Bản tin thời sự sáng 11/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tín dụng tăng hơn 10%; Tiktok, Facebook và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế; khối ngoại bán ròng gần 3.500 tỷ đồng trong tuần đầu giao dịch không ký quỹ; Bộ Công Thương sắp nhận gần 6.000 tỷ đồng cổ tức từ VEAM…

Tín dụng tăng hơn 10%

Dư nợ tín dụng đến hết tháng 10 ước tính tăng trưởng trên 10%, cao hơn so với tốc độ cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM

Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở TP.HCM

Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, bà Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/10 đạt 10,08% so với cuối năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng 16,65%.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đà tăng hiện tại, theo Thống đốc phù hợp với chỉ tiêu này, đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Dù vậy, lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân còn thấp. Bởi sau Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút. Còn người dân có xu hướng thắt chặt, giảm chi tiêu dẫn đến cầu tín dụng thấp.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan quản lý chủ động điều chỉnh chỉ tiêu cho từng ngân hàng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.

Thực tế, giai đoạn đầu năm nay, mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng không đồng đều, có đơn vị tăng thấp, thậm chí âm trong khi một số tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu được giao. Cuối tháng 8, cơ quan quản lý đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các nhà băng hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế. Việc này nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, 10 tháng đầu năm, cơ quan này giữ nguyên lãi suất điều hành. Nhà chức trách tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay. Các ngân hàng cũng phải công khai mức lãi cho vay bình quân, chênh lệch lãi tiền gửi và cho vay để giúp khách hàng dễ tiếp cận vốn.

Tính đến ngày 20/10, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Song, theo cơ quan này, việc giảm lãi suất trong thời gian tới "rất khó khăn".

Tiktok, Facebook và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế

Các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook, TikTok... đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế 10 tháng đầu năm, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2023.

Tiktok, Facebook và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế

Tiktok, Facebook và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế

Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 5 đơn vị so với lần cập nhật cuối tháng trước. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...

Tính đến đầu tháng 10, họ đã nộp hơn 8.600 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với khoản nộp thêm này, lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp 20.174 tỷ đồng.

Hiện những nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... đang nắm giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Gần đây, một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 bán hàng vào Việt Nam nhưng chưa đăng ký kinh doanh với nhà chức trách. Các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.

Tại họp báo Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, các nhà cung cấp ngoại này có trách nhiệm đăng ký, tự tính, khai, nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quý.

Với Temu, chủ sở hữu của sàn bán online này kê khai doanh thu quý III bằng 0, dự kiến phát sinh từ tháng 10 sẽ khai vào quý sau,

Dù tự kê khai, song theo ông Sơn, trường hợp phát hiện nhà cung cấp báo cáo chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế đối chiếu dữ liệu để xác định. Sau đó, họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Cũng theo số liệu từ cơ quan thuế, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng do cơ quan này quản lý ước đạt 1,65 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Khối ngoại bán ròng gần 3.500 tỷ đồng trong tuần đầu giao dịch không ký quỹ

Bỏ quy định phải ký quỹ 100% trước khi mua cổ phiếu từ tuần này nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng gần 3.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư quan sát bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP.HCM)

Nhà đầu tư quan sát bảng giá tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP.HCM)

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy, trong tuần 4 - 8/11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào gần 5.712 tỷ đồng và bán ra khoảng 9.182 tỷ đồng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán âm khoảng 3.469 tỷ đồng. Suốt tuần qua, khối ngoại bán ròng liên tục và đã là tuần thứ 7 liên tiếp. Họ tập trung xả hàng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN hay VHM.

Khối ngoại duy trì xu hướng rút vốn dù đây là tuần đầu tiên Thông tư số 68/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực. Thông tư này quy định nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không cần có đủ tiền (non pre-funding) khi đặt lệnh như trước đây.

Theo Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), khối ngoại bán ròng trong bối cảnh áp lực tỷ giá tăng cao ở tuần Tổng thống Donald Trump tái đắc cử - nguyên nhân giúp đồng USD lên cao.

Nhìn lại từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ ưu tiên gom hàng duy nhất trong tháng 1. Còn lại, họ đã bán ròng liên tiếp từ tháng 2 tới nay với giá trị lũy kế gần 80.000 tỷ đồng, tức khoảng 3 tỷ USD. Xu hướng rút vốn hạ nhiệt trong tháng 8 - 9, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 10.

Trong bối cảnh đà bán ròng của khối ngoại tại hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đi kèm áp lực cung vẫn khá chủ động, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị, nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng và chờ tín hiệu cung cầu rõ nét hơn của VN-Index trong vùng thăm dò 1.250 - 1.260 điểm. Tín hiệu cung cầu này sẽ có tác động đến bước đi tiếp theo của thị trường.

"Nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát để đánh giá trạng thái của thị trường. Hiện tại, độ ổn định thấp và rủi ro tiềm ẩn nên cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua", VDSC đưa ra lời khuyên.

Bộ Công Thương sắp nhận gần 6.000 tỷ đồng cổ tức từ VEAM

VEAM dự kiến chi khoảng 6.691 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2023 cho cổ đông. Trong đó, Bộ Công Thương sắp nhận về hơn 5.920 tỷ đồng nhờ nắm 88,47% vốn điều lệ VEAM.

VEAM đang liên doanh với nhiều nhà sản xuất ôtô lớn như Honda, Toyota hay Ford.

VEAM đang liên doanh với nhiều nhà sản xuất ôtô lớn như Honda, Toyota hay Ford.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (UPCoM: VEA) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023. Ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức là 20/11, dự kiến thanh toán vào ngày 20/12.

Trước đó, HĐQT VEAM đã phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 50,35%, tức mỗi cổ phiếu nhận về 5.035 đồng. Với 1,32 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEAM phải chi khoảng 6.691 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cổ tức năm 2023 cho cổ đông.

Tại thời điểm 30/9, Bộ Công Thương đang sở hữu gần 1,17 tỷ cổ phiếu VEA, tương đương 88,47% vốn điều lệ VEAM. Như vậy, Bộ Công Thương dự kiến thu về hơn 5.920 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này.

Về hoạt động kinh doanh, VEAM ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.048 tỷ đồng trong quý III, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính lại giảm 39% xuống 205 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, doanh nghiệp này báo lãi ròng gần 1.667 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong quý III, VEAM đã thu hơn 3.000 tỷ đồng từ lãi vay, cổ tức và lợi nhuận được chia. Sau 3 quý, khoản mục này đem về cho tổng công ty hơn 6.500 tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn cổ tức, lợi nhuận được chia đến từ các liên doanh sản xuất xe như Honda Việt Nam (liên doanh do VEAM sở hữu 30%) đem về hơn 5.000 tỷ đồng, Toyota Việt Nam đem về 261 tỷ đồng và Ford Việt Nam đóng góp 198 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của VEAM tăng 4% lên hơn 2.971 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 4% lên 4.924 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến hết quý III, tổng tài sản của VEAM tăng 17% so với đầu năm lên 31.743 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đang nắm khoảng 19.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 51%.

Bộ Giao thông đồng ý tăng vốn dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về việc thống nhất tăng vốn Nhà nước tại Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, xây mới cầu Đakrông và đầu tư mới 8 km đường trên Quốc lộ 15D tại tỉnh Quảng Trị.

Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị

Ngày 10/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết thông tin trên.

Dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được đề xuất thực hiện theo phương thức PPP đã hoàn thiện với một số nội dung chính. Tuyến đường này dài 56 km, quy mô 4 làn xe hoàn thiện, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư là 13.952 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị đề xuất cơ chế đặc thù cho dự án này với nguồn vốn Nhà nước chiếm 70% dự án, vượt tỷ lệ vốn Nhà nước theo Luật PPP là không quá 50%.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, kết nối nội vùng với ngoại vùng các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với đề xuất của tỉnh Quảng Trị, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho áp dụng tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia để đảm bảo tính khả thi. Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo được ưu tiên đầu tư trước năm 2030.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D, Bộ Giao thông vận tải thống nhất sử dụng nguồn vốn nhà nước để xây mới 8 km từ Quốc lộ 1 nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn tăng thu năm 2024 để đầu tư xây dựng. Tỉnh Quảng Trị dự kiến tổng mức vốn cho đoạn tuyến này là 630 tỷ đồng.

Đoạn Quốc lộ 15D từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (dài khoảng 34 km), đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chủ động, sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP.

Dự án nhà ở Phúc Sơn, khu dịch vụ Đầm Vạc - Tây Hồ chậm tiến độ

Nhiều dự án chậm tiến độ như khu nhà ở Phúc Sơn, khu dịch vụ vui chơi giải trí Đầm Vạc, Tây Hồ, vừa được tỉnh Vĩnh Phúc công bố.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố 15 dự án khu đô thị, dịch vụ chậm tiến độ dù đã được gia hạn

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố 15 dự án khu đô thị, dịch vụ chậm tiến độ dù đã được gia hạn

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố 15 dự án khu đô thị, dịch vụ chậm tiến độ dù đã được gia hạn. Danh sách này gồm cả dự án đang trong thời gian gia hạn và đã bị thu hồi.

Danh sách có 2 dự án khu đô thị chậm tiến độ với quy mô gần 23 ha. Cụ thể, Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (giai đoạn 1) tại huyện Vĩnh Tường, có diện tích 15,2 ha, do Công ty CP Hạ tầng đô thị Phúc Sơn làm chủ đầu tư. Vào tháng 2/2023, Dự án đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất. Giai đoạn 2 của Dự án hơn 110 ha cũng từng nằm trong danh mục dự án chậm tiến độ hồi tháng 4.

Khu dịch vụ và vui chơi giải trí Đầm Vạc - Tây Hồ của Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Tây Hồ cũng chậm tiến độ. Dự án có quy mô hơn 7,7 ha nằm ở TP. Vĩnh Yên, từng được gia hạn tiến độ vào tháng 12/2022. Cả hai dự án đang trong thời gian tiếp tục gia hạn.

Danh sách còn có 5 dự án khách sạn tập trung ở TP. Vĩnh Yên và huyện Tam Đảo với tổng diện tích gần 1,3 ha. Theo đó, 3 dự án ở TP Vĩnh Yên gồm: Dự án khách sạn và nhà hàng của Công ty CP Thương mại và khách sạn Hoàng Minh; Dự án kinh doanh khách sạn, nhà hàng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Quán Tiên và Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và kinh doanh khách sạn của Công ty TNHH Hải Châu. Huyện Tam Đảo có nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ du lịch của Công ty Thanh Hà - Hà Giang và khách sạn của Công ty Việt Đức chậm tiến độ.

Ngoài ra, danh mục nêu 2 dự án chậm tiến độ đã bị thu hồi gồm dự án dịch vụ của Công ty CP Vicem Thương mại Xi măng ở TP. Vĩnh Yên và Trung tâm dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ tại xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo của Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ.

Đồng Nai triển khai thực hiện nghị quyết thu hồi đất 51 dự án

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 3274/QĐ-UBND về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2024/NQ-HĐND ngày 15/10/2024 của HĐND Tỉnh bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (lần 2).

Đồng Nai triển khai thực hiện nghị quyết thu hồi đất 51 dự án

Đồng Nai triển khai thực hiện nghị quyết thu hồi đất 51 dự án

Theo nghị quyết nói trên, có tất cả 51 dự án phát triển kinh tế - xã hội cần thu hồi đất với tổng diện tích gần 98 ha. Trong đó, đối với 4 dự án năng lượng điện và Dự án Cầu Phước An, HĐND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND huyện Nhơn Trạch, các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương lập, trình UBND Tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ thực hiện công tác thu hồi đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 80 Luật Đất đai năm 2024.

UBND tỉnh Đồng Nai giao các huyện, thành phố, lập hồ sơ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2024, chỉ đạo triển khai thu hồi đất; Sở Tài nguyên và môi trường thẩm định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các địa phương.

Chuyên đề