Bản tin thời sự sáng 1/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các siêu thị ở TP.HCM đồng loạt mở cửa đón khách từ ngày 1/10; Đại nội Huế đón khách tham quan trở lại từ ngày 1/10; Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định đầu tư tiếp 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành hạ tầng 6 lô đất ở Thủ Thiêm giữa tháng 10; người lao động tiêm đủ liều vaccine không phải xét nghiệm…

Các siêu thị ở TP.HCM đồng loạt mở cửa đón khách từ ngày 1/10

Nhiều siêu thị sẽ mở cửa đón khách lại từ ngày 1/10, sau khi TP.HCM thông qua chỉ thị mới về phục hồi kinh tế - xã hội.

Người dân tại TP.HCM đã có thể tới siêu thị mua sắm trực tiếp từ ngày 1/10. Ảnh minh hoạ

Người dân tại TP.HCM đã có thể tới siêu thị mua sắm trực tiếp từ ngày 1/10. Ảnh minh hoạ

Theo đó, hệ thống siêu thị Lotte Mart thông báo tất cả siêu thị của hệ thống tại TP.HCM sẽ trở lại hoạt động bình thường từ ngày 1/10, phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống của khách hàng.

Trong đó, siêu thị Quận 7 mở cửa từ 7h30 đến 22h, các siêu thị Gò Vấp, Quận 11 và Tân Bình hoạt động từ 8 - 22h. Tất cả nhân viên đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Để mua sắm, khách hàng bắt buộc đeo khẩu trang, được kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào cửa. Siêu thị cũng thực hiện phân cách an toàn khi mua sắm và thanh toán.

AEON Việt Nam cho biết, hai siêu thị Tân Phú Celadon và Bình Tân sẽ đón khách mua sắm trực tiếp từ ngày 1/10. Thời gian mở cửa khu vực siêu thị và ẩm thực tự chọn từ 8 - 22h (riêng khu ẩm thực chỉ bán hàng mang về). Khu vực trung tâm bách hóa tổng hợp sẽ mở cửa từ 10 - 22h.

Các kênh mua sắm online của hệ thống siêu thị này cũng hoạt động bình thường trở lại từ ngày mai. Khách có thể đặt hàng qua tất cả các kênh, như điện thoại, ứng dụng,...

Cũng từ 1/10, hệ thống bán lẻ thuộc Central Retail gồm GO!/Big C và Topsmarket sẽ mở cửa trong khung giờ 8 - 22h hàng ngày. Ngoài mua sắm trực tiếp, người tiêu dùng vẫn có thể mua trực tuyến thông qua hotline từ 8 - 21h, ứng dụng Go! & Big C, dịch vụ đặt hàng qua Zalo.

Siêu thị Satramart Phạm Hùng cũng thông báo từ ngày 1/10 sẽ mở cửa phục vụ khách từ 7 - 16h hàng ngày. Điểm bán đã được xịt khử khuẩn toàn bộ các quầy hàng và khu vực chung.

Đại nội Huế đón khách tham quan trở lại từ ngày 1/10

Sau 4 tháng đóng cửa phòng dịch, Đại nội Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và một số lăng tẩm triều Nguyễn mở cửa đón khách tham quan trở lại từ ngày 1/10.

Đại nội Huế đón khách tham quan trở lại từ ngày 1/10

Đại nội Huế đón khách tham quan trở lại từ ngày 1/10

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, các điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định sẽ mở cửa, song du khách chỉ tham quan khu vực ngoài trời, không tham quan tại nội thất các cung điện.

Du khách tham quan các điểm di tích đều phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế và quét QR code. Khách ở tỉnh ngoài đến Huế phải hoàn tất giám sát y tế theo quy định, trong đó người đến từ vùng dịch phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và tự cách ly tế 1 tuần.

Đại nội Huế và các lăng tẩm triều Nguyễn đóng cửa ngừng đón khách tham quan để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 11/5. Trước đó, quần thể di tích này đón hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế mỗi ngày.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định đầu tư tiếp 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 124.619 tỷ đồng.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định đầu tư tiếp 729km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh hoạ

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định đầu tư tiếp 729km đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh hoạ

Đó là nội dung chính của tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm 729 km trên phạm vi các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau.

Các đoạn trên được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư giai đoạn phân kỳ (quy mô 4 làn xe) theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 154.527 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 73.495 tỷ đồng.

Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư hoàn thành 9 dự án thành phần theo phương thức PPP, chiều dài khoảng 552 km, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Thơ - Cà Mau.

Còn 3 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177 km sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư theo các dự án độc lập. Với phần xây dựng 3 dự án thành phần này sẽ triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.

Như vậy, phương án đầu tư 9 dự án PPP, chỉ giải phóng mặt bằng 3 dự án từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn Dự án còn khoảng 124.619 tỷ đồng, bao gồm 62.991 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách và 61.628 tỷ đồng vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Hoàn thành hạ tầng 6 lô đất ở Thủ Thiêm giữa tháng 10

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật 6 lô đất ở Khu chức năng số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, dự kiến hoàn thành giữa tháng 10 để phục vụ đấu giá.

Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) Lương Minh Phúc cho biết, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở 6 lô đất này thuộc 2 gói thầu xây lắp của Dự án đầu tư hạ tầng 9 lô đất trong Khu chức năng số 1.

Hiện 2 gói xây lắp này cùng các gói thầu kỹ thuật đã hoàn thành, còn một số hạng mục như cây xanh, chiếu sáng dự kiến thi công xong trong nửa tháng tới để phục vụ bán đấu giá mang về nguồn thu cho Thành phố. Gói thầu xây lắp ở 3 lô đất còn lại thuộc Dự án cũng đang được chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh.

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất trong Khu chức năng số 1 là công trình trọng điểm, cấp bách, nên UBND TP.HCM cho phép thi công liên tục khi siết chặt các biện pháp giãn cách phòng chống Covid-19 thời gian qua. Việc thi công được các nhà thầu tổ chức "3 tại chỗ", với khoảng 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân duy trì trên công trường.

Công trình xây dựng 6 tuyến đường xung quanh các lô đất, với tổng chiều dài gần 1,4 km, rộng 27 - 36 m; xây dựng đồng bộ hệ thống điện, chiếu sáng, cây xanh, cấp thoát nước... Dự án có 6 gói thầu, trong đó 3 gói xây dựng các tuyến đường; 3 gói còn lại làm cây xanh, chiếu sáng, hệ thống điện, cung cấp hệ thống nước sinh hoạt...

Khởi công tháng 3 năm ngoái, Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất có tổng đầu tư hơn 603 tỷ đồng bằng vốn ngân sách. Công trình này được TP.HCM triển khai nhằm nâng cao giá trị sử dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất, tạo điều kiện đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Người lao động tiêm đủ liều vaccine không phải xét nghiệm

Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng không cần xét nghiệm nhưng tài xế chuyển hàng hóa qua tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 vẫn cần giấy chứng nhận âm tính trong 72 giờ.

Người lao động tiêm đủ liều vaccine không phải xét nghiệm

Người lao động tiêm đủ liều vaccine không phải xét nghiệm

Nội dung này được nêu trong văn bản hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 với các cơ sở kinh doanh, sản xuất Bộ Y tế vừa ban hành. Đây là hướng dẫn nhằm thực hiện Nghị quyết 105 của Chính phủ ban hành đầu tháng 9.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành, cơ sở sản xuất phải xét nghiệm định kỳ theo mức độ nguy cơ của địa phương.

Với các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao, hằng tuần tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân...) phải được xét nghiệm.

Người cung cấp dịch vụ, nguyên vật liệu trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên liệu...) được xét nghiệm hằng tuần.

Các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, có nguy cơ thì xét nghiệm 2 tuần một lần tối thiểu cho 5 - 10% người lao động. Xét nghiệm 2 tuần một lần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên liệu...).

Tuy nhiên, các quy định này không áp dụng với người lao động đã tiêm đủ liều vaccine, liều cuối cùng tiêm trong ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc người đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng.

Riêng với người lao động là lái xe vận chuyển hàng hoá liên tỉnh, thành phố, Bộ Y tế hướng dẫn, nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện, theo hướng dẫn hồi tháng 7 của Bộ Y tế. Như vậy, lái xe vẫn cần phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ từ khi lấy mẫu.

Khánh Hòa cho mở lại nhà hàng, đón khách du lịch từ 0h ngày 1/10

Từ 0h ngày 1/10, Khánh Hòa cho phép nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại. Ngoài ra, người có "thẻ xanh Covid-19" sẽ được đi du lịch nội tỉnh.

Từ 1/10, Khánh Hòa nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều dịch vụ được mở lại

Từ 1/10, Khánh Hòa nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều dịch vụ được mở lại

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, từ 0h ngày 1/10, địa phương sẽ nới lỏng giãn cách xã hội. Trong đó cho phép các cơ sở du lịch được đón khách, nhà hàng, quán nhậu được mở cửa trở lại.

Theo người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương sẽ mở cửa theo lộ trình 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn một từ 1 - 15/10, người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được lưu thông trong Tỉnh mà không cần giấy đi đường và xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Theo ông Tuân, từ 1/10 địa phương sẽ bắt đầu đón khách du lịch và chỉ đón khách có hộ khẩu trong tỉnh Khánh Hòa theo kế hoạch đã được Sở Du lịch soạn thảo.

Ngoài ra, từ 1/10, tỉnh Khánh Hòa cho phép các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại và chỉ phục vụ ăn uống tại chỗ đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Người tiêm 1 mũi vaccine phải kèm theo giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Giai đoạn này UBND tỉnh Khánh Hòa chưa cho phép các quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, bi da, bóng đá… hoạt động trở lại. Đồng thời, duy trì các chốt kiểm soát liên huyện, liên tỉnh để kiểm soát người ra vào địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn hai bắt đầu từ 16/10 - 15/11. Thời gian này địa phương bắt buộc áp dụng “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”.

Giai đoạn này Khánh Hòa cho phép người dân tắm biển ở những “vùng xanh” và người đi tắm cũng phải thuộc “vùng xanh”. Trên công viên bờ biển dọc đường Trần Phú cấm tập trung quá 5 người; không tổ chức giữ xe, bán hàng rong dọc bờ biển.

Cũng theo ông Tuân, giai đoạn ba từ 16/11 đến hết tháng 12, địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để dự kiến các hoạt động về kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

Xe buýt Hà Nội vẫn chưa thể hoạt động lại từ ngày 1/10

Xe buýt Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động do nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa cao và Thành phố vẫn đang thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Xe buýt Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Xe buýt Hà Nội vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động.

Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho phép xe buýt được hoạt động trở lại từ ngày 1/10, Sở Giao thông vận tải Thành phố vừa có văn bản phúc đáp, trong đó khẳng định hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn tiếp tục dừng hoạt động.

Trong thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, TBND TP. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch.

Từ ngày 21 - 28/9, Thành phố đã nới lỏng một số các dịch vụ và hoạt động xã hội, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang bố trí người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50, học sinh, sinh viên vẫn đang học trực tuyến, công nhân nhiều khu công nghiệp vẫn thực hiện phương án 3 tại chỗ (một cung đường, hai điểm đến), người già, trẻ em hạn chế đi lại để phòng chống dịch nên nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa cao.

Do vậy, Sở Giao thông vận tải đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp đang tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 của Chủ tịch UBND Thành phố, tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng.

TP.HCM đã đưa gần 16.000 người Phú Yên về quê

Gần 800 người Phú Yên đang sống ở TP.HCM tiếp tục được đưa về quê theo nguyện vọng, nâng tổng số người được về tỉnh này lên gần 16.000 trong hơn 2 tháng qua.

Người dân trong bộ đồ bảo hộ chờ xe xuất bến về Phú Yên tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 30/9

Người dân trong bộ đồ bảo hộ chờ xe xuất bến về Phú Yên tại Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 30/9

Chiều 30/9, gần 800 người trong bộ đồ bảo hộ được bố trí trên 30 ôtô khách thuộc hãng xe Phương Trang rời Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) về tỉnh Phú Yên. Đây là lần vận chuyển cuối trong 30 đợt TP.HCM phối hợp Phú Yên tổ chức đưa người dân trở về tỉnh này. Họ đa phần là người già, khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, sinh viên, người đi khám chữa bệnh...

Thông qua Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM, người dân trước đó đăng ký thủ tục và được Thành phố phối hợp tỉnh Phú Yên lên danh sách đưa đón. Khi lên xe, họ phải có xác nhận xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 48h và đến địa phương tiếp tục được kiểm tra qua phương pháp PCR, sau đó đưa về các khu cách ly tập trung trên địa bàn.

Theo đại diện hãng xe Phương Trang, trong đợt vận chuyển đầu tiên hôm 26/7, đơn vị này đưa hơn 300 người từ TP.HCM về lại Phú Yên. Đến hôm nay sau 30 đợt, hơn 600 chuyến xe đã được thực hiện đưa gần 16.000 người thuộc địa phương này đang sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở về theo nguyện vọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, việc Tỉnh phối hợp đưa người dân về quê trong bối cảnh nhiều người ở TP.HCM và các tỉnh lân cận mất việc, khó khăn do Covid-19. Trong đó, nhiều người đã tự phát về lại Phú Yên. Vì vậy việc tổ chức người dân trở về ngoài giảm áp lực cho TP.HCM cũng quản lý và ngăn nguy cơ lây nhiễm tốt hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư