Bản tin thời sự sáng 11/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng dầu ngày 11/10 có thể tăng lại; đề xuất phương án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 45 ngày; 121/550 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM hết xăng; Đà Nẵng dự kiến xây đường hầm xuyên sân bay; dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù…

Giá xăng dầu ngày 11/10 có thể tăng lại

Mỗi lít xăng có thể tăng tới 400 đồng một lít, còn dầu thêm 1.900 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ.

Giá xăng dầu ngày 11/10 có thể tăng lại

Giá xăng dầu ngày 11/10 có thể tăng lại

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/10 của một thùng xăng RON 92 là 91,84 USD, RON 95 là 94,67 USD, tăng nhẹ so với chu kỳ trước. Riêng, dầu diesel tăng mạnh lên 134,38 USD một thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam cho biết, xăng dầu thế giới đã đồng loạt đi lên trong tuần qua nên kỳ điều hành này buộc nhà quản lý phải tăng giá.

Cụ thể, giá xăng được dự báo tăng 200 - 300 đồng một lít, dầu tăng khoảng 1.600-1.900 đồng một lít. Nếu nhà chức trách chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên và dầu có thể tăng 1.100 - 1.200 đồng một lít.

Đồng quan điểm, giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho rằng, kỳ điều hành này khó đoán vì thị trường xăng dầu Việt Nam đang biến động. Do đó, xăng có thể tăng lên gần 22.000 đồng, còn dầu lên khoảng 24.000 đồng một lít. Nếu kỳ này nhà điều hành không điều hành tăng đúng như thị trường thì sẽ còn nhiều bất ổn. Hiện, nguồn cung hầu như thiếu hụt 30 - 40%.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tính đến nay, giá xăng có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên.

Đề xuất phương án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 45 ngày

Phương án khắc phục sự cố đứt cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lần 2 vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) đề xuất với Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố.

Nhịp chính giữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị võng xuống sau sự cố đứt cáp ngầm.

Nhịp chính giữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị võng xuống sau sự cố đứt cáp ngầm.

Theo đó, TCIP đề xuất phương án sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh trong 45 ngày, chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (trong 10 ngày) sẽ triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, hạn chế các hư hỏng tiếp tục phát sinh và ảnh hưởng tới an toàn.

Trong giai đoạn này, các đơn vị sử dụng hệ dàn giáo để chống đỡ toàn bộ nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, bố trí thép dày 10 mm trên mặt đường bê tông nhựa, gia cố nền đường bằng cừ tràm và tấm bê tông dày 10 cm tại các vị trí đào hiện hữu.

Giai đoạn 2 (trong 35 ngày), các đơn vị sẽ tiến hành sửa chữa, khôi phục hệ thống cáp giằng. Cụ thể, lắp đặt hệ thống neo tạm trên đỉnh trụ; căng cáp tạm; đào đất phía sau trụ để thi công hệ cáp giằng thay thế; khoan cấy cốt thép, đổ bê tông neo cáp giằng thay thế; lắp đặt, căng cáp giằng thay thế theo tính toán đồng thời với việc tháo dỡ hệ thống cáp tạm; kiểm định, thử tải cầu và hoàn trả mặt bằng.

Để phục vụ công tác sửa chữa, bên cạnh tiếp tục cấm xe qua cầu, TCIP đề xuất cấm người và phương tiện lưu thông dưới dạ cầu nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo TCIP, việc đảm bảo an toàn công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, hạn chế những diễn tiến bất lợi, nguy hiểm khó lường hiện nay là quan trọng và cấp bách. Do đó, TCIP đề nghị Sở GTVT TP.HCM xem xét, phê duyệt trước hồ sơ đảm bảo an toàn kết cấu công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và thông qua phương án phân luồng giao thông để các đơn vị tổ chức thực hiện ngoài hiện trường.

121/550 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM hết xăng

Chiều ngày 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, có 121/550 cửa hàng không còn xăng để bán.

Một cửa hàng xăng dầu trên đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) thông báo ngưng bán, đang nhập hàng.
Một cửa hàng xăng dầu trên đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) thông báo ngưng bán, đang nhập hàng.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tình hình thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Hiện tại TP.HCM có 121/550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp.

Đáng chú ý, các cửa hàng hết xăng đã diễn ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Trong đó, tại TP. Thủ Đức có 21 cửa hàng, Quận 12 có 17 cửa hàng, quận Bình Tân có 15 cửa hàng, huyện Củ Chi có 14 cửa hàng,...

Trong ngày, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã cử các đội quản lý thị trường đến giám sát, kiểm tra, đo bồn tại các cây xăng thông báo hết xăng trên địa bàn Thành phố.

Đối với các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố hiện nay còn có 5 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động.

Đà Nẵng dự kiến xây đường hầm xuyên sân bay

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông từ đường Trưng Nữ Vương đi qua sân bay được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.

Sân bay Đà Nẵng

Sân bay Đà Nẵng

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng đang tổ chức lấy ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu sân bay (tỷ lệ 1/2.000) trước khi trình cơ quan chức năng, bộ, ngành Trung ương phê duyệt.

Phân khu sân bay Đà Nẵng sẽ diện tích hơn 1.300 ha, với dân số dự kiến khoảng 100.000 người. Quy hoạch phân khu gồm 4 khu vực chính là: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cửa ngõ sân bay phía đông; khu đô thị phía nam và khu đô thị phía tây bắc.

Theo bản thuyết minh về đồ án điều chỉnh quy hoạch, trọng tâm của phân khu này là sân bay và cụm logistics hiện đại mới. Hơn 50% diện tích nằm trong khu vực sân bay quân sự nên hệ thống giao thông được quy hoạch không gian ngầm.

Các lô đất thương mại dịch vụ, công cộng, bệnh viện đều có bãi xe ngầm... Hệ thống giao thông từ đường Trưng Nữ Vương đi qua sân bay được ngầm hóa, kết hợp với tuyến tàu điện ngầm MRT.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù

Nhiều cơ chế đặc thù liên quan đến mỏ vật liệu và giải phóng mặt bằng, tái định cư… được đề xuất để đảm bảo kế hoạch đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đề xuất cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), thời điểm hiện tại, công tác khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được hoàn thành.

Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành trong tháng 8/2022, hiện đang triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa được 22 km.

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Dự án cũng đã được giao kế hoạch vốn hơn 27 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành Dự án vào năm 2025, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích rừng cho Dự án.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai Dự án.

Theo phương án điều chỉnh được UBND tỉnh Cao Bằng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, tổng chiều dài hơn 121,06 km. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,55 km (từ Km0+00 - Km93+350) với mặt cắt ngang 17 m đối với các đoạn thông thường.

Ở giai đoạn hoàn thiện (giai đoạn 2), đầu tư tiếp gần 28km còn lại (Km93+350 - Km121+060) với quy mô bề rộng nền đường 17 m và hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn tuyến châm trước trong giai đoạn 1.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 22.691 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng.

Chính thức thu hồi thông báo thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Cục Thuế TP.HCM vừa ra thông báo thu hồi các quyết định thuế đối với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).

Cục Thuế TP.HCM thu hồi quyết định thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá Khu đô thị Thủ Thiêm.

Cục Thuế TP.HCM thu hồi quyết định thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá Khu đô thị Thủ Thiêm.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá 2 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Vào cuối tháng 12/2021, hai công ty gồm Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã trúng đấu giá 2 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3 - 5 (diện tích 6.446 m2) và phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3 - 8 (diện tích 8.568,1 m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

Đầu tháng 1/2022, cơ quan thuế ban hành thông báo đến 2 doanh nghiệp. Theo hợp đồng trúng đấu giá, cả 2 doanh nghiệp có thời gian 180 ngày để thực hiện đóng số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Ngày 6/7 là hạn cuối cùng 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ phải hoàn tất thủ tục đóng thuế vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp vẫn không nộp tiền. Trước đó, Công ty CP Dream Republic đặt cọc 115,6 tỷ đồng và Công ty CP Sheen Mega đặt cọc 203,6 tỷ đồng. Do không thực hiện đóng số tiền trên vào ngân sách, 2 doanh nghiệp mất cọc.

Đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương xây thêm nhà ga T2 đón 5 triệu khách

Đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương được đề xuất trở thành sân bay quốc tế và xây thêm ga T2 công suất 5 triệu hành khách/năm cũng như bổ sung các tuyến đường kết nối...

Cảng hàng không Liên Khương được thiết kế lấy cảm hứng từ đóa hoa dã quỳ.

Cảng hàng không Liên Khương được thiết kế lấy cảm hứng từ đóa hoa dã quỳ.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở kết quả dự báo tổng nhu cầu vận tải hành khách quốc tế đi/đến bằng đường hàng không và các kết quả dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được thực hiện trong “Quy hoạch ngành quốc gia - Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ”, đơn vị tư vấn dự báo đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ đón hơn 4,3 triệu khách nội địa và gần 700 nghìn khách quốc tế; hơn 18 nghìn tấn hàng.

Đến năm 2050 sẽ đón tổng cộng hơn 7 triệu khách, trong đó, lượng khách quốc tế tăng mạnh mẽ, lên tới hơn 1,5 triệu khách; gần 27 nghìn tấn hàng hoá cũng được vận chuyển qua sân bay này.

Sau khi đánh giá lại hiện trạng và dự báo lượng hành khách, hàng hoá, đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương đến năm 2030 là sân bay quốc tế, cấp sân bay 4E.

Cụ thể, với khu bay, bổ sung quy hoạch đường lăn nối đầu 27 để có thể đầu tư và khai thác thuận tiện do sự chênh cao độ của đường lăn song song hiện hữu. Sắp xếp lại vị trí đỗ máy bay Code E và C.

Về nhà ga, quy hoạch ga T2 công suất 5 triệu hành khách/năm và giữ nguyên ga T1 hiện hữu công suất 2 triệu hành khách/năm. Tương lai xa có thể mở rộng T1 lên 5 triệu hành khách/năm. Các ga T1 và T2 được nối liên hoàn…

Đê sông Mã sạt lở hơn một km

Tuyến đê qua xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), bị sạt lở kéo dài hơn một km, đe dọa ảnh hưởng khoảng 29.000 người dân vùng trong đê.

Tuyến đê qua xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), bị sạt lở kéo dài hơn một km

Tuyến đê qua xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), bị sạt lở kéo dài hơn một km

Sáng 10/10, UBND TP. Thanh Hóa và Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cắt cử lực lượng ứng trực tại bờ đê sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Đại, để theo dõi diễn biến và sẵn sàng xử lý sự cố. Một nhóm cán bộ chuyên môn đo vẽ hiện trường; nhóm khác đóng cọc tre, đắp đất, phủ bạt tại các điểm xung yếu quanh thân đê.

Nhà chức trách đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm ôtô tải trọng từ 10 tấn trở lên và xe khách lưu thông qua đoạn đê sạt lở để đảm bảo an toàn.

Trước đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão Noru, tỉnh Thanh Hóa mưa lớn. Đê tả sông Mã qua xã Hoằng Đại bị sạt lở. Cung sạt khoảng 1 km, đoạn nặng nhất dài 60 m, độ sâu có chỗ tới 1,3 m.

Ngày 9/10, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã kiểm tra sự cố sụt lún đê tả sông Mã. Nhận định đây là sự cố nghiêm trọng, gây mất an toàn chống lũ, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Ông Luận đề xuất, UBND tỉnh Thanh Hóa sớm ban bố tình huống khẩn cấp, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ, khảo sát, đánh giá nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê.

Đê tả sông Mã là đê cấp 2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Đê được đắp bằng đất, bề mặt đổ bê tông rộng khoảng 4 m cho phương tiện lưu thông.

Tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ cho khoảng 29.000 người dân của 5 xã Hoằng Đại, Hoằng Trạch, Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong vùng tả ngạn sông Mã, thuộc một phần huyện Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư