Áp lực cải thiện sức khỏe tài chính tại Tập đoàn Lộc Trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, với diễn biến mới nhất là trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog) vào cuối tháng 5/2024, dự kiến thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng), nhưng Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đang đối mặt với áp lực cải thiện sức khỏe tài chính khi thiếu hụt dòng tiền, nợ xấu tăng cao.
Một trong các nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời âm là do các khoản phải thu khách hàng liên tục tăng cao. Ảnh: Minh Phong
Một trong các nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời âm là do các khoản phải thu khách hàng liên tục tăng cao. Ảnh: Minh Phong

Hơn 6.600 tỷ đồng phải thu khách hàng

Lộc Trời vừa công bố tờ trình điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 sang hình thức cổ phiếu và dự kiến tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2024 - 2025. Cụ thể, Công ty dự kiến thay đổi hình thức chi trả cổ tức năm 2023 từ tiền mặt thành cổ phiếu với tỷ lệ được giữ nguyên 30%. Trong năm 2024 và năm 2025, Công ty dự kiến mức cổ tức bằng cổ phiếu là 30%.

Việc thay đổi phương án cổ tức từ chi trả bằng tiền sang cổ phiếu được đánh giá xuất phát từ khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp này. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian qua, Lộc Trời dính vào lùm xùm nợ 472 tỷ đồng (tính đến ngày 1/5/2024) tiền thu mua lúa của nông dân 5 huyện tại An Giang và một số địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do, theo doanh nghiệp, họ gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, thu tiền từ đối tác mua gạo. Sau đó, Lộc Trời có thông báo đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương trong tháng 5/2024.

Theo báo cáo tài chính của Công ty, trong năm 2022 và năm 2023, dù có lợi nhuận ròng mỗi năm, nhưng dòng tiền kinh doanh luôn âm. Cụ thể, năm 2022, Công ty ghi nhận lãi ròng 411,6 tỷ đồng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại âm 216,3 tỷ đồng. Năm 2023, con số này âm tới 2.942 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh của Lộc Trời tiếp tục âm 434 tỷ đồng.

Một trong các nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh của Lộc Trời âm là do các khoản phải thu khách hàng liên tục tăng cao. Cụ thể, từ mức 1.605 tỷ đồng cuối năm 2021 tăng lên thành 3.105 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 6.621 tỷ đồng vào cuối quý I/2024. Một số đối tác có công nợ lớn với Lộc Trời là Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Đại Tài (835,5 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Nguyên AGRI (765,4 tỷ đồng), Công ty CP Lương thực Hưng Phước (643,5 tỷ đồng). Đáng chú ý, các khoản phải thu khó đòi của doanh nghiệp này cũng liên tục tăng cao, từ 348 tỷ đồng cuối năm 2021 tăng lên thành 826,2 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2024, với số tiền trích lập dự phòng khó đòi là 490 tỷ đồng.

Lỗ 96 tỷ đồng trong quý I/2024

Ngoài tờ trình về việc thay đổi kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023, Ban lãnh đạo Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 ở mức 50 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh trên được đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I/2024 không mấy thuận lợi.

Cụ thể, quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng lương thực (lúa, gạo) với mức tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.284 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Lộc Trời báo lỗ 96 tỷ đồng.

Lộc Trời cho biết, do tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65%, trong khi doanh thu chỉ tăng 57%). Bên cạnh đó, chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác nên lãi ròng của doanh nghiệp giảm mạnh.

Gặp khó khăn về dòng tiền cũng khiến doanh nghiệp này phụ thuộc lớn vào nợ vay. Tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ vay của Lộc Trời ở mức 6.327 tỷ đồng (gồm 6.246 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 80,8 tỷ đồng vay dài hạn), tăng 74,5% so với thời điểm cuối năm 2021 (tương đương 2.702 tỷ đồng). Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Lộc Trời cuối quý I/2024 đã gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.

Năm 2023, ngành lúa gạo liên tục đón tin vui giúp Lộc Trời tăng trưởng mạnh về doanh thu. Song, quản lý dòng tiền không tốt, dư nợ cao, ứng tiền cho nông dân sản xuất… khiến tình hình tài chính của Công ty kém sắc.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu gạo đẩy doanh thu mảng này đạt mức kỷ lục 11.233 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp của Lộc Trời thu về vỏn vẹn 253 tỷ đồng. Tương đương, biên lợi nhuận gộp lúa gạo của Lộc Trời chỉ 2%, thậm chí giảm so với con số 2,9% năm 2022.

Chuyên đề