Alibaba gây thất vọng với kết quả kinh doanh quý sau loạt đòn giáng của Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên trong hơn 2 năm, doanh thu quý của Alibaba Group không đạt dự báo do tác động của chiến dịch siết chặt giám sát kéo dài nhiều tháng của chính phủ Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ...
Alibaba chịu nhiều áp lực kể từ cuối năm ngoái, sau khi IPO của công ty liên kết Ant Group bị đình chỉ - Ảnh: Bloomberg
Alibaba chịu nhiều áp lực kể từ cuối năm ngoái, sau khi IPO của công ty liên kết Ant Group bị đình chỉ - Ảnh: Bloomberg

Trong quý 2/2021, doanh thu của Alibaba đạt 205,7 tỷ Nhân dân tệ (31,8 tỷ USD), thấp hơn so với mức dự báo trung bình 209,4 tỷ Nhân dân tệ của các nhà phân tích. Công ty ghi nhận lợi nhuận ròng 45,1 tỷ Nhân dân tệ, phục hồi từ quý lỗ trước đó sau án phạt kỷ lục vì vi phạm quy định chống độc quyền.

Tăng trưởng doanh thu của Alibaba giảm mạnh nhất trong các mảng kinh doanh chính, từ thương mại điện tử cho tới điện toán đám mây. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng các quy định mới của Bắc Kinh sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng cũng như tăng gánh nặng cho giới doanh nghiệp công nghệ nước này.

Giá cổ phiếu Alibaba giảm 1,4% trên thị trường chứng khoán New York trong phiên giao dịch ngày 3/8.

Alibaba là một trong những hãng internet khổng lồ đầu tiên tại Trung Quốc hứng chịu “sức nóng” từ chiến dịch siết chặt giám sát các lĩnh vực từ thương mại điện tử, gọi xe công nghệ cho tới công nghệ giáo dục của chính phủ nước này.

Nhiều tháng sau khi chịu án phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy định chống độc quyền, Alibaba đang bơm tiền vào nền tảng bán hàng giảm giá, thương mại điện tử theo nhóm đề bù đắp cho tăng trưởng suy giảm, trong bối cảnh các đối thủ như Pinduoduo và JD.com đang đe dọa vị thế thống trị của đế chế này.

Theo Bloomberg, sau án phạt kỷ lục, Alibaba đang tiến tới hợp tác với Tencent bằng cách tạo một ứng dụng nhỏ cho nền tảng Taobao Deals trong dịch vụ WeChat của Tencent. Tờ Wall Street Journal cũng cho biết Alibaba đang cân nhắc cho phép khách hàng sử dụng WeChat Pay trên nền tảng Taobao và Tmall của mình.

“Nếu Tencent và Alibaba cởi mở với nhau, đôi bên đều có lợi. Alibaba sẽ hưởng lợi nhiều hơn bởi công ty này đang muốn tăng lưu lượng truy cập người dùng, trong khi Tencent muốn tăng giá trị giao dịch trên các nền tảng của mình. Tuy nhiên, chưa rõ mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào”, nhà phân tích Shawn Yang của Blue Lotus Capital Advisor cho biết.

Kể từ sau án phạt dành cho Alibaba, các nhà chức trách liên tiếp có nhiều động thái siết chặt giám sát với lĩnh vực công nghệ. Hồi tháng 4, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc đã khởi động một cuộc điều tra nhằm vào Meituan, đồng thời yêu cầu 34 hãng công nghệ lớn, trong đó có Alibaba và các công ty con, tiến hành rà soát nội bộ và khắc phục các vấn đề nếu có.

Vào tháng 7, cơ quan quản lý không gian mạng công bố điều tra Didi Global Inc - công ty đứng sau ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Sau đó, Didi bị buộc phải gỡ bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốc do vi phạm trong việc xử lý dữ liệu người dùng. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi công ty này niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ.

Đến nay, Alibaba đã mất hơn 300 tỷ USD vốn hóa so với mức đỉnh hồi tháng 10 năm ngoái - thời điểm ngay trước khi công ty liên kết Ant Group bị đình chỉ IPO. Trong quý 1/2021, lợi nhuận của Ant đã giảm xuống còn 2,1 tỷ USD sau khi các cơ quan chức năng yêu cầu công ty này phải cải tổ toàn diện hoạt động kinh doanh. Ngày 3/8, Alibaba công bố tăng thêm 50% chương trình mua lại cổ phiếu, nâng tổng giá trị chương trình này lên 15 tỷ USD.

Trong khi đó, các rủi ro liên quan tới đại dịch tại Trung Quốc cũng đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của các công ty như Alibaba. Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng bùng dịch trở lại sau khi phát hiện biến thể Delta tại nhiều thành phố ở phía Nam cũng như một số thành phố phía Bắc, trong đó có Bắc Kinh.

Hồi tháng 5, Alibaba dự báo tăng trưởng doanh thu của công ty đạt khoảng 30% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, giảm đáng kể so với mức 41% của năm trước đó. Dự báo này cho thấy thị phần của Alibaba trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc có thể sẽ lần đầu tiên xuống dưới 50% trong năm 2021, theo một báo cáo của hãng nghiên cứu eMarketer công bố ngày 30/7.

Số lượng khách hàng hoạt động hàng năm trên các nền tảng bán lẻ của Alibaba đang tăng trưởng chậm hơn dự báo, đạt 828 triệu trong quý 2/2021. Công ty này hiện có tổng cộng 912 triệu người dùng tại thị trường Trung Quốc và đang nhắm tới mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng vào cuối năm 2021. Trong khi đó, doanh thu từ mảng điện toán đám mây tăng trưởng 29% trong quý 2. Tăng trưởng trong mảng này của Alibaba đã giảm quý thứ hai liên tiếp sau khi mất một khách hàng lớn.

Ông Daniel Zhang, Giám đốc điều hành (CEO) của Alibaba, ngày 3/8 khẳng định Alibaba ủng hộ việc chính phủ ban hành các quy định mới trong năm 2021 đầy biến động với nhiều biện pháp như siết chặt kiểm soát việc thu thập dữ liệu người dùng. Đặc biệt, ông cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch kéo dài 6 tháng vừa được khởi động vào tuần trước của cơ quan giám sát lĩnh vực internet.

Chuyên đề