Hai cửa khẩu quốc tế ở Quảng Trị đón lô hàng đầu tiên của năm Giáp Thìn
Mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế La Lay ở tỉnh Quảng Trị đã đón các chuyến hàng đầu tiên.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo kiểm tra lô hàng đường nhập khẩu vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Sáng 10/2 (mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, 2 doanh nghiệp đầu tiên đã làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.
Ngày Tết, hàng hóa xuất nhập khẩu ít, nên việc thông quan của 2 lô hàng được cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo xử lý nhanh gọn.
Trong đó, riêng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hội Tiến Phát đã nhập khẩu mặt hàng đường thô với số lượng 360 tấn, nộp tiền thuế 599 triệu đồng.
Tại cửa khẩu quốc tế La Lay, vào chiều cùng ngày, Công ty TNHH ATVN nhập khẩu lô sắn củ tươi với tổng trọng lượng 240 tấn...
Từ đầu năm 2024 đến ngày 6/2, tại cửa khẩu quốc tế La Lay, phương tiện vận tải xuất cảnh là 4.178, nhập cảnh 9.993; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10,369 triệu USD, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 16,022 triệu USD. Thuế thu được là 22,424 tỷ đồng, thuế riêng mặt hàng than đá 12,164 tỷ đồng.
Được biết, năm 2023 vừa qua, cửa khẩu quốc tế La Lay là điểm sáng tại tỉnh Quảng Trị, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua đây đạt 261 triệu USD, tổng thu ngân sách nhà nước hơn 574 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2022.
125 chuyến bay "xông đất" Đà Nẵng ngày mùng 1 Tết
Ước tính trong ngày đầu năm mới, Đà Nẵng đón hơn 17.000 lượt khách qua đường hàng không và trên 1.800 khách du lịch đường tàu biển.
Những du khách đầu tiên đến Đà Nẵng trong năm Giáp Thìn |
Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong ngày mùng 1 Tết (ngày 10/2), Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đón hơn 125 chuyến bay nội địa và quốc tế, ước đạt hơn 17.000 lượt khách đến thành phố này. Trong đó dự kiến có 53 chuyến bay quốc tế, tương ứng khoảng 7.500 lượt khách.
Chuyến bay đầu tiên trong năm mới hạ cánh lúc 6h45 ngày 10/2, mang số hiệu VN628 do Vietnam Airlines khai thác từ Thái Lan.
Những du khách xông đất đầu tiên đã được chào đón bởi tiết mục biểu diễn múa lân cùng những món quà đặc sản của TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, Sở cũng tổ chức chương trình "hái lộc đầu xuân" với quà tặng là voucher của các điểm tham quan, giải trí...
Ngay sau đó, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đón những du khách nội địa trên chuyến bay VN157 từ Hà Nội đến Đà Nẵng của Vietnam Airlines và chuyến bay JX701 từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đến Đà Nẵng của Starlux.
Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, việc đón các chuyến bay và du khách đầu tiên xông đất Đà Nẵng vào đầu năm Giáp Thìn 2024 là tín hiệu tích cực mang đến kỳ vọng du lịch Đà Nẵng sẽ càng có thêm nhiều khởi sắc và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm nay.
Dự kiến tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 (ngày 8 - 14/2) ước đạt 894 chuyến, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó vào ngày 9 - 10/2 (ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết), chuyến tàu biển du lịch 5 sao Dream Cruise mang hơn 1.800 khách du lịch cập cảng Tiên Sa tham quan TP. Đà Nẵng. Đây là đoàn khách du lịch quốc tế đi bằng tàu biển đầu tiên đến Đà Nẵng dịp Tết.
Dịp Tết Âm lịch 2024, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt gần 362.000 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 172.000 lượt, khách nội địa ước đạt 190.000 lượt.
Cảng biển đón tàu xông đất ngày đầu năm mới, làm hàng xuyên Tết
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024, nhiều cảng biển bố trí lực lượng nhân công túc trực làm hàng đảm bảo không gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cảng SSIT đón tàu MSC Ameera "xông đất" làm hàng đầu năm. |
Ngay trong đầu năm mới Giáp Thìn 2024, cảng biển SSIT (Cái Mép - Thị Vải) đã đón chuyến tàu của hãng tàu MSC vào làm hàng. Tàu cập cảng lúc 22h đêm 30 Tết, bốc xếp hơn 1.100 container và rời cảng an toàn lúc 8h sáng mùng 1 Tết.
Trước đó, ngày 30 Tết, cảng SSIT cũng đón chuyến tàu MSC Marina có trọng tải 86.000 DWT vào làm hàng, xếp dỡ hơn 3.000 container và rời cảng lúc 20h, trước thời điểm giao thừa.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc cảng SSIT cho biết, tuần qua, sản lượng làm hàng tại cảng SSIT khá cao, đạt khoảng 20.000 Teu và ước tính cảng đón khoảng 5 - 6 chuyến tàu trong tuần. Trong đó, có những hãng tàu xếp dỡ khoảng 10.000 Teu.
Theo ông Vũ, với các tuyến tàu Nội Á, trong dịp Tết thường chỉ xếp dỡ khoảng 800 - 900 container, còn các tàu tuyến Mỹ, châu Âu sẽ được nhiều hơn, khoảng 2.000 container. Số lượng xếp dỡ tùy thuộc vào tuyến tàu.
Đại diện cảng Tân Vũ thông tin, trong khoảng 8 ngày nghỉ lễ, cảng dự kiến đón khoảng 14 chuyến tàu container quốc tế. Riêng ngày mùng 1 Tết đón khoảng 4 chuyến tàu. Tổng sản lượng xếp dỡ trong dịp nghỉ lễ ước khoảng 16.000 Teu.
Thời gian này, cảng sẽ bố trí mọi nguồn lực để công tác làm hàng hiệu quả nhất, giúp người lao động làm việc năng suất, xong sớm hơn để nghỉ ngơi. Năng suất xếp dỡ của cảng trung bình khoảng 65 moves/giờ nhưng ngày Tết sẽ đẩy để làm hàng nhanh hơn…
Chuyến xe hàng đầu tiên “xông đất” tại cửa khẩu Kim Thành
Sáng 10/2 (ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024), chuyến xe chở 27 tấn mít tươi xuất khẩu sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc) đã “xông đất” cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai).
Đầu giờ sáng mùng 1 Tết, những chuyến hàng xuất nhập khẩu đã được thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành |
Doanh nghiệp "xông đất" cửa khẩu đường bộ Kim Thành là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Nguyên, với chuyến xe chở 27 tấn mít tươi, chất lượng tiêu chuẩn, có xuất xứ từ các tỉnh phía Nam được thông quan qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành.
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã tặng hoa cho lái xe đầu tiên của hai nước "xông đất" với kỳ vọng vào một năm mới giao thương thuận lợi, đồng thời tiến hành thủ tục thông quan nhanh gọn, an toàn; bảo đảm hàng nông sản xuất khẩu đạt chất lượng tốt nhất.
Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, có 40 doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa trong dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, tăng mạnh so với mọi năm, chủ yếu là nông sản qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành, hứa hẹn việc giao thương trong năm 2024 phát triển, đạt kết quả cao hơn.
Thái Nguyên thông qua quy hoạch 4 khu công nghiệp mới
Thái Nguyên đã thông qua quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới nhằm thu hút các nhà đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Một góc thành phố Thái Nguyên |
Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới, có quy mô lớn gồm Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, Khu công nghiệp Yên Bình 2, Khu công nghiệp Yên Bình 3, Khu công nghiệp Thượng Đình và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với tổng diện tích đất là 1.790 ha.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên còn phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình đến năm 2040; trong đó, diện tích khu công nghiệp 675 ha, diện tích đất khu đô thị, dịch vụ 225 ha.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, 2 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng gồm Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình và Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 đang trong quá trình xúc tiến, thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với 4 khu công nghiệp mới đang triển khai lập quy hoạch xây dựng, hiện đã tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, trình thẩm định, phê duyệt đồ án, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024...
Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 5 khu công nghiệp tập trung với hơn 300 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trong đó, có 167 dự án FDI có tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 10,8 tỷ USD và 135 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 17.300 tỷ đồng. Năm 2023, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên đạt tổng doanh thu 29 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 25,5 tỷ USD, chiếm trên 94% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.
Năm 2024, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu quy đổi khoảng 34 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng. Thái Nguyên phấn đấu thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 500 triệu USD và 4.500 tỷ đồng.
Coteccons thâu tóm hai doanh nghiệp hạ tầng
Coteccons mua lại toàn bộ vốn góp của hai doanh nghiệp nhôm kính và cơ điện có kinh nghiệm trong thi công sân bay, giao thông công cộng.
Coteccons vừa mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam. Ảnh minh họa |
Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa hoàn tất thủ tục giao dịch mua lại 100% vốn góp của Công ty TNHH Sinh Nam Metal Việt Nam và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E). Cả hai đều là doanh nghiệp có vốn nước ngoài và từng tham gia vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Sinh Nam Metal là doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết kế hệ thống nhôm kính mặt tiền, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ quản lý dự án cho các dự án trung và cao cấp. Công ty có nhà máy 10.000 m2 với năng suất 300 m2 cửa sổ và cửa đi, 100 - 150 m2 mặt dựng nhôm kính, 200 - 300 m2 panel mỗi ngày. Ngoài các dự án căn hộ chung cư và khách sạn, Sinh Nam Metal từng thi công vách kính trong nhà, cửa đi và kính hệ spider cho sân bay Nội Bài.
UG M&E Việt Nam có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực nhà thầu cơ điện như thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp thoát nước... Ngoài thi công các dự án văn phòng, thương mại, bất động sản dân cư, công ty mẹ tại Singapore có tham gia vào Depot tích hợp Bờ Đông tích hợp ba tuyến tàu MRT - tuyến Downtown, tuyến East-West và tuyến Thomson-East Coast, cũng như xe buýt tại Changi.
Trong quý cuối năm ngoái, Coteccons từng thông báo đã thâu tóm một doanh nghiệp cùng ngành và một doanh nghiệp trong ngành cơ điện. Mục đích là mở rộng hoạt động, tăng thêm nguồn doanh thu và nâng cao thương hiệu trên thị trường.
Ngày đầu năm mới, xử lý gần 7.500 trường hợp vi phạm giao thông
Ngày 10/2, Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 7.469 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền trên 18,7 tỷ đồng...
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trong dịp Tết |
Ngày 10/2, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, toàn quốc xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, bị thương 66 người; so với ngày 9/2 tăng 8 vụ tai nạn, tăng 5 người chết, tăng 11 người bị thương.
Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 7.469 trường hợp, trong đó trên đường bộ phát hiện 7.466 trường hợp vi phạm; phạt tiền 18 tỷ 782 triệu đồng; tạm giữ 211 xe ô tô, 3.661 xe mô tô và 16 phương tiện khác; tước 1.588 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn xử lý 2.835 trường hợp, tốc độ 1.720 trường hợp, ma tuý 12 trường hợp; đường sắt 1 trường hợp vi phạm; đường thuỷ 2 trường hợp vi phạm.
Trong ngày 10/2 (tức ngày 1 tháng Giêng), có 3 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia... Các cuộc gọi đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, tại TP. Hà Nội và TP.HCM, trong ngày 10/2, đường phố thông thoáng, các phương tiện di chuyển thuận lợi cả trong nội thành và các cửa ngõ vào thành phố.