Bản tin thời sự sáng 10/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD tự do giảm mạnh; Thành ủy TP.HCM khai trừ 4 đảng viên ra khỏi Đảng; trả lương hưu qua tài khoản cá nhân từ ngày 1/9; Bắc Ninh đang sử dụng 310.000 lao động trong các khu công nghiệp; Hitachi bàn giao thiết bị để đào tạo nhân sự Metro số 1 TP.HCM…

Giá USD tự do giảm mạnh

Giá USD tự do ngày 9/8 giảm hơn 100 đồng, nâng mức điều chỉnh lên 170 đồng so với đầu tuần, khi đồng bạc xanh gần đây suy yếu.

So với mức đỉnh gần 26.000 đồng cuối tháng 6, USD tự do đang thấp hơn gần 400 đồng

So với mức đỉnh gần 26.000 đồng cuối tháng 6, USD tự do đang thấp hơn gần 400 đồng

Sáng 9/8, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường đồng loạt hạ giá mua bán USD. Theo đó, giá USD tại một điểm thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung (TP. Hà Nội) được niêm yết tại 25.500 - 25.600 đồng. Một số điểm khác mua bán USD quanh 25.620 - 25.640 đồng, hạ 100 đồng so với hôm qua.

Nếu so với đầu tuần này, mỗi USD tự do hiện đắt thêm 170 đồng. Còn so với mức đỉnh gần 26.000 đồng cuối tháng 6, USD tự do đang thấp hơn gần 400 đồng, tương đương mức giảm hơn 1,5%.

Trong ngân hàng sáng 9/8, tỷ giá cũng giảm nhẹ. Vietcombank hạ 25 đồng hai chiều mua bán, xuống 24.910 - 25.280 đồng. So với đầu tuần, tỷ giá chính thức giảm 40 - 50 đồng.

Thành ủy TP.HCM khai trừ 4 đảng viên ra khỏi Đảng

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM vừa kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 4 đảng viên.

Phối cảnh dự án tại khu đất 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM liên quan đến sai phạm của nhiều cá nhân

Phối cảnh dự án tại khu đất 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM liên quan đến sai phạm của nhiều cá nhân

Ngày 9/8, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thông tin về việc xem xét, đề nghị, thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên.

Cụ thể, ông Trương Thanh Phong, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Phong vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Tổng công ty, chịu trách nhiệm về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4.

Ông Nguyễn Hồng Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Phú đã vi phạm công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành Công ty, bị Tòa án nhân dân TP.HCM xử phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ủy ban cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Quang Thông, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Trung ương Đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy cơ sở phía Nam Cơ quan Trung ương Đoàn, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên. Ông Thông đã vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến khu đất số 151 - 155, Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đỗ Cao Đài, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Sài Gòn. Ông Đài vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm hoạt động ngân hàng trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Sài Gòn.

Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lê Duy Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM; nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM. Ông Lê Duy Minh đã vi phạm những điều đảng viên không được làm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi nhận hối lộ.

Trả lương hưu qua tài khoản cá nhân từ ngày 1/9

Chi trả lương hưu qua tài khoản cá nhân thực hiện trên cả nước từ ngày 1/9, giai đoạn chuyển tiếp có một số vướng mắc nên nhiều người chưa nhận được tiền đúng hạn.

Người cao tuổi Hà Nội nhận lương hưu tại điểm chi trả

Người cao tuổi Hà Nội nhận lương hưu tại điểm chi trả

Ngày 9/8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 9 sẽ trực tiếp chi tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân lập tại ngân hàng cho người về hưu trên cả nước. Từ đầu tháng 8, hệ thống chi trả điện tử này đã thực hiện tại 43 tỉnh, thành, tháng 9 triển khai tiếp tại 20 địa phương còn lại.

Việc lĩnh lương hưu qua tài khoản không mới, được thực hiện cùng lúc với các hình thức như nhận tiền mặt trực tiếp tại điểm chi trả, qua chủ sử dụng lao động hoặc tại nhà với người già, neo đơn, ốm đau khó đi lại. Tuy nhiên từ tháng 8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh hình thức này trên cả nước để giảm khâu trung gian, tăng chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng.

Giai đoạn đầu, việc chuyển tiếp từ trả trực tiếp sang trả qua tài khoản trục trặc do kết nối giữa ngành bảo hiểm xã hội và các ngân hàng gặp vướng mắc, chủ yếu là không cùng hệ thống ngân hàng, chưa trùng khớp thông tin cá nhân... Một bộ phận người thụ hưởng vì thế chưa nhận được lương hưu, trợ cấp như lịch thông báo nên đã đến điểm chi trả thắc mắc.

Cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.

Bắc Ninh đang sử dụng 310.000 lao động trong các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN) tập trung tại Bắc Ninh đang sử dụng khoảng 310.000 lao động, trong đó lao động người nước ngoài khoảng gần 8.000 người, lao động người Bắc Ninh chiếm 27,9%, còn lại là lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Các khu công nghiệp Bắc tạo công ăn việc làm cho hơn 300.000 lao động trong nước. Ảnh minh họa

Các khu công nghiệp Bắc tạo công ăn việc làm cho hơn 300.000 lao động trong nước. Ảnh minh họa

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397 ha; trong đó 15 KCN đã được thành lập với diện tích 5.947 ha; 12 KCN đi vào hoạt động. Các KCN được thành lập có diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.509 ha. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt trên 60,72%.

Đến nay, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2.050 dự án, đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ với 1.428 dự án FDI, 622 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 28.031 triệu USD, trong đó dự án FDI là 24.852,78 triệu USD, trong nước là 82.654,8 tỷ đồng, tương đương 3.588,42 triệu USD.

Hitachi bàn giao thiết bị để đào tạo nhân sự Metro số 1 TP.HCM

Nhà thầu của Dự án Metro số 1 TP.HCM bắt đầu giao thiết bị, đoàn tàu để nhân sự học thực hành, làm cơ sở nghiệm thu, khai thác cuối năm nay.

Các đoàn tàu Metro số 1 ở Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Các đoàn tàu Metro số 1 ở Depot Long Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Thông tin được đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) cho biết ngày 9/8, sau thời gian dài các bên gặp vướng mắc trong cách thức bàn giao hệ thống thiết bị để đào tạo nhân sự vận hành Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Hitachi là nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray, bảo dưỡng ở Dự án Metro số 1. Lâu nay, hệ thống thiết bị và các đoàn tàu nhập về TP.HCM do Nhà thầu quản lý, chưa bàn giao cho Liên danh tư vấn chung NJPT - trong vai trò đại diện Chủ đầu tư để phục vụ đào tạo nhân sự vận hành tuyến.

Theo Chủ đầu tư, Nhà thầu bắt đầu bàn giao 11 hệ thống cho Liên danh NJPT, gồm: đoàn tàu, đường ray, thẻ vé, hệ thống thông tin, tín hiệu, biển báo hiệu. Ngoài ra còn các hệ thống: cung cấp nguồn điện; cấp điện trên cao; hệ thống thiết bị ở depot, nhà xưởng; kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu; hệ thống cửa chắn ke ga.

"Đây là mốc quan trọng khi nhân sự vận hành tuyến metro sẽ trực tiếp được học thực hành trên các trang thiết bị của Dự án sau thời gian dài đào tạo lý thuyết", đại diện MAUR nói.

Để vận hành Metro số 1 cần hơn 700 người, trong đó gần 400 nhân sự thuộc các bộ phận lái tàu, nhân viên nhà ga, kỹ thuật viên điều độ... Tuy nhiên, do vướng mắc về cách thức bàn giao hệ thống thiết bị giữa Nhà thầu Hitachi và tư vấn NJPT nên việc đào tạo thực hành cho các học viên bị chậm so với kế hoạch. Hồi tháng 7, Hitachi chỉ bàn giao trước một số hệ thống, thiết bị như mô phòng lái tàu để các nhân viên thực hành mà chưa được đào tạo trực tiếp trên tàu.

Theo MAUR, sau khi các hệ thống được Nhà thầu bàn giao, quá trình đào tạo thực hành cho nhân sự vận hành metro sẽ xong trong tháng 9 tới. Hai tháng sau đó, những nhân viên này trực tiếp tham gia công đoạn vận hành thử, phục vụ nghiệm thu cùng đánh giá an toàn hệ thống.

Hủy niêm yết cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico từ 6/9

Tối 9/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố hai quyết định hủy niêm yết cổ phiếu với mã HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico.

Ngày giao dịch cuối cùng của hai mã cổ phiếu HBC và HNG là ngày 5/9/2024

Ngày giao dịch cuối cùng của hai mã cổ phiếu HBC và HNG là ngày 5/9/2024

Cả hai quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/9. Như vậy, ngày giao dịch cuối cùng của hai mã cổ phiếu HBC và HNG là ngày 5/9.

Trong thông báo, HoSE cho biết, số lượng cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết là hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, giá trị theo mệnh giá hơn 11.085 tỷ đồng.

Lý do hủy niêm yết cổ phiếu vì HAGL Agrico đã thua lỗ trong 3 năm liên tục, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm 2021, 2022 và 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155 ngày 31/12/2020.

Với Xây dựng Hòa Bình, quyết định hủy niêm yết sẽ khiến hơn 347 triệu cổ phiếu của công ty này phải rời sàn. Giá trị cổ phiếu theo mệnh giá tương đương hơn 3.472 tỷ đồng.

Lý do hủy niêm yết cổ phiếu HBC vì tập đoàn này có số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155 ngày 31/12/2020.

Cuối tháng 7 vừa qua, HoSE đã có công văn thông báo với hai doanh nghiệp về việc sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu.

Với HAGL Agrico, việc cổ phiếu HNG bị huỷ niêm yết đã được dự báo trước, khi năm 2021 doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ hơn 3.576 tỷ đồng và năm 2023 lỗ 1.050 tỷ đồng.

Trường hợp của Xây dựng Hoà Bình, khi nhận được thông báo của HoSE, công ty này đã có công văn phúc đáp cơ quan quản lý. Trong đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn cho biết không đồng ý với các căn cứ HoSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC.

Điều chỉnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhiều cụm công nghiệp ở Bắc Giang

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành các quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.

Bắc Giang hiện có 55 cụm công nghiệp

Bắc Giang hiện có 55 cụm công nghiệp

Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý điều chỉnh tiến độ gồm: CCN Thanh Sơn (Sơn Động); CCN Phượng Sơn (Lục Ngạn); CCN Phương Sơn - Đại Lâm (huyện Lục Nam và Lạng Giang); CCN Đại Lâm (khu phía Nam), CCN Đại Lâm 2 (cùng huyện Lạng Giang); CCN Đồng Đình (Tân Yên). Chủ đầu tư các CCN này đều là các doanh nghiệp.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đang thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và bổ sung ngành nghề CCN Dĩnh Trì, CCN Tân Mỹ (TP. Bắc Giang), CCN Mỹ An (Lục Ngạn).

Được biết, các CCN nêu trên đều chậm tiến độ thực hiện từ 1 - 9 năm, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, chậm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, ngoài CCN Đồng Đình, CCN Dĩnh Trì, CCN Tân Mỹ chậm tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, các CCN mới thành lập năm 2022 (Thanh Sơn, Phượng Sơn, Phương Sơn - Đại Lâm...) cơ bản đều chậm tiến độ thực hiện do vướng mắc quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung cấp xã và đấu nối giao thông, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và các thủ tục pháp lý khác. Khu phía Nam CCN Đại Lâm vướng mắc do chưa thực hiện xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Ngoài ra, chủ đầu tư một số CCN như: CCN Tân Mỹ, CCN Tiên Hưng (Lục Nam), CCN Trung Sơn - Ninh Sơn (thị xã Việt Yên), CCN Phượng Sơn, CCN Mỹ An (Lục Ngạn) chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 55 CCN, trong đó có 14 CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư, 41 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Chuyên đề