TP.HCM lập bệnh viện dã chiến 3 tầng
13 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm, riêng 3 bệnh viện có trung tâm hồi sức được giữ lại, sáp nhập thành "bệnh viện dã chiến 3 tầng".
Trung tâm hồi sức Covid-19 quy mô 500 giường tại Bệnh viện dã chiến số 16 (Quận 7) |
Theo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện dã chiến số 1, 7, 9 cùng Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 2 và cơ sở 3 giải thể trong tháng 10. Các bệnh viện số 2, 4, 10, 11, 12 sẽ ngừng hoạt động trước ngày 30/11.
Các bệnh viện dã chiến số 3, 6, 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) dự kiến ngừng hoạt động vào cuối tháng 12. Đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để tiếp nhận F0 nặng góp phần giảm tải cho các bệnh viện của Thành phố trong thời gian qua...
Ba bệnh viện dã chiến (số 13, 14, 16) có trung tâm hồi sức Covid-19 (ICU) sẽ được giữ lại. Ngành y tế TP.HCM phân công các bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận và duy trì hoạt động các trung tâm ICU do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách, khi các bệnh viện trung ương rút chi viện, bàn giao lại cho Thành phố.
Dự kiến, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trung tâm ICU thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (dự kiến ngày 15/10). Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận trung tâm thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến ngày 20/10). Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ Thành phố vận hành trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 đến cuối năm, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và vận hành.
Ngành y tế tham mưu UBND TP.HCM triển khai mô hình "bệnh viện dã chiến 3 tầng" tại các bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14, tương ứng với ba trung tâm hồi sức nằm kế cạnh. Các trung tâm hồi sức sẽ sáp nhập với bệnh viện dã chiến, trở thành các "bệnh viện dã chiến 3 tầng"...
Các sân bay lập điểm xét nghiệm Covid-19 phục vụ hành khách
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các sân bay lập điểm xét nghiệm tại chỗ và thu phí dịch vụ này theo đúng quy định với hành khách.
Hành khách phải xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay |
Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các sân bay xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các sân bay phải bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh; bố trí phòng cách ly tạm thời. Khu vực bán vé, phòng chờ cần bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Trường hợp có nhân viên hàng không, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đơn vị sân bay phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý. Các hãng hàng không tổng hợp thông tin khách trên chuyến bay và gửi cảng vụ trước 30 phút máy bay khởi hành.
Theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, hành khách khi đi máy bay bắt buộc tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Hành khách phải khai báo y tế, cam kết phòng chống dịch; không được lên máy bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Sau chuyến bay, khi di chuyển về nơi cư trú, hành khách không tiếp xúc nơi đông người; tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày; riêng người từ vùng dịch phải xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi ở.
Từ 10/10, ngành hàng không bắt đầu khai thác thí điểm 19 đường bay nội địa chở khách đến hết 20/10.
Giá vàng lên gần 58 triệu đồng một lượng
Mỗi lượng vàng SJC sáng 9/10 tăng 100.000 đồng, nối dài chuỗi tăng 4 phiên lên 57,95 triệu đồng và trở lại vùng đỉnh cách đây một năm.
Giá vàng lên gần 58 triệu đồng một lượng |
Thông tin dữ liệu việc làm mới tại Mỹ kém khả quan dẫn đến hoài nghi tăng trưởng kinh tế chậm, đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Có thời điểm, giá kim loại quý này vượt 1.780 USD/ounce trước khi đảo chiều xuống 1.575 USD/ounce vì lãi suất trái phiếu đi lên.
Trái với diễn biến này, giá vàng trong nước tiếp tục đi lên trong phiên sáng 9/10. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 11h niêm yết mua vào 57,25 triệu đồng và bán ra 57,95 triệu đồng một lượng, tăng 100.000 đồng so với hôm qua. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh giá tương tự, lần lượt mua vào 57,2 triệu đồng và bán ra 57,9 triệu đồng một lượng.
Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của hai nhà vàng có thị phần lớn tại TP.HCM, đưa giá trở lại vùng đỉnh cách đây một năm. Nếu tính riêng từ đầu tháng đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 700.000 đồng một lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) nhận định, mức chênh lệch ngày càng được nới rộng xuất phát từ việc nguồn cung chế tác vàng nữ trang hạn chế. Việc siết chặt đường biên và các vụ buôn lậu vàng cũng khiến nguồn cung kim loại quý ngày một hạn chế. Khi nguồn cung khan, doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm mạnh theo đà của thế giới.
Hà Nội yêu cầu khách bay về từ TP.HCM cách ly tập trung 7 ngày
Hành khách từ TP.HCM đến và lưu trú tại Hà Nội phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính và phải cách ly tập trung có trả phí trong 7 ngày.
Hà Nội yêu cầu khách bay về từ TP.HCM cách ly tập trung có trả phí trong 7 ngày |
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải tham gia ý kiến đối với việc mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP. Hà Nội. Theo đó, UBND TP. Hà Nội thống nhất từ ngày 10/10 đến 20/10 tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - TP.HCM và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất một chuyến mỗi ngày, ngồi giãn cách 50% công suất. Đường bay từ các địa phương khác đến Hà Nội tạm thời chưa khai thác.
Với hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, UBND Thành phố yêu cầu có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.
Ngoài ra, người lên máy bay đến Hà Nội phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành; tuân thủ “thông điệp 5K"; khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến, cách ly tập trung 7 ngày tại khu cách ly tập trung, các cơ sở lưu trú (khách sạn) do Thành phố công bố.
Sau thời gian cách ly tập trung, hành khách tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Thành phố công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự lựa chọn. Hành khách tự đảm bảo chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.
Với chuyến bay từ Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, khách phải đáp ứng các tiêu chí như trên nhưng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly; tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo.
Mức hỗ trợ học phí cao nhất với học sinh Hà Nội là 108.500 đồng/tháng
Đây là mức hỗ trợ đối với cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn thành thị, trong thời gian học trực tiếp.
Hà Nội dự kiến chi từ nguồn ngân sách gần 900 tỷ đồng để giảm 50% học phí năm học 2021 - 2022 |
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông TP. Hà Nội năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học viên đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Mức hỗ trợ bằng 50% mức học phí hàng tháng của năm học 2021 - 2022 do HĐND Thành phố quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học.
Cụ thể, đối với cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT, học sinh học tại khu vực thành thị được hỗ trợ 108.500 đồng/tháng khi học tại trường và 81.400 đồng/tháng nếu học online.
Học sinh học tại khu vực nông thôn nhận hỗ trợ 47.500 đồng/tháng khi học tại trường, 35.600 đồng/tháng nếu học online.
Mức hỗ trợ đối với học sinh học tại các xã miền núi là 12.000 đồng/tháng khi học tại trường và 9.000 đồng/tháng khi học online.
Với trẻ em mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên cấp THCS, học sinh học tại khu vực thành thị được hỗ trợ 77.500 đồng/tháng cho thời gian học tại trường, 58.100 đồng/tháng cho thời gian học online…
Trước đó, nguồn tin từ Văn phòng Thành ủy Hà Nội cho hay, để hỗ trợ học phí năm học 2021 - 2022, Thành phố dự kiến chi từ nguồn ngân sách gần 900 tỷ đồng để giảm 50% học phí năm học cho khoảng 1,3 triệu trẻ mầm non và học sinh các cấp học.
Lâm Đồng đón 3.100 người ở các tỉnh phía Nam
Khoảng 3.100 người dân Lâm Đồng đang ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam tập trung tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) để được đưa về quê trong ngày 9 và 10/10.
Người dân tỉnh Lâm Đồng đến bến xe Miền Đông chờ về quê |
Trong số này, hơn 2.000 người được tỉnh Lâm Đồng phối hợp với TP.HCM đưa về hôm nay, với 103 ô tô khách phục vụ vận chuyển. Phần lớn trường hợp được đón về là người cao tuổi, khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, học sinh, người có hoàn cảnh khó khăn...
Theo phương án vận chuyển, người sống ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước có xe đưa đến bến xe. Người ở tỉnh thành khác tự đến bến để được Tỉnh đưa về.
Trước khi lên xe, người dân được sắp xếp theo đoàn của từng huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng. Họ phải có trong danh sách đăng ký và xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hiệu lực 72 giờ. Về tới địa phương, người dân phải cách ly theo quy định. Lâm Đồng bố trí 4 xe cảnh sát dẫn đường cùng 2 xe cứu thương, đội ngũ y tế đi cùng hỗ trợ người dân.
Từ tháng 7 đến nay, TP.HCM đã phối hợp với các địa phương đưa hơn 40.000 người về 40 tỉnh, thành an toàn. Ngoài xe khách, ngành đường sắt thời gian qua cũng bố trí tàu hoả đưa hàng nghìn người từ TP.HCM về các địa phương. Những ngày qua, 4 chuyến tàu đã đưa 2.800 thai phụ, trẻ em, người già... ở các tỉnh phía Nam về miền Trung.
TP.HCM đề xuất hỗ trợ hàng tháng cho trẻ mồ côi do Covid-19
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất chính sách giúp đỡ trẻ mồ côi do dịch theo hướng các cháu ở với người thân, hàng tháng nhận tiền hỗ trợ.
TP.HCM ghi nhận gần 1.400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do đại dịch Covid-19 đang sống trên địa bàn |
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, toàn Thành phố ghi nhận gần 1.400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do đại dịch đang sống trên địa bàn. Trong đó, 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, 19 trẻ sơ sinh mất mẹ khi vừa chào đời. Qua khảo sát, hầu hết gia đình và trẻ đều muốn sống với người thân. Sở tham khảo và nhận được ý kiến các chuyên gia, khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nên để trẻ sống cùng gia đình.
Theo ông Tấn, Thành phố sẽ xây dựng chính sách theo hướng giúp đỡ trẻ ở cùng người thân. Theo quy định hiện nay, chỉ có trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hàng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng. Do đó, Thành phố đang vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giúp đỡ để trợ cấp cho tất cả số trẻ nói trên.
Đến nay, 215 trẻ đã được các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu hàng tháng 1 - 3 triệu đồng mỗi em, thời gian giúp đỡ từ 1 đến 15 năm...
Ngoài ra, Thành phố có những hoàn cảnh rất đặc biệt như không còn người thân nào, trẻ mồ côi lần thứ hai do người nuôi dưỡng, giám hộ đã mất vì Covid-19. Với những trường hợp này, các cơ quan liên quan sẽ tìm người nhận nuôi, phương án cuối cùng mới đưa vào các trung tâm bảo trợ.
Quảng Nam khởi tố vụ án phá rừng trái phép tại huyện Bắc Trà My
Qua kiểm tra, bước đầu, các cơ quan chức năng huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) phát hiện 2 hộ dân ở địa phương đã sử dụng gỗ khai thác trái phép để làm nhà.
Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đã ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam |
Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My vừa ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My và chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Trà My tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, bước đầu, các cơ quan chức năng huyện Bắc Trà My phát hiện 2 hộ dân ở địa phương đã sử dụng gỗ khai thác trái phép để làm nhà, với khối lượng gần 1m3 gỗ xẻ… Trước đó, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã xác định có 15 cây gỗ rừng tự nhiên tại Tiểu khu 738, Thôn 5 và Tiểu khu 742, Thôn 6, xã Trà Bui bị cưa hạ, với khối lượng bị thiệt hại khoảng 80 m3 gỗ tròn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra các vụ khai thác rừng trái phép tại xã Trà Bui để hoàn chỉnh hồ sơ, đưa vụ án ra xét xử công khai. Đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm hành vi thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép tại xã Trà Bui.