Bản tin thời sự sáng 11/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 100.000 tỷ đồng đầu tư vào Khánh Hòa sau 9 tháng; Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' sắp hồi hương; người trúng đấu giá 32 xe máy tang vật ở Hà Tĩnh với mức giá lên tới 6,8 tỷ đồng đã bỏ cọc…

Hơn 100.000 tỷ đồng đầu tư vào Khánh Hòa sau 9 tháng

9 tháng đầu năm, Khánh Hòa đã thu hút 15 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong trên cao

Một góc Khu kinh tế Vân Phong trên cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, một số dự án đáng chú ý trong 3 quý đầu năm là Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh với quy mô vốn gần 85.300 tỷ đồng; Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh hơn 3.700 tỷ đồng; Nhà ở xã hội Hưng Phú II hơn 1.000 tỷ đồng...

Về môi trường, có Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất các sản phẩm từ rác tại huyện Cam Lâm hơn 3.200 tỷ đồng...

Ngoài đầu tư mới, Khánh Hòa còn 14 dự án tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng khoảng hơn 29.000 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Khu du lịch Bãi Cát Thấm của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong tăng 21.300 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Vân tăng 880 tỷ đồng; Dự án Công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang tăng gần 1.550 tỷ đồng...

UBND Tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ 16 dự án với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, văn hoá - giáo dục, phát triển đô thị - du lịch sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng...

Trong đó, một số đang được nghiên cứu như Dự án Khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng của Công ty FPT; Dự án Du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn - Khải Lương, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng của Công ty Dịch vụ Cáp treo Bà Nà...

Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' sắp hồi hương

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng dự kiến được đưa từ Pháp về nước đầu tháng 11, khi các thủ tục thông quan hoàn tất.

Ấn của vua Minh Mạng

Ấn của vua Minh Mạng

Sáng 10/10, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa - cho biết, dự kiến cuối tháng 10, phía Pháp thu thập đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến ấn để gửi cho đại diện Việt Nam. Sau đó, cơ quan chức năng trong nước tiến hành thủ tục quyết định công nhận cổ vật, thủ tục thuế, hải quan rồi gửi lại hồ sơ cho Pháp.

Hành trình hồi hương ấn vàng nhận sự quan tâm lớn của công chúng. Tháng 11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đàm phán thành công với hãng đấu giá Millon để chuyển giao ấn về Việt Nam, "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Đại diện Bộ cho biết, hồi hương ấn vàng không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc.

Ông Nguyễn Thế Hồng - nhà sưu tập tư nhân ở Bắc Ninh - là người chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn vàng từ nhà đấu giá Pháp, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791 -1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (báu vật của hoàng đế).

Người trúng đấu giá 32 xe máy tang vật ở Hà Tĩnh với mức giá lên tới 6,8 tỷ đồng đã bỏ cọc

Chiều 10/10, lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, liên quan việc 32 chiếc xe máy đã qua sử dụng được đấu giá mức tiền lên tới 6,8 tỷ đồng, người trúng đấu giá đã bỏ cọc.

Lô xe cũ được đưa ra đấu giá tại Hà Tĩnh

Lô xe cũ được đưa ra đấu giá tại Hà Tĩnh

"Người này không đủ khả năng nên bỏ cọc. Số tiền người này đặt trước 10 triệu đồng, đơn vị sung công quỹ nhà nước. Chúng tôi đang làm thủ tục cho đấu giá lại lô tài sản", vị lãnh đạo thông tin.

Cuối tháng 7, dư luận xôn xao trước thông tin một người quê Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá 32 xe máy đã qua sử dụng với mức giá lên tới 6,8 tỷ đồng.

Số phương tiện này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ nhà nước.

Cụ thể, ngày 22/7, Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh tổ chức đấu giá 32 chiếc xe máy cũ với giá khởi điểm 68,3 triệu đồng.

Hơn 120 người tham gia ở thời điểm đấu giá. Ban đầu mức giá được đấu lên 500 triệu đồng, vòng thứ 2 lên 1,2 tỷ đồng, vòng thứ 3 lên tới 5 tỷ đồng. Cuối cùng, một vị khách ở Thừa Thiên - Huế trúng đấu giá lên tới 6,8 tỷ đồng, gấp 100 lần giá khởi điểm.

Theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh, 32 chiếc xe máy cũ không có gì đặc biệt. Việc đấu lên mức giá này là cao đột ngột, chênh lệch với giá trị thực tế.

TP.HCM chưa sắp xếp lại 6 quận

Nếu vận dụng các yếu tố đặc thù, TP.HCM dự kiến chưa sắp xếp các quận, huyện giai đoạn này mà chỉ sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã, theo ông Phan Văn Mãi.

Khu trung tâm TP.HCM

Khu trung tâm TP.HCM

Thông tin được Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết tại Hội nghị Thành ủy sáng 10/10, khi đề cập đến kế hoạch sắp xếp lại các đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030 theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.

Căn cứ tiêu chí diện tích, dân số, TP.HCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm các quận: 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận đều có diện tích dưới 7 km2) và 149 đơn vị cấp xã cần sắp xếp. Tuy nhiên, theo ông Mãi, nếu vận dụng các yếu tố đặc thù, Thành phố chưa phải sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, và chỉ sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này...

"Thành phố đã làm việc với Bộ Nội vụ để xin tiếp cận theo hướng này", ông Mãi nói và cho biết thêm rằng, việc này đang trong quá trình chuẩn bị, chưa được các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ để trình Bộ Nội vụ, xin ý kiến Chính phủ trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 35, việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí quy mô dân số, diện tích tự nhiên, còn đề cập đến yếu tố đặc thù như: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, vị trí địa lý, bảo đảm quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội…

Bộ Công An phong tỏa, điều tra mỏ đất hiếm tại Yên Bái

Đến thời điểm tối 10/10, gần 100 cán bộ, cảnh sát của Bộ Công an vẫn đang phong toả phục vụ công tác điều tra tại mỏ đất hiếm trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Khu vực khai thác đất hiếm của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Khu vực khai thác đất hiếm của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

Theo Thượng tá Phạm Duy Thịnh, Trưởng Công an huyện Văn Yên cho biết, Bộ Công An đang làm việc tại mỏ đất của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương trên địa bàn xã Yên Phú.

Thiếu tá Nguyễn Quang Sáng, Trưởng Công an xã Yên Phú cũng cho biết, lực lượng chức năng thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã phong toả Công ty CP Tập đoàn Thái Dương để điều tra về dấu hiệu vi phạm phạm luật.

Trong ngày 10/10, lực lượng công an vẫn tiếp tục làm việc với Ban Giám đốc và một số người của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương. Riêng kế toán công ty được di lý về Hà Nội phục vụ công tác điều tra. Người đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Thái Dương là ông Đoàn Văn Huấn.

Được biết, Công ty CP Tập đoàn Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6/2013 với diện tích 6,24 ha, mức sâu khai thác đến mức + 35 m, thời gian khai thác 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác 1.894.617 tấn đất quặng (tương ứng 23.569 tấn tổng oxit đất hiếm TR2O3, 259.615 tấn tinh quặng sắt 60%Fe).

Đất hiếm ở Yên Bái được đánh giá là khoáng sản quý có chứa nhiều nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất như Yttrium và Lanthanum…

Thanh tra dự án bệnh viện hơn 1.500 tỷ đồng ở Bắc Ninh

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định thanh tra Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống mới (phường Tân Hồng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống mới đến nay vẫn đang bỏ hoang

Dự án Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống mới đến nay vẫn đang bỏ hoang

Theo quyết định thanh tra, trong 40 ngày làm việc trực tiếp tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước và các nội dung khác có liên quan trong quá trình thực hiện Dự án.

Đối tượng thanh tra là Công ty CP Quốc tế Công nghệ cao Hamec - chủ dự án; các đơn vị, sở, ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến nội dung này; các nhà thầu và các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia thực hiện Dự án.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra từ khi triển khai thực hiện Dự án đến thời điểm thanh tra, những nội dung liên quan có thể xem xét trước và sau thời điểm trên.

Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo nội dung thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra, kiến nghị xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra và các kiến nghị khác (nếu có) theo quy định.

Theo đó, Dự án có tên đầy đủ là Tổ hợp công trình Bệnh viện Cuộc sống mới do Công ty TNHH Công nghệ cao Hamec làm chủ đầu tư có quy mô đầu tư trên 7 ha gồm 300 giường bệnh điều trị theo y học hiện đại và 700 giường điều dưỡng phục hồi chức năng.

Dự án Bệnh viện Cuộc sống mới được giao cho Công ty CP Y tế cuộc sống mới Việt Nam từ năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án này vẫn không thể triển khai.

Đến tháng 7/2013, Công ty Quốc tế công nghệ cao Hamec (Công ty Hamec) có đơn xin thuê lại hơn 7ha đất đã giao cho Công ty CP Y tế cuộc sống mới Việt Nam để thực hiện Dự án Bệnh viện Cuộc sống mới.

Mặc dù được giao đất từ năm 2013, nhưng phải đến tháng 12/2018, Chủ đầu tư dự án mới làm lễ khởi công.

Tại thời điểm khởi công, Chủ đầu tư dự án cho biết, tổng mức đầu tư là 1.570 tỷ đồng, được dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2021.

Một cá nhân bị cấm giao dịch chứng khoán hai năm do thao túng cổ phiếu

Bà Nguyễn Thị Thơm bị phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch chứng khoán, tham gia công ty chứng khoán, quản lý quỹ trong hai năm do thao túng cổ phiếu BNA.

Một cá nhân bị cấm giao dịch chứng khoán hai năm do thao túng cổ phiếu. Ảnh minh họa

Một cá nhân bị cấm giao dịch chứng khoán hai năm do thao túng cổ phiếu. Ảnh minh họa

Quyết định xử phạt này mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra, do bà Thơm đã sử dụng 9 tài khoản chứng khoán để liên tục mua, bán cổ phiếu BNA của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc, nhằm tạo cung, cầu giả tạo.

Việc thao túng cổ phiếu được bà Thơm thực hiện từ ngày 12/10/2020 đến 6/10/2021, ngay sau khi cổ phiếu này được niêm yết trên sàn HNX. Theo Ủy ban Chứng khoán, kết quả kiểm tra cho thấy cá nhân này không có khoản thu trái pháp luật từ việc thao túng cổ phiếu.

Công ty Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc tiền thân là doanh nghiệp tư nhân bánh cao cấp Bảo Ngọc được thành lập từ năm 1986. Năm 1994, Bảo Ngọc chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân. Tháng 7/2012, doanh nghiệp này thành lập Công ty Bảo Ngọc Akito với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng và 5 năm sau chính thức đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc.

Cổ phiếu BNA chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 12/10/2020, cũng là thời điểm bà Thơm bắt đầu thao túng giá. Hiện thị giá của BNA đang giao dịch quanh ngưỡng 11.000 đồng, trước đó mã này có thời điểm đạt mức đỉnh 37.000 đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư