Diễn biến giá nguyên liệu thép thế giới (Đơn vị tính: USD/tấn) |
Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2022 với kết quả doanh thu thuần tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 6.630 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn với mức 39% khiến lợi nhuận gộp giảm 55%, còn 194 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 92,2 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số 262 tỷ đồng đạt được trong quý I/2021.
Biên lợi nhuận gộp giảm là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận mức lợi nhuận quý I/2022 sụt giảm bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên, biên lợi nhuận gộp quý I/2022 là 7,78%, thấp hơn nhiều so với con số 17,6% cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm cho lợi nhuận của Công ty giảm 23%, đạt 109,5 tỷ đồng dù doanh thu tăng trưởng 83%, đạt 1.795 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng công ty Thép Việt Nam |
Một trường hợp khác là Công ty CP Thép Mê Lin, doanh thu quý I/2022 đạt 249,2 tỷ đồng, tăng 112,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi chi phí giá vốn tăng đến 158,5% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ bằng 70% quý I/2021, đạt gần 20 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 13,4 tỷ đồng, giảm 30%.
Theo báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam, giá các mặt hàng nguyên liệu thép trong nước liên tục tăng cao, trong đó phôi thép và thép phế tuy chưa đạt mức đỉnh năm 2008 nhưng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Xu hướng tăng giá nguyên liệu thép tiếp tục được duy trì đến thời điểm đầu tháng 4/2022. Điều này tác động rất lớn đến ngành thép trong nước, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán thép thành phẩm không tăng tương ứng do áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2022 của một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho thấy có sự suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ 2 doanh nghiệp kinh doanh thép cuộn cán nóng là Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất.
VNSteel nhận định, trong thời gian tới, giá nguyên liệu thế giới còn tiếp tục tăng khi nguồn cung bị thắt chặt. Chi phí tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu của các đơn vị, hiệu quả kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng. Về lợi thế xuất khẩu, mặc dù xung đột Nga - Ukraine khiến nhu cầu thép tại các thị trường châu Âu và Mỹ gia tăng, thu hút các quốc gia xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác, khó có thể mang lại hiệu quả cao từ hoạt động xuất khẩu như năm 2021.