tương tự, Sở Y tế Tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm không đúng thẩm quyền, kế hoạch xây lựa chọn nhà thầu không trình UBND Tỉnh phê duyệt; giá kit test mua của Việt Á đắt hơn 70.000 đồng mỗi test bán trên thị trường...

Tỷ giá USD tự do về dưới 24.000 đồng

Giá USD trên thị trường chợ đen đồng loạt giảm về dưới 24.000 đồng - mức thấp nhất trong một tháng qua.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Ngày 10/8, giá mua bán USD trên thị trường tự do tiếp đà giảm. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) mua vào USD với vùng giá 23.850 đồng và bán ra ở 23.900 đồng. Tại TP.HCM, một số điểm thu đổi ngoại tệ yết giá quanh 23.780 - 23.880 đồng.

Đà giảm USD chợ đen trên thực tế bắt đầu từ cách đây hai tuần. Tới nay, mỗi USD đã thấp hơn 2,8% so với mức 24.600 đồng thiết lập vào giữa tháng trước và tương đương với vùng giá cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Còn trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD/VND vẫn xoay quanh mức 23.500 đồng. Tại Vietcombank, giá USD được giao dịch ở 23.220 - 23.530 đồng, còn tại Eximbank là 23.270 - 23.500 đồng.

Giá USD hạ nhiệt trong hai tuần gần đây cũng tương đồng với dự báo trước đó của các công ty chứng khoán và ngân hàng, khi họ đều chung quan điểm, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong những tháng còn lại của năm 2022.

Sau một thời gian trầm lắng từ năm 2019 đến tháng 4/2022, thị trường ngoại hối của Việt Nam gần đây biến động mạnh. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng 1,7% chỉ trong ba tháng trong khi tỷ giá chợ đen tăng nhanh hơn, có lúc tăng hơn 3,96% so với đầu năm lên 24.600 đồng.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trở lại sau 2 năm dừng vì dịch Covid-19

Sau hai năm dừng vì dịch Covid-19, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức trở lại từ 27/8 - 5/9, với tổng giải thưởng 130 triệu đồng.

Hai trâu chọi thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Hai trâu chọi thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, phần hội chọi trâu được tổ chức vào 4/9 tại sân vận động Đồ Sơn, quận Đồ Sơn. Sức chứa của sân vận động này chỉ khoảng 20.000 người nên ban tổ chức sẽ bố trí thêm màn hình lớn ở ngoài sân để phục vụ người dân.

Theo quy định, mỗi phường trên địa bàn quận được đăng ký hai trâu, bốn chủ trâu đạt giải năm 2019 mỗi người đăng ký một trâu. Có 16 trâu tham gia vòng chung kết.

Chủ trâu vô địch sẽ nhận giải thưởng trị giá 70 triệu đồng, chủ trâu về nhì nhận 40 triệu đồng và hai chủ trâu giải ba nhận mỗi người 20 triệu đồng. Nhà chức trách sẽ kiểm tra sức khỏe các trâu tham gia vòng chung kết ít nhất hai lần.

Theo ông Tuấn, dự kiến số người đến lễ hội chọi trâu rất đông nên phải huy động 400 người tham gia vào các phần việc của ban tổ chức, từ thực hiện các nghi thức ở phần lễ, kiểm tra vé mời ngày hội, ngăn chặn nạn cá độ, kiểm soát giá thịt trâu chọi và giá vé gửi xe, cũng như các nhiệm vụ an ninh trật tự khác.

Lễ hội chọi Đồ Sơn có từ lâu đời và được quận Đồ Sơn khôi phục từ năm 1990, có cả vòng loại và vòng chung kết. Năm 2012, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gần 40.000 ô tô bị dán chồng thẻ thu phí không dừng

Công ty CP Giao thông số (VDTC) ghi nhận gần 40.000 xe đã mở tài khoản và dán thẻ ePass của doanh nghiệp, nhưng lại bị dán chồng thẻ khác.

Xe dán thẻ eTag trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xe dán thẻ eTag trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Tập đoàn Viễn thông quân đội (đơn vị chủ quản của VDTC) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải việc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) đấu nối, dán chồng thẻ eTag lên xe đã dán thẻ ePass của VDTC. Cụ thể, trước 1/6 có 27.300 thẻ ePass bị dán chồng; từ ngày 1/6 - 31/7 tiếp tục phát sinh thêm 12.600 xe, gây thiệt hại hơn 6,7 tỷ đồng chi phí mua thẻ và nhân công dán.

Theo ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC, doanh nghiệp từng kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý tình trạng này từ tháng 5, song chưa được giải quyết mà vi phạm ngày càng tăng. Khi dán hai thẻ trên cùng một xe sẽ làm xung đột về kỹ thuật, gây lỗi khi xe qua trạm do không nhận diện và đọc đúng thẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn ghi nhận khoảng 4.000 xe dán thẻ eTag của VETC đã bị lỗi khi đi qua trạm của VDTC cung cấp. Ông Trình cho rằng, quá trình sử dụng, nhiều xe dán thẻ lâu ngày bị hư hỏng, nhân viên dịch vụ cần yêu cầu chủ xe đi kiểm tra dán lại thẻ, không được thay thẻ của doanh nghiệp dịch vụ khác hoặc dán chồng thẻ, gây lãng phí và vi phạm quy định.

Trả lời về phản ánh trên, lãnh đạo Công ty VETC cho biết đã yêu cầu nhân viên tuân thủ quy định một xe chỉ được mở một tài khoản giao thông và dán một thẻ; yêu cầu chủ xe hủy tài khoản cũ trong trường hợp muốn chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế phát sinh do lỗi của cộng tác viên, cá nhân và tình trạng này có từ cả hai doanh nghiệp thu phí không dừng. Doanh nghiệp đang rà soát, chấn chỉnh nhân viên và xử lý sự việc nếu có.

Mở rộng đèo Mimosa lên TP. Đà Lạt

Sau nhiều năm xuống cấp, đèo Mimosa (tỉnh Lâm Đồng) vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án nâng cấp tổng vốn đầu tư hơn 440 tỷ đồng, hoàn thành năm 2024.

Đường qua đèo Mimosa xuống cấp ảnh hưởng xe cộ qua lại.

Đường qua đèo Mimosa xuống cấp ảnh hưởng xe cộ qua lại.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 20 qua đèo Mimosa dài 10,3 km từ nút giao đèo Prenn (phường 3) đến vòng xuyến ngã tư đường Khe Sanh giao đường Hùng Vương, Phạm Hồng Thái, Trần Hưng Đạo (Phường 10) đều thuộc TP. Đà Lạt. Tuyến sau khi được nâng cấp rộng 9 m, xây sửa 11 cầu trên địa bàn Lâm Đồng.

Đèo Mimosa nằm song hành đèo Prenn nối Quốc lộ 20 và là cửa ngõ của TP. Đà Lạt. Theo Bộ Giao thông vận tải, việc nâng cấp tuyến đèo nhằm hoàn thiện Quốc lộ 20 qua Lâm Đồng; tăng kết nối vận tải từ Lâm Đồng đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chuyên đề