Cổ đông Bamboo Airways chốt tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng
Bamboo Airways sẽ phát hành 1,15 tỷ cổ phần mới với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên mức 30.000 tỷ đồng.
Cổ đông Bamboo Airways chốt tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng |
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 9/5, cổ đông của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã biểu quyết thông qua việc ủy quyền cho Hội đồng Quản trị thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm triển khai phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.
Kế hoạch này nhằm hướng tới tái cơ cấu hiệu quả các khoản vay, đồng thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho hãng trong mảng kinh doanh cốt lõi và phụ trợ.
Theo đó, Bamboo Airways dự kiến phát hành 1,15 tỷ cổ phần riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 11.500 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Hãng sẽ đạt mức 30.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways sẽ vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết, Ban lãnh đạo đang tiếp tục thực hiện các bước của quá trình tái cấu trúc hệ thống, cũng như huy động nguồn lực để hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn đã đề ra trong dài hạn.
Đặc biệt, nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, bổ sung lựa chọn dịch vụ hàng không chất lượng.
Nhiều hồ lớn thiếu hụt hàng trăm triệu m3 nước
Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho vùng hạ du lưu vực sông vào mùa cạn.
Năm nay có nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng cấp cho vùng hạ du. Ảnh minh hoạ. |
Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh đề nghị thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong những tháng cuối mùa cạn năm 2023.
Theo Bộ TN&MT, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông.
Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4 - 24 m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 - 389 triệu m3.
Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước như trên, cùng với nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn, trong đó dòng chảy có thể thiếu hụt từ 20 - 40% trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm.
Trước tình trạng trên, Bộ TN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp pháp cấp bách, gồm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên cân đối nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn. Ngành nông nghiệp và các tỉnh lên kế hoạch lấy nước theo hướng linh hoạt về thời gian. Ngành xây dựng vận hành các nhà máy nước lớn đảm bảo cấp nước an toàn cho hạ du.
Nghiên cứu thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID
Chính phủ yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng giải pháp thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho công dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các tiện ích trên ứng dụng VNeID |
Tại nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với các bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nội dung nêu trên; báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước 31/5.
Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có các án tích. Công dân có thể đến Sở Tư pháp các địa phương đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp hoặc thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, việc cấp phiếu này chưa được thực hiện trực tuyến hoàn toàn, sau khi đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của địa phương, người dân phải gửi hồ sơ giấy qua bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền nộp.
Đầu tháng 4, số người đến xác minh lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội tăng đột biến, dẫn đến quá tải.
Ứng dụng định danh điện tử VNeID được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) ra mắt hồi tháng 7/2022. Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (mã số định danh cá nhân), mật khẩu (gửi qua tin nhắn điện thoại khi đăng ký). Tài khoản này được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.
Tỉnh Bình Dương từ tháng 4 đã thí điểm sử dụng bằng lái xe tích hợp trên tài khoản định danh điện tử VNeID.
Trong Phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương khuyến khích doanh nghiệp miễn, giảm phí chữ ký số cá nhân cho người dân tỉnh Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng khi làm thủ tục trực tuyến.
Gần 370.000 người rút bảo hiểm xã hội trong 4 tháng
Bốn tháng đầu năm, gần 370.000 lao động đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng 20% so với cùng kỳ, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hồng Sơn.
Lao động đến làm hồ sơ rút BHXH một lần tại Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức (TP.HCM) |
Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội, ông Lê Hùng Sơn cho biết, giai đoạn 2016 - 2022 có hơn 4,84 triệu lao động rút BHXH một lần. Trong đó, 1,24 triệu người quay lại hệ thống (chiếm 27,7%), số còn lại vẫn nằm ngoài lưới an sinh. 55% người rút một lần là lao động nữ khi gánh nặng cơm áo đè lên vai họ và nhiều doanh nghiệp FDI tìm cách loại công nhân nữ ngoài 30 tuổi.
Ông Sơn đánh giá, tình trạng rút BHXH một lần ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn còn do văn hóa, nếp sống, đặc trưng vùng miền. Theo thống kê, tỷ lệ rút ở Đồng bằng sông Hồng khoảng 2,23%, trong khi Đông Nam Bộ trên 5% và Đồng bằng sông Cửu Long là 10,76%.
Một số người có tâm lý e ngại trước thông tin sửa đổi quy định rút BHXH một lần, chỉ cho rút không quá 50% tổng thời gian đóng. Thời gian qua, lao động xếp hàng chờ rút ở BHXH TP. Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn (TP.HCM).
Ông Sơn cho biết, người lao động nhận thông tin không đầy đủ, truyền tai nhau dẫn đến tâm lý lo sợ chính sách thay đổi.
Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống.
6 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp sắp bị thanh, kiểm tra
Ngày 9/5, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - Bộ Công Thương cho biết sẽ thanh tra 4 doanh nghiệp đa cấp và kiểm tra chuyên ngành đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong năm 2023.
Công ty TNHH Oriflame Việt Nam là một trong hai doanh nghiệp đa cấp bị kiểm tra trong năm 2023 |
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo Quyết định số 2528 và Quyết định số 2881 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên liên quan đến việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ủy ban này sẽ thực hiện kiểm tra đối với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink) có địa chỉ trụ sở chính tại Lô C16/D21 khu đô thị mới Cầu Giấy (phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) và Công ty TNHH Oriflame Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính ở số 100 - 102 Nguyễn Văn Trỗi (Phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
4 doanh nghiệp đa cấp có tên trong danh sách bị thanh tra gồm: Công ty TNHH Seacret (tầng 4, tòa nhà số 227B, Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10, TP.HCM); Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam (số 89, đường Xuân Hồng, quận Tân Bình, TP.HCM); Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam (số 38/1 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) và Công ty TNHH Gcoop Việt Nam (B17-17 Vinhomes Gardenia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng đề nghị người dân cung cấp thông tin liên quan đến những vướng mắc, những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp để xem xét, làm rõ trong quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nói trên.
Theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 20 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Năm 2022, đã có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam.
Thu hồi mỹ phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser không đạt chất lượng
Sữa rửa mặt Hada Labo Perfect White Cleanser bị yêu cầu thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E.
Sản phẩm bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E |
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có Công văn số 600/QLD-MP gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố và Công ty TNHH Rohto-Mentholatum (Việt Nam) liên quan đến việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với lô sản phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser - tuýp 80g.
Lô sản phẩm bị thu hồi có số JY03, sản xuất ngày 11/10/2022; hạn dùng 11/10/2025; số công bố: 074/20/CBMP-BD do Công ty TNHH Rohto-Mentholatum (Việt Nam) sản xuất (địa chỉ ở 16 VSIP, đường số 5, Khu công nghiệp Việt Nam Singapore, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Yên Bái đã lấy mẫu sản phẩm này tại kho 2 - Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Cường Mùi (ở huyện Yên Bình, Yên Bái) để kiểm tra chất lượng.
Kết quả, mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu về định tính vitamin E.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các địa phương thông báo cho những cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser - tuýp 80g nêu trên và trả lại sản phẩm cho cơ sở cung ứng; thu hồi lô sản phẩm vi phạm, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu, Công ty TNHH Rohto-Mentholatum (Việt Nam) phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi lô sản phẩm về Cục trước ngày 30/5/2023.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên bị VKSND Tối cao truy tố
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án khai thác than gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên |
VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 33 bị can, trong đó có Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Nguyên - ông Nguyễn Thanh Tuấn trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, Mua bán trái phép vật liệu nổ, Sử dụng trái phép vật liệu nổ, Mua bán trái phép hóa đơn, Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên). Cùng bị truy tố với ông Tuấn còn có nhiều bị can là nguyên lãnh đạo, cán bộ của tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, trong số các bị can bị truy tố còn có: Nguyễn Thế Giang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên); Lại Trung Hiếu (Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Ngô Quyết (nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên); Nguyễn Văn Phong (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên)...
Cáo trạng xác định, bị can Châu Thị Mỹ Linh (Tổng giám đốc Công ty Yên Phước) là người chủ mưu thực hiện các hành vi. Cụ thể, bị can Mỹ Linh đã chỉ đạo Ngụy Quang Thuyên (Trợ lý Tổng giám đốc) khai thác, thỏa thuận, thống nhất, ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ than Minh Tiến, với tổng khối lượng hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm.
Theo cáo trạng, giá trị khoáng sản khai thác trái phép đã thanh toán giữa Công ty Đông Bắc Hải Dương và Công ty Yên Phước, tổng số hơn 1 triệu tấn than, hơn 419 m3 khoáng sản đi kèm là hơn 145 tỷ đồng và giá trị hơn 1,5 triệu tấn than khai thác trái phép bị thu giữ; thu lợi bất chính hơn 213 tỷ đồng.