“Bàn đạp” hiện thực hóa khát vọng hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, tối ưu hóa lợi thế về thời gian, chi phí, tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Đây được xem là xu thế không thể đảo ngược, hứa hẹn mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, đưa đất nước hiện thực hóa khát vọng hùng cường.
Theo báo cáo khảo sát của Liên hợp quốc công bố tháng 7/2020, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Theo báo cáo khảo sát của Liên hợp quốc công bố tháng 7/2020, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Mở cánh cửa cho chuyển đổi số

Được xem là xương sống của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), thực hiện CĐS sẽ là “bàn đạp” để một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam theo kịp, vượt lên và đi trước, làm động lực cho tăng trưởng, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, CMCN4.0 là cơ hội ngàn năm có một để chúng ta tiếp cận và tận dụng để thu hẹp khoảng cách phát triển. Đặc biệt, CĐS chính là bàn đạp để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).

Nhiều cơ chế, chính sách nhằm “mở” cánh cửa cho CĐS đã được ban hành. Đáng chú ý là Nghị quyết 52/NQ-TW (NQ52) ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN4.0. Một nội dung cốt lõi trong NQ52 là chủ động tham gia cuộc CMCN4.0 với việc thúc đẩy CĐS thông qua phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy CĐS quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tháng 6/2020, Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu kép của Chương trình là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu với việc tập trung phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Con người là trung tâm và thể chế chính là động lực của hoạt động này.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách liên quan thúc đẩy CĐS cũng đã được Chính phủ ban hành như: Nghị quyết về Chính phủ điện tử, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ… đang tạo nên nền tảng để thúc đẩy CĐS ở Việt Nam.

Và những kỳ vọng phía trước

Với sự chủ động đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN4.0 thời gian qua, đến thời điểm này, CĐS dù vẫn còn mới, song thực tế đang ghi nhận những con số tích cực.

Tại Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử diễn ra cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử được tăng cường. Các nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được triển khai rất nhanh, trong đó có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu các bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc công bố tháng 7/2020, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử chung của Việt Nam tăng 2 bậc.

Chuyển đổi số là gì?

Theo Cục Tin học thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Tập đoàn Microsoft (Mỹ) cho rằng, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

FPT thì định nghĩa, chuyển đổi số trong DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN.

Nhờ đẩy mạnh Chính phủ điện tử, hoạt động đăng ký thành lập DN qua mạng cũng phát triển nhanh. Theo ghi nhận mới nhất của Cục Thống kê TP. Hà Nội thì trong 9 tháng năm 2020, 100% DN trên địa bàn đăng ký thành lập qua mạng. Tương tự, tại Đà Nẵng, TP.HCM…, số DN đăng ký thành lập qua mạng cũng rất cao.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một thời gian hoạt động, đến nay đã tích hợp, cung cấp hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hơn 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị…

Về sự phát triển của DN công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, tính đến tháng 6/2020, Việt Nam có 45.500 DN công nghệ thông tin, tăng 11% so với năm 2018. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông nửa đầu năm nay ước tính đạt gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của một số DN công nghệ lớn công bố gần đây vẫn lãi ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận trước thuế đạt 19.850 tỷ đồng, đạt 110,2% so với kế hoạch; Tập đoàn FPT cũng báo lãi sau thuế ở mức 2.785 tỷ đồng sau 8 tháng năm nay, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2019.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 là cú hích đáng kể với thương mại điện tử. Nhiều DN đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực thông qua bán hàng trực tuyến, hình thức kinh doanh trước đây chưa từng làm. Với sự linh hoạt của DN, ông Hải dự báo, năm nay, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Dự báo về cơ hội từ CĐS, các chuyên gia nhận định, đây chính là cơ hội vàng cho DN công nghệ Việt Nam. Theo Chương trình CĐS quốc gia, Chính phủ phát triển 4 loại hình DN công nghệ số: các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng sang công nghệ số, đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ lõi; các DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất; DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số; DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số. Và trên thực tế, nhiều DN lớn sau một thời gian tích lũy đã đủ nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, trở thành các trụ cột chính thúc đẩy CĐS.

Mục tiêu phát triển kinh tế số

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu:

* Kinh tế số chiếm 20% GDP;

* Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;

* Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;

* Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI);

* Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI);

* Việt Nam thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

* Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã;

* Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh;

* Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%;

* Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Chuyên đề