Bản tin thời sự sáng 10/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 2 tuyến cáp quang biển APG và IA gặp sự cố; khánh thành nút giao 400 tỷ đồng ở cửa ngõ Thủ đô; 3 dự án cửa ngõ Tân Sơn Nhất khởi công năm 2021; chuẩn bị lắp camera dọc tuyến biên giới Hà Giang; 5 cựu Giám đốc bệnh viện tại Hà Tĩnh bị khởi tố trong vụ nâng khống thiết bị y tế…

Hai tuyến cáp quang biển APG và IA gặp sự cố

Cáp quang biển APG và IA gặp sự cố khiến kết nối Internet của người dùng Việt Nam đi quốc tế chập chờn.

Tuyến cáp quang biển APG kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế

Tuyến cáp quang biển APG kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế

Từ sáng ngày 9/1, nhiều người dùng Internet tại Việt Nam cho biết việc truy cập Internet trên các dịch vụ quốc tế như Facebook, Netflix... không ổn định, có lúc mất kết nối. Một nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ở Việt Nam xác nhận tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) gặp sự cố trên phân đoạn cáp kết nối tới Hong Kong và Nhật Bản vào sáng ngày 9/1. Nguyên nhân chưa được thông báo cụ thể.

Ngay sau khi phát hiện vấn đề, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã điều chuyển lưu lượng sang các tuyến cáp biển khác và cáp đất liền đi quốc tế để duy trì kết nối cho người dùng. Việt Nam hiện có năm tuyến cáp quang biển đi quốc tế, ngoài tuyến APG và IA đang gặp sự cố, ba tuyến khác là AAG, AAE-1 và SMW3.

Tốc độ Internet hiện tại đã ổn định trở lại. Người dùng có thể dùng các dịch vụ Internet bình thường, một số dịch vụ quốc tế như chat Messenger, Netflix thi thoảng bị chậm.

APG được đánh giá là tuyến cáp quang ổn định, được vận hành từ cuối năm 2016 và có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom. Trong khi đó, IA là tuyến cáp quan trọng để trung chuyển lưu lượng từ Việt Nam đến châu Âu, châu Mỹ. Tuyến cáp quang biển này dài 6.900 km, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009.

Khánh thành nút giao 400 tỷ đồng ở cửa ngõ Thủ đô

Nút giao Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tổng vốn hơn 400 tỷ đồng, được khánh thành sáng ngày 9/1.

Nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình trọng điểm

Nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình trọng điểm

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, quá trình triển khai thi công dự án nút giao, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và khu vực thi công có rất nhiều vị trí đất yếu phải xử lý phức tạp, tuy nhiên Dự án vẫn hoàn thành sau 12 tháng thi công, vượt tiến độ hai tháng.

Khánh thành, đưa công trình vào khai thác giúp các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra vào nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thuận lợi, an toàn; rút ngắn hành trình và đồng bộ với mạng lưới giao thông trong khu vực.

Công trình nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài gần 1,5 km, nối đường Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều rộng mặt đường 33 - 51 m với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Ba dự án cửa ngõ Tân Sơn Nhất khởi công năm 2021

Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa và Tân Kỳ Tân Quý là 3 dự án khởi công năm nay để giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Các dự án giao thông triển khai giảm kẹt xe xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Các dự án giao thông triển khai giảm kẹt xe xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết các dự án được phê duyệt từ lâu, song vướng mặt bằng nên chưa thể triển khai. UBND quận Tân Bình dự kiến trong năm hoàn tất bồi thường và giao đất để 3 dự án cùng khởi công vào quý 4 năm nay.

Dự án Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thực hiện từ đoạn qua cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài hơn 780 m, rộng 22 m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 170 tỷ đồng.

Dự án Cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134 m, mở rộng 14 -19 m phía bên phải đường Cộng Hoà. Công trình được duyệt cách đây 5 năm với mức đầu tư gần 142 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 114 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa (thuộc quận Tân Bình và Tân Phú); đoạn cải tạo thực hiện trên chiều dài hơn 630 m, mở rộng lên 30 m. Dự án có chi phí xây dựng gần 110 tỷ đồng. Phần giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng do quận Tân Bình và Tân Phú thực hiện với tổng kinh phí hơn 560 tỷ đồng.

Chuẩn bị lắp camera dọc tuyến biên giới Hà Giang

Những vị trí nhiều người nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Hà Giang sẽ được lắp camera giám sát, theo Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang.

Nhóm 14 công dân nhập cảnh trái phép ở Hà Giang ngày 17/9

Nhóm 14 công dân nhập cảnh trái phép ở Hà Giang ngày 17/9

Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Định - Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang, các đơn vị chức năng đã hoàn tất khâu khảo sát và thời gian lắp đặt camera dự kiến từ 10/1.

Theo ông Định, sau khi Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang trao đổi với cán bộ, chiến sĩ ở thực địa, những điểm nóng tình trạng nhập cảnh trái phép sẽ được lựa chọn để lắp camera trước. Đó là Đồn Biên phòng Xín Cái, Đồn cửa khẩu Xín Mần, Đồn cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Đồn Biên phòng Lũng Cú. Nơi lắp đặt phải đảm bảo tầm quan sát rộng, giúp bộ đội phát hiện tình trạng nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam.

Việc lắp đặt camera được cho là sẽ hỗ trợ bộ đội trong tuần tra, kiểm soát; có thể giảm thời gian hoạt động liên tục ngoài trời trong điều kiện khắc nghiệt.

Cuối tháng 12/2020, thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, cho biết Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tập đoàn Viettel phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trang bị hệ thống camera quan sát và giám sát các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên biên giới, kết hợp với các thiết bị để bảo vệ biên giới.

Từ đầu năm đến nay, Biên phòng thường xuyên duy trì trên 1.600 tổ chốt với 7.000 cán bộ, chiến sĩ trên ba tuyến biên giới đất liền. Trong năm 2020, qua tuần tra kiểm soát, bộ đội Biên phòng đã xử lý 31.460 người nhập cảnh trái phép, bàn giao địa phương cách ly.

Giảm một nửa lệ phí làm căn cước công dân gắn chip

Người dân chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước gắn chip hoặc làm thẻ mới được giảm 50% lệ phí.

Công an Hà Nội thu thập dữ liệu để làm căn cước công dân gắn chip

Công an Hà Nội thu thập dữ liệu để làm căn cước công dân gắn chip

Theo Thông tư mới của Bộ Tài chính, từ nay đến hết tháng 6/2021, khi người dân chuyển từ chứng minh nhân dân (CMND) 9 số hoặc 12 số sang thẻ căn cước công dân thì mức lệ phí giảm từ 30.000 đồng mỗi thẻ xuống còn 15.000 đồng.

Mức giảm từ 50.000 đồng xuống 25.000 đồng mỗi căn cước áp dụng với trường hợp người dân bị hư hỏng thẻ không dùng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; sai sót thông tin trên thẻ; hoặc khi yêu cầu đổi thẻ.

Trường hợp cấp lại căn cước công dân khi bị mất, được giảm từ 70.000 đồng xuống 35.000 đồng.

Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25, 40 tuổi và 60 tuổi. Dự kiến với loại thẻ mới gắn chip, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ cấp cho 50 triệu công dân.

Thẻ căn cước mới dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái...

5 cựu Giám đốc bệnh viện tại Hà Tĩnh bị khởi tố trong vụ nâng khống thiết bị y tế

Trong 9 người vừa bị Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" có 5 người là nguyên Giám đốc và 3 Kế toán bệnh viện.

Bộ máy giặt sấy có giá từ 500 - 550 triệu đồng được các đối tượng thông đồng nâng khống lên gần 3 tỷ đồng

Bộ máy giặt sấy có giá từ 500 - 550 triệu đồng được các đối tượng thông đồng nâng khống lên gần 3 tỷ đồng

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, liên quan đến vụ nâng khống giá trị thiết bị y tế máy giặt sấy bán cho 5 bệnh viện tuyến huyện, ngoài đối tượng Mai Thị Hoa (Giám đốc Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh) còn có 5 nguyên giám đốc và 3 kế toán bệnh viện bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo đó, các đối tượng nguyên Giám đốc bệnh viện bị khởi tố gồm: Lê Văn Bình (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà); Lê Thế Nhiên (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc); Trần Văn Nhân (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ); Nguyễn Quang Hòe (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn), Hà Thanh Sơn (nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân).

Trước đó, ngày 6/1, Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, chuyển đổi tội danh từ tội "Trốn thuế" thành tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với Mai Thị Hoa.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ tháng 8/2008 đến cuối năm 2019, Hoa đã thông đồng cùng một số đối tượng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân để nâng giá trị thiết bị bộ máy giặt, máy sấy bán cho 5 bệnh viện. Tổng giá trị nâng khống 5 bộ máy giặt, máy sấy từ 2,5 tỷ lên khoảng 14 tỷ đồng.

Quảng Bình: Cho vay lãi suất 365% một năm

13 người bị Công an Quảng Bình tạm giữ và triệu tập do cho vay tín dụng đen, lãi suất từ 250% đến 365% mỗi năm.

Nhà chức trách làm việc với một nhóm hoạt động cho vay nặng lãi

Nhà chức trách làm việc với một nhóm hoạt động cho vay nặng lãi

Ngày 9/1, Công an Quảng Bình cho biết đang tạm giữ hình sự 3 người liên quan đến hoạt động tín dụng đen, 10 người khác bị triệu tập. Những người này đến từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội... Họ khai nhận từ năm 2019 đến nay đã cho khoảng 200 người tại tỉnh Quảng Bình vay trên một tỷ đồng.

Trước đó, thấy có nhiều nhóm hoạt động cho vay với lãi suất cao, Công an Quảng Bình đã lập chuyên án đấu tranh. Cảnh sát hình sự Quảng Bình chủ trì, với sự tham gia của 100 cán bộ, chiến sĩ chia thành 10 tổ công tác, đồng loạt kiểm tra hành chính, khám xét 10 điểm là nơi ở của những người cho vay lãi nặng tại thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn vào ngày 8/1.

Nhà chức trách thu giữ một máy tính xách tay, 21 điện thoại di động, 3 sổ ghi chép, 9 thẻ ATM, hơn 60 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng như sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe...

Chuyên đề