Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Xúc tiến loạt dự án cảng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số cảng hàng không tại Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đang được các địa phương đề xuất mở rộng, đầu tư nâng công suất và quy hoạch xây mới nhằm “mở cửa” bầu trời, mở ra dư địa phát triển mới cho nhà đầu tư...
Phối cảnh Dự án nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới
Phối cảnh Dự án nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới

Mở cửa “bầu trời”, mở dư địa phát triển mới

Tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không Đồng Hới với vốn đầu tư 1.844 tỷ đồng. Số kinh phí trên sẽ thực hiện xây dựng mới Nhà ga hành khách T2 để nâng công suất khai thác Cảng hàng không Đồng Hới đạt 3 triệu hành khách/năm, khai thác hành khách quốc nội và từng bước hoàn chỉnh đồng bộ cảng hàng không. Song song đó là mở rộng sân đỗ máy bay (giai đoạn 1, xây dựng 4 vị trí đỗ máy bay, nâng tổng vị trí đỗ máy bay lên 8 vị trí Code C).

Theo đại diện Tổ chỉ đạo triển khai Dự án, thủ tục đầu tư đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan theo đúng tiến độ để tiến hành khởi công Dự án thành phần 1 Nhà ga hành khách T2 vào quý III/2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý I/2026.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, cùng với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới, Cảng hàng không Đồng Hới sẽ mở ra nhiều dư địa về quỹ đất, không gian phát triển, tạo tiềm năng cho Quảng Bình tiếp tục thu hút đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực.

Cùng lộ trình “nâng đời” lần này tại khu vực miền Trung, Cảng hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định) cũng đã được phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vào cuối tháng 12/2023. Theo Quy hoạch, Cảng hàng không Phù Cát sẽ được nâng cấp thành sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu lượt hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm…

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát là một trong những hợp phần quan trọng trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. “Bình Định cam kết tập trung triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và xem đây là dự án trọng điểm, mở đầu trong việc hiện thực hóa Quy hoạch Tỉnh”, ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

Theo TS. Trần Du Lịch, Cảng hàng không Phù Cát sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định, kỳ vọng tạo ra xung lực mới để phát triển đột phá.

Đầu tư xây dựng mới

Trong số cảng hàng không được đầu tư xây mới giai đoạn này, 2 cảng hàng không đã có những chuyển động cụ thể tại tỉnh Quảng Trị và Khánh Hòa. Trong đó, Cảng hàng không Quảng Trị khởi động đầu tư xây dựng giữa tháng 12/2023, có tổng vốn đầu tư 5.833 tỷ đồng, do Liên danh T&T - CIENCO4 thực hiện dự kiến sẽ đưa vào khai thác sau 24 tháng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, Dự án là khát vọng, là niềm trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân Tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ. Vì vậy, Quảng Trị quyết tâm đưa Dự án trở thành biểu tượng cho sự kết nối, hội nhập mạnh mẽ và là động lực lan toả, mở ra cực tăng trưởng phía Bắc của Tỉnh, liên kết cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Quảng Bình.

Cùng chạy đua lĩnh vực đầu tư xây dựng cảng hàng không, tại Khu kinh tế Vân Phong, Cảng hàng không Vân Phong đã bước vào giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất phương thức đầu tư. Theo đó, Cảng hàng không Vân Phong sẽ được xây dựng tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh. Đến năm 2030, công suất của Cảng là 2,5 triệu lượt hành khách/năm, có 9 vị trí đỗ máy bay, chiều dài 3.050 m, sân bay thuộc cấp 4E. Phương án có tính đến trong trường hợp số lượng hành khách và hàng hóa tăng cao, Cảng sẽ được mở rộng, có thể nâng công suất lên 10 triệu lượt hành khách/năm với 27 vị trí đỗ máy bay.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng, thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Vào tháng 6/2023, Dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa công bố danh sách dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong. Nếu được xây dựng, Khánh Hoà sẽ có hai cảng hàng không là Vân Phong (phía Bắc) và Cam Ranh (phía Nam) cách nhau khoảng 130 km. Trong đó, Cảng hàng không Vân Phong cách TP. Nha Trang khoảng 100 km, còn Cảng hàng không Cam Ranh cách Nha Trang 40 km. Theo quy hoạch, Cảng hàng không Vân Phong sẽ sử dụng diện tích dự kiến từ 500 - 550 ha.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh báo cáo đề án, tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư