Đề xuất khai thác hàng không dân dụng sân bay Gia Bình
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc, để có thể khai thác hàng không dân dụng.
Phối cảnh bãi đỗ và đường băng sân bay Gia Bình |
Theo thông tin từ tỉnh Bắc Ninh, Cảng hàng không Gia Bình có cấp sân bay 4E, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn như A350 và Boeing 787. Công suất dự kiến của sân bay là từ 1 - 3 triệu lượt hành khách, khả năng mở rộng phát triển để đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm. Ngoài ra, sân bay cũng có công suất vận chuyển hàng hóa từ 250.000 tấn đến 1 triệu tấn, dự kiến nâng lên từ 1,5 - 2 triệu tấn mỗi năm trong tương lai.
Sân bay có diện tích quy hoạch khoảng 363,5 ha tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tăng gần gấp 3 so với diện tích hiện nay.
Bên cạnh hoạt động hàng không quân sự, sân bay dự kiến khai thác các tuyến bay nội địa trục Bắc - Nam, kết nối các sân bay tại TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ; tuyến bay chuyên cơ trực tiếp đến sân bay các nước trên thế giới và ngược lại.
Sân bay sẽ khai thác các tuyến bay trực tiếp vận chuyển hàng hóa đến các nước trên thế giới mà Việt Nam đã mở đường bay thương mại.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất bổ sung các công trình khu bay trên cơ sở tận dụng hạ tầng đã được Bộ Công an xây dựng, bổ sung sân đỗ máy bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu vực logistics và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Sân bay Gia Bình được Bộ Công an khởi công vào đầu tháng 12, diện tích khoảng 125 ha, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Đây sẽ là sân bay trực thăng cấp 3, quân sự cấp 3, dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO.
Sân bay sẽ phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Không quân công an nhân dân, dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng), dự bị cho các cảng hàng không, sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp.
Đầu tư 1.500 tỷ đồng nâng cấp đường nối sân bay Long Thành với Vành đai 3
Sáng 9/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai khởi công Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 25B đoạn từ Quốc lộ 51 đến trung tâm huyện Nhơn Trạch.
Đường 25B đi qua huyện Nhơn Trạch sẽ được nâng cấp |
Dự án sẽ thực hiện đầu tư đoạn tuyến qua khu vực các huyện Long Thành, Nhơn Trạch với chiều dài hơn 9,2 km. Điểm đầu tuyến giao Quốc lộ 51, cách nút giao T1 vào sân bay Long Thành chừng 1,2 km, điểm cuối tại trung tâm huyện Nhơn Trạch. Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến khai thác năm 2026.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai, Dự án giúp kết nối giao thông theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực sân bay.
Đặc biệt, tuyến sẽ phục vụ kết nối giao thông cho sân bay Long Thành với Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành khi đưa vào hoạt động năm 2026. Dự án giúp liên kết sân bay với TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ, chia sẻ áp lực giao thông cho cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch tiền số tại trung tâm tài chính
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, gồm sàn giao dịch tài sản số, tiền số tại các trung tâm tài chính.
Biểu tượng của Bitcoin và một vài loại tiền số thông dụng khác. Ảnh minh họa |
Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).
Theo đề xuất này, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số).
Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan tới các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này.
Cách thức quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích, "đào" tiền số cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế rủi ro với an ninh năng lượng và môi trường.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Thực tế, tiền số không bị cấm tại Việt Nam nhưng nhà điều hành chưa có quy định cụ thể và chưa coi chúng là một loại tài sản. Việc thiếu khung pháp lý cho tài sản này khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch, theo giới chuyên môn.
Bảng giá đất điều chỉnh ở Đà Nẵng cao nhất 286 triệu đồng một m2
Mặt tiền đường Bạch Đằng (ven sông Hàn) có mức giá lên tới 286 triệu đồng một m2, theo bảng giá đất điều chỉnh.
Một góc quận Sơn Trà, Đà Nẵng, khu vực nằm giữa sông Hàn và biển Đông |
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành bảng giá điều chỉnh các loại đất giai đoạn 2020 - 2024, áp dụng từ ngày 1/1/2025. Mức cao nhất trong bảng giá thuộc về đất mặt tiền đường Bạch Đằng (ven sông Hàn), đoạn từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, đạt hơn 286 triệu đồng một m2. Mức này tăng 65% so với trước đây.
Các đoạn khác của tuyến đường này có giá đất điều chỉnh tăng 33 - 63%. Ví dụ, mỗi m2 mặt tiền đoạn từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn hơn 266 triệu đồng mỗi m2, hay đoạn từ đường 2 Tháng 9 đến cầu Trần Thị Lý trên 148 triệu đồng.
Một số tuyến đường lân cận cũng tăng giá hơn 50% trong bảng giá điều chỉnh. Đơn cử, đường Lê Duẩn đoạn từ Trần Phú đến Hoàng Hoa Thám giá 158 triệu đồng một m2, tăng 37%. Đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ Phan Thanh đến Bạch Đằng đạt hơn 177 triệu đồng, tăng 45%.
Đường Trần Hưng Đạo có mức cao nhất 110 triệu đồng mỗi m2 đoạn từ cầu Sông Hàn đến cầu Rồng, cao hơn mức cũ gần 20%.
Mức thấp nhất trong bảng giá đất điều chỉnh của Đà Nẵng là 1,7 triệu đồng mỗi m2, nằm trong hiểm đường Đặng Chất, Thanh Vinh. Mức này tương đương trước đây. Tiếp đó là mức 1,9 triệu đồng mỗi m2, thuộc đường trong ngõ Bình Kỳ, Đào Nghiễm, Huỳnh Thị Bảo Hòa...
Với đất thương mại dịch vụ, mức cao nhất cũng thuộc về mặt tiền đường Bạch Đằng, đoạn Lê Duẩn - Nguyễn Văn Linh, là 172 triệu đồng mỗi m2, cao hơn 60% so với trước.
Thời gian qua, nhiều địa phương điều chỉnh và ban hành bảng giá đất mới. Trong đó, bảng giá điều chỉnh của TP.HCM tăng 20 - 86% so với trước đây, cao nhất 687 triệu đồng một m2 thuộc 3 tuyến đường trung tâm. Tương tự, bảng giá đất mới của Hà Nội ghi nhận mức cao nhất hơn 695 triệu đồng một m2 thuộc loạt tuyến đường tại quận Hoàn Kiếm, gấp 3,7 lần so với cũ.
Đồng Nai nghiên cứu làm khu thương mại tự do ở sân bay Long Thành
Khu thương mại tự do được nghiên cứu thực hiện trong đô thị sân bay Long Thành nhằm khai thác hiệu quả logistics, phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Sân bay Long Thành đang được xây dựng. |
Ngày 9/1, Tỉnh ủy Đồng Nai làm việc với Công ty CT Strategies (chuyên tư vấn chiến lược hải quan và thương mại có trụ sở ở Mỹ) nhằm thảo luận, xúc tiến phát triển khu thương mại tự do (free trade zones - FTZ) kết nối sân bay Long Thành và cảng Phước An.
Động thái được tỉnh thực hiện sau khi Chủ tịch UBND Đồng Nai Võ Tấn Đức kiến nghị Thủ tướng thành lập FTZ nằm trong khu vực đô thị sân bay và vùng phụ cận để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khi sân bay hoạt động.
FTZ được hình thành ở nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia... Khi đầu tư vào đây, các doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích như không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; làm bàn đạp để tiếp cận thị trường; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; kết nối các doanh nghiệp khác trong và xung quanh FTZ.
Theo Công ty CT Strategies, Đồng Nai hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển FTZ với cấu trúc liên kết giữa sân bay Long Thành, cảng Phước An và hệ sinh thái các khu công nghiệp. Điều này góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm logistics, sản xuất và thương mại hiện đại bậc nhất khu vực; thu hút đầu tư chiến lược; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương...
Sau khi nghe trình bày từ phía doanh nghiệp tư vấn, lãnh đạo Đồng Nai yêu cầu các sở ngành sớm hoàn thiện văn bản, xin chủ trương Chính phủ cho Tỉnh được nghiên cứu đề xuất thành lập FTZ.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng với công suất giai đoạn một là 25 triệu khách mỗi năm. Cách đó chừng 20 km, cảng Phước An rộng 800 ha, tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào đầu năm nay. Năng lực khai thác của cảng đạt 2,2 triệu TEUs (một TEUs tương đương container 20 feet) và 4 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; đáp ứng tàu tải trọng từ 30.000 - 60.000 DWT ra vào.
Vietnam Airlines thuê thêm 3 máy bay phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Các máy bay mà Vietnam Airlines đi thuê sẽ đóng góp khoảng 75.000 ghế, tương đương hơn 400 chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay.
Các máy bay này sẽ đóng góp tương đương hơn 400 chuyến bay trong dịp Tết năm nay |
Đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, Hãng hàng không Quốc gia Việt nam (Vietnam Airlines) thuê thêm 3 máy bay Airbus A320 trong thời gian từ ngày 13/1 - 12/2/2025.
Các máy bay này được bàn giao cho Vietnam Airlines theo hình thức thuê ướt (bao gồm tổ bay), trong đó 2 máy bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất chiều 10/1 và một chiếc sẽ hạ cánh ngày 13/1/2025.
Những máy bay tăng cường có sức chứa 180 khách, khai thác trên các đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Chu Lai. Các máy bay này sẽ đóng góp khoảng 75.000 ghế, tương đương hơn 400 chuyến bay trong dịp Tết năm nay.
“Việc thuê máy bay là một phần trong kế hoạch của Vietnam Airlines để cung ứng hơn 2,15 triệu ghế trên các chuyến bay nội địa, tương đương hơn 11.000 chuyến bay phục vụ người dân về nhà đón Tết và du Xuân”, đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Trước đó, Vietnam Airlines đã tiếp nhận thêm 3 máy bay mới trong tháng 12/2024 bao gồm 2 máy bay Airbus A320neo và một máy bay thân rộng Boeing 787-10. Cùng với việc thuê ướt thêm máy bay A320, hãng đã sẵn sàng đội máy bay hơn 100 chiếc để phục vụ hành khách trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Giao dịch bất động sản Khánh Hòa tăng gần 40% năm 2024
Năm ngoái, hơn 27.200 giao dịch bất động sản với tổng giá trị gần 46.700 tỷ đồng diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa, tăng 36% so với năm trước.
Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa |
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, năm 2024, đất nền ghi nhận hơn 16.000 lô được giao dịch trong năm ngoái, tiếp đến là 10.029 nhà ở riêng lẻ và 1.221 căn hộ chung cư.
Tổng cộng, địa phương này ghi nhận hơn 27.200 giao dịch bất động sản với tổng giá trị gần 46.700 tỷ đồng. Lượng giao dịch và giá trị tăng lần lượt 36% và 179% so với 2023.
Ông Phan Từ Liêm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa (KAREB) cho hay, xu hướng thị trường địa ốc Khánh Hòa khởi sắc rõ nét hơn từ sau 1/8 - thời điểm Luật Nhà ở 2023, Kinh doanh Bất động sản 2023 và Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành.
Tương tự đất nền, nhà phố, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng tăng trưởng mạnh trong năm ngoái, nhờ việc tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án lớn tại Nha Trang, Cam Lâm và khu kinh tế Vân Phong.
"Khi các dự án đủ điều kiện kinh doanh, thị trường bất động sản tại địa phương sẽ có nguồn cung sau thời gian dài không có dự án lớn được mở bán", ông Phan Từ Liêm nói.
Thực tế, thị trường du lịch Khánh Hòa tăng trưởng với con số ấn tượng, trên 10 triệu lượt khách trong năm ngoái. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 52.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc nối từ TP.HCM đi Khánh Hòa được đưa vào vận hành cũng là tiền đề để bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang - Khánh Hòa phục hồi.
TP.HCM phạt hơn 6 tỷ đồng lỗi vi phạm giao thông mỗi ngày
Tổng số tiền phạt vi phạm giao thông ở TP.HCM sau một tuần áp dụng mức mới theo Nghị định 168 là 42,5 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với thời điểm liền kề trước đó.
Cảnh sát giao điều tiết tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức khi kẹt xe |
Thông tin được Thượng tá Lê Văn Hải, Phó phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Công an TP.HCM cho biết tại họp báo kinh tế, xã hội Thành phố chiều 9/1 khi trả lời về việc triển khai Nghị định 168/2024 quy định mức phạt vi phạm giao thông.
Kể từ khi Nghị định 168 hiệu lực, từ ngày 1 - 7/1, CSGT TP.HCM phát hiện 11.830 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 4.300 phương tiện gồm 11 ôtô, 4.220 xe máy, 102 phương tiện khác, tước gần 2.100 giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt khoảng 42,5 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày hơn 6 tỷ đồng và tăng 11 tỷ đồng so với thời gian liền kề trước đó.
Thượng tá Hải cho hay, các hành vi gồm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố, dừng đỗ không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông, không đội mũ bảo hiểm...
Liên quan việc tiếp nhận thông tin vi phạm giao thông và hỗ trợ tiền cho người cung cấp thông tin, Thượng tá Hải cho biết thêm, từ giữa năm ngoái, Công an TP.HCM có phát động người dân phản ảnh các vi phạm giao thông lên tài khoản zalo của Phòng CSGT. Sau 6 tháng, người dân đã gửi hơn 1.880 thông tin hình ảnh. Từ cơ sở này, các đơn vị đã rà soát và quyết định xử phạt 128 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng, tước 61 giấy phép lái xe.
Khi nghị định mới hiệu lực, đã có 87 thông tin phản ảnh và đang được tiếp nhận xử lý. Thượng tá Hải cho biết, đến nay, việc chi hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin chưa được Bộ Công an hướng dẫn nên đơn vị chưa thực hiện.
TP.HCM đang có hơn 10 triệu dân cùng mật độ giao thông xếp đầu cả nước. Thống kê đến cuối năm 2024, Thành phố quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác.