Khi thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá thì gánh nặng chi phí sẽ đè lên vai người dân sử dụng dịch vụ xe buýt. Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết khi mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh lại có văn bản thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá đối với 2/6 tuyến xe buýt nêu trên.
Đã ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu
Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh bắt đầu thông báo mời thầu lần đầu 6 gói thầu chi phí dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2017 - 2021 từ tháng 12/2016. Có 6 tuyến xe buýt được đưa ra đấu thầu gồm: tuyến Từ Sơn - Đông Xuyên; tuyến Lim - Phật Tích - Đền Đô; tuyến Bắc Ninh - Yên Phong; tuyến Bắc Ninh - Lương Tài; tuyến Bắc Ninh - Kênh Vàng và tuyến Bắc Ninh - Phả Lại. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu cho 6 gói thầu này không hề đơn giản, phải mất đến gần 8 tháng thì Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh mới lựa chọn được nhà thầu trúng thầu 6 gói thầu trên. Trong số 6 gói thầu này thì có 4 gói thầu phải tổ chức đấu thầu 2 lần, 2 gói thầu phải tổ chức đấu thầu 3 lần.
Ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, cả 6 gói thầu xe buýt đều được đấu thầu rộng rãi trong nước, theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; sử dụng nguồn vốn từ doanh thu bán vé xe buýt và nguồn NSNN trợ giá. Việc phải tổ chức đấu thầu nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu thực hiện các gói thầu là do đây là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh thực hiện việc đấu thầu rộng rãi dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các nhà thầu chưa quen thủ tục về đấu thầu. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh công bố vào tháng 7/2017 cho thấy, Liên danh Công ty TNHH Thương mại vận tải Thảo Mạnh (Nhà thầu Thảo Mạnh) - Công ty TNHH Vận tải Mến Hiếu trúng 3 gói thầu (tuyến Từ Sơn -
Đông Xuyên; tuyến Lim - Phật Tích - Đền Đô; tuyến Bắc Ninh - Yên Phong); Liên danh Nhà thầu Thảo Mạnh - Công ty CP Hoàng Hà trúng thầu 1 gói thầu (tuyến (Bắc Ninh - Lương Tài); Công ty CP Xe khách Bắc Ninh trúng thầu 2 gói thầu (tuyến Bắc Ninh - Kênh Vàng và tuyến Bắc Ninh - Phả Lại). Giá trúng thầu của 6 gói thầu đều giảm trung bình khoảng 10% so với giá gói thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tại 6 hợp đồng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói trên đã được ký kết đầy đủ với các nhà thầu trúng thầu vào cuối tháng 7/2017, đến ngày 1/10/2017 sẽ bắt đầu triển khai, thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm.
Bất ngờ thay đổi phương thức trợ giá?
Mặc dù hợp đồng giữa các nhà thầu và Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã ký kết và chuẩn bị triển khai thì ngày 25/8/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh lại bất ngờ có Văn bản số 2866/UBND-XDCB thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá đối với 2 tuyến xe buýt nội Tỉnh: tuyến Bắc Ninh - Lương Tài và tuyến Bắc Ninh - Yên Phong.
Tại Văn bản số 2866/UBND-XDCB, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng phương án tổ chức khai thác 2 tuyến xe buýt trên bằng phương thức không trợ giá, trình UBND Tỉnh phê duyệt.
Một trong những nguyên nhân khiến UBND tỉnh Bắc Ninh đưa ra quyết định thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá đối với 2 tuyến xe buýt nói trên là Công văn ngày 18/8/2017 của Nhà thầu Thảo Mạnh (nhà thầu đứng đầu liên danh trúng thầu 2 tuyến xe buýt trên) đề xuất thay đổi phương thức thực hiện hợp đồng có trợ giá sang phương thức thực hiện hợp đồng tự hạch toán thu chi không trợ giá từ NSNN đối với 2 tuyến xe buýt.
Một số nhà thầu từng có nhiều năm vận hành các tuyến xe buýt công cộng ở Bắc Ninh cho rằng, việc thay đổi phương thức thực hiện hợp đồng nói trên sẽ “vô hiệu hóa” toàn bộ những kết quả tích cực của quá trình đấu thầu các tuyến xe buýt vừa rồi của Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh. Việc đấu thầu các tuyến xe buýt vừa rồi thực hiện lựa chọn nhà thầu dựa trên các tiêu chí, phương thức trợ giá từ NSNN, giá vé sử dụng dịch vụ đối với người dân khá thấp, chỉ dao động từ 6.000 – 15.000 đồng/tuyến. Nhà thầu Thảo Mạnh sở dĩ trúng thầu nhiều tuyến xe buýt vì đã “giảm sâu” mức trợ giá của Nhà nước đối với chi phí cung cấp dịch vụ vận tải, đồng nghĩa với việc loại bỏ các doanh nghiệp đã từng vận hành các tuyến xe buýt này ở Bắc Ninh theo cơ chế trợ giá trước đó. Khi thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá thì gánh nặng chi phí sẽ đè lên vai người dân sử dụng, chắc chắn giá vé sẽ tăng cao so với hiện nay.
Ngày 14/9/2017, ông Hiếu cho biết, mặc dù UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản chỉ đạo như vậy nhưng Sở GTVT vẫn chưa họp thống nhất được với các đơn vị liên quan. Và nếu không có gì thay đổi thì đến ngày 1/10 tới, việc vận hành 6 tuyến xe buýt nói trên (trong đó có 2 tuyến thay đổi phương thức từ trợ giá sang không trợ giá) sẽ thực hiện theo hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và Sở vào hồi tháng 7/2017. Còn quyết định thay đổi phương thức vận tải như thế nào là do UBND Tỉnh quyết định, Sở GTVT chỉ là đơn vị thừa hành thực hiện.