Áp lực tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng suốt thời gian qua, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục được duy trì thực hiện đồng thời với “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. 

Song để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nơi chuyển biến, nơi chững lại

Sau khoảng 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (NQ02), bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có sự cải cách. Tuy vậy, mức độ cải cách ở mỗi cấp có sự khác nhau.

Bà Thảo cho biết, qua theo dõi cho thấy việc triển khai thực hiện NQ02 ở cấp địa phương khá tích cực nhằm cố gắng tạo lập hình ảnh tốt về một chính quyền phục vụ doanh nghiệp (DN) với nhiều sáng kiến cải cách hiệu quả và được nhân rộng.

Nhấn mạnh rõ sự chuyển biến này, tại Báo cáo thực hiện NQ02 trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hoàn thiện trình Chính phủ cho thấy, nhiều địa phương đã có sáng kiến góp phần thực hiện hiệu quả NQ02. Đơn cử như Quảng Ninh - địa phương đã thành công trong việc thiết kế, phát triển và thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI).

Với việc thực hiện DDCI đã góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ, hiệu quả dịch vụ công và vị thế, hình ảnh của Quảng Ninh. Tỉnh luôn là một trong những địa phương giữ thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Sáng kiến này đã được nhiều địa phương tham khảo, phát triển và thực thi nhằm cải thiện và tạo lập hình ảnh địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, tận tâm phục vụ người dân và DN.

Bên cạnh đó, sáng kiến cơ chế đối thoại giữa chính quyền với DN và người dân ở Đồng Tháp cũng được nhân rộng và lan toả thực hiện ở nhiều địa phương…

Tuy vậy, về việc thực hiện NQ02 ở cấp trung ương, bà Thảo nhìn nhận, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung nhiều vào chống dịch, hỗ trợ DN dưới hình thức giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội… Vì vậy, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng chững lại, triển khai chậm hơn.

“Trong khi một số bộ, ngành như: KH&ĐT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… tiếp tục chú trọng, sát sao trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất thì vẫn có những bộ chững lại”, chuyên gia CIEM nhìn nhận.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của đa số bộ ngành chậm lại, chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến so với trước; cơ chế một cửa quốc gia vận hành chưa thực sự hiệu quả.

Chú trọng chuyển đổi số, hỗ trợ cải cách

Các dự báo đưa ra gần đây cho thấy, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn phức tạp, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là thời điểm DN cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN để họ an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện chống dịch, nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra. Áp lực tăng tốc cải cách sẽ là cơ hội để môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư nắm bắt được các cơ hội mới.

“Trợ lực” lớn cho quá trình này, bà Thảo cho rằng, thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã đặt ra nhằm thực hiện hiệu quả NQ02, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19.

Kiến nghị về những giải pháp tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thời gian tới, tại Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm. Đó là ngoài việc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện NQ02 cũng như tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán các giải pháp đề ra thì phải giải quyết ngay những vướng mắc, khó khăn cho DN.

Cụ thể, tập trung thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ phương án sửa đổi các quy định gây ra vướng mắc, khó khăn cho DN do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19...

Chuyên đề