Bản tin thời sự sáng 11/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là robot đào hầm thứ hai đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu chạy thử trong lòng đất; 16 nhà đất công sản vị trí đắc địa tại TP. Quảng Ngãi được đem đấu giá; Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam đầu tư 150 tỷ đồng không thể sử dụng do không có thang thoát hiểm; sắp cưỡng chế xử lý hàng nghìn container rác ngoại nằm cảng…

Robot đào hầm thứ hai đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu chạy thử

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, máy đào hầm công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) thứ hai của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt và bắt đầu bước vào giai đoạn thí nghiệm nghiệm thu tại công trường ga ngầm Kim Mã. Đây được xem là giai đoạn chạy thử của robot đào hầm trước khi đưa vào đào chính thức.

Mỗi robot TBM đào hầm đường sắt có giá khoảng 10 - 15 triệu USD

Mỗi robot TBM đào hầm đường sắt có giá khoảng 10 - 15 triệu USD

Chạy thử tại công trường là quá trình thí nghiệm kiểm tra toàn bộ chức năng của robot sau khi lắp đặt và tích hợp với hệ thống phụ trợ, nhằm đánh giá tổng thể thiết bị, hoạt động so với thiết kế kỹ thuật.

Công tác chạy thử, thí nghiệm diễn ra trong vòng 1 tuần, giữa nhà sản xuất máy TBM - Herrenknecht AG và Nhà thầu Hyundai - Ghella, sau đó có sự chứng kiến của tư vấn chung và Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB).

Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dùng 2 robot đào hầm giống nhau để đào song song 2 đường hầm. Mỗi máy có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn, với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m.

Đấu giá 16 nhà đất công sản vị trí đắc địa tại TP. Quảng Ngãi

16 nhà đất công sản ở vị trí đắc địa trong TP. Quảng Ngãi nhưng đã xuống cấp, hoặc bỏ hoang, được UBND tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch bán đấu giá để thu tiền cho ngân sách.

Văn phòng cũ của Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi trên đường Quang Trung đang được Sở Y tế mượn làm Trung tâm Nội tiết

Văn phòng cũ của Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi trên đường Quang Trung đang được Sở Y tế mượn làm Trung tâm Nội tiết

Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang rà soát các vấn đề pháp lý để tổ chức bán đấu giá các nhà công sản trong TP. Quảng Ngãi. Việc bán đấu giá phải hoàn thành trước ngày 31/7.

Trong số tài sản đưa ra đấu giá có nhiều nhà đất lớn như: trụ sở Liên đoàn Địa chất 502 cũ trên đường Hùng Vương - 1.861 m2; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trên đường Lê Văn Sỹ - 320 m2; trụ sở Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Ngãi trên đường Phan Đình Phùng - 407 m2; Rạp chiếu bóng Hòa Bình ở đường Duy Tân - 504 m2; Văn phòng Sở Giao thông vận tải ở số 477 đường Quang Trung - 731 m2...

Theo Sở Tài chính, các nhà công sản này đã xuống cấp nghiêm trọng, không có người quản lý, nếu sửa chữa làm trụ sở các cơ quan sẽ tốn rất nhiều tiền ngân sách. Tuy nhiên, chúng đều nằm ở trục đường trung tâm nên số tiền ngân sách thu được từ việc bán đấu giá sẽ rất lớn (chưa tính toán cụ thể) và người mua sẽ được hưởng lợi từ tài sản có vị trí đắc địa.

Đối với các cơ quan đang mượn nhà đất thuộc diện bán đấu giá, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu trả lại trước ngày 30/6.

Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam đầu tư 150 tỷ đồng không thể sử dụng do không có thang thoát hiểm

Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam được đầu tư 150 tỷ đồng, nhưng thiếu hệ thang bộ thoát nạn, phòng cháy chữa cháy nên không thể sử dụng.

Ba dãy nhà Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành song không được sử dụng

Ba dãy nhà Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành song không được sử dụng

UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư nâng cấp Bệnh viện Nhi thành Bệnh viện Phụ sản nhi Quảng Nam (thêm khoa phụ sản) trên đường Lý Thường Kiệt, TP. Tam Kỳ vào tháng 3/2016. Đây là công trình dân dụng cấp II, do Sở Y tế Quảng Nam làm chủ đầu tư, nằm trên diện tích hơn 2 ha. Trong đó, khối nhi có 300 giường bệnh với dãy nhà 8 tầng; khối kỹ thuật nghiệp vụ quy mô 4 tầng và khối sản quy mô 6 tầng, 150 giường bệnh.

Tổng mức đầu tư công trình hơn 150 tỷ đồng, trong đó 85 tỷ từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, số còn lại của Tỉnh. Thời gian thực hiện công trình đến năm 2020.

Đầu năm 2020, ba dãy nhà hoàn thành, thiết bị được lắp đặt. Tuy nhiên, một số hạng mục như hai cầu thang thoát hiểm phòng cháy chữa cháy ngoài trời, hệ thống oxy lỏng chưa được đầu tư nên công trình chưa được bàn giao cho Bệnh viện sử dụng.

Ông Phan Anh Thống, chuyên viên Sở Y tế tỉnh Quảng Nam được phân công theo dõi Dự án, cho biết, hạng mục hai cầu thang chữa cháy ngoài trời không được đưa vào Dự án ngay từ đầu. Sau khi Nhà thầu bàn giao, cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra, yêu cầu lắp đặt. Công trình bắt buộc có thang thoát nạn, phòng cháy chữa cháy ngoài trời mới được đưa vào hoạt động.

Sắp cưỡng chế xử lý hàng nghìn container rác ngoại nằm cảng

Hiện nay, 1.382 container của hơn 30 hãng tàu vận chuyển nhập khẩu nằm ở cảng Cát Lái từ năm 2017 đến nay không đủ điều kiện nhập khẩu.

Công-ten-nơ rác phế liệu tại cảng Cát Lái

Công-ten-nơ rác phế liệu tại cảng Cát Lái

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện còn 1.670 container hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở các cảng tại TP.HCM. Đơn vị này đang làm thủ tục để buộc doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu tái xuất hoặc tiêu hủy hàng trăm container phế liệu ngoại không đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc buộc tái xuất hay tiêu hủy gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, sau khi thực hiện các thủ tục giám định, có 432 container đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác lập sở hữu nhà nước để bán đấu giá. 1.382 container khác của hơn 30 hãng tàu vận chuyển nhập khẩu đang nằm ở cảng Cát Lái từ năm 2017 đến nay không đủ điều kiện nhập khẩu, vì chứa hàng cấm nhập (rác thải) vẫn chưa xử lý được.

Hàng nghìn container chứa phế liệu chủ yếu là nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt, lẫn tạp chất; vỏ xe cũ, rác thải... có mùi hôi thối, tồn đọng nhưng chủ hàng không đến nhận, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng lớn.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu cục hải quan ở địa phương thông báo cho các hãng tàu buộc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đến nay, đã có 6 trong tổng số trên 30 hãng tàu đồng ý tái xuất hàng phế liệu tồn đọng. Mới đây, hãng tàu Cosco và ST Line tái xuất 381 container (Cosco tái xuất 340 container, ST Line tái xuất 41 container). Hiện tại, có hai hãng tàu khác cũng đang tiến hành các thủ tục để tái xuất 13 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.

Sắp thí điểm mua bán điện mặt trời, điện gió không qua EVN

Khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió qua hợp đồng kỳ hạn.

Công nhân trên công trường dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận

Công nhân trên công trường dự án điện gió tại tỉnh Bình Thuận

Dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán, thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, khách hàng dùng điện tham gia thí điểm phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.

Về phía đơn vị phát điện, nếu muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, điện mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30 MW. Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng...

Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021 - 2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, khi thực hiện cơ chế thí điểm này, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hoàn chỉnh, bán lẻ điện cạnh tranh chính thức triển khai, hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định mới có liên quan.

Tung tin làm thẻ căn cước số tứ quý giá 50 triệu đồng

Công an tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng với đối tượng Trần Văn Sang vì quảng cáo có thể làm căn cước công dân gắn chip với dãy số đẹp, giá 40 - 50 triệu đồng.

Công an tỉnh Bắc Giang làm việc với Trần Văn Sang

Công an tỉnh Bắc Giang làm việc với Trần Văn Sang

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt Sang về hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Sang bị cáo buộc dùng Facebook cá nhân đăng tải bài viết có nội dung nhận làm thẻ căn cước công dân gắn chip có số đẹp với giá 40 - 50 triệu đồng. Sang quảng cáo: "Làm căn cước bốn số cuối cùng giống nhau (tứ quý) với giá 50 triệu đồng, 3 số cuối giống nhau (tam hoa) và số tiến 1234, 5678, 6789 với giá 40 triệu đồng".

Cơ quan chức năng cho biết, thông tin này đã gây hoang mang với người dân.

Tại cơ quan điều tra, Sang khai thấy vấn đề liên quan đến thẻ căn cước công dân đang được nhiều người quan tâm nên sao chép nội dung trên để đăng nhằm "câu like, câu view" tăng tương tác phục vụ bán hàng online.

Sang thừa nhận không có khả năng làm được căn cước có dãy số đẹp. Sang đã nộp phạt và gỡ bỏ nội dung đăng tải sai sự thật.

Chuyên đề