Alibaba có thể bị phạt tới 1 tỷ USD vì kinh doanh độc quyền

0:00 / 0:00
0:00
Nhà chức trách Trung Quốc cũng đang cân nhắc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số tài sản không liên quan tới hoạt động bán lẻ trực tuyến cốt lõi...
Sóng gió bắt đầu ập đến với Alibaba cũng như công ty liên kết Ant Group từ cuối năm 2020 - Ảnh: Reuters
Sóng gió bắt đầu ập đến với Alibaba cũng như công ty liên kết Ant Group từ cuối năm 2020 - Ảnh: Reuters

Các nhà quản lý chống độc quyền Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng mức phạt kỷ lục đối với tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd với cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thân cận cho biết.

Theo nguồn tin, khoản phạt dành cho Alibaba có thể còn lớn hơn khoản phạt 975 triệu USD mà công ty Qualcomm phải nộp vì vi phạm luật cạnh tranh vào năm 2015.

Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc cũng đang cân nhắc yêu cầu Alibaba thoái vốn khỏi một số tài sản không liên quan tới hoạt động bán lẻ trực tuyến cốt lõi.

Từ cuối tháng 10/2020, Alibaba bắt đầu rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc sau phát ngôn chỉ trích hệ thống quản lý tài chính nước này của người đồng sáng lập Jack Ma. Cuối tháng 12, Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào đế chế khổng lồ này. Cuộc điều tra bắt đầu sau khi nhà chức trách Bắc Kinh đình chỉ thương vụ niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group - công ty tài chính liên kết của Alibaba. IPO của Ant khi đó được kỳ vọng mang về 37 tỷ USD, là thương vụ niêm yết công nghệ lớn nhất lịch sử.

Trong quá khứ, Alibaba cũng nhiều lần bị các đối thủ và đối tác bán hàng chỉ trích vì cấm nhà cung cấp bán hàng trên những nền tảng thương mại điện tử khác - tức chỉ được "chọn một trong hai".

Alibaba hiện đối mặt với hai thách thức: điều chỉnh các hành vi bị nhà chức trách cáo buộc là vi phạm luật cạnh tranh và giải quyết những rắc rối liên quan tới chính trị.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng dù có thể áp mức phạt nặng, các biện pháp của Bắc Kinh nhằm Alibaba cũng không thể làm tê liệt đế chế khổng lồ này - với các mảng kinh doanh gồm bán lẻ trực tuyến, giải trí, truyền thông và điện toán đám mây.

Không giống như Ant Group, vốn bị các nhà quản lý xem là "kẻ gây rối và là mối đe dọa với sự ổn định của hệ thống tài chính", Alibaba được coi là niềm tự hào của Trung Quốc, là bộ mặt của sự đổi mới công nghệ quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Theo thống kê năm 2019, khoảng 780 triệu người tiêu dùng Trung Quốc, tương đương một nửa dân số Trung Quốc, đã mua hàng qua các nền tảng của Alibaba.

"Với một công ty có lợi nhuận gần 20 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất, thì một khoản phạt có thể giúp họ dùng tiền giải quyết vấn đề và tiếp tục tiến lên", tờ Wall Street Journal nhận định. "Một số lãnh đạo của Alibaba thậm chí từng nói rằng một khoản phạt khổng lồ ít nhất mang đến sự giải tỏa cần có đối với một công ty đang chìm trong những bất ổn liên quan tới pháp lý và tinh thần nhân viên sa sút".

Cổ phiếu Alibaba, hiện niêm yết tại cả sàn chứng khoán New York và Hồng Kông, đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa - tương đương 20% vốn hóa thị trường - kể từ khi sóng gió ập đến với đế chê này vào cuối năm ngoái.

Giá cổ phiếu Alibaba tại Hồng Kông tăng 1,7% trong phiên giao dịch sáng ngày 12/3, sau khi cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York tăng 2,8% trong phiên 11/3 nhờ sự đi lên của thị trường. Dù vậy, giá cổ phiếu Alibaba tại New York hiện vẫn thấp hơn 24% so với thời điểm tháng 10/2020.

Chuyên đề