Bản tin thời sự sáng 1/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh lớp 7, 8; cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hầu tòa từ ngày 27/12; thống nhất dừng chuyến bay quốc tế đi/đến từ Châu Phi; thẻ từ ATM vẫn được chấp nhận sau năm 2021; tăng tần suất bay Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM lên 16 chuyến mỗi ngày; ngừng thử nghiệm giai đoạn ba vaccine Covivac…

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 7, 8

Từ sáng 30/11, Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho học sinh khối lớp 7, 8. Trước đó, từ ngày 23/11, Hà Nội chính thức tiêm vaccine phòng Covid-19 của Comirnaty (Pfizer) cho học sinh từ lớp 10, 11 và 12.

Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 7, 8

Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 7, 8

Học sinh các khối THCS tại Hà Nội phải qua các quy trình khám sàng lọc, kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 đề phòng các trường hợp xấu xảy ra.

Đến ngày 27/11, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh lớp 9. Tính đến 18h ngày 29/11, Hà Nội đã triển khai tiêm cho 281.025 mũi/307.505 trẻ (đạt 91,38%) cho trẻ từ 15 - 17 tuổi và tiêm được 111.219 mũi/128.838 trẻ (đạt 86,32%) trẻ 14 tuổi.

Vaccine dùng để tiêm phòng Covid-19 cho học sinh khối 7, 8 vẫn là Pfizer nằm trong số được Sở Y tế Hà Nội phân bổ. Theo kế hoạch, các em học sinh sẽ được tiêm mũi 2 sau khoảng thời gian đảm bảo tối thiểu 3 tuần.

Trước đó, ngày 22/11, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 304.140 liều vaccine cho 30 quận, huyện, thị xã để tiêm cho trẻ từ 15 - 17 tuổi. Đến ngày 25/11, Sở tiếp tục phân bổ thêm 137.724 liều vaccine Covid-19 Pfizer cho 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện tiêm mũi 1 cho trẻ 14 tuổi (khối lớp 9) đang học tập, sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Sau khi đã tiêm hết cho đối tượng trẻ từ 14 - 17 tuổi, các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số lượng vaccine đã được phân bổ còn lại để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi.

Cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hầu tòa từ ngày 27/12

Phiên tòa xét xử 20 bị cáo, trong đó cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hầu tòa về tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hầu tòa từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2022

Cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang hầu tòa từ ngày 27/12 đến ngày 10/1/2022

Dự kiến từ ngày 27/12/2021 đến ngày 10/1/2022, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 19 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước), Công ty Sadeco (công ty con của IPC), gây thiệt hại cho nhà nước 669 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, ông Tất Thành Cang bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù. Ngoài ra, còn 11 bị cáo khác cũng bị truy tố cùng tội danh trên.

Riêng Tề Trí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Sadeco, Tổng giám đốc IPC) và 6 bị can khác với vai trò đồng phạm bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản, với khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Theo nội dung vụ án, Sadeco là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.

Tháng 9/2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/CP.

Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải đấu giá.

Tuy nhiên, các bị can có liên quan trên đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/CP không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho Sadeco hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP.HCM thiệt hại 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

Thống nhất dừng chuyến bay quốc tế đi/đến từ châu Phi

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia châu Phi theo đề xuất của Bộ Y tế.

Tạm dừng chuyến bay quốc tế đi/đến từ châu Phi. Ảnh minh hoạ

Tạm dừng chuyến bay quốc tế đi/đến từ châu Phi. Ảnh minh hoạ

Trước cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về biến chủng virus SARS-CoV-2 đáng lo ngại có tên gọi Omicron, Bộ Y tế đã có báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Tuy nhiên, biến chủng này cũng đã được phát hiện tại nhiều quốc gia khác ngoài Nam Phi khiến nhiều ý kiến lo ngại khả năng xâm nhập khi có các chuyến bay khác về Việt Nam.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam hoàn toàn đồng thuận với đề xuất của Bộ Y tế về việc tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia châu Phi.

Thẻ từ ATM vẫn được chấp nhận sau năm 2021

Ngân hàng Nhà nước thông báo sau 31/12 năm nay, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ từ để giao dịch tại ATM và POS bình thường.

Thẻ màu tím có con chip trên mặt trước là loại thẻ chip nội địa. Thẻ màu xám không có chip là thẻ từ, phía sau có dải băng từ màu đen

Thẻ màu tím có con chip trên mặt trước là loại thẻ chip nội địa. Thẻ màu xám không có chip là thẻ từ, phía sau có dải băng từ màu đen

Thông tư 41 ban hành năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước ghi rõ "đến 31/12/2021, 100% số thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành phải tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa". Điều này được hiểu là 100% thẻ ATM lưu hành tới 31/12 năm nay phải tuân thủ tiêu chuẩn về thẻ chip.

Tuy nhiên, ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản giải thích về lộ trình áp dụng chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Cơ quan này cho biết, Thông tư 19 và Thông tư 41 chỉ yêu cầu dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31/3 năm nay nhưng "không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng)".

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đảm bảo giao dịch của chủ thẻ từ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ.

Việc ban hành các quy định về thẻ chip nội địa nhằm khuyến khích khách hàng chuyển đổi sử dụng thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo quyền lợi bảo mật và an toàn cho chủ thẻ.

Tăng tần suất bay Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM lên 16 chuyến mỗi ngày

Tần suất đường bay Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM sẽ được tăng lên 16 chuyến khứ hồi mỗi ngày từ 1/12.

Tần suất bay nội địa còn hạn chế khiến nhiều máy bay vẫn phải nằm sân

Tần suất bay nội địa còn hạn chế khiến nhiều máy bay vẫn phải nằm sân

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định mở rộng thêm tần suất bay nội địa giai đoạn từ đầu tháng 12.

Cụ thể, từ 1 - 14/12, Bộ GTVT cho phép nâng tần suất khai thác các đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng lên 16 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Từ 15/12 trở đi, các đường bay trên được khai thác không quá 20 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Các đường bay khác được khai thác không quá 9 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay.

Theo văn bản của Bộ GTVT, tùy tình hình thực tế, Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh tần suất bay đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2022, gửi Bộ GTVT trước ngày 25/12.

10.000 m3 đất sạt lở khiến Quốc lộ 27C nối Đà Lạt - Nha Trang kẹt cứng

Đèo Khánh Lê trên Quốc lộ 27C nối TP. Nha Trang và Đà Lạt đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 10.000 m3 đất đá sạt lở xuống lòng đường khiến xe cộ không thể lưu thông qua lại.

10.000 m3 đất sạt lở, giao thông nối Đà Lạt - Nha Trang bị ùn tắc

10.000 m3 đất sạt lở, giao thông nối Đà Lạt - Nha Trang bị ùn tắc

Chiều 30/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, do mưa lớn kéo dài khiến 10.000 m3 đất đá trên đèo Khánh Lê đổ sập xuống lòng đường Quốc lộ 27C, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Cụ thể, vào khoảng 9h sáng cùng ngày, tại Km67+600 QL27C, (đèo Khánh Lê) địa phận tỉnh Lâm Đồng, xảy ra sạt lở taluy dương xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông, khối lượng ước khoảng 10.000 m3.

Ngay sau khi ghi nhận tình trạng sạt lở, Sở GTVT Lâm Đồng đã huy động các đơn vị bảo trì đường bộ tổ chức mở đường, thông tuyến.

Chủ xe phải trả phí dán thẻ không dừng sau 31/12

Theo quyết định của Chính phủ, sau 31/12, người dân phải trả phí 135.000 đồng khi dán thẻ thu phí không dừng đường bộ.

Phương tiện đi vào làn không dừng trên Quốc lộ 5

Phương tiện đi vào làn không dừng trên Quốc lộ 5

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với quyết định trên, người dân chỉ còn một tháng để được gắn thẻ không dừng miễn phí trên phương tiện.

Cả nước hiện có hơn 2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng trong tổng số 3,5 triệu xe, tuy nhiên, đến nay chỉ khoảng 60% phương tiện sử dụng dịch vụ này.

Đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho hay, các làn thu phí đã vận hành hiện vẫn chưa phải là "thuần ETC". Lâu nay nhiều phương tiện chưa dán thẻ, thấy làn vắng xe đã tranh thủ đi vào, khiến người đã dán thẻ và nạp tiền sử dụng thấy không được ưu tiên. Ngoài ra, nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt và chưa dán thẻ.

Vừa qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí lực lượng dán thẻ tại các trạm; phối hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông điều tiết giao thông, xử phạt nghiêm chủ phương tiện không dán thẻ song vẫn đi vào làn thu phí không dừng.

Hiện nay đã có 112 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Chủ xe chỉ cần sử dụng một thẻ để lưu thông qua tất cả trạm.

Ngừng thử nghiệm giai đoạn ba vaccine Covivac

Nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 Covivac quyết định ngừng thử nghiệm giai đoạn ba do khó khăn trong tìm tuyển tình nguyện viên đủ điều kiện.

Vaccine Covivac tại Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Nha Trang

Vaccine Covivac tại Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Nha Trang

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, hiện rất khó tìm được địa phương có vài nghìn người chưa tiêm vaccine Covid-19 và đủ tiêu chuẩn tham gia thử nghiệm lâm sàng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu phải tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng, xem xét phương án nghiên cứu liều vaccine tăng cường để sử dụng trong tương lai.

Theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt, nghiên cứu vaccine Covivac giai đoạn ba dự kiến cần 4.000 người tình nguyện thử nghiệm.

Đại diện Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) cũng cho biết đã thông báo ngừng thử nghiệm tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chưa có kế hoạch về thời gian tiếp tục nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba.

Covivac là vaccine Covid-19 do IVAC nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020, phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thử nghiệm vaccine từ cuối tháng 1. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm trên người. Giai đoạn một, vaccine thử nghiệm tại Hà Nội, với 120 tình nguyện viên. Giai đoạn hai bắt đầu từ giữa tháng 6, thử nghiệm tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trên 375 người. Giai đoạn ba dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2021, như vậy đến nay không thể tuyển đủ tình nguyện viên.

Ngoài Covivac, Việt Nam còn 4 đơn vị đang thử nghiệm, chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19. Trong đó, vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen nghiên cứu, đang nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp. Vaccine ARCT-154 do Tập đoàn Vingroup tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ và vaccine của Công ty Shionogi Nhật Bản, cũng đang thử nghiệm. Công ty Vabiotech đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Sputnik V, quy mô khoảng 5 triệu liều một tháng.

Chuyên đề