ASEAN: Cuộc đua thu hút FDI đã bắt đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo "ASEAN Perspectives - Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức", HSBC cho biết, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn đang đổ vào ASEAN. Tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây. Năm 2022, ASEAN thu hút mức cao kỷ lục gần 17% vốn FDI toàn cầu, gần gấp đôi so với 4 năm trước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

FDI bùng nổ - Một câu chuyện dài

Kể từ sau đại dịch Covid-19, thương mại toàn cầu đã phải hứng chịu nhiều trở ngại. Một sự chuyển dịch cơ cấu với việc người tiêu dùng gia tăng sử dụng dịch vụ thay vì hàng hóa và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên ví tiền của các nước phương Tây, từ đó tác động nặng nề lên các nhà xuất khẩu ASEAN. Tuy nhiên, FDI - vốn phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của một nền kinh tế - vẫn là một trong số ít điểm sáng trong khu vực. Bất chấp suy thoái thương mại ngắn hạn, sự gia tăng vốn FDI một cách nhất quán là rất quan trọng để ASEAN nâng cao chuỗi giá trị và củng cố tầm quan trọng của trong thương mại toàn cầu.

Trong 30 năm qua, ASEAN đã chứng kiến nguồn vốn FDI dồi dào nhờ vào tiềm năng tăng trưởng to lớn, hiệu quả chi phí gia tăng, vô số hiệp định thương mại và quá trình chuyển đổi cơ cấu đang diễn ra, cùng nhiều hoạt động khác. Trong khi khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) làm suy giảm môi trường đầu tư của ASEAN, thì khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 - 2009 là chất xúc tác quan trọng dẫn đến sự bùng nổ FDI trong khu vực, khi các công ty đa quốc gia tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh và có chi phí cạnh tranh.

Dòng vốn FDI vào ASEAN tăng cao kỷ lục

Dòng vốn FDI vào ASEAN tăng cao kỷ lục

Tổng vốn FDI vào ASEAN-6 đạt trung bình gần 128 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2019, cao hơn khoảng 3 lần so với mức trung bình của thập kỷ trước. Tương tự, FDI ròng trung bình đạt gần 53 tỷ USD mỗi năm trong cùng kỳ, gần gấp 4 lần mức trung bình của thập kỷ trước. Đặc biệt, xu hướng này càng gia tăng trong thời kỳ hậu Covid-19. Tổng vốn FDI tăng một cách đáng ngạc nhiên 45% lên trung bình khoảng 185 tỷ USD, với FDI ròng tăng gấp đôi lên 105 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022.

Tỷ trọng FDI vào ASEAN-6 phản ánh rõ ràng xu hướng này. Trong khi ASEAN-6 thu hút không quá 6% vốn FDI của thế giới sau AFC, nguồn vốn này đã quay trở lại khu vực ở mức độ đáng kể hơn sau GFC, tăng lên khoảng 8% (trừ năm 2011 và 2015 - 2016). Đặc biệt, FDI đã đạt mức cao kỷ lục mới kể từ khi đại dịch toàn cầu bắt đầu. Năm 2022, ASEAN-6 đã thu hút gần 17% vốn FDI của thế giới, mức cao lịch sử cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của ASEAN đối với các nhà đầu tư.

"Xét cho cùng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng sang nơi khác, mà ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã hiển nhiên nổi lên như một điểm đến thay thế", báo cáo của HSBC nhận xét.

Các nhà đầu tư đến từ đâu?

ASEAN đã chứng kiến một nhóm các nhà đầu tư rất đa dạng từ Mỹ, EU và châu Á trong các lĩnh vực khác nhau. "Các nước Đông Bắc Á chiếm 1/3 dòng vốn FDI vào ASEAN từ lâu nhưng đầu tư nội khối ASEAN đã từ lâu trở thành nguồn cung cấp FDI hàng đầu nếu chúng ta tính đầu tư từ Đông Bắc Á theo nền kinh tế", báo cáo của HSBC cho biết. Điều này phản ánh mạnh mẽ sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong những năm qua, khi nhiều quốc gia đã tiến hành công nghiệp hóa trước đó (Singapore, Malaysia và Thái Lan) đổ tiền đầu tư vào các quốc gia đi sau có tiềm năng tăng trưởng, bao gồm Việt Nam và Indonesia.

Tỷ trọng nguồn vốn FDI vào ASEAN theo các năm (trung bình)

Tỷ trọng nguồn vốn FDI vào ASEAN theo các năm (trung bình)

Theo HSBC, trong 3 năm qua, Mỹ (thị phần 17%) đã thay thế khu vực nội khối ASEAN (thị phần 14%) để trở thành quốc gia đầu tư FDI lớn nhất trong khu vực. Sự thay đổi này phản ánh sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Mỹ kể từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và mặc dù tạm thời bị gián đoạn bởi đại dịch, nhưng đã nhanh chóng quay trở lại và tăng lên mức cao kỷ lục.

Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực sản xuất và tài chính của ASEAN, với mỗi lĩnh vực chiếm gần 30% vốn FDI. Lợi thế của đầu tư này thể hiện rõ hơn ở lĩnh vực sản xuất, đồng thời là "xương sống" thu hút đầu tư nước ngoài của ASEAN. Mỹ đã rót trung bình 12 tỷ USD trong 5 năm qua, tương đương với tổng vốn FDI từ EU và ASEAN. Điều đó cho thấy, một phần lớn FDI của Mỹ đã chảy vào ngành sản xuất tiên tiến, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn cao cấp ở Singapore và Malaysia. Trong khi đó, Singapore cũng chiếm được thị phần FDI lớn nhất trong khu vực vào các hoạt động tài chính.

Ngoài Mỹ, các nhà đầu tư nội khối ASEAN cũng để mắt tới 2 trụ cột chủ chốt này. Trong khi đó, nguồn vốn FDI từ châu Âu lại hướng tới "bán buôn, bán lẻ và sửa chữa xe gắn máy", còn các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung hơn vào "vận tải và kho bãi". Sản xuất đứng thứ hai về FDI đối với mỗi thị trường này.

Tầm quan trọng của nhà đầu tư Trung Quốc

Trung Quốc, quốc gia từng tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ASEAN, hiện đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của khu vực. Trong đó, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự tăng vọt về tỷ trọng FDI của Trung Quốc.

Tại Indonesia, đầu tư của Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất pin EV hàng đầu CATL và nhà sản xuất thép không gỉ Tsingshan, là chìa khóa tạo điều kiện cho sự bùng nổ của nhà máy luyện niken, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất pin EV. Tuy nhiên, Indonesia không phải là ứng cử viên duy nhất thu hút FDI của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện. Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, BYD, Great Wall Motor (GWM) và SAIC, đều đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan, do vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng ô tô và các khoản trợ cấp hào phóng của quốc gia này.

Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, BYD, Great Wall Motor (GWM) và SAIC, đều đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan. Ảnh minh họa: Internet

Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Trung Quốc, BYD, Great Wall Motor (GWM) và SAIC, đều đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Thái Lan. Ảnh minh họa: Internet

Mặt khác, Malaysia cũng đang cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Không chỉ thu hút được 3 nhà đầu tư Trung Quốc là BYD, Great Wall Motor và Chery trong năm nay, Tesla gần đây cũng chọn Malaysia làm điểm đến để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc cũng mở rộng sang lĩnh vực năng lượng mặt trời đang phát triển của Malaysia, với Risen Energy công bố khoản đầu tư cơ sở đầu tiên vào Đông Nam Á trị giá hơn 10 tỷ USD trong 15 năm tới.

"Trong trường hợp của Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục cũng đang để mắt đến ngành điện tử tiêu dùng, với hai trong số ba nhà cung cấp lớn của Apple đang rót vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng công suất", báo cáo của HSBC cho hay.

Trong khi Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tư FDI lớn ở Singapore, các nhà đầu tư cũng đã có động thái trong lĩnh vực dược phẩm chiến lược có giá trị gia tăng cao. Ngoại lệ duy nhất là Philippines, nơi FDI của Trung Quốc gần như không đáng kể.

"Nhìn chung, cuộc đua thu hút FDI đã bắt đầu. Mặc dù triển vọng thương mại trong tương lai gần còn trầm lặng, dòng vốn FDI ổn định sẽ giúp ASEAN tiếp tục thăng hạng trong chuỗi giá trị và củng cố tầm quan trọng của mình trong thương mại toàn cầu", báo cáo của HSBC nhận định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư