Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ giải ngân vốn đối với các dự án đầu tư công tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022 đạt kết quả cao hơn năm 2021. Trong điều kiện vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, kết quả trên rất đáng khích lệ.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, giải pháp tốt nhất để thúc đẩy giải ngân vốn năm 2023 là phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Ảnh: Internet
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, giải pháp tốt nhất để thúc đẩy giải ngân vốn năm 2023 là phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Ảnh: Internet

Gần hoàn thành 100% kế hoạch

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn phân bổ đối với các dự án đầu tư công năm 2022 của Tỉnh là 14.686,644 tỷ đồng (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh và ngân sách huyện). Dự kiến, tổng vốn giải ngân năm 2022 đến ngày 31/1/2023 là 13.970,341 tỷ đồng, đạt 95,12% kế hoạch vốn (năm 2021 là 84,50%).

Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, Tỉnh dự kiến giải ngân hết 100% số vốn được giao là 881,233 tỷ đồng. Trong đó, 600 tỷ đồng vốn trong năm 2022 được Tỉnh phân bổ cho 2 dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải là chủ đầu tư. Số vốn 281,233 tỷ đồng của năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện sang 2022 dự kiến sẽ giải ngân hết trước ngày 31/12/2022 ở một số dự án khác.

Với các dự án do Tỉnh quyết định đầu tư, dự kiến hết năm 2022, giải ngân ước đạt 92,82% kế hoạch trên tổng vốn 8.072,708 tỷ đồng (bao gồm 665,243 tỷ đồng vốn ngân sách Tỉnh năm 2021 kéo dài).

Tuy nhiên, số vốn 2021 kéo dài dự kiến năm nay chỉ giải ngân hết 516,37 tỷ đồng, đạt 77,62% kế hoạch vốn. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân là do còn khá nhiều chủ đầu tư giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung. Một số cơ quan, đơn vị có thể kể đến như: Ban QLDA chuyên ngành giao thông (tỷ lệ giải ngân 44,13%); Công an Tỉnh (32,58%). Cá biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu chưa giải ngân.

Riêng vốn năm 2022 là 8.032,198 tỷ đồng, dự kiến giải ngân hết năm đạt 94,08% kế hoạch, nhờ các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của Tỉnh. Điển hình như: UBND huyện Côn Đảo (giải ngân 100%), UBND TP. Bà Rịa (99,68%), UBND TP. Vũng Tàu (99,33%); UBND thị xã Phú Mỹ (99,67%), UBND huyện Châu Đức (99,69%), Ban QLDA chuyên ngành dân dụng và công nghiệp (99,96%), Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái mép - Thị Vải (97,37%), Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (98,04%)...

Vướng nhiều thủ tục, quy định

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dù tỷ lệ giải ngân chung đạt khá cao, nhưng qua làm việc với các chủ đầu tư và cơ quan liên quan nhận thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án đầu tư công. Hiện toàn Tỉnh có 13 dự án phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhưng trong đó có tới 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục. Nguyên nhân đến từ dự án có sử dụng đất rừng trên 20 ha phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai đã làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Khó khăn tiếp theo là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phức tạp, do các quy định thuộc lĩnh vực đất đai còn một số tồn tại, hạn chế, đơn cử như việc xác định giá đất, thời gian thông báo thu hồi đất. Đặc biệt, do có sự chênh lệch giữa giá đất nhà nước thu hồi với giá các khu vực xung quanh, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, đất công bị người dân lấn chiếm dẫn đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng trì trệ.

Được biết, trong năm 2023, Tỉnh lên kế khoạch khởi công dự án: đường kết nối cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4. Đồng thời, tập trung triển khai, thực hiện các dự án: Khu mậu dịch tự do, Trung tâm Kiểm dịch động vật, dự án điện LNG Long Sơn, đường kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với Quốc lộ 56, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu,… Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách Tỉnh dự kiến là 11.617,441 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, giải pháp tốt nhất để thúc đẩy giải ngân vốn năm 2023 là phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra. Đối với các sở, ban ngành và chủ đầu tư, phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Với cách làm quyết liệt này, Tỉnh kỳ vọng năm 2023, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ đảm bảo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra.

Chuyên đề