Các tập đoàn nhà nước nên xây dựng quy chế cởi mở để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn |
Doanh nghiệp lớn thua vì xếp hạng quốc tế
Theo mục 1 Điều 1 Quy chế, một trong những mục đích ban hành Quy chế là đảm bảo con người, tài sản, dự án, quyền lợi và hoạt động của PVN tại PVN và tại các doanh nghiệp mà PVN có vốn góp được bảo hiểm một cách an toàn, hiệu quả trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp bảo hiểm quy mô lớn, Quy chế chưa thực sự “cạnh tranh” như đã nêu.
Một doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thị trường về mảng phi nhân thọ phản ánh một số quy định nêu trong Quy chế có thể tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu. Cụ thể, Quy chế có quy định: “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch”. Ý kiến phản ánh rằng: theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thì quy định xếp hạng bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch chỉ áp dụng cho hoạt động tái bảo hiểm và các doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Để đánh giá, xem xét năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, nhằm hướng dẫn việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm. Tham chiếu đến thông tư này, nhà thầu trên cho biết: “Không tìm thấy bất kỳ nội dung nào quy định về việc xếp hạng quốc tế của nhà cung cấp bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ)”.
Nhiều nguồn tin đã công bố cho thấy, hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước chỉ có 5 đơn vị có xếp hạng tài chính của các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch, đó là Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina. Ngoài ra có 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm được xếp hạng của A.M Best là PVire và Vinare.
Ngoài quy định này, theo phản ánh của một doanh nghiệp khác, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm, Quy chế yêu cầu thêm: “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng cung cấp bảo hiểm tương tự cho các tài sản/dự án có tính chất và quy mô tương tự tại Việt Nam (bao gồm nhưng không giới hạn công trình sản xuất công nghiệp nặng, công trình dầu khí theo quy định của pháp luật Việt Nam), trong đó quy mô tương tự là hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá kế hoạch của hợp đồng bảo hiểm đang chọn nhà cung cấp bảo hiểm”. Doanh nghiệp này cho rằng, trong danh sách 5 nhà cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ đã có các xếp hạng quốc tế đáp ứng yêu cầu của Quy chế, sẽ có thêm doanh nghiệp bị loại bởi tiêu chí hợp đồng tương tự.
Ngoài ra, Quy chế yêu cầu: “Trường hợp các nhà cung cấp bảo hiểm thành lập liên danh để cấp đơn bảo hiểm gốc thì liên danh này không được nhiều hơn hai thành viên và các thành viên phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 2 Điều này”. Theo nhà thầu, quy định này hạn chế sự tham gia của nhà thầu vì các dự án trong lĩnh vực dầu khí thường có quy mô rất lớn.
Quy chế riêng cũng nên cởi mở
Một chuyên gia bảo hiểm cho rằng, việc xếp hạng quốc tế đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước không được quy định bắt buộc, không phù hợp với yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nêu trong văn bản pháp luật hiện hành. Các tiêu chí cần thiết đã được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành là Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016, Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014. Xếp hạng quốc tế có ý nghĩa quan trọng khi doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, nhưng khi hoạt động tại thị trường trong nước, cung cấp dịch vụ cho các gói thầu trong nước thì đó không phải là tiêu chí tiên quyết để đảm bảo năng lực của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Còn theo một chuyên gia về đấu thầu, Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu quy định: “Trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước… thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”. Đây là một quy định thông thoáng của Luật Đấu thầu 2013 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước nâng cao tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy định riêng phải đảm bảo 3 tiêu chí công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Các tập đoàn tự chịu trách nhiệm với quy chế được ban hành, tự chịu trách nhiệm sử dụng vốn sản xuất kinh doanh của họ. Còn nếu các dự án, gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, với mục đích đầu tư phát triển phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, trong đó có nguyên tắc cạnh tranh.
Chuyên gia đấu thầu cũng cho rằng, dù vốn sản xuất kinh doanh để duy trì hoạt động thường xuyên nhưng các tập đoàn nhà nước cũng nên xây dựng quy chế cởi mở để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.