Bản lĩnh người đứng đầu trước khủng hoảng dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen trên toàn cầu, đẩy nền kinh tế thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 2008 tới nay.
Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ chưa từng có tiền lệ với tổng quy mô lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD
Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ chưa từng có tiền lệ với tổng quy mô lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD

Chính phủ các quốc gia trên toàn cầu đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ với tổng quy mô đến nay lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD. Một số quốc gia được đánh giá đã kiểm soát tình hình tốt hơn so với mặt bằng chung, một phần nhờ nền tảng kinh tế vững trước đó, một phần nhờ sự linh hoạt ứng biến và bản lĩnh người đứng đầu.

“Điều quan trọng nhất là trao hy vọng cho người dân và sự tự tin cho doanh nghiệp” - Thủ tướng Anh Boris Johnson

Đại dịch Covid-19 tạo cú đánh kép đối với nền kinh tế Anh, khi lãnh đạo quốc gia này đang bận rộn với các cuộc thảo luận cho quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Ngay từ trước khi xảy ra đại dịch, nền kinh tế Anh đã được dự báo sẽ “hạ cánh cứng” vì Brexit. Các nhà kinh tế đánh giá, đại dịch sẽ khiến nền kinh tế Anh suy giảm thêm khoảng 5 - 10% trong năm 2020.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson liên tiếp nhận chỉ trích bởi những hành động chậm trễ trong việc chống dịch. Chưa kể, Thủ tướng Anh còn từng nhiễm bệnh và phải điều hành trực tuyến trong thời gian chữa trị.

Tuy nhiên, ngay khi trở lại, ông Boris Johnson đã có nhiều hành động mạnh tay, quyết liệt hơn, mà nổi bật nhất là giành lấy quyền điều hành trực tiếp, chịu trách nhiệm cho những đối sách của nước Anh trước đại dịch.

Trong thông điệp Thủ tướng vào cuối tháng 7/2020, ông Boris Johnson chia sẻ: “Mặc dù đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho trường hợp xấu nhất, nhưng nên kỳ vọng điều tích cực nhất. Điều này đồng nghĩa với việc nhìn về phía trước với cái nhìn tích cực. Cho dù điều gì xảy ra, điều quan trọng nhất là trao hy vọng cho người dân và sự tự tin cho doanh nghiệp”.

Theo đó, Chính phủ Anh đã có những can thiệp mạnh tay vào “thời kỳ khủng hoảng bậc nhất trong lịch sử nước Anh” bằng các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ. Trong số những biện pháp khẩn cấp, có thể kể tới việc Bộ Tài chính cam kết trả 80% lương cho người lao động trong một vài tháng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng sa thải hàng loạt; đề nghị hoàn trả lương cho những người lao động bị cắt giảm việc làm; trì hoãn đóng thuế, nâng cao phúc lợi cho người thất nghiệp, thiết lập các gói vay lãi suất ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hạ lãi suất tiêu chuẩn xuống 0,5%/năm, mức thấp kỷ lục và nới lỏng quy định về vốn đối với các nhà băng. Đáng chú ý, tháng 4/2020, BOE đồng ý hỗ trợ vốn trực tiếp cho các chương trình chi tiêu chính phủ, thay vì phải tiến hành phát hành trái phiếu trên thị trường. Cho tới nay, quy mô các chương trình hỗ trợ đã đạt khoảng 400 tỷ bảng Anh, tương đương 15% GDP.

“Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết” - Thủ tướng Đức Angela Merkel

Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009 trước tác động của đại dịch Covid-19. Chính phủ Đức có những tính toán riêng với con số công bố là tăng trưởng kinh tế có thể giảm 6%, trở thành năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong tháng 3/2020, hơn 500 doanh nghiệp Đức đã nộp đơn đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ ngắn hạn của Chính phủ nhằm tránh tình cảnh phải sa thải nhân viên hàng loạt.

Để phần nào xoa dịu nỗi đau của nền kinh tế, Chính phủ Đức đã có nhiều hành động cứng rắn, thậm chí bỏ qua cam kết “Schwarze Null” (cam kết giữ cân bằng ngân sách mọi thời điểm). Theo đó, Đức xác định chi ít nhất 350 tỷ euro, tương đương 10% GDP, để tạo lực đỡ cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Các gói hỗ trợ sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch, bao gồm những khoản vay không có giới hạn, hoặc tiến hành mua vào cổ phần tư nhân.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi khủng hoảng năm 2008 phát biểu thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Và bởi vậy, chúng tôi sẽ không quan tâm mỗi ngày tới câu chuyện thâm hụt”.

Chính những động thái cứng rắn từ người lãnh đạo khiến giới quan sát tin rằng, Chính phủ Đức sẽ có nhiều gói hỗ trợ mạnh tay, nhất là khi quốc gia này đã hạ tỷ lệ nợ/GDP từ mức hơn 80% năm 2010 xuống còn dưới 60% hiện nay.

“Con đường này rất bất ổn, nhưng chúng ta sẽ đến đích với các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi” - Chủ tịch Fed Jerome Powell

Trong làn sóng Covid-19, nước Mỹ chứng kiến hơn 30 triệu người - tương đương 1/6 lực lượng lao động - nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng 3/2020. Trước đó, kỷ lục là 695.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 1 tuần vào năm 1982. So sánh này phần nào cho thấy sự “chao đảo” của nền kinh tế Mỹ trước “bão” dịch.

Nền kinh tế Mỹ giảm tốc gần 5% trong quý I/2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, con số này chưa gây sốc bằng việc GDP của Mỹ giảm tới 32,9% trong quý II, chính thức rơi vào suy thoái vì đại dịch, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử quốc gia này.

Mặc dù Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đón nhận không ít chỉ trích vì những động thái được xem là thiếu trách nhiệm trong chăm sóc y tế, sức khoẻ, cũng như khả năng phản ứng trước đại dịch Covid-19, nhưng có một điểm luôn được ghi nhận. Đó là giới chức tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có hành động mạnh mẽ để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính.

Trong tháng 3/2020, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Fed sẽ làm mọi thứ mà quyền lực hiện tại cho phép để hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo thanh khoản. Một trong những biện pháp lần đầu xuất hiện trong lịch sử là hạ lãi suất về gần mức 0, hạ yêu cầu dự trữ của các nhà băng xuống gần mức 0, nhanh chóng mua vào khoảng 2.000 tỷ USD các loại tài sản (bao gồm cả trái phiếu lãi suất cao - junk bond, trái phiếu đảm bảo bằng bất động sản, nợ doanh nghiệp), cùng nhiều biện pháp tín dụng khẩn cấp khác.

Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ thông qua gói nới lỏng trị giá 2.000 tỷ USD - được đánh giá là cây cầu giúp nước Mỹ vượt qua được vực thẳm. Trong các khoản hỗ trợ khẩn cấp, không thể không nhắc đến việc chi trả 1.200 USD cho mỗi cá nhân; hàng trăm tỷ USD cho vay doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi cho người thất nghiệp…

“Đây là mức độ đầu tư tương tự thời chiến tại nước Mỹ”, thượng nghị sĩ Mitch McConnell cho biết.

“Bảo vệ người lao động và cuộc sống của họ bằng mọi giá” - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Các nhà kinh tế dự báo, nền kinh tế Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, có thể giảm khoảng 3% trong năm 2020, mức giảm tệ nhất kể từ năm 2008. Đáng chú ý, kinh tế Nhật Bản chịu tổn thương mạnh hơn trước Covid-19 còn bởi tốc độ tăng trưởng vốn đã chậm lại trong những năm qua, chính phủ nước này vừa thực hiện tăng thuế vào mùa thu năm 2019, chưa kể đại dịch Covid-19 buộc Nhật Bản phải trì hoãn tổ chức Olympic 2020, để lại những tổn thất không nhỏ.

Giống như nhiều quốc gia phương Tây, Chính phủ Nhật Bản đối phó với khủng hoảng dịch bệnh bằng những gói nới lỏng quy mô khủng, tổng giá trị lên tới gần 1.000 tỷ USD, tương đương 20% GDP Nhật Bản. Tuy nhiên, đây chỉ là con số mang tính mục tiêu, hoạt động giải ngân thực tế có thể nhỏ hơn.

“Không cường điệu khi nói rằng, nền kinh tế Nhật Bản nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung đang đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động và cuộc sống của họ bằng mọi giá”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định.

Cho tới nay, các biện pháp hỗ trợ Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện bao gồm: chia tiền mặt cho công dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp gói vay không lãi suất, trì hoãn đóng thuế và kích cầu du lịch nội địa…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, sẽ mua không giới hạn trái phiếu chính phủ, tăng gấp đôi quy mô mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây được xem là nỗ lực tối đa của BOJ, bởi cơ quan này đã duy trì lãi suất ở mức gần 0 trong nhiều năm nay.

Chuyên đề