An Giang “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh An Giang đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2022 để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Do kết quả giải ngân 3 quý đầu năm chưa được như kỳ vọng, UBND Tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt cho giai đoạn nước rút.
Đến hết tháng 9/2022, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh An Giang ước đạt hơn 2.648 tỷ đồng, tương ứng 37,49% kế hoạch. Ảnh minh họa: Thế Linh
Đến hết tháng 9/2022, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh An Giang ước đạt hơn 2.648 tỷ đồng, tương ứng 37,49% kế hoạch. Ảnh minh họa: Thế Linh

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, tổng kế hoạch vốn trong năm 2022 là hơn 7.064 tỷ đồng (bao gồm 1.499 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2021), lũy kế giải ngân đến hết tháng 8 mới đạt hơn 1.949 tỷ đồng, bằng 27,6% kế hoạch. Trong đó, thanh toán vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đạt 466 tỷ đồng, tương ứng 31,1%; vốn kế hoạch năm 2022 đạt 1.483 tỷ đồng, tương ứng 26,66%. Ước tính đến hết tháng 9/2022, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công đạt hơn 2.648 tỷ đồng, tương ứng 37,49% kế hoạch. Dù tỷ lệ giải ngân chưa như kỳ vọng, tỉnh An Giang có cơ sở để đặt quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay, bởi dự báo nhu cầu thanh toán vốn trong quý IV/2022 sẽ rất lớn. Con số khái toán khoảng hơn 2.839 tỷ đồng, tương ứng 40,19% kế hoạch năm, trong đó thanh toán vốn kế hoạch năm 2021 kéo dài là 596 tỷ đồng (đạt 39,75%), thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 2.243 tỷ đồng (đạt 40,31%).

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá, 2 năm vừa qua, An Giang chủ yếu tập trung thực hiện thủ tục đầu tư và thủ tục lựa chọn nhà thầu với các dự án trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 nên khối lượng thi công các dự án chưa nhiều, tỷ lệ giải ngân chưa cao. Riêng năm 2022, Tỉnh có 170 dự án khởi công mới, chiếm 70,25% số dự án kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trong những tháng đầu năm, các chủ đầu tư mới thực hiện xong thủ tục chuẩn bị đầu tư, do vậy chưa có nhiều khối lượng để thanh toán, giải ngân. Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân các tháng qua thấp do khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và biến động giá cả vật liệu xây dựng (cát san lấp) làm ảnh hưởng tiến độ thi công. Một số nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ thi công, đánh giá thực tế cho thấy năng lực triển khai thi công chậm, việc bố trí nhân lực, thiết bị và triển khai biện pháp thi công chưa bảo đảm như hồ sơ dự thầu.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, ông Bình cho biết, An Giang sẽ áp dụng 6 giải pháp. Trong đó, đáng chú ý, Tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời xử lý nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các cá nhân cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. An Giang sẽ nâng cao chất lượng khâu thủ tục chuẩn bị đầu tư, rà soát xác định các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Về nút thắt bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các chủ đầu tư tích cực phối hợp với đơn vị liên quan xử lý vướng mắc khâu duyệt phương án bồi thường, chi trả và vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh An Giang yêu cầu tiếp tục rà soát danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đối với dự án nhóm C dự kiến khởi công năm 2023 đã bảo đảm đủ thủ tục, có nhu cầu triển khai ngay thì đăng ký thực hiện ngay trong năm 2022. Với dự án nhóm B dự kiến khởi công năm 2023 đã bảo đảm đầy đủ thủ tục, có nhu cầu triển khai thì đề nghị ứng vốn thực hiện trong năm 2022, hoàn trả tạm ứng trong năm 2023.

Quý cuối năm 2022, tỉnh An Giang sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 cả nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương cho mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Việc điều chỉnh sẽ theo nguyên tắc cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có mức độ hấp thụ, giải ngân tốt hơn.

Cũng theo UBND tỉnh An Giang, việc tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân sẽ được thực thi nghiêm túc. Với số vốn 297,4 tỷ đồng dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tỉnh đang đốc thúc các chủ đầu tư, chủ chương trình khẩn trương tổ chức thực hiện giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, một công việc trọng tâm khác là các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu… và bám sát diễn biến thị trường để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng nhằm khơi thông vướng mắc phát sinh.

“An Giang xác định đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm. Quý IV/2022 là thời gian chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, Tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, thanh toán vốn. Với các dự án lớn, cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc để tiến trình thực hiện đúng kế hoạch”, ông Bình nói.

Chuyên đề