Áp lực lãi vay, “trùm” BOT Tasco dự kiến lỗ lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2020 thua lỗ hơn 240 tỷ đồng, Công ty CP Tasco dự kiến sẽ lỗ thêm 100 tỷ đồng trong năm 2021. Áp lực chi phí cho Dự án Thu phí tự động không dừng cùng với việc các dự án bất động sản mới chưa thể triển khai đầu tư là những khó khăn chính khiến Tasco bi quan về tình hình kinh doanh năm 2021.
Kết quả kinh doanh của Tasco chịu ảnh hưởng rất lớn từ Dự án Thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1). Ảnh: Lê Tiên
Kết quả kinh doanh của Tasco chịu ảnh hưởng rất lớn từ Dự án Thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1). Ảnh: Lê Tiên

Áp lực chi phí lớn

Tasco cho biết, kết quả kinh doanh hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ Dự án Thu phí tự động không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (doanh nghiệp Tasco nắm giữ hơn 98% vốn điều lệ). Trong năm 2021, ngoài chi phí vận hành và khấu hao lớn, chi phí lãi vay cũng sẽ phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh do Dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư. Trong khi đó, doanh thu của Dự án phụ thuộc vào tiến độ ký kết hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư BOT, vì vậy dự kiến sẽ tiếp tục lỗ lớn trong năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo của Dự án, doanh thu sẽ tăng lên trong khi chi phí vận hành giảm do việc vận hành thuần tự động. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm sẽ giúp Dự án ghi nhận lợi nhuận đủ để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 12%/năm theo hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài việc Dự án Thu phí tự động không dừng gặp khó trong nhiều năm qua, các dự án bất động sản của Tasco cũng chưa thể triển khai. Tasco cho biết, Dự án đối ứng của Dự án BT Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương (Hà Nội) có thể triển khai sớm nhất là năm 2022 do chưa được quyết toán và ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh. Bên cạnh đó, Công ty sẽ nỗ lực hoàn thành việc giao đất cho Dự án 48 Trần Duy Hưng và một phần Dự án Foresa Mỹ Đình (Hà Nội) trong năm 2021 để làm tiền đề cho việc triển khai đầu tư, xây dựng và bán hàng trong năm 2022.

Liên quan đến việc Tasco yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) phải bố trí bàn giao đầy đủ diện tích đất còn thiếu là 12.870 m2 đất tại Khu đô thị mới Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội trong vụ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế, Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức đã có quyết định không chấp nhận yêu cầu này của Tasco, nhưng HUD phải trả lại cho Tasco số tiền hơn 191 tỷ đồng.

Trước những khó khăn trên, Tasco dự kiến sẽ lỗ thêm 100 tỷ đồng trong năm 2021, dù tổng doanh thu dự kiến tăng thêm 150 tỷ đồng so với năm ngoái, ở mức 900 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động thu phí đường bộ dự kiến mang về 550 tỷ đồng; lĩnh vực bất động sản khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu từ việc bán sàn thương mại Dự án Xuân Phương Residence (Hà Nội).

Quý thứ 4 lỗ liên tiếp

Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của Tasco, doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng của chi phí giá vốn thấp hơn của doanh thu bán hàng giúp lợi nhuận gộp tăng trưởng tới 93%, đạt 90,8 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thu phí mang lại 173,7 tỷ đồng, chiếm khoảng 73% tổng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Mảng bất động sản mang về 28,3 tỷ đồng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ cung cấp dịch vụ, xây dựng và điện mặt trời áp mái.

Tuy nhiên, chi phí khá lớn trong quý I vừa qua với lãi vay tăng 43%, từ mức 58,3 tỷ đồng lên 83,6 tỷ đồng, tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của Tasco. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm gần 9% lên 29,7 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm 21,3 tỷ đồng. Kết quả, Tasco lỗ 24,5 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021. Như vậy, Tasco đã báo lỗ liên tiếp 4 quý kể từ quý II/2020. Năm 2020, Tasco cũng lỗ hơn 243 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2021, nợ phải trả của Tasco lên đến 7.161 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản (10.098 tỷ đồng) của Công ty. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 5.807 tỷ đồng, gây áp lực lớn về chi phí lãi vay.

Chuyên đề