Trong năm 2022, có 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải hoàn thành là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Ảnh: NT |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, mới có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong năm 2022, có 4 dự án cao tốc thành phần buộc phải hoàn thành là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Năm 2023 phải hoàn thành đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, cầu Mỹ Thuận 2... Đây là những mốc thời gian để các ban quản lý dự án kiểm soát tiến độ thi công của nhà thầu, nếu không hoàn thành phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT. Nhà thầu thi công vi phạm tiến độ đều bị xử lý, cắt chuyển khối lượng và phải bổ sung thầu phụ để bù tiến độ bị chậm.
Bên cạnh tiến độ, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng là áp lực rất lớn đối với các nhà thầu.
Ông Nguyễn Phương Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, Công ty đang tham gia thi công nhiều gói thầu/dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông như đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. So với đơn giá tại thời điểm trúng thầu và ký hợp đồng, giá thép đã tăng khoảng 40%, giá các vật liệu xây dựng tăng trung bình 25 - 30%, giá xăng dầu tăng 30%, chi phí ca máy, nhân công tăng, thuê mặt bằng cũng tăng… Nhà thầu đang đối mặt với nghịch lý càng làm càng lỗ nhưng buộc phải đẩy nhanh tiến độ vì công trình đang ở giai đoạn nước rút.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, áp lực lớn nhất hiện nay đối với nhà thầu là thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp, phải tìm mua từ các “đầu nậu” để thi công với giá cao. Mặc dù đã có giải pháp tháo gỡ nhưng ở nhiều địa phương, thủ tục cấp phép khai thác mỏ đất vẫn rất chậm.
Ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, làm các tuyến cao tốc hiện nay rất áp lực. Nhà thầu phải huy động tối đa, các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ công trình, trong khi đơn giá, định mức thanh toán lại thấp hơn thực tế. Công tác điều chỉnh giá thanh toán của các chủ đầu tư thường chậm, không phản ánh chính xác giá thị trường. Không riêng gì Vạn Cường mà nhiều nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam đang phải “oằn mình” gánh chi phí phát sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một lãnh đạo của Ban Quản lý dự án Thăng Long đang trực tiếp điều hành công trường đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, theo hợp đồng đã ký với nhà thầu, có 7 loại vật liệu chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá trong quá trình thanh toán gồm: cát, đá, xi măng, sắt thép, nhựa, nhân công, máy. Việc điều chỉnh lấy cơ sở từ thông báo giá của địa phương song trên thực tế, công tác cập nhật giá của địa phương rất chậm nên nhà thầu thi công phải chịu thiệt thòi. Chẳng hạn như hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình chưa công bố giá vật liệu xây dựng quý I/2022 nên phần khối lượng thi công trong quý I/2022 chưa được điều chỉnh giá. Thời gian qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán nhanh nhất phần khối lượng công việc đã thực hiện để nhà thầu có dòng tiền đổ vào công trình; xem xét một số điều khoản trong hợp đồng để linh hoạt xử lý. Đối với phần chi phí phát sinh do biến động giá vật liệu, xăng dầu thời gian qua thì chưa có chính sách để thanh toán cho nhà thầu.
Theo Bộ GTVT, để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu, Bộ đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép thuê tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu, dự án. Trong thời gian chưa phê duyệt chỉ số giá riêng thì tạm thanh toán theo chỉ số giá của địa phương công bố. Sau khi chỉ số giá riêng được phê duyệt điều chỉnh sẽ thanh toán bù trừ để giúp nhà thầu giảm bớt khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận hợp đồng trường hợp được phép điều chỉnh giá khi giá cả vật tư tăng, giảm đột biến so với phạm vi dự phòng phí của dự án. Đối với các dự án chưa vượt tổng mức đầu tư, một số ban quản lý dự án đề xuất cho phép sử dụng chi phí dự phòng để bổ sung dự toán các gói thầu và cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng do biến động giá thời gian qua.