Bản tin thời sự sáng 11/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là trẻ dưới 3 tuổi tại TP.HCM đến trường từ 12/4; Đồng Tháp mua sắm 10 gói thầu của Việt Á, trị giá hơn 233 tỷ đồng; nhiều tuyến cao tốc vận hành thu phí không dừng vào quý III/2022; Đà Lạt dự kiến mở phố đi bộ ven hồ Xuân Hương…

Trẻ dưới 3 tuổi tại TP.HCM đến trường từ 12/4

Từ 12/4, trường học sẽ nhận tất cả trẻ, kể cả độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) học trực tiếp và tổ chức bán trú.

Từ 12/4, trẻ dưới 3 tuổi tại TP.HCM đến trường học trực tiếp

Từ 12/4, trẻ dưới 3 tuổi tại TP.HCM đến trường học trực tiếp

UBND TP.HCM vừa yêu cầu tất cả quận, huyện, TP. Thủ Đức tổ chức chăm sóc, giáo dục trực tiếp cho tất cả trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến 12 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường học được yêu cầu triển khai các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học, hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng.

Với thông báo trên của UBND TP.HCM, tất cả trường tổ chức đón trẻ dưới 3 tuổi. Như vậy, hơn 1,7 triệu học sinh thành phố đến trường đồng loạt.

TP.HCM có hơn 350.000 trẻ bậc mầm non với khoảng 3.100 trường, nhóm trẻ; trong đó 2.500 cơ sở đã mở cửa. Trong đợt dịch thứ tư, tất cả cơ sở giáo dục mầm non ngừng hoạt động liên tục 10 tháng. Đến nay, 20 trường mầm non tư thục và 79 nhóm lớp đã giải thể.

Đồng Tháp mua sắm 10 gói thầu của Việt Á, trị giá hơn 233 tỷ đồng

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm... còn một số hạn chế.

Các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 233 tỷ đồng của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 233 tỷ đồng của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Ngày 10/4, UBND tỉnh Đồng Tháp có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng chống Covid-19.

Theo kết quả thanh tra, tổng giá trị hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm của các đơn vị của Đồng Tháp năm 2020 - 2021 là hơn 742 tỷ đồng.

Trong đó, trang thiết bị y tế hơn 83 tỷ đồng; vật tư y tế hơn 182 tỷ đồng; sinh phẩm xét nghiệm hơn 305 tỷ đồng và kít xét nghiệm hơn 169 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra nêu, đối với Công ty CP Công nghệ Việt Á, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 233 tỷ đồng; giá trị thực tế mua sắm hơn 197 tỷ đồng; đã thanh toán hơn 156 tỷ đồng; chưa thanh toán hơn 40 tỷ đồng.

Theo kết quả thanh tra, các gói thầu nhìn chung về hồ sơ, trình tự, thủ tục, giá cả cơ bản được các chủ đầu tư tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mua sắm vẫn còn một số hạn chế như: một vài chủ đầu tư ứng hàng trước khi ký hợp đồng; việc theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý; một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu; biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật; đăng tải kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt chậm hơn thời gian quy định.

Ngoài ra, chưa có hồ sơ bảo hành chứng minh thời hạn sử dụng còn lại của hàng hóa tính từ thời điểm giao hàng và hồ sơ kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để đảm bảo hàng hóa có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng; thiếu hồ sơ chứng minh xuất xứ, mã ký hiệu, nhãn mác, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa.

Nhiều tuyến cao tốc vận hành thu phí không dừng vào quý III/2022

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong quý III/2022 hoàn thành việc lắp đặt và thiết bị và vận hành hệ thống thu phí không dừng trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong quý III/2022 hoàn thành việc lắp đặt và thiết bị và vận hành hệ thống thu phí không dừng trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai...

Trong quý III/2022 hoàn thành việc lắp đặt và thiết bị và vận hành hệ thống thu phí không dừng trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, hoàn thành đúng tiến độ...

Theo đó, có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2022.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong 4 tuyến cao tốc VEC đang quản lý, khai thác mới chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (15/40 làn) từ giữa năm 2020.

Các tuyến cao tốc khác đang thu phí theo hình thức một dừng như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trên cơ sở lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, VEC tính toán trước mắt cần đầu tư 140 làn ETC.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông vận tải cho biết, VEC đã tổ chức thuê nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho các tuyến cao tốc do doanh nghiệp này quản lý bằng nguồn chi phí tổ chức thu phí trong phương án tài chính của dự án. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý II/2022; lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý III/2022.

Đà Lạt dự kiến mở phố đi bộ ven hồ Xuân Hương

UBND TP. Đà Lạt đang tổng hợp ý kiến các sở, ban ngành góp ý về việc thành lập phố đi bộ ven hồ Xuân Hương.

Tuyến đường Trần Quốc Toản dự kiến thành khu phố đi bộ trong tương lai

Tuyến đường Trần Quốc Toản dự kiến thành khu phố đi bộ trong tương lai

Động thái được chính quyền Đà Lạt đưa ra nằm trong dự thảo phát triển kinh tế đêm ở thành phố du lịch này. Phố đi bộ mới sẽ nằm trên đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng đến vườn hoa thành phố), nằm giữa hồ Xuân Hương và sân golf Đà Lạt.

Theo UBND TP. Đà Lạt, phố đi bộ sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật; chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ...

Đồng thời ở đây có các hoạt động mua sắm với mô hình các toa xe lửa trang trí đẹp, bố trí toa xe uốn lượn theo cung đường, hài hòa cảnh quan khu vực, kinh doanh ẩm thực nhẹ, đặc sản địa phương. Nơi đây cũng tổ chức tham quan mặt hồ, chở khách bằng thuyền từ quảng trường Lâm Viên sang phố đi bộ.

Với dự án trên, TP. Đà Lạt sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức cho thuê đất, mặt nước trả tiền hàng năm. Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện mô hình theo phương án được duyệt; thu hồi vốn thông qua hoạt động kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng, thu phí vận chuyển (thuyền hoa).

Để thực hiện dự án trên, Thành phố đang lên kế hoạch mở rộng tuyến đường để phố đi bộ có thể đưa vào hoạt động cuối năm 2024.

Sẽ thu phí với cao tốc đầu tư từ ngân sách

Các tuyến cao tốc như TP.HCM - Trung Lương, La Sơn - Túy Loan sẽ được thu phí nếu Dự án Luật Đường bộ được thông qua.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thu phí

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thu phí

Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn tất dự thảo Luật Đường bộ, kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Dự thảo Luật Đường bộ dự kiến được đưa vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba khai mạc tháng 5. Dự thảo mới đã bổ sung nội dung đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì và vận hành đường cao tốc.

Theo đó, với đường cao tốc được đầu tư công hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP), các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được thu tiền dịch vụ sử dụng đường. Các tuyến cao tốc phải áp dụng thu phí theo công nghệ tiên tiến, hiện đại như điện tử không dừng.

Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách để đầu tư cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì; đủ vốn tham gia trong dự án theo phương thức đối tác công tư.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, các dự án cao tốc thường có vốn lớn, được đầu tư dưới hình thức nào cũng cần thu phí để hoàn vốn. Nhà nước có tiền hoàn vốn để tiếp tục đầu tư dự án cao tốc khác.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nghiên cứu đề án thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Nếu dự thảo Luật Đường bộ được thông qua thì việc thu phí tất cả cao tốc sẽ tiến hành đồng bộ.

Trước mắt việc thu phí sẽ tập trung các dự án cao tốc TP.HCM -Trung Lương đã có, La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) sắp hoàn thành và 4 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành năm nay là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Khối ngoại rầm rộ đầu tư vào khu công nghiệp

Nhiều gã khổng lồ châu Âu như Đức, Đan Mạch đang đổ bộ vào hàng loạt khu công nghiệp để mở nhà xưởng dài hạn.

Khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương

Khu công nghiệp Vsip 2, huyện Tân Huyên, Bình Dương

Cuối quý I, Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000 m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) tại Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới.

Với hợp đồng thuê 55 năm, nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam. Ông Kazama, Phó tổng giám đốc PM3 SIP cho biết, Fuchs Group là công ty châu Âu thứ hai tại PM3 SIP, mở ra cơ hội thu hút cộng đồng những nhà đầu tư phương Tây khác muốn gia nhập khu công nghiệp ven biển này.

Hồi tháng 2, thị trường bất động sản công nghiệp ghi nhận thương vụ thuê nhà xưởng giữa Framas và KTG Industrial. Framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai, hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm.

CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Cùng với đó, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại Khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh.

Cũng trong quý I, Đan Mạch đang là nhà đầu tư lớn nhất tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đăng ký. Giữa tháng 3, Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO của Đan Mạch tại khu công nghiệp VSIP III cho dự án có tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy lớn thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ hai ở châu Á (nhà máy đầu tiên xây tại Giang Tô, Trung Quốc) của Lego.

Chuyên đề