Cam kết đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng vào Cần Thơ
UBND TP. Cần Thơ ký kết, trao hơn 40 chủ trương đầu tư, ghi nhớ; trong đó, 20 dự án được công bố có tổng vốn hơn 110.000 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025.
Một khu vực ở trung tâm TP. Cần Thơ |
Việc ký kết diễn ra tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào TP. Cần Thơ ngày 10/12, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Có 56 dự án được Cần Thơ kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trên các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; thương mại - dịch vụ - du lịch; phát triển đô thị; giao thông vận tải; xử lý nước thải; y tế; giáo dục; văn hóa...
UBND TP. Cần Thơ đã ký kết, trao hơn 40 quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ. Trong đó, 20 dự án được công bố với tổng vốn đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng. Số còn lại trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư.
Trong số này, có các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cái Răng... với tổng diện tích khoảng 3.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng; khu phức hợp thể thao, vui chơi, giải trí... 1,4 tỷ USD; nhà máy điện sinh khối 6.000 tỷ đồng; dự án xử lý nước thải 3.050 tỷ đồng; nhà máy xử lý rác 3.250 tỷ đồng...
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, Cần Thơ có vị trí chiến lược, là trung tầm đầu mối của Vùng, cần chủ động, vận dụng nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.
"Đồng thời, địa phương chú trọng phát huy lợi thế hệ thống giao thông kết nối tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch làm gia tăng giá trị của tài nguyên đất, nước", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu, Cần Thơ đẩy mạnh hơn cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi, kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các nhà đầu tư đã cam kết thì phải thực hiện nghiêm túc, tạo ra sản phẩm của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Người trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ, Đà Lạt bỏ cọc hơn 600 triệu đồng
Người trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ, Đà Lạt cho biết chấp nhận việc hủy kết quả đấu giá, sẽ không khiếu nại hay đòi lại hơn 600 triệu đồng tiền cọc.
Nhà hàng Thủy Tạ |
Thông tin này được ông Đoàn Hải Hà - người trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ - nêu trong văn bản gửi UBND TP. Đà Lạt. Trước đó, ông Hà trúng đấu giá thuê nhà hàng này ở trên đảo tại hồ Xuân Hương, Đà Lạt với giá hơn 15 tỷ đồng, gấp 5 lần giá khởi điểm, hồi cuối tháng 10. Đầu tháng 11, ông thông báo sẽ không đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ vì "không được đổi tên mới và phải giữ nguyên tên cũ".
Ngày 8/12, TP. Đà Lạt mời ông Hà đến làm việc để làm rõ về việc "từ chối đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ". Tuy nhiên, ông Hà cho biết bận đi công tác nên không thể sắp xếp thời gian đến trao đổi trực tiếp.
Trong văn bản gửi UBND TP. Đà Lạt, ông Hà cam kết không khiếu nại về việc hủy bỏ kết quả trúng đấu giá. Đồng thời, ông cũng khẳng định không lấy lại số tiền hơn 608 triệu đã đặt cọc để "thể hiện tinh thần thiện chí".
Như vậy, các cam kết trên của ông Đoàn Hải Hà sẽ là cơ sở để UBND tỉnh Lâm Đồng có thể hủy kết quả đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ và tổ chức đấu giá lần 2 cho khu đất này.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, TP. Đà Lạt đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng hủy kết quả công nhận ông Đoàn Hải Hà trúng đấu giá. Tuy nhiên, Sở Tài chính Lâm Đồng nói rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để hủy.
Theo đơn vị này, kết quả trúng đấu giá chỉ được hủy trong 2 trường hợp. Thứ nhất, khi hết 90 ngày (từ khi UBND tỉnh phê duyệt kết quả) mà người trúng đấu giá không nộp hoặc không nộp đủ số tiền. Thứ hai là kết quả sẽ được hủy theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá và người trúng đấu giá.
Nhà hàng Thủy Tạ nằm trên một trong hai đảo gắn liền với danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương. Đây là một trong những vị trí đắc địa nhất Đà Lạt. Tổng diện tích khu đất này hơn 3.800 m2, trên đất có ngôi nhà hai tầng diện tích sàn hơn 260 m2, phần đất còn lại là bồn hoa, khuôn viên, sân bãi.
Chuyển hồ sơ sai phạm tại Khu đô thị An Phú - An Khánh sang cơ quan công an
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ về hành vi có dấu hiệu sai phạm trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Khu đô thị An Phú - An Khánh sang Công an Thành phố để tiếp tục làm rõ.
Khu đô thị An Phú - An Khánh có diện tích 131ha tại TP Thủ Đức |
Thanh tra TP.HCM vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh (TP. Thủ Đức) do Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà làm Chủ đầu tư. Cơ quan thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án này từ thời điểm giao đất đến nay.
Về mặt pháp lý, Dự án đã tăng diện tích giao đất làm thay đổi ranh so với quyết định của Thủ tướng năm 1999. Đến năm 2005, Thủ tướng đã cho phép Dự án được điều chỉnh diện tích.
Tuy nhiên, đến nay, Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về ranh giao đất, chưa được cơ quan chuyên môn đo đạc, tính toán cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trong việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000, Kiến trúc sư trưởng thành phố thời điểm đó đã phê duyệt tăng diện tích đất Dự án so với quyết định giao đất nhưng chưa xin ý kiến Thủ tướng. Dự án cũng bị chỉ rõ các sai phạm liên quan đến việc lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000.
Trong quãng thời gian triển khai Dự án, Sở Xây dựng hồi năm 2008 đã phê duyệt dự án xây 2 chung cư tại đây chưa phù hợp quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cũng có trách nhiệm khi cấp giấy chứng nhận cho một phần diện tích trong Dự án khi nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bên cạnh đó, Chủ đầu tư Dự án đã thực hiện mua bán, chuyển nhượng một phần nền đất tại khu C của Dự án không đúng mục đích. Trước đó, khu vực này được phê duyệt làm nơi bố trí nền tái định cư và hoán đổi đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nền đất để tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất…
Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia
Bộ Công Thương đang quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu.
Kho dự trữ xăng dầu của một doanh nghiệp đầu mối lớn phía Nam |
Đề nghị này được Bộ Công Thương nêu tại báo cáo vừa gửi Chính phủ về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu.
Tại Việt Nam, dự trữ xăng dầu hiện có hai loại hình là dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là hàng thiết yếu, nên Bộ Công Thương đề xuất chuyển mặt hàng này sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025. Việc này nhằm thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.
Thực tế, việc dự trữ các mặt hàng nhiên liệu vẫn đang "hòa" cùng dự trữ tại 4 doanh nghiệp lớn, do quốc gia chưa có kho xăng dầu riêng. Bốn doanh nghiệp được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản, gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex.
Loạt khó khăn trong bảo quản, quản lý dự trữ xăng dầu cũng được Bộ Công Thương nêu ra. Chẳng hạn, định mức chi phí bảo quản quá thấp, duy trì 20 năm qua chưa được thay đổi.
"Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tồn tại xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn bảo quản chung với hàng kinh doanh, chưa được bảo quản riêng theo đúng luật", Bộ Công Thương nhận xét.
Khó khăn nữa là Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các mặt hàng dự trữ - chưa ban hành quy chuẩn với hàng thuộc lĩnh vực dự trữ quốc gia. Do đó, định mức, tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia, xử lý hao hụt đang tạm áp dụng theo quy định của Bộ Công Thương.
Cơ quan này đề nghị, Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý…
Hải Phòng miễn lệ phí làm sổ đỏ từ ngày 1/1/2024
Người dân TP. Hải Phòng sẽ được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất (sổ đỏ) từ năm 2024.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện Thủy Nguyên |
Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP. Hải Phòng thông qua nghị quyết miễn, giảm một số phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến trên địa bàn.
Lệ phí cấp sổ đỏ được miễn từ đầu năm 2024. Với mức phí từ 20.000 - 150.000 đồng/sổ, năm 2022 Thành phố thu hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ (mức thu hiện là 170.000 đồng/hồ sơ) sẽ giảm 10%.
Bốn loại lệ phí khác được miễn cho cá nhân, tổ chức là phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Việt Nam; phí hộ tịch; phí cấp giấy phép xây dựng và phí đăng ký kinh doanh. Các loại này đang thu từ 5.000 - 600.000 đồng/lần.
Nghị quyết của HĐND TP. Hải Phòng nêu rõ, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được giảm 50%. Hiện mức phí dao động 2 - 3 triệu đồng/lần.
Việc miễn, giảm các phí trên sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2025. Tổng số tiền ngân sách để thực hiện nghị quyết là 10 tỷ đồng.
Theo UBND TP. Hải Phòng, việc miễn giảm lệ phí nhằm đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phù hợp với thực tế địa phương và chỉ đạo của trung ương.
Năm 2023, tổng thu ngân sách của TP. Hải Phòng ước đạt hơn 102.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 42.000 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương năm 2023 gần 37.000 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên hơn 14.000 tỷ đồng và chi cho đầu tư phát triển hơn 19.000 tỷ đồng.
Khó thi hành án vụ Phan Văn Anh Vũ và Phạm Công Danh
Việc chậm thi hành án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Phạm Công Danh chậm do số tiền lớn, tài sản còn vướng mắc về pháp lý.
Sân vận động Chi Lăng được Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh và trở thành tài sản thi hành án sau khi Phạm Công Danh bị bắt |
Nội dung này được Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng gửi HĐND TP. Đà Nẵng, chuẩn bị cho kỳ họp diễn ra ngày 12 - 14/12.
Theo Cục Thi hành án, trong năm 2023, việc thi hành án không hoàn thành chỉ tiêu do địa phương vẫn tồn tại một số vụ án có giá trị lớn, khó thi hành án. Điển hình là vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") và các cựu lãnh đạo TP. Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Trần Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Các bị cáo liên đới phải bồi thường thiệt hại cho UBND TP. Đà Nẵng hơn 4.192 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án, để sung quỹ Nhà nước. Số tài sản phải xử lý trong vụ này gồm 28 bất động sản.
Thời gian qua, Cục Thi hành án phải hạ giá nhiều bất động sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ để thi hành án, nhưng vẫn không có người mua.
Vụ thứ hai liên quan đến Phạm Công Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, giá trị phải thi hành là 3.946 tỷ đồng theo bản án của TAND TP.HCM và TAND Cấp cao tại TP.HCM được tuyên ở giai đoạn năm 2016 - 2017. Tài sản thế chấp trong vụ án là khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Khu đất 55.000 m2 này nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm TP. Đà Nẵng với 4 mặt tiền ở quận Hải Châu.
Sân vận động Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nên việc sử dụng đất là có thời hạn. Tuy nhiên, 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại sân vận động này được cấp năm 2011, thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo quy định, TP. Đà Nẵng phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định. Từ tháng 12 năm ngoái, chính quyền đã cho tháo dỡ các dãy nhà (đã nhận giải tỏa, đền bù trước đó) để bàn giao mặt bằng sạch cho Cục Thi hành án nhưng chưa hiệu quả, theo báo cáo…
Hàn Quốc miễn phí visa theo đoàn cho khách Việt từ ngày 1/1/2024
Hàn Quốc sẽ miễn phí visa theo đoàn cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu đón 20 triệu khách quốc tế năm 2024.
Khách du lịch trải nghiệm làng Bukchon Hanok Village |
Tại hội nghị thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, diễn ra tại thành phố Gwangju, Thủ tướng Han Duck-soo Hàn Quốc đặt mục tiêu thu hút hơn 20 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 24,5 tỷ USD vào năm 2024.
Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng danh sách các quốc gia được miễn phí visa theo đoàn và thay đổi một số chính sách về hoàn thuế tại các điểm mua sắm cho khách quốc tế. Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam, Philippines và Indonesia nằm trong diện sẽ được miễn phí visa cho khách đoàn. Trước đây, Hàn Quốc chỉ áp dụng chính sách này với Trung Quốc.
Thủ tướng Han Duck-soo cho biết, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc đã giảm mạnh sau Covid-19. Vì thế, chính phủ nước này đặt mục tiêu phục hồi, cải tiến hoạt động của ngành du lịch bằng cách khuyến khích du khách đến thường xuyên, cũng như kéo dài thời gian lưu trú.
Thông xe cầu ở cửa biển Cà Mau
Sau hơn 2 năm xây dựng, cầu bắc qua sông Ông Đốc ở huyện Trần Văn Thời, tổng kinh phí 690 tỷ đồng, thông xe sáng 10/12.
Cầu Ông Đốc được thông xe |
Dự án nằm ở thị trấn Sông Đốc, khởi công tháng 10/2021 dài 1,42 km, trong đó cầu chính hơn 690 m, rộng 13 m, tốc độ thiết kế 50 km/h. Đây là công trình cầu lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh Cà Mau đầu tư.
Theo Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh (Chủ đầu tư), cầu được xây dựng trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, giá nguyên liệu tăng cao nhưng các nhà thầu đã nỗ lực vượt qua.
Cầu Ông Đốc thuộc dự án tuyến trục Đông Tây và cầu Gành Hào, tổng đầu tư 2.149 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại bờ Bắc thị trấn Sông Đốc, điểm cuối thuộc thị trấn Gành Hào (Bạc Liêu), khi xong kết nối giao thông từ Cà Mau đi Bạc Liêu.
Sông Ông Đốc dài 58 km, bắt nguồn từ ngã ba sông Cái Tàu - sông Trẹm chảy ngang qua thị trấn Sông Đốc và đổ ra cửa biển ở phía vịnh Thái Lan. Đây là cầu thứ ba trên sông này, sau hai cầu Rạch Ráng và Tắc Thủ.