Bản tin thời sự sáng 11/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; Vietnam Airlines được cấp phép 12 chuyến bay chở người Việt từ Mỹ hồi hương; khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý III/2021; từ 19 - 26/6, 70 hầm vàng trái phép tại Quảng Nam sẽ bị đánh sập; ACV đề xuất phí xe ôtô vào sân bay 10 phút thấp nhất 5.000 đồng….

499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Hội đồng bầu cử Quốc gia thông qua danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ít hơn 1 người so với dự kiến ban đầu là 500 đại biểu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyền cử tri tại Hà Nội

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyền cử tri tại Hà Nội

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23/5, cử tri cả nước bầu đủ 500 đại biểu khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, xác nhận tư cách người trúng cử, Hội đồng bầu cử Quốc gia quyết định không xác nhận tư cách của một người trúng cử, vì không đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Đây là một trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1, thuộc tỉnh Bình Dương.

Do đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV có 499 người trúng cử, đạt tỷ lệ 99,8% số đại biểu cần bầu.

Sau khi công bố kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử, giải quyết trong vòng 30 ngày để có cơ sở xác nhận tư cách người trúng cử.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia dự kiến họp vào ngày 12/7 tới để xem xét kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có); thông qua nghị quyết về xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, làm thủ tục cấp thẻ đại biểu và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất (dự kiến khai mạc ngày 20/7).

Vietnam Airlines được cấp phép 12 chuyến bay chở người Việt từ Mỹ hồi hương

Vietnam Airlines vừa chính thức được nhà chức trách Mỹ cấp phép thực hiện 12 chuyến bay chở công dân Việt Nam từ Mỹ về nước trong năm 2021.

Vietnam Airlines được cấp phép 12 chuyến bay chở người Việt từ Mỹ hồi hương

Vietnam Airlines được cấp phép 12 chuyến bay chở người Việt từ Mỹ hồi hương

Trong đó, giấy phép của Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) vừa được cấp là điều kiện pháp lý quan trọng nhất để các chuyến bay này có thể cất cánh. Cho đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được TSA cấp giấy phép bay đến Mỹ.

Sở dĩ việc cấp phép của TSA được đánh giá là điều kiện mấu chốt vì sự đặc biệt khắt khe của thủ tục này. Theo đó, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được TSA phê chuẩn toàn bộ hệ thống, đồng thời các sân bay xuất phát từ Việt Nam cũng phải được TSA xác nhận đủ điều kiện về an ninh hàng không. Riêng quá trình kiểm tra, phê duyệt của TSA nhằm cấp phép cho Vietnam Airlines thực hiện 12 chuyến bay chở công dân về nước, đã kéo dài đến hơn một tháng.

Ngoài TSA, để chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho 12 chuyến bay này, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đã tích cực làm việc với các cơ quan chức năng khác như Bộ GTVT Mỹ (DOT), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Cục Hàng không Việt Nam và nhà chức trách các sân bay mà hãng dự kiến khai thác đến hoặc bay qua.

Để hoàn thành thủ tục ở mỗi cơ quan, Vietnam Airlines đã có sự chuẩn bị chi tiết, đầy đủ và từ sớm về mọi mặt pháp lý, kỹ thuật, nhân sự và hoàn tất các thủ tục với các cơ quan trên trong vòng 2,5 tháng.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang xây dựng kế hoạch khai thác 12 chuyến bay đưa người Việt từ Mỹ về nước và xin cấp slot cất, hạ cánh tại các sân bay. Chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành vào ngày 22/6 với hành trình từ Hà Nội đến Washington D.C., qua điểm dừng tại Alaska và trở về Việt Nam vào ngày 24/6.

Khai thác thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào quý III/2021

Sau khi lỡ hẹn lần thứ 11 vào dịp 30/4, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa có kế hoạch khai thác vào quý III/2021. Để chuẩn bị cho vận hành khai thác thương mại, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt phương án vé đi tàu.

Sau 11 lần lỡ hẹn, tàu Cát Linh - Hà Động dự kiến khai thác vào quý 3/2021

Sau 11 lần lỡ hẹn, tàu Cát Linh - Hà Động dự kiến khai thác vào quý 3/2021

Sau lần lỡ hẹn khai thác thương mại cuối tháng 4/2021 theo tiến độ được Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra (lỡ hẹn lần thứ 11), thời gian này người dân Hà Nội rất ít thấy các đoàn tàu chạy kỹ thuật như trước đây. Dọc các ga tàu từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông cũng không thấy ga nào mở cửa, nhân viên vận hành cũng không còn thấy ra vào, lên xuống các ga như mấy tháng trước. Toàn bộ Dự án chìm trong im lìm, vắng lặng.

Là đơn vị được giao triển khai, tiếp nhận, vận hành dự án nhưng những ngày qua, trả lời báo chí, Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) và Công ty TNHH MTV đường sắt (Hà Nội Metro) không thể thông tin về kế hoạch khai thác thương mại của dự án.

Để giúp Dự án sớm hoàn thiện các vấn đề còn tồn tại, đồng thời tạo thuận lợi trong việc bàn giao Dự án cho thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng KTNN) Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, hiện Dự án đã được Hội đồng KTNN có ý kiến về công tác nghiệm thu. Sau khi có ý kiến trên, Bộ GTVT đang triển khai công tác bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất các thủ tục về công tác đánh giá an toàn hệ thống để đưa dự án vào vận hành khai thác.

Đề cập đến tiến độ đưa Dự án vào khai thác, sử dụng, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến vào quý III năm nay.

Đề xuất đầu tư 1.500 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 50

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50), huyện Bình Chánh.

1.500 tỉ đồng mở rộng Quốc lộ 50, khơi thông cửa ngõ phía nam TP.HCM

1.500 tỉ đồng mở rộng Quốc lộ 50, khơi thông cửa ngõ phía nam TP.HCM

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, QL50 là tuyến đường trục giao thông đối ngoại quan trọng của TP.HCM kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, đồng thời là đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn.

Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành có kết nối trực tiếp vào QL50. Khi tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, lưu lượng xe tập trung trên tuyến đường rất lớn sẽ tăng nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ này.

Việc đầu tư Dự án Xây dựng, mở rộng QL50, huyện Bình Chánh sẽ tăng cường năng lực khai thác tuyển đường trục kết nối TP.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành các tuyến trục chính, vành đai của Thành phố, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng.

Dự án mở rộng QL50 dự kiến do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, theo hình thức đầu tư công. Công trình có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (680,270 tỷ đồng) và ngân sách TP.HCM (812,200 tỷ đồng).

Quy mô Dự án gồm: tổng chiều dài tuyển khoảng 6,92 km bao gồm đoạn 1 dài 4,36 km xây dựng mới đường song hành QL50 và đoạn 2 dài 2,56 km mở rộng QL50 hiện hữu (không tính đoạn QL50 thuộc phạm vi Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành); xây dựng 2 cầu Bà Lớn và cầu Ông Thìn…

Dự án dự kiến thực hiện trong 4 năm, từ 2021 - 2024.

Từ ngày 19 - 26/6, 70 hầm vàng trái phép tại Quảng Nam sẽ bị đánh sập

Lực lượng chức năng lên kế hoạch dùng 6 tấn thuốc nổ đánh sập hơn 70 hầm vàng trái phép ở Vườn quốc gia Sông Thanh, từ 19 - 26/6.

Một hầm vàng trái phép sẽ bị đánh sập

Một hầm vàng trái phép sẽ bị đánh sập

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, hơn 70 hầm vàng trái phép này nằm ở khe Tà Vạt, Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).

Dự kiến lực lượng chức năng sẽ dùng từ 70 - 100 kg thuốc nổ để đánh sập mỗi hầm vàng, thời gian nổ mỗi ngày từ 10h đến 13h30 và từ 16h đến 17h.

Bộ đội địa phương đã lên kế hoạch tập kết thiết bị, vật liệu nổ vào khu vực các bãi vàng trước ngày 15/6. Thuốc nổ đặt tại các hầm vàng, kích nổ bằng dây điện từ xa để đảm bảo an toàn cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia sông Thanh Đinh Văn Hồng, hiện có hai chốt chặn được lập tại khe Tà Vạt, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại các bãi vàng. Vườn quốc gia đang dựng nhiều lán trại cho các lực lượng tại bãi Thạnh Mỹ 1, Thanh Mỹ 2. Trước khi nổ, các đơn vị sẽ rà soát, niêm phong từng miệng hầm và chốt chặn bảo vệ hiện trường không cho người khai thác vàng trái phép quay lại. Gần 500 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tham gia đợt đánh sập các hầm vàng này.

ACV đề xuất phí xe ôtô vào sân bay 10 phút thấp nhất 5.000 đồng

Mức phí mới với xe ôtô vào sân bay 10 phút đón, trả hành khách được ACV xây dựng giảm 5.000 đồng so với mức đang áp dụng.

Xe ra vào Tân Sơn Nhất

Xe ra vào Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa trình Bộ GTVT phương án thu phí xe vào các sân bay để bù đắp chi phí đầu tư, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng.

Theo đó, tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, phí thu giá dịch vụ dừng, đỗ ôtô để đón, trả hành khách cho các loại xe vào sân bay trong 10 phút đầu tiên giảm 5.000 đồng so với mức giá đang áp dụng. Cụ thể, xe dưới 9 chỗ là 10.000 đồng, xe từ 10 đến 29 chỗ là 15.000 đồng, xe từ 30 chỗ trở lên là 25.000 đồng.

Các xe hoạt động thường xuyên ở sân bay, mức giá được ACV đề xuất 720.000 đồng một tháng với xe buýt, 100.000 đồng một tháng với xe của cá nhân làm việc tại sân bay, 180.000 đồng một tháng với xe dưới 9 chỗ của doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh khai thác tại sân bay.

Với các sân bay còn lại, mức giá áp dụng cho các xe vào đón trả khách không thường xuyên trong thời gian 10 phút đầu tiên với xe dưới 9 chỗ là 5.000 đồng, từ 10 đến 16 chỗ là 10.000 đồng, từ 16 đến 29 chỗ 15.000 đồng và từ 30 chỗ trở lên là 25.000 đồng.

Còn 50 phút tiếp theo, mức giá xe 9 chỗ đến 16 chỗ tăng 5.000 đồng, mức giá xe 17 đến 30 chỗ tăng 10.000 đồng. Mỗi 2 tiếng tiếp theo, phí xe đến 9 chỗ tăng 5.000 đồng, các xe từ 10 đến 30 chỗ trở lên tăng 10.000 đồng.

Riêng các xe hoạt động thường xuyên tại sân bay áp dụng mức giá thu theo tháng tương đương mức giá tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Hơn 3.600 tỷ đồng sửa quốc lộ từ Gia Lai đi Bình Định

Quốc lộ 19 từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) dài hơn 243 km được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí 3.654 tỷ đồng.

Tuyến quốc lộ 19, đoạn qua huyện Đăk Pơ, Gia Lai xuống cấp nhiều năm nay

Tuyến quốc lộ 19, đoạn qua huyện Đăk Pơ, Gia Lai xuống cấp nhiều năm nay

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Lưu Việt Khoa cho biết, trong tháng 6 này, đơn vị sẽ triển khai thi công hai gói thầu đầu tiên nâng cấp tuyến Quốc lộ 19, với tổng chiều dài đầu tư 143 km.

Theo ông Khoa, kinh phí làm dự án từ 150 triệu USD vốn ODA của Ngân hàng Thế giới và 86 tỷ đồng vốn đối ứng trong nước. Dự án có 8 gói thầu, trong đó Gói thầu số 3 và Gói thầu 4A sắp triển khai có tổng trị giá 400 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị thi công sẽ nâng cấp, cải tạo thành đường cấp 3 đồng bằng, mặt đường rộng 11 m, vận tốc 80 km/h. Việc sửa chữa sẽ hoàn tất năm 2023.

Tuyến đường này những năm qua đã được đầu tư sửa chữa song chưa đồng bộ, nhiều đoạn xuất hiện ổ voi, ổ gà, mặt đường chật hẹp, mất an toàn giao thông.

Bộ GTVT cho nâng cấp Quốc lộ 19 nhằm góp phần phát triển hệ thống đường bộ kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Bắc Giang tiếp tục hạ mức độ cách ly cấp huyện từ 12h trưa 10/6

Sau 23 ngày cách ly xã hội chống dịch theo Chỉ thị 16, huyện Lạng Giang chuyển xuống giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 12h trưa 10/6.

Người dân TP.Bắc Giang hạn chế ra đường trong những ngày giãn cách xã hội

Người dân TP.Bắc Giang hạn chế ra đường trong những ngày giãn cách xã hội

Đây là huyện thứ ba được hạ mức độ áp dụng biện pháp chống dịch trong vòng ba ngày qua ở Bắc Giang, sau Hiệp Hòa và Yên Thế.

Thực hiện Chỉ thị 15, huyện Lạng Giang với hơn 208.000 cư dân tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 10 người trong phòng; không tụ tập 5 người trở lên ngoài công cộng và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.

Lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các điểm công cộng, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự vẫn tạm dừng. Cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng ăn uống, massage, karaoke, bar, internet, phòng gym, yoga vẫn chưa được mở cửa trở lại...

Chính quyền tiếp tục kêu gọi người dân cửa đóng then cài để toàn tỉnh tiến công dập dịch, phấn đấu sau ngày 21/6 không còn ca mắc mới.

Người dân các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 nhà nào ở yên nhà ấy trong 14 ngày tới. Ai không có việc gì thực sự cần thiết thì không ra ngoài, không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không ai đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình.

Chuyên đề