Cầu Thủ Thiêm 2 của TP.HCM được đặt tên Ba Son
Cầu Thủ Thiêm 2 - biểu tượng mới của TP.HCM được đặt tên Ba Son, còn cầu Thủ Thiêm 1 mang tên Thủ Thiêm.
Cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son |
Theo đó, cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) sẽ mang tên Ba Son thay vì Thủ Thiêm 2 như hiện nay. Được khánh thành hồi tháng 4, công trình này dài gần 1,5 km, 6 làn xe, tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM đến nay. Với kiến trúc nổi bật, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022), cầu được kỳ vọng là điểm nhấn trên sông Sài Gòn.
Còn cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) sẽ mang tên Thủ Thiêm. Cầu dài 1,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng, được khánh thành năm 2008.
Trước đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM đã lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị và người dân về việc đặt tên cho hai cây cầu trên. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng thống nhất với cách đặt tên theo đề xuất của Thành phố.
Mở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc
Các hãng hàng không Việt Nam đang nối lại đường bay thường lệ với Trung Quốc sau khi nước này đồng ý tăng số lượng chuyến bay kết nối tới Việt Nam.
Các yêu cầu kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc vẫn gây nhiều khó khăn cho việc khôi phục hoạt động hàng không. Ảnh minh họa |
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, chính sách phòng dịch Covid-19 tại Trung Quốc thời gian qua đã khiến số lượng chuyến bay giữa 2 nước rất hạn chế, chỉ từ 2 - 4 chuyến mỗi tuần.
Vừa qua, nhân dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị nhà chức trách hàng không Trung Quốc mở lại đường bay giữa 2 nước như bình thường. Phía Trung Quốc chưa chấp nhận mở lại hoàn toàn nhưng cho phép các hãng bay Việt Nam được khai thác 15 chuyến đến Trung Quốc mỗi tuần.
Theo nguyên tắc đối đẳng, các hãng hàng không Trung Quốc cũng được thực hiện 15 chuyến bay mỗi tuần đến Việt Nam.
Lãnh đạo hãng hàng không VietJet cho biết, hãng đã nối lại một số chuyến bay với Trung Quốc. Bamboo Airways cũng bắt đầu khai thác chặng Hà Nội - Thiên Tân vào thứ 3 hàng tuần.
Vietnam Airlines cũng sẽ nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc bao gồm TP.HCM - Quảng Châu từ ngày 9/12, khởi hành vào thứ 6 hàng tuần; giữa Hà Nội và Thượng Hải từ ngày 12/12 với tần suất 2 chuyến/tuần; giữa TP.HCM với Thượng Hải từ ngày 14/12.
Theo đánh giá của ông Đinh Việt Thắng, việc Trung Quốc tăng thêm số chuyến bay với Việt Nam là tín hiệu khả quan nhưng vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến điều kiện nhập cảnh, xét nghiệm, cách ly phòng dịch Covid-19 của phía nước bạn. Khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch cũng gặp trở ngại do phải chấp hành các biện pháp phòng dịch khi quay trở lại Trung Quốc.
Hiện nay, Nhật Bản và Hàn Quốc không giới hạn số lượng chuyến bay tới Việt Nam, nhưng lượng khách cũng rất hạn chế do các điều kiện phòng dịch khi nhập cảnh vào 2 nước này vẫn khắt khe.
Hà Nội chi hơn 3.400 tỷ đồng xây dựng cầu Vân Phúc vượt sông Hồng
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 31 dự án sử dụng vốn đầu tư công, trong đó có cầu Vân Phúc với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.400 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Dự án cầu Vân Phúc dự kiến từ năm 2022 - 2025. Ảnh minh họa |
Theo thiết kế, cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32 dài 7,7 km. Cầu có điểm đầu tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ); điểm cuối ở ranh giới của TP. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Riêng phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.443 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2025. Chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội.
Cầu Vân Phúc là một trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 9 cầu còn lại gồm: cầu Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên.
Hiện Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng, gồm: cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.
Hạ giá 18 tỷ đồng hai bất động sản của Vũ “Nhôm”
Lần thứ bảy ra thông báo đấu giá, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng hạ giá hơn 18 tỷ đồng đối với hai nhà, đất của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm").
Hai nhà, đất 49 và 51 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng hiện nay |
Ngày 9/12, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng cho biết, đã thông báo việc đấu giá hai nhà, đất tại số 49 và 51 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu, liên quan đến phạm nhân Phan Văn Anh Vũ.
Mức giá khởi điểm lần này đã giảm sâu so với 6 thông báo đấu giá trước. Theo đó, nhà, đất số 49 Nguyễn Thái Học (hơn 146 m2) giảm từ hơn 35 tỷ đồng xuống hơn 27 tỷ đồng; nhà, đất số 51 Nguyễn Thái Học (hơn 178 m2) giảm từ hơn 43 tỷ đồng xuống hơn 33 tỷ đồng. Đây là hai tài sản Vũ "Nhôm" mua dưới thời ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Theo một số chuyên gia, việc chưa có người mua dù bất động sản nằm giữa trung tâm Thành phố có thể do giá cao, trong khi thị trường bất động sản không còn sôi động như hồi đầu năm.
Theo kê biên tài sản ngày 21/6/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, tài sản nhà, đất tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học được giao cho bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ Phan Văn Anh Vũ) bảo quản. Hiện bà Hiền cho cá nhân thuê mở quán cà phê và spa.
Nhà, đất tại 49 và 51 Nguyễn Thái Học nằm trong số 28 bất động sản tại Đà Nẵng liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ bị kê biên để thi hành án, theo Bản án số 158 ngày 12/5/2020 của Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Đề nghị phạt 4 công ty du lịch để khách mất liên lạc ở Hàn Quốc
Bốn công ty tại TP.HCM liên quan 100 khách du lịch mất liên lạc ở Hàn Quốc bị đề nghị xử phạt 80 - 90 triệu đồng mỗi công ty, tước giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 đến 18 tháng.
Sân bay quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Ảnh: KTO |
Thông tin trên được nêu trong báo cáo của Sở Du lịch gửi UBND TP.HCM về kết quả kiểm tra vụ việc liên quan du khách người Việt mất liên lạc khi sang Hàn Quốc. Trước đó, ngày 25/10, Bộ Ngoại giao xác nhận 100 khách biến mất sau khi nhập cảnh ở sân bay quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Sự việc này khiến các công ty du lịch liên quan phải dừng đưa khách sang đây.
Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra và xác minh được 100 khách, trong đó 68 người đến từ các tỉnh phía Bắc. Các công ty lữ hành đưa khách đi đều ký hợp đồng vận chuyển với một hãng hàng không là Công ty CP Kovic Việt Nam - GSA Fly Gangwon Airlines (tại Hà Nội). Đây là đơn vị duy nhất được tổ chức chuyến bay đưa khách đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon.
Trong số khách mất liên lạc, có 32 khách của các công ty lữ hành trên địa bàn TP.HCM, gồm: 23 khách của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Top Ten; 3 khách của Công ty Du lịch Vietravel; 3 khách của Công ty CP Du lịch Top Asian; 3 khách của Công ty CP Dịch vụ du lịch Chợ Lớn.
Bốn doanh nghiệp trên bị Thanh tra Sở Du lịch lập biên bản xử phạt về hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật" (theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP), khung phạt 80 - 90 triệu đồng. Riêng Công ty Top Ten và Công ty Top Asian bị đề nghị xử phạt thêm 20 - 30 triệu đồng do "không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch theo quy định".
Sở Du lịch cũng đề nghị UBND Thành phố xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành từ 12 đến 18 tháng với các công ty trên.
Một lãnh đạo Bamboo Capital bị đình chỉ giao dịch chứng khoán hai tháng
Ông Bùi Thành Lâm - thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt tiền và đình chỉ không được giao dịch chứng khoán trong hai tháng do bán cổ phiếu khác ngày đã đăng ký.
Một lãnh đạo của Bamboo Capital bị đình chỉ giao dịch chứng khoán hai tháng do bán cổ phiếu không đúng ngày đăng ký. Ảnh minh họa: Internet |
UBCKNN vừa thông báo về việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với ông Bùi Thành Lâm, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG).
UBCKNN cho biết, ông Lâm đã đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu BCG vào ngày 3/10 nhưng lại thực hiện giao dịch bán vào ngày 18/10. Như vậy, ông Lâm đã có hành vi giao dịch chứng khoán ngoài thời gian đăng ký.
Với vi phạm kể trên, ông Lâm bị phạt 75 triệu đồng. Ngoài ra, lãnh đạo của Bamboo Capital còn bị UBCKNN áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong vòng hai tháng.
Theo dữ liệu thị trường, trong phiên giao dịch ngày 3/10, mã BCG đã ghi nhận mức giảm sàn kịch biên độ phiên xuống 11.450 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này sau đó trải qua nhiều biến động tăng trần, giảm sàn. Đến ngày 18/10 (phiên lãnh đạo Bamboo Capital bán cổ phiếu), mã BCG kết phiên với sắc giá xanh nhưng chỉ còn giao dịch ở mức 10.200 đồng/cổ phiếu. Tạm tính tại mức giá này, ông Lâm đã thu về khoảng 10 tỷ đồng từ giao dịch bán cổ phiếu nói trên.
TP.HCM thu hồi 32 ha đất để làm dự án năm 2023
Năm 2023, TP.HCM sẽ thu hồi hơn 32 ha đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 53 ha để làm dự án, trong đó huyện Bình Chánh có diện tích lớn nhất.
Một góc huyện Bình Chánh từ trên cao, nơi có nhiều diện tích đất bị thu hồi và chuyển mục đích sử dụng năm 2023 |
Hai nghị quyết về thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất vừa được HĐND TP.HCM khoá 10 thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Theo đó, thành phố sẽ thu hồi hơn 32 ha đất để thực hiện 25 dự án. Trong đó, huyện Bình Chánh nhiều nhất với 13 dự án, còn lại rải rác ở các Quận 1 (1), Quận 7 (4), Quận 8 (2), quận Tân Phú (1), quận Bình Thạnh (1) và TP. Thủ Đức (2).
Một số dự án lớn gồm: Khu dân cư trung tâm Sài Gòn (Saigon Downtown Residence) - thay thế chung cư cũ tại 23 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu); xây mới Trung tâm Pháp y tâm thần TP.HCM; xây dựng trường học, nâng cấp hẻm...
Bên cạnh đó, HĐND Thành phố cũng đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng hơn 52 ha đất trồng lúa để thực hiện 19 dự án. Trong đó có 13 dự án đã quá ba năm chưa thực hiện (hơn 30 ha), còn lại là dự án mới hoặc bổ sung.
13 dự án này hầu hết nằm ở huyện Bình Chánh (12), chỉ có một dự án tại TP. Thủ Đức. Có thể kể đến Dự án xây Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Lộc A (ấp 6A), xây đường kết nối từ cầu kênh Xáng Ngang qua ranh Long An...
Đầu tư 100 tỷ đồng tu bổ di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ được đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để tu bổ, theo nghị quyết HĐND tỉnh Hải Dương.
Chùa Côn Sơn, một điểm nhấn trong cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc |
Tại khu vực đền Kiếp Bạc, cơ quan chức năng sẽ tu bổ, xây dựng Viên Lăng thành điểm nhấn về tâm linh, kiến trúc và cải tạo nhà khách.
Tại Côn Sơn, nhà chức trách sẽ tu bổ khu vườn Lâm Tỳ Ni, khai quật nghiên cứu khảo cổ học, xây dựng, cải tạo vườn theo chủ đề các sự tích về Phật giáo và thiền phái Phật giáo Trúc Lâm; cải tạo khu vực hồ Bán Nguyệt, trụ sở làm việc của Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhà khách.
Chính quyền cũng xây dựng bãi xe rộng khoảng 2,25 ha tại phía Tây Nam hồ Bán Nguyệt và xây dựng nhà chờ, nhà dịch vụ tại khu bãi xe hiện có.
Kinh phí tu bổ hơn 70 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 15 tỷ đồng và các chi phí khác, được lấy từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2025.
Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt nằm ở TP. Chí Linh, gồm quần thể di tích lịch sử liên quan đến cuộc chiến chống quân Mông Nguyên của nhà Trần và kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Di tích cũng gắn liền với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và nhiều danh nhân văn hóa khác.