Anh đạt thỏa thuận thương mại lịch sử với EU cho kỷ nguyên hậu Brexit

0:00 / 0:00
0:00
Thỏa thuận giúp tránh một cuộc chia tay “hỗn độn” khi Brexit chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2021...
Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: AP.
Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: AP.

Anh vừa đạt một thỏa thuận thương mại có tính lịch sử với Liên minh châu Âu (EU), theo đó tránh được một cuộc chia tay "hỗn độn" khi Brexit chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2021, đồng thời tạo ra nền tảng cho mối quan hệ mới giữa London với đối tác thương mại lớn nhất.

Theo tin từ Bloomberg, các nhà đàm phán hai bên đã hoàn tất văn bản thỏa thuận dài 500 trang ngay trong đêm Giáng sinh, thời điểm đúng một tuần trước khi Anh ra khỏi khối thị trường chung châu Âu. Cột mốc này đánh dấu kết thúc quãng thời gian hơn 4 năm đàm phán đầy cam go kể từ khi nước Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý Brexit - sự kiện làm thay đổi hoàn toàn nền chính trị xứ sương mù và những mối liên kết giữa nước này với phần còn lại của châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro đối với doanh nghiệp Anh khi thỏa thuận mới bắt đầu có hiệu lực sau vài ngày nữa, và Chính phủ Anh sẽ phải đối mặt với một "trận chiến" dài hạn để chứng minh rằng cuộc chia tay với EU là hoàn toàn xứng đáng.

Việc đạt một thỏa thuận với EU "đã giải quyết câu hỏi đeo bám nền chính trị của nước Anh trong suốt nhiều thập kỷ", Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/12. "Họ nói chúng tôi không thể có cả cái bánh để ăn", ông Johnson nói khi được hỏi về những nhượng bộ mà Anh phải đưa ra. "Tôi sẽ không nói đây là thỏa thuận tốt nhất, nhưng tôi tin đó là những gì đất nước cần vào thời điểm này".

"Một chặng đường dài và gian khó đã đi qua. Nhưng chúng tôi đã có một thỏa thuận", Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Ursula von der Leyen phát biểu. "Thỏa thuận này bình đẳng và cân bằng. Đó cũng là điều đúng đắn và có trách nhiệm để làm đối với cả hai bên".

Theo dự kiến, thỏa thuận thương mại Anh-EU sẽ được đem ra bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào ngày 30/12. Công Đảng đối lập đã hứa sẽ ủng hộ, nên thỏa thuận này gần như chắc chắn sẽ được phê chuẩn để trở thành luật. Các phái viên châu Âu sẽ họp vào ngày 25/12 để rà soát thỏa thuận và dự kiến sẽ duyệt để trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn chính thức.

Thỏa thuận làm thay đổi căn bản khuôn khổ cho hoạt động giao thương giữa hai bờ eo biển Anh và giải phóng Quốc hội Anh khỏi nhiều trong số những ràng buộc mà địa vị thành viên EU bắt buộc phải tuân thủ. Thỏa thuận cho phép thương mại phi thuế quan giữa hai bên sau ngày 31/12, nhưng chế độ này không áp dụng đối với dịch vụ - lĩnh vực chiếm khoảng 80% nền kinh tế Anh - hay ngành dịch vụ tài chính.

Các công ty xuất khẩu hàng hóa cũng sẽ phải chuẩn bị cho sự trở lại của các thủ tục hải quan tại biên giới và khả năng xảy ra tắc nghẽn, gián đoạn tại các cảng biển Anh.

Đối với ông Johnson, "kiến trúc sư" Brexit và vị Thủ tướng thứ ba của nước Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra vào năm 2016, thỏa thuận vừa đạt được đánh dấu cột mốc lớn tiếp theo sau khi ông giành chiến thắng bầu cử áp đảo vào năm gnoais nhờ lời hứa "hoàn tất Brexit".

Đối mặt với sự chia rẽ của cử tri, nền tài chính quốc gia trở nên ảm đạm vì Covid-19, và Scotland muốn tách hoàn toàn khỏi Anh, thách thức tiếp theo của ông Johnson là chứng minh rằng nước Anh hoàn toàn có thể "sống tốt" bên ngoài EU. Xét về khả năng tiếp cận với khối thị trường chung và liên minh hải quan EU, địa vị của Anh sau Brexit thậm chí còn kém hơn cả một số nước châu Âu không phải thành viên EU như Na Uy và Thụy Sỹ.

Các cuộc khảo sát cho thấy doanh nghiệp Anh còn chưa sẵn sàng cho các thủ tục hải quan và kiểm tra biên giới hậu Brexit. Chính phủ của ông Johnson đã cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, số xe tải phải xếp hàng đợi thông quan có thể lên tới 7.000 xe.

Khi Anh không còn là thành viên EU, các công ty tài chính Anh sẽ bị tước quyền cung cấp dịch vụ trên khắp EU, và sẽ phải đợi xem liệu EU có cho phép họ tiếp tục hoạt động như vậy hay không. Điều này chưa có gì chắc chắn, và dù có được cấp, quyền đó cũng có thể bị rút lại bất kỳ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, Dublin, Frankfurt, Amsterdam và Paris đã bắt đầu cạnh tranh mạnh với London ở vị thế trung tâm tài chính châu Âu. Các ngân hàng từ JPMorgan Chase cho tới Goldman Sachs đã chuyển khoảng 7.500 nhân viên và 1,6 nghìn tỷ USD tài sản khỏi Anh vì Brexit.

Thỏa thuận vừa đạt được sẽ giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế đối với Anh khi ra khỏi EU, nhưng tăng trưởng dài hạn của nước này vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Brexit không thỏa thuận sẽ khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh giảm đi 1,5% vào năm 2021, theo ước tính của Bloomberg. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Anh vẫn sẽ mất 0,5 điểm phần trăm mỗi năm trong thập kỷ tới nếu so với trường hợp nước này vẫn là thành viên EU.

Tỷ giá đồng Bảng so với đồng USD hiện vẫn đang thấp hơn so với mức ở trước thời điểm trưng cầu dân ý Brexit. Năm nay, FTSE 100 của chứng khoán Anh là một trong những chỉ số có mức giảm điểm tệ nhất ở khu vực Tây Âu.

Chuyên đề