Bản tin thời sự sáng 1/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra tây Hồ Tây và Mễ Trì; giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng từ ngày 1/11; bát vàng của vua Khải Định bán giá 16,7 tỷ đồng; hai cựu lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ bị cáo buộc nhận hơn 3 tỷ đồng để thông thầu...

Đề xuất di dời trụ sở 13 bộ, ngành ra tây Hồ Tây và Mễ Trì

Bộ Xây dựng cho biết đang hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành, trong đó đề xuất di dời 13 cơ quan ra khu tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nằm trong nhóm đề xuất di dời

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng nằm trong nhóm đề xuất di dời

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa báo cáo về một số vấn đề chuẩn bị cho phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, trong đó có nội dung về di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội.

Bộ Xây dựng chia thành hai nhóm trụ sở. Nhóm đề xuất di dời gồm 13 trụ sở bộ, ngành: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhóm xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan. Trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Hội Nông dân (7 cơ quan đã đưa vào sử dụng; trụ sở Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện).

15 cơ quan giữ nguyên trụ sở gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Bộ Xây dựng cho hay Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu tây Hồ Tây (khoảng 35 ha) và một phần tại khu Mễ Trì.

Giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng từ ngày 1/11

Mặt hàng xăng có thể được điều chỉnh tăng từ 200 - 500 đồng/lít tùy loại; giá các mặt hàng dầu cũng tăng từ 250 - 350 đồng/lít/kg nếu không có can thiệp sâu từ Quỹ BOG.

Xăng dầu trong nước đã có 2 lần tăng giá trong tháng 10. Ảnh minh họa

Xăng dầu trong nước đã có 2 lần tăng giá trong tháng 10. Ảnh minh họa

Theo lịch của cơ quan điều hành, ngày 1/11, Liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/10 có xu hướng giảm so với ngày kỳ điều hành gần nhất. Tuy nhiên, mặt hàng dầu lại tăng từ 3 - 5 USD/thùng, riêng mặt hàng dầu mazut tăng gần 20 USD/thùng so với kỳ điều hành trước.

Cụ thể, xăng RON92 là 91,40 USD/thùng; xăng RON95 là 96,01 USD/thùng; dầu hỏa 124,99 USD/thùng; dầu diezel 135,38 USD/thùng; dầu mazut 403,07 USD/tấn. Trong khi đó, sáng 31/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 0,49 USD, tương đương 0,51%, lên mức 96,26 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,45 USD, tương đương 0,51%, lên mức 88,35 USD/thùng.

Với diễn biến tăng giá xăng dầu thế giới cũng như tại thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận định, nhiều khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 1/11. Mức tăng sẽ phụ thuộc vào mức trích lập và chi Quỹ BOG, nhưng dự báo giá xăng có thể tăng từ 200 - 500 đồng/lít; giá các loại dầu cũng có thể tăng từ 250 - 350 đồng/lít.

Nếu nhận định trên chính xác, giá xăng dầu trong nước sẽ có 3 kỳ tăng giá liên tiếp tính từ sau ngày 3/10.

Bát vàng của vua Khải Định bán giá 16,7 tỷ đồng

Bát vàng được giới thiệu của thời vua Khải Định đạt mức 680.000 euro (16,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Millon, tối 31/10.

Lòng bát (trái) và đế có khắc chữ nổi. Ảnh: Millon

Lòng bát (trái) và đế có khắc chữ nổi. Ảnh: Millon

Hiện vật được đặt tên Bát vàng quý hiếm, triều đại vua Khải Định (1916 - 1925) thuộc lô 100 trong phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam có giá khởi điểm là 15.000 euro (370 triệu đồng). Sau 12 phút với 68 lần nâng giá của người mua trực tiếp và thông qua điện thoại, chiếc bát được gõ búa ở mức 680.000 euro (16,7 tỷ đồng), chưa bao gồm thuế phí, gấp 27 lần dự đoán của Millon (20.000 - 25.000 euro). Chủ nhân có mặt trực tiếp tại nơi đấu giá.

Theo thông tin của nhà đấu giá, bát có đường kính miệng 10,4 cm, cao 7 cm, nặng 456,6 g. Thân bát chạm trổ hình rồng, đáy bát khắc nổi bốn chữ (Khải Định niên tạo) ở chính giữa, lòng bát có màu nâu và được tráng một lớp thủy tinh. Bát có một vết nứt, nằm trong bộ sưu tập của một bác sĩ làm việc ở Huế vào thế kỷ 20.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết theo quan sát, đó thực sự là đồ dùng trong cung thời xưa. Bát được dùng để trưng hoa thủy tiên vào dịp Tết trong cung An Định.

Phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam ban đầu gồm 329 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, trong đó có chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng gây nhiều chú ý. Tuy nhiên, khi bắt đầu phiên, Millon thông báo dời lịch đấu giá ấn sang ngày 10/11, thay vì chiều 31/10.

Nhà đấu giá Millon thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris và có nhiều chi nhánh ở Nice (Pháp), Bruxelles (Bỉ).

Hai cựu lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ bị cáo buộc nhận hơn 3 tỷ đồng để thông thầu

Kết luận điều tra của C03 cáo buộc hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là Bùi Thị Lệ Phi và Cao Chu Minh đã "thông đồng" đấu thầu thiết bị y tế với nhà thầu, nhận số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu
Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an vừa hoàn thành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 2 bị can Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu đều là cựu Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3 Điều 122 BLHS.

Đề nghị truy tố cùng tội nêu trên có Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch HĐ sáng lập Công ty NSJ Group) và 17 bị can là các cựu cán bộ thuộc Sở Y tế Cần Thơ, nhân viên Công ty NSJ Group, Công ty Mediconsult và Công ty BTC Value.

Theo kết luận điều tra, C03 cáo buộc, từ 2017 - 2019, bà Nga và đồng phạm đã thông đồng với một số cán bộ Sở Y tế Cần Thơ (Chủ đầu tư), Công ty CP Thẩm định giá BTC Value (Công ty BTC Value) và Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam (Công ty Mediconsult) đề xuất chủ trương đầu tư dự án, lập dự án, dự toán, bố trí vốn, thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu để Công ty NSJ và Công ty Bình An của Nga trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 89,9 tỷ đồng. Qua đó, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả điều tra còn thể hiện, sau khi tổ chức đấu thầu xong 4 gói thầu, Phi đã nhận 3 tỷ đồng cho cá nhân từ Nga và nhận thêm 200 triệu đồng cho Sở Y tế Cần Thơ. Do đó, bị can Phi bị cơ quan điều tra xác định giữ vai trò chủ mưu cầm đầu.

Còn ông Chu bị cáo buộc đã nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ. Hành vi của bị can trên được xem xét giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Hành vi của Hoàng Thị Thúy Nga đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, vai trò đồng phạm giúp.

VNG lỗ quý thứ tư liên tiếp

Công ty VNG - chủ quản Zalo có quý thứ tư liên tiếp lỗ hàng trăm tỷ khi lợi nhuận quý III âm 255 tỷ đồng.

Công ty VNG - chủ quản Zalo có quý thứ tư liên tiếp lỗ hàng trăm tỷ

Công ty VNG - chủ quản Zalo có quý thứ tư liên tiếp lỗ hàng trăm tỷ

Doanh thu Công ty CP VNG trong quý III/2022 đạt gần 2.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn giữ ở tỷ lệ khá tương đương nên Công ty lãi gộp hơn 940 tỷ đồng.

Chi phí tài chính giảm hơn 10 lần nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 12% và 30% so với cùng kỳ, ghi nhận tổng cộng khoảng 1.095 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn gánh thêm gần 28 tỷ đồng lỗ trong các công ty liên kết và hơn 26 tỷ đồng lỗ khác.

Tổng lại, VNG lỗ sau thuế khoảng 255 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 50 tỷ đồng. Đây là quý thứ tư liên tiếp lợi nhuận về mức âm và cũng là quý lỗ lớn thứ ba của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2016.

Lũy kế 9 tháng, Công ty có gần 5.767 tỷ đồng doanh thu và lỗ hơn 764 tỷ đồng. VNG hoàn thành hơn một nửa kế hoạch doanh thu và chỉ cách mức lỗ kế hoạch khoảng 23%.

Kết quả kinh doanh VNG thời gian qua luôn bị bào mòn bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con. Trong đó, Công ty CP Zion - đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng trong năm ngoái, đánh dấu mức kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016. Đây vốn được xem là mảng "đốt tiền" của VNG trong thời gian qua.

Đến cuối tháng 9 năm nay, chủ quản ZaloPay báo giá trị đầu tư vào ví điện tử này tăng 26,5% so với đầu năm, lên hơn 2.560 tỷ đồng. Tuy vậy, VNG trích lập dự phòng gần 2.270 tỷ đồng, tăng hơn 214 tỷ đồng so với giữa năm.

Hội đồng quản trị VNG vẫn xác định mục tiêu cần phát triển các dự án và cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm về Zalo, ZaloPay, Cloud, AI...

Cưỡng chế tháo dỡ 8 bungalow lấn Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Sau thời gian vận động tuyên truyền bất thành, sáng 31/10, ngành chức năng TP. Phú Quốc đã cưỡng chế, tháo dỡ nhiều bungalow xây dựng trái phép của ông Mai Trung Dũng ở tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh.

Cơ quan chức năng tháo dỡ công trình xâm phạm Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Cơ quan chức năng tháo dỡ công trình xâm phạm Khu bảo tồn biển Phú Quốc

Sáng 31/10, UBND TP. Phú Quốc (Kiên Giang) tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 8 bungalow xây dựng trái phép của ông Mai Trung Dũng tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh. Đây là những công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Một cán bộ trong đoàn cưỡng chế cho biết, công trình xây dựng trái phép của ông Dũng nằm trong khu bảo tồn biển Phú Quốc. Do đó, lực lượng chức năng không dùng máy móc, xe cuốc để tháo dỡ mà chỉ dùng phương pháp thủ công.

Vị cán bộ này cũng cho biết, hiện lực lượng cưỡng chế đang tập trung tháo dỡ các bungalow, trả lại mặt bằng cho Nhà nước.

Được biết, phần đất của ông Dũng lấn chiếm, xây dựng trái phép có diện tích 524,6 m2 tại ấp Cây Sao từ trước đến nay là đất bãi bồi ven biển, do nhà nước quản lý.

Ngày 27/11/2019, UBND xã Hàm Ninh tiến hành kiểm, đo đạc hiện trạng vị trí thửa đất nói trên, ông Dũng không cung cấp được các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất, cũng như các giấy tờ liên quan đến xây dựng.

Sau đó, công chức địa chính - xây dựng xã Hàm Ninh lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Dũng. Tuy nhiên, ông này không ký vào biên bản vi phạm hành chính.

UBND TP. Phú Quốc ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Mai Trung Dũng. Ông Dũng không nhận quyết định nhưng hứa sẽ tự nguyện tháo dỡ. Tuy nhiên đến ngày 30/10, ông Dũng vẫn không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép.

Gần 100 km bờ biển từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận sạt lở

Bờ biển từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận có 63 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 97 km, riêng Phú Yên sạt 33 km, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Tường nhà ven biển ở Quảng Nam đổ sập do hoàn lưu bão Nesat

Tường nhà ven biển ở Quảng Nam đổ sập do hoàn lưu bão Nesat

Ngày 31/10, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các điểm sạt lở chủ yếu xảy ra trong tháng 10, khi miền Trung bị ảnh hưởng bởi các cơn bão Sơn Ca và Nesat. So với 10 tháng đầu năm, chiều dài các điểm sạt lở tăng khoảng 40 km.

Trong đó có 33 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đê và an toàn của khu dân cư ven biển. Phú Yên ghi nhận 12 điểm sạt, tổng chiều dài 33 km, tiếp theo là Quảng Ngãi với 13 điểm, dài hơn 15 km.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, nhận định quy mô sạt lở gia tăng gần đây cả về số điểm cũng như phạm vi ảnh hưởng, xảy ra ở cả ven biển, cửa sông, ven sông. Nếu không có giải pháp kịp thời, các địa phương sẽ đối diện với nguy cơ thiệt hại lớn về người và tài sản.

Về nguyên nhân, ông Hải cho rằng yếu tố khách quan là chính, cụ thể do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những năm qua, mưa bão khốc liệt hơn, kỷ lục về mưa liên tục bị phá vỡ.

Theo lãnh đạo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, để giảm nhẹ rủi ro do sạt lở ven biển, ngoài những chỉ đạo, quy định pháp luật ở trung ương thì mấu chốt là địa phương, người dân trong tổ chức thực hiện.

Phòng chống thiên tai gồm ba giai đoạn, lần lượt là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Ứng phó đã được tập trung nguồn lực thực hiện, nhưng phòng ngừa lại bị xem nhẹ. Trong khi đó, 1 đồng đầu tư cho phòng ngừa bằng 5 đồng cho ứng phó và khắc phục hậu quả.

Chuyên đề