Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Phóng viên Báo Đấu thầu có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD Group xung quanh đề xuất nhiều tranh cãi này.
Nhiều người cho rằng triển khai dự án này theo hình thức BOT là việc “tư hữu hóa” hồ Gươm, vốn đang là niềm tự hào của Thủ đô, là nơi mọi người tìm đến để ngắm cảnh, đi dạo… Ông nghĩ sao?
Trên thực tế việc triển khai dự án này theo hình thức BOT như AMD Group đã đề xuất không đồng nghĩa với việc thu phí đi dạo hồ Gươm. Hồ Gươm vẫn là của nhân dân mà thôi. Hình thức “thu phí” có thể là đề nghị được tổ chức kinh doanh khu vực đó, ví dụ trông xe, mở các điểm bán hàng… Rõ ràng, có hay không có dự án tuyến đường ghi danh này, thì các dịch vụ nói trên vẫn đang được triển khai và người dân vẫn đang trả phí cho các dịch vụ đó.
Tôi cũng xin nhắc lại, doanh nghiệp là một chủ thể kinh doanh nên khi đề xuất một phương án nào, cũng đều cân nhắc đến lợi ích thu về. Dự án đó đương nhiên cần được cân nhắc, đánh giá tính phù hợp, khả thi với quy hoạch chung, với văn hóa truyền thống… Đó là một chặng đường dài.
Theo tôi được biết, Dự án Con đường gốm sứ mỗi doanh nghiệp chỉ triển khai một đoạn nhỏ và gắn logo lên quảng bá. Chi phí vì vậy cũng không quá lớn. Đó có thể là chi phí quảng cáo, truyền thông, hay thậm chí là một khoản đóng góp mang tính nghĩa vụ đối với cộng đồng. Dự án Tuyến đường ghi danh lại khác. Diện tích lát đá cũng như yêu cầu chất lượng (tính chịu lực, chịu nhiệt, chịu mài mòn,…) của sản phẩm đá tương đối cao. Chi phí bỏ ra vì vậy không hề nhỏ, mặc dù chưa có phương án tính toán cụ thể. Một doanh nghiệp như AMD vì vậy dù có cơ hội quảng bá cho sản phẩm của mình, vẫn không đủ tiềm lực để trang trải toàn bộ chi phí. Đó là lý do chúng tôi đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Dư luận hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều khi đề xuất của Công ty được đưa ra. Ngoài việc thu phí như chúng tôi vừa đề cập, người ta cho rằng dự án này không phù hợp với văn hóa Việt Nam – là trân trọng tên tuổi danh nhân, khó có thể “dẫm lên” được. Ngoài ra, họ còn cho rằng Dự án chưa thực sự cần thiết, rằng còn quá nhiều việc cần làm…
Nếu chỉ nhìn những việc cần làm mà không xắn tay làm bất cứ việc gì, e rằng mãi mãi chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ. Là doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mong muốn góp sức tạo ra sản phẩm, dịch vụ nào đó có lợi cho sự phát triển, cho đời sống văn hóa của người dân. Còn việc phù hợp hay không với văn hóa, thì tôi tin thành quả hội nhập bấy lâu nay trong lĩnh vực văn hóa đã cho thấy quan niệm người dân thay đổi rất nhanh. Người ta vẫn tự hào khi đặt chân đến “đại lộ danh vọng” tại Mỹ, chụp ảnh với những viên đá có tên thần tượng, tại sao lại không ở ngay trái tim của Thủ đô?
Tất nhiên, dự án nào cũng có thể vấp nhiều luồng ý kiến. Chúng tôi cho rằng đó là điều cần thiết, để các bên ngồi lại quyết định một phương án tối ưu, phù hợp nhất, nhận được đồng thuận lớn nhất từ người dân.
Đến nay kế hoạch đã triển khai đến đâu rồi, thưa ông?
Chúng tôi mới có một cuộc tiếp xúc với Sở Xây dựng Hà Nội. Tất cả đang ở phía trước. Hiện mới chỉ là đề xuất của chúng tôi dựa trên quy hoạch của Thành phố. Nếu Dự án hấp dẫn, không ngoại trừ sẽ có nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia, và cơ quan chức năng sẽ phải lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo công bằng và tối ưu hóa nguồn lực của Nhà nước.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu