Áp lực nợ vay và hàng tồn kho của Thép Pomina

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, Công ty CP Thép Pomina đã chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán. Hàng tồn kho cùng với nợ vay tăng cao trong bối cảnh giá thép giảm là những rủi ro trong bức tranh tài chính của Thép Pomina.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 sau soát xét, Công ty CP Thép Pomina ghi nhận khoản lỗ 23 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 sau soát xét, Công ty CP Thép Pomina ghi nhận khoản lỗ 23 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Áp lực nợ vay gia tăng

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 sau soát xét vừa được Công ty CP Thép Pomina công bố cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.105 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn gia tăng khiến lợi nhuận gộp của Công ty giảm tới 31%, đạt 348,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Thép Pomina âm 22,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 222,4 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, Thép Pomina báo lỗ 23 tỷ đồng thay vì lãi 8,1 tỷ đồng trong báo cáo tài chính bán niên tự lập. Tại thời điểm cuối quý II/2022, nợ ngắn hạn hợp nhất của Thép Pomina đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.008 tỷ đồng. Do đó, Ernst & Young Việt Nam, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo của Thép Pomina nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Quay trở lại kết quả kinh doanh của Thép Pomina, chi phí tài chính tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến Công ty thua lỗ trong nửa đầu năm nay. Tổng chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá từ các khoản vay ngoại tệ của Công ty lên tới 292,9 tỷ đồng, tăng 44%.

Tính tới cuối quý II/2022, tổng nợ vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Thép Pomina là 8.638 tỷ đồng, tăng 1.724 tỷ đồng (tương đương 25%) so với thời điểm đầu năm và gấp gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 7.728 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của Thép Pomina là 12.610 tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng tài sản.

Nợ vay của Thép Pomina bắt đầu phình to từ năm 2018, khi Công ty định hướng đầu tư 3 dự án có tổng vốn 170 triệu USD gồm Dự án Lò cao 800 nghìn tấn/năm (65 triệu USD), Dự án Mạ màu 600 nghìn tấn/năm (60 triệu USD) và Dự án Cán 500 nghìn tấn/năm (50 triệu USD). Trong đó, Dự án Mạ màu đưa vào hoạt động vào giữa năm 2019; Dự án Lò cao xây dựng năm 2019 nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 nên dài đến tháng 2/2021 mới đi vào hoạt động.

Trước áp lực từ nợ vay, Công ty cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết của ĐHĐCĐ 2021 phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 700 tỷ đồng. Ngoài ra, ngày 9/8, HĐQT Thép Pomina đã thông qua Nghị quyết thực hiện quan hệ vay vốn, bảo lãnh và mở L/C tại Ngân hàng BIDV theo hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Rủi ro từ hàng tồn kho cao

Giá thép thanh tại Việt Nam sau khi đạt đỉnh ở mức 19.000 đồng/kg vào quý I/2022 đã liên tiếp lao đốc giảm 13 lần và chạm mốc 15.700 đồng/kg vào tháng 8/2022. Nguyên nhân của tình trạng này là giá thép thế giới giảm, nhu cầu thép trong nước sụt giảm mạnh trong quý II/2022 và chi phí sản xuất thép giảm.

Trước áp lực giá thép giảm, Thép Pomina đã thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý II/2022 là 88,2 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm đầu năm không thực hiện nghiệp vụ này. Đây cũng là một nguyên nhân khiến Thép Pomina đã chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán.

Tại thời điểm cuối quý II/2022, hàng tồn kho của Thép Pomina lên tới 5.287 tỷ đồng, tăng 11,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó nguyên liệu, vật liệu chiếm tỷ trọng cao nhất (61,2%) trị giá 3.237 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tiếp đến là thành phẩm trị giá 1.521 tỷ đồng (28,7%), tăng 26%...

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo giá thép sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối năm nay. Đây có thể là rủi ro Thép Pomina phải đối mặt trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư